Lời giới thiệu: Xây dựng một phong trào vì sự tiến bộ xã hội, một phong trào mà những giá trị của nó đi xa hơn dân chủ và tự do, nó còn ở đó là câu hỏi rằng liệu chúng ta muốn phát triển đất nước theo chiều hướng nào và làm thế nào để thay đổi đất nước theo một chiều hướng như vậy. Muốn làm được điều đó tất cần những cá nhân hiểu biết, được trang bị một lượng tri thức nhất định trong các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, lịch sử cho đến văn hóa hay xã hội. Vì lí do đó mà trong một nỗ lực khiêm tốn và một hiểu biết giới hạn của mình, tôi cố gắng thu thập một số đầu sách nhằm giới thiệu đến với những bạn trẻ với hi vọng giúp họ tiếp cận được những nguồn tri thức hữu ích.
Để chọn những quyển sách này, một cách chủ quan, tôi dựa vào ba tiêu chí: (1) sách phải là sách phổ thông, nghĩa là một người trung bình đều có thể đọc hiểu mà không cần một kiến thức chuyên ngành quá sâu nào; (2) sách giúp cho người đọc hiểu những bối cảnh diễn ra xung quanh mình và làm thế nào chúng ta tiến triển đến vị thế như ngày hôm nay, ở bình diện quốc gia và quốc tế; và (3) đâu là những hướng đi cho quốc gia, liệu rằng Việt Nam nên làm gì để phát triển trong những ngày sắp tới, và đâu là những kinh nghiệm ở các nước khác mà chúng ta có thể học hỏi.
Những cuốn sách do đó giúp trang bị cho những cá nhân trung bình hiểu rằng chúng ta đang ở đâu và nên làm gì để thay đổi đất nước trong những ngày sắp tới.
Giá sách cố gắng đưa một cách nhiều nhất những sách tiếng Việt để mọi độc giả đều có thể đọc được. Tuy vậy, vì sự giới hạn của các tác phẩm tiếng Việt, tôi buộc lòng phải giới thiệu một cách chọn lọc nhất một vài tác phẩm tiếng Anh khi nó chưa có bản dịch tiếng Việt.
Về lâu về dài, để bắt kịp tri thức nhân loại, Việt Nam cần trang bị cho những công dân trẻ của mình một khả năng tiếng Anh tốt đủ để đọc và học các kiến thức trực tiếp bằng tiếng Anh. Một giải pháp Việt Nam nên làm là chuẩn bị một lộ trình để chuyển các chương trình giáo dục đại học sang sử dụng tiếng Anh để dạy và học, ít nhất là các môn khoa học. Những chương trình như vậy không chỉ giúp trang bị các kỹ năng tiếng Anh cho các sinh viên mà việc áp dụng trực tiếp các giáo trình tiếng Anh của các đại học tiên tiến còn giúp các sinh viên tiếp cận nhanh chóng với tri thức cập nhật của nhân loại. Một kế hoạch để chuyển đổi các chương trình giáo dục bậc đại học sang dùng tiếng Anh tôi đã có dịp bàn ở đây: https://goo.gl/UmxAqN.
Trong ngắn hạn, để đáp ứng một lượng lớn độc giả không thạo tiếng Anh, xã hội cần ở đó một chính sách khuyến khích dịch các tác phẩm hữu ích.
Một số tác phẩm trong danh sách vì những điều kiện kiểm duyệt khác nhau ở trong nước đã không thể được xuất bản rộng rãi, vì vậy tôi đã giới thiệu một số đường dẫn (link) để các bạn tìm đọc. Một số sách khác các bạn có thể tìm mua ở các nhà sách trong nước, riêng sách tiếng Anh bạn có thể tìm mua trên các trang mạng nước ngoài chẳng hạn như Amazon.
Danh sách này hẳn là sẽ còn rất nhiều thiếu sót, và nó nên được cập nhật thường xuyên. Tôi rất vui nếu anh chị nào tiếp tục làm công việc này, giới thiệu những quyển sách hay kèm lời giới thiệu để nhiều bạn được biết đến hơn. Có lẽ chúng ta cũng nên tạo ra một văn hóa bình phẩm và giới thiệu tác phẩm mới, cả tiếng Việt và tiếng Anh. Có như vậy thì sách tiếng Việt mới đến được nhiều độc giả hơn, và sách tiếng Anh được nhiều người Việt biết đến đặng các nhà xuất bản mua bản quyền mà dịch nếu nó hay.
