Biển miền Trung. Nguồn: BBC Tiếng Việt. |
Phát ngôn của ông Chu Xuân Phạm, giám đốc đối ngoại của Formosa Hà Tĩnh rằng chúng ta phải chọn một trong hai, giữa tôm cá hay là nhà máy thép, là một sự thành thật, dù đó là một sự thành thật đau đớn.
Một nhà máy của một ngành công nghiệp ô nhiễm như nhà máy thép chắc chắn là có tác động xấu đến môi trường, và sự suy giảm hay chết chóc của tôm cá do đó là một hệ quả tất yếu. Đó là một sự đánh đổi. Tuy vậy, có hai câu hỏi là sự đánh đổi đó có đáng hay không? Và ai là người được lợi?
Cho đến nay, chưa có một kết luận chính thức nào Formosa là thủ phạm trực tiếp gây độc môi trường. Tuy vậy, những bằng chứng mà người dân và báo chí thu thập được đang chĩa ngón tay về phía Formosa như một thủ phạm. Đó là hiện tượng nước biển trở thành độc chỉ diễn ra từ Vũng Áng, Hà Tĩnh và lan xuống phía Nam đến Huế. Sự lan tỏa đó góp phần nhờ ở dòng hải lưu biển đang ở mùa xuôi Nam. Đó là việc xả thải của Formosa hàng ngàn mét khối nước thải ra biển hàng ngày mà không ai biết đó là những chất thải gì, là việc dùng 300 tấn hóa chất độc địa để cọ rửa ống xử lý nước thải và thả thẳng ra biển. Mà sự độc địa của nguồn nước biển không những khiến cá chết mà chim lỡ ăn cá cũng chết và người ăn nhầm cá đều đã bị ngộ độc và phải cấp cứu. Nạn nhân mới nhất là một thợ lặn cho Formosa trong dự án xây bờ kè đã đột tử và bị nghi là nhiễm độc chất trong khi lặn. Những nghi ngờ không phải là không có căn cứ khi Formosa đã từng có thành tích phá hủy môi trường và được tổ chức bảo vệ môi trường của Đức tặng cho giải thưởng «Hành tinh Đen» (Black Planet Award) vì những hành động làm ô nhiễm và đầu độc môi trường ở tất cả những nơi công ty có hoạt động sản xuất từ Đài Loan, Mỹ, đến Campuchia.
Hậu quả của độc chất trong nước biển không chỉ dừng lại ở chỉ bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Huế mà sẽ có tác động rất lớn và lâu dài. Với tốc độ của dòng hải lưu khoảng 0,3- 0,5 mét/giây, sẽ mất khoảng 10 ngày để dòng hải lưu biển mang độc chất đi một đoạn đường dài 250 cây số — đó cũng là khoảng cách theo đường chim bay từ Vũng Áng Hà Tĩnh đến Huế. Với khoảng cách 620 cây số từ Huế đến Nha Trang, nếu sự độc hóa được tiếp tục thì với tốc độ chảy của dòng hải lưu, chỉ trong vòng hơn ba tuần là vùng biển Khánh Hòa và Nam Trung Bộ bắt đầu nhiễm độc. Và nếu như sự độc hóa nước biển được tiếp tục thì vào cuối năm nay, bắt đầu từ tháng 8, khi dòng hải lưu đổi hướng ngược về phía Bắc, chúng ta sẽ chứng kiến sự độc hóa nước biển lan tỏa ra các vùng nước ở Vịnh Bắc Bộ. Cá sẽ chết ở Cửa Lò – Nghệ An, Sầm Sơn – Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh. Và đó là lúc biển Việt Nam chết, từ Bắc vào Nam.
