Vẫn biết nhiều khi so sánh giữa một nước phát triển và một nước đang phát triển, như ở nhà, là một sự khập khiễng. Nhưng những so sánh cứ tự nhiên trở về khi mình có dịp tiếp xúc và làm việc với người ở các nước ngoài này.
Nghe bạn kể vanh vách từng tên ông thầy ăn tiền sinh viên, mình ngồi nghe mà tròn mắt. Có thầy dạy xong bảo lớp trưởng lên nói chuyện, lớp trưởng lên hỏi chuyện gì, thầy bảo đứa nào muốn đậu đóng 1 triệu, đứa nào không đóng không đậu. Lớp trưởng về báo cáo lại, một số bạn nộp tiền cho lớp trưởng, gửi thầy, các bạn đó đậu, các bạn còn lại rớt. Có thầy sau khi dạy xong, bảo sinh viên muốn biết điểm nhắn tin điện thoại cho thầy, sinh viên nhắn tin để nhận lại giá tiền muốn đậu phải nộp. Cái danh sách cứ dài ra, mà có phải thầy ở trường hạng hai, hạng ba đâu, đằng này toàn các thầy thuộc trường hàng đầu ở Sài Gòn. Ngày xưa, đứa em kể đi học mấy đứa nào dẫn thầy đi nhậu, đứa đó đậu, những đứa không có tiền dẫn thầy đi nhậu hoặc đưa tiền cho thầy, rớt. Lúc đầu mình không tin, giờ càng ngày càng hiểu. Bạn bảo thêm, các thầy đi dạy rất giàu, mặc dù mình thấy đi dạy mỗi tiết (45 phút), chỉ có 90 ngàn. Ông thầy như vua, vừa dạy vừa chấm điểm cho sinh viên, muốn cho đứa nào điểm cao thì cho, muốn cho rớt thì rớt.
Còn giáo dục Nauy. Chuyện thi cử của họ rất nghiêm túc. Khi làm bài thi, mỗi sinh viên được phát cho một xấp giấy làm bài thi. Mỗi tờ giấy làm bài thi bao gồm 3 tờ giấy mỏng dính chồng lên nhau. Tờ trên cùng màu trắng dùng để viết trực tiếp lên, tờ thứ hai nằm giữa màu vàng, và tờ cuối cùng màu trắng nhạt, hai tờ giữa và cuối là kiểu giấy in. Khi sinh viên viết bài lên tờ giấy đầu, hai tờ giấy nằm dưới cũng tự động lưu lại những gì sinh viên viết. Cuối buổi thi hai tờ trên cùng gửi cho giám khảo gửi để chấm bài, tờ dưới cùng sinh viên giữ lại, để có gì sau này đối chiếu. Hai tờ kết quả của sinh viên sau đó sẽ được gửi cho hai giám khảo chấm bài. Tờ đầu (mà sinh viên viết trực tiếp lên) được gửi cho một giám khảo phụ thuộc trường khác dùng để chấm điểm cho sinh viên. Tờ thứ hai được gửi cho một giám khảo chính (thường là giáo sư của môn dạy hay trợ giảng) để chấm bài. Sau khi hai giám khảo chính và phụ chấm xong, hai người sẽ so sánh điểm của nhau và thảo luận nếu điểm của cùng một sinh viên mà hai người chấm khác nhau. Và điểm cuối cùng thì hai giám khảo sẽ phải kí và gửi cho ban quản lý. Bằng cách để cho sinh viên nắm một bản bài thi giúp cho các giám khảo không thể nào sửa bài sinh viên. Việc để cho giám khảo chính nắm bản thứ 2, thay vì bản thứ 1, vì bản thứ 2 là bản giấy in, nên giám khảo chính không thể sửa bài của sinh viên nếu cho dù trong quá trình dạy có tình cảm với sinh viên đi chăng nữa. Khi hai giám khảo cùng chấm bài và so sánh, mà một giám khảo nằm ở trường khác, thì khả năng giám khảo chính chấm thiên vị cho sinh viên cũng không còn. Khi có một vị giám khảo nằm ở trường ngoài chấm điểm thì họ sẽ biết ông thầy trường chính đang dạy những gì và có đàng hoàng tử tế hay không. Ông thầy trường chính do đó cũng phải dạy và thi cho nó đàng hoàng tử tế.
Người phương Tây rất thực tế, họ thiết kế một cơ chế để giảm thiểu tiêu cực, chứ không kêu gọi suông kiểu “nói không với tiêu cực” hay mong chờ lòng tự trọng (vốn đã không còn ở các ông thầy nhận tiền sinh viên để cho điểm).
Oslo, 30.9. 2013
Leave a Reply