Chúng ta cũng cần thiết lập thêm những giải thưởng khác nhau trao cho các tác phẩm dịch hay. Có như vậy thì các dịch giả dịch hay sẽ tiếp tục yêu nghề.
Cuối cùng, Giá sách này hình thành nhờ ở sự động viên và ủng hộ của rất nhiều bạn bè mà vì giới hạn của bài viết không thể nêu hết tên. Một sự cảm ơn đặc biệt xin gửi tới các anh chị sau: Đinh Trường Hinh đã giới thiệu và gửi tặng cuốn sách về các chính sách cho công nghiệp nhẹ ở một số nước, Trần Hữu Dũng đã gợi ý nên viết lời giới thiệu và giới thiệu cuốn sách The Great Convergence của Richard Baldwin, và Nguyễn Trang Nhung đã chia sẻ danh sách các quyển sách yêu thích của mình.
Tôi chịu trách nhiệm cuối cùng về những sai sót.
Nguyễn Huy Vũ
25.3.2017
Kinh Tế:
Hiểu Kinh Tế Qua Một Bài Học
Tác giả: Henry Hazlitt.
Giới thiệu: Nguyên tác của tác phẩm là Economics in One Lesson. Cuốn sách một cách ngắn gọn cung cấp các khái niệm cơ bản về kinh tế. Bản tiếng Anh tải miễn phí từ Viện Mises: https://goo.gl/24jnwv
Phi Lý Trí
Tác giả: Dan Ariely
Giới thiệu: Nguyên tác của tác phẩm là Predictably Irrational: The Hidden Forces That Shape Our Decisions. Một câu hỏi là liệu rằng những quyết định chúng ta thực hiện mỗi ngày có luôn luôn mang tính duy lý không? Tác giả đưa ra các ví dụ cho thấy rằng không hẳn vậy. Có những quyết định chúng ta thực hiện nó đi xa khỏi các suy xét lý tính, và do đó, cuốn sách như một lời nhắn rằng có lẽ đã đến lúc chúng ta nên bắt đầu học và để tâm đến các quyết định của mình. Cuốn sách thuộc thể loại Kinh tế học Hành vi (Behavioral Economics) không những giúp người đọc rèn luyện với những phân tích kinh tế mà còn giúp họ thấy rằng kinh tế là những gì rất gần gũi, chứ không hẳn là những con số khô cứng hay chính sách xa xôi.
Kinh Tế Học Hài Hước
Tác giả: Steven D. Levitt và Stephen J. Dubner.
Giới thiệu: Nguyên tác của tác phẩm là Freakonomics: A Rogue Economist Explores the Hidden Side of Everything. Cuốn sách thông qua những câu chuyện dẫn dắt bạn đọc vào những suy xét mang tính duy lý, giúp người đọc thấy sự thú vị của kinh tế và các ứng dụng của nó trong các sinh hoạt đời thường.
Chiến Lược Đại Dương Xanh.
Tác giả: W. Chan Kim và Renée Mauborgne.
Giới thiệu: Nguyên tác của tác phẩm là Blue Ocean Strategy. Câu hỏi đối với một doanh nghiệp là làm sao bạn có thể sáng tạo và vươn lên? Thay vì tiếp tục xoay xở chiến đấu với các doanh nghiệp khác trong một môi trường được gọi là “đại dương đỏ”, thì các doanh nghiệp nên tự mở ra một thị trường mới cho mình được gọi là “đại dương xanh”. Nhưng làm sao để thi hành chiến lược cải tổ và bắt đầu từ đâu? Cuốn sách cung cấp một khung giải pháp giúp các doanh nghiệp thực hiện các đổi mới cũng như giúp cho các cá nhân khởi nghiệp biết nên hướng đến thị trường nào.
Người Giàu Có Nhất Thành Babylon
Tác giả: George Samuel Clason
Giới thiệu: Nguyên tác của tác phẩm là The Richest Man in Babylon. Cuốn sách đưa ra những lời khuyên về tài chính cá nhân. Những lời khuyên không những hữu ích cho mỗi cá nhân những người lớn mà nó nên được rao giảng cho các em nhỏ. Chỉ có như vậy, khi nhiều người trong một dân tộc ai cũng hiểu những nguyên tắc đầu tư và có những quyết định tài chính khôn ngoan, thì nhờ ở tiết kiệm và đầu tư mà nền kinh tế mới mong giàu mạnh.