Nhưng tác hại sẽ không dừng ở biển. Độc chất, cho dù ở một mức độ nhỏ, có thể không đủ sức giết chết cá hay người, vẫn sẽ hiện diện rất lâu trong môi trường. Độc chất lan tỏa ở biển, ngấm vào các mạch nước ngầm, và vào các sông hồ. Khi mà những mạch nước ngọt ngầm trong đất đều đã bị độc hóa thì nước Việt Nam không còn gì để sống. Chúng ta không ăn cá thì có thể ăn thịt, nhưng không ai có thể nhịn uống nước ngọt. Và khi nguồn độc hóa vẫn tiếp tục làm độc biển và môi trường thì sẽ đến một ngày rất gần, chỉ vài năm thôi, chúng ta sẽ chứng kiến dân tộc Việt Nam lụi tàn.
Sẽ có nhiều người cho rằng đây là một điều phóng đại. Nhưng chúng ta hãy nhìn kỹ hơn tác động của độc chấn dioxin để lại di chứng cho các thế hệ như là một ví dụ. Cho đến nay chúng ta chưa biết rõ hết tính chất của độc chất làm độc biển, nhưng những gì chúng ta chứng kiến cho thấy một sự tàn phá mạnh mẽ và hiểm nguy. Có lẽ sẽ phải mất hàng năm, hàng chục năm để nhận diện hết tác động của độc chất trong môi trường. Đó sẽ là bệnh tật nhiều hơn và tuổi thọ giảm xuống.
Câu chuyện ô nhiễm ở vùng vịnh Minamata của Nhật Bản là một ví dụ khác. Công ty Chisso, một công ty sản xuất hóa chất hàng đầu của Nhật Bản, đã thải hóa chất methyl thủy ngân (một loại thủy ngân hữu cơ) xuống vịnh Minamata kể từ năm 1932 đến năm 1968. Thủy ngân làm độc hóa tất cả các loại hải sản trong vùng vịnh và khi ăn hải sản cơ thể người, một cách trực tiếp, hấp thụ thủy ngân. Hậu quả của nó là bệnh tật ở người trưởng thành từ đau đầu, mệt mỏi, mất khả năng vị giác, khữu giác, hay quên…, và sinh ra những đứa bé bị tàn tật. Sự ô nhiễm thủy ngân sau đó buộc chính quyền phải nạo vét lòng vịnh trong suốt 14 năm và tiêu tốn một kinh phí tới 48,5 tỉ yên.
Một nguy cơ trước mắt khác đó là sự mất kế sinh nhai của hàng vạn đồng bào ven biển miền Trung, những người hành nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, cũng như những đồng bào khác hành nghề du lịch. Những người mà hàng ngàn đời nay sống nhờ biển, giờ đây phải chọn một nghề khác. Và ai sẽ giúp họ hay họ sẽ phải tự lực mưu sinh?
Những người Việt Nam lớn lên hôm nay đều được dạy rằng nước Việt Nam có «rừng vàng, biển bạc». Đó không hẳn là một câu nói phóng đại. Với 3260 cây số bờ biển, biển Việt Nam đã đem lại nguồn mưu sinh cho hàng triệu người sống dọc bờ biển và nuôi sống bao nhiêu thế hệ từ ngày lập quốc. Đó là nguồn «bạc» vô giá của đất nước.
Giờ đây, khi biển và nước bị đầu độc, với những người Việt Nam dù không quan tâm đến đất nước cũng phải có một lựa chọn: hoặc là chúng ta im lặng và nhìn đất nước lụi tàn, hoặc là kêu gọi một sự chấm dứt nguồn độc hóa môi trường và đưa ra pháp luật những người đã tiếp tay cho việc độc hóa diễn ra. Thời gian có lẽ không còn nhiều cho một suy nghĩ, vì khi sự độc hóa đã ngấm vào các mạch nước ngọt ngầm thì những vùng đất sẽ trở thành những vùng đất chết.
Dòng hải lưu chảy xuôi từ tháng 2 và chảy ngược từ tháng 8. Nguồn: Fang, G. et al (2012). |
Dòng hải lưu chảy xuôi từ tháng 2 và chảy ngược từ tháng 8. Nguồn: Hu, J., et al. (2000). |
Tham khảo:
[1] «Giám đốc đối ngoại Formosa: Không thể được cả 2, phải chọn hoặc nhà máy, hoặc cá tôm». Báo VTC News. Ngày 25/4/2016. Nguồn: http://vtc.vn/giam-doc-doi-ngoai-formosa-khong-the-duoc-ca-2-phai-chon-hoac-nha-may-hoac-ca-tom.2.616315.htm
[2] «Hồ sơ hủy hoại môi trường của Formosa trên thế giới kinh khủng như thế nào?». Báo CafeF. Ngày 25/4/2016. Nguồn: http://cafef.vn/ho-so-huy-hoai-moi-truong-cua-formosa-tren-the-gioi-kinh-khung-nhu-the-nao-20160425164430363.chn
[3] “‘Yếu tố độc cực mạnh’ gây hiện tượng cá chết hàng loạt”. Báo VnExpress. Ngày 23/4/2016. Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/yeu-to-doc-cuc-manh-gay-hien-tuong-ca-chet-hang-loat-3392108.html
[4] “Ngoài nước thải độc, cứ 1 tấn thép ra lò ở Formosa, sẽ thải ra hơn nửa tấn chất thải rắn, 2,3 tấn khí độc, gây bụi kim loại và mưa axit”. Báo CafeF. Ngày 25/4/2016. Nguồn: http://cafef.vn/ngoai-nuoc-thai-doc-cu-1-tan-thep-ra-lo-o-formosa-se-thai-ra-hon-nua-tan-chat-thai-ran-23-tan-khi-doc-gay-bui-kim-loai-va-mua-axit-20160425202801641.chn
[5] “15 tấn cá thối trên xe vào Nam”. Báo VNExpress. Ngày: 23/4/2016. Nguồn: http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/15-tan-ca-thoi-tren-xe-vao-nam-3392077.html
[6] “Gần 200 người bị ngộ độc sau khi ăn hải sản “nghi” nhiễm độc”. Báo Người Lao Động. Ngày: 22/4/2016. Nguồn: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/gan-200-nguoi-bi-ngo-doc-sau-khi-an-hai-san-nghi-nhiem-doc-20160422200215802.htm
[7] “Một người bị ngộ độc nghi do ăn cá chết tại Quảng Bình”. Báo Nhân Dân. Ngày: 19/4/2016. Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/nation_news/item/29356602-mot-nguoi-bi-ngo-doc-nghi-do-an-ca-chet-tai-quang-binh%C2%A0.html
[8] «Một thợ lặn ở Vũng Áng tử vong». Báo Giao thông. Ngày 25/4/2016. Nguồn: http://www.baogiaothong.vn/mot-tho-lan-o-vung-ang-tu-vong-d147470.html
[9] «Sau thảm họa cá chết ở Miền Trung: 4 ngư dân ra khơi một đêm, chia nhau được 20 ngàn đồng». Báo Lao động. Ngày 24/4/2016. Nguồn: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/sau-tham-hoa-ca-chet-o-mien-trung-4-ngu-dan-ra-khoi-mot-dem-chia-nhau-duoc-20-ngan-dong-544462.bld
[10] Fang, G. et al., 2012. «A review on the South China Sea western boundary current”. Acta Oceanologica Sinica. Nguồn: http://link.springer.com/article/10.1007%2Fs13131-012-0231-y
[11] Hu, J., et al., 2000. “A Review on the Currents in the South China Sea: Seasonal Circulation, South China Sea Warm Current”. Journal of Oceanography.
[12] Sơ đồ dòng chảy hải lưu. Viện khoa học thuỷ lợi Việt Nam. Nguồn: http://www.vawr.org.vn/images/Image/IMAGE575.jpg
Leave a Reply