Chết Dưới Tay Trung Quốc
Tác giả: Peter Navarro và Greg Autry
Giới thiệu: Nguyên tác của tác phẩm là Death by China: Confronting the Dragon – A Global Call to Action. Cuốn sách trình bày những mối đe dọa sống còn của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ, từ hàng hóa độc hại cho tới làm giá đồng Nhân dân tệ để lũng đoạn thị trường Hoa Kỳ, đồng thời chỉ ra các chính sách Hoa Kỳ có thể viện tới để bảo vệ mình. Bản tiếng Việt tải từ đây: https://goo.gl/MPwfKZ
Các Câu Chuyện Từ Mặt Trận Phát Triển Kinh Tế: Kinh nghiệm Trung Quốc và một số nước về tạo việc làm và phát triển thịnh vượng nhờ công nghiệp nhẹ
Tác giả: Đinh Trường Hinh, Thomas G. Rawski, Ali Zafar, Lihong Wang, Eleonora Mavroeidi, với sự cộng tác của Xin Tong, Pengfei Li.
Giới thiệu: Cuốn sách được ấn hành bởi Ngân hàng Thế giới cung cấp các kinh nghiệm về chính sách trong phát triển những ngành công nghiệp nhẹ ở các nước. Bản tiếng Việt tải miễn phí từ đây: https://goo.gl/Ph186s
Turning Sweden Around
Tác giả: Assar Lindbeck, Per Molander, Torsten Persson, Olof Petersson, Agnar Sandmo, Birgitta Swedenborg, Niels Thygesen.
Giới thiệu: Khi cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 xảy ra, giới kinh tế gia thế giới nhìn sang Thụy Điển như một kinh nghiệm để tìm kiếm những bài học rằng làm thế nào Thụy Điển đã xử lý cuộc khủng hoảng tài chính của mình trong những năm 1991-1992. Khi diễn ra cuộc khủng hoảng, để tìm kiếm các giải pháp tối ưu cho nền kinh tế về lâu dài, chính phủ Thụy Điển đã cho thành lập một nhóm tư vấn kinh tế gồm những kinh tế gia hàng đầu; nhóm này sau đó đã gửi thỉnh cầu tới các kinh tế gia khác để đưa ra các đề xuất thông qua các bài viết. Các đề xuất đó cuối cùng được nhóm tư vấn chọn lọc, sắp xếp, in thành hai bộ, và kèm với nó là một báo cáo cuối cùng với các đề xuất về chính sách để chính phủ có thể thực hiện trong ngắn hạn và trung hạn. Báo cáo này sau đó được dịch sang tiếng Anh với tựa đề Turning Sweden Around.
Cuốn sách đề ra các chính sách dứt khoát để vực dậy Thụy Điển. Không chỉ là các chính sách kinh tế, trong đó, các tác giả đã dành hẳn một chương trong tổng số 6 chương đưa ra các lời khuyên nhằm cải cách và củng cố dân chủ, bởi vì khủng hoảng kinh tế diễn ra có phần bởi những lỗi trong hệ thống chính trị và bằng cách vun đắp một hệ thống dân chủ vững mạnh mới có thể làm tiền đề thực hiện các cải cách kinh tế một cách thành công. Cuốn sách do đó là một tham khảo cho bất cứ ai muốn đề ra và thực hiện các cải tổ kinh tế và chính trị sâu rộng nhằm vực dậy một quốc gia.
Building the New American Economy: Smart, Fair, and Sustainable
Tác giả: Jeffrey D. Sachs
Giới thiệu: Cuốn sách mới nhất của Jeffrey D. Sachs đưa ra các đề xuất chính sách để xây dựng một nền kinh tế Hoa Kỳ bền vững. Ba mục tiêu làm nên một nền kinh tế bền vững gồm một sự tăng trưởng tương đối nhằm tạo ra các việc làm, một sự công bằng xã hội cho những nhóm thiểu số trong xã hội, và một sự bền vững về môi trường. Cuốn sách thảo luận các chính sách xoay quanh ba mục tiêu này.
The Entrepreneurial State: Debunking Public vs. Private Sector Myths
Tác giả: Mariana Mazzucato
Giới thiệu: Đâu là vai trò của chính quyền trong việc điều hành một nền kinh tế? Những nhà kinh tế học theo trường phái tân cổ điển cho rằng chính quyền nên càng nhỏ càng tốt và nên để mọi thứ cho tư nhân thực hiện, nếu có thể. Cuốn sách đưa ra các dẫn chứng và lập luận rằng để tạo ra một nền kinh tế thịnh vượng nơi mà tăng trưởng dựa vào sáng tạo thì chính quyền cần đóng một vai trò lớn hơn. Ngay cả Hoa Kỳ, một quốc gia luôn cho rằng chính quyền nên càng nhỏ càng tốt, tránh can thiệp vào các lĩnh vực kinh tế tư nhân, thì Mariana Mazzucato chỉ ra rằng đừng nghe những gì Hoa Kỳ nói mà hãy nhìn những gì Hoa Kỳ làm. Hoa Kỳ đã đầu tư vào các nghiên cứu và can thiệp mạnh mẽ vào các chính sách để hình thành nên sự lớn mạnh của các lĩnh vực công nghiệp, từ các ngành công nghiệp thông tin-viễn thông, cho tới công nghệ nano, khai khoáng, dược phẩm, và giờ đây là năng lượng sạch. Mariana Mazzucato cho rằng chính quyền không phải đầu tư vào những lĩnh vực đang tồn tại để cạnh tranh với tư nhân, mà là chủ động đầu tư phát triển các lĩnh vực mới, vốn chịu nhiều rủi ro, và từ đó kéo tư nhân tham gia vào lĩnh vực mới này để mở rộng nền kinh tế. Sự đầu tư không chỉ ở dưới dạng cung cấp các ngân khoản nghiên cứu mà chính quyền thậm chí còn phải đầu tư cả về tài chính ở giai đoạn phát triển sản phẩm cuối cùng, thay vì nhường giai đoạn thành phẩm cho giới tư nhân lướt sóng hưởng lợi, có như vậy thì chính quyền mới có thể nhận lại được thành quả bỏ ra dưới dạng tiền đầu tư cho nghiên cứu, và đó cũng là tiền thuế của dân.
Mission-Oriented Finance for Innovation
Tác giả: Mariana Mazzucato và Caetano C. R. Penna
Giới thiệu: Tập tài liệu này là một kết hợp các bài viết của những nhà nghiên cứu và những nhà làm chính sách khi thi hành các chính sách tài chính nhằm thực hiện một nhiệm vụ của chính quyền. Nó thảo luận các bối cảnh cũng như các đề xuất và kinh nghiệm nhằm vận động các phương tiện tài chính để thực hiện các chính sách của chính quyền. Tập tài liệu này nên đọc kèm với cuốn sách The Entrepreneurial State của Mariana Mazzucato ở trên. Bạn có thể tải sách về miễn phí từ trang policy-network.net theo địa chỉ rút gọn sau: https://goo.gl/YqdzMn . policy-network.net là một viện nghiên cứu chính sách hàng đầu và các báo cáo nghiên cứu mang nhiều tính ứng dụng chính sách thường được đăng miễn phí để mọi người cùng đọc. Các bạn nghiên cứu kinh tế chính sách nên lưu lại để theo dõi thường xuyên.
Ten Lessons About Budget Consolidation
Tác giả: Jens Hendriksson
Giới thiệu: Làm sao để điều hành ngân sách chính phủ một cách hiệu quả và đâu là những bài học? Jens Hendriksson thông qua những kinh nghiệm có được của mình trình bày 10 bài học nhằm chuyển tải những kinh nghiệm của Thụy Điển khi điều hành ngân sách của họ. Tải sách miễn phí từ Bruegel ở đây: https://goo.gl/Xc2rtG. Bruegel là một viện nghiên cứu chính sách kinh tế hàng đầu châu Âu, các bạn nghiên cứu về chính sách kinh tế cũng nên lưu địa chỉ lại để tham khảo: www.bruegel.org.
The Nordic Model: Embracing Globalization and Sharing Risks
Tác giả: Torben M. Andersen, Bengt Holmström, Seppo Honkapohja, Sixten Korkman, Hans Tson Söderström, Juhana Vartiainen
Giới thiệu: Mô hình Bắc Âu là gì, đâu là những đặc tính của nó, và nó gặp phải những thách thức gì? Cuốn sách là một tài liệu giới thiệu cho những ai muốn tìm hiểu về mô hình này. Tải sách về miễn phí từ trang web của Đại học MIT theo link rút ngắn ở đây: https://goo.gl/n63U8N
The Great Convergence: Information Technology and the New Globalization
Tác giả: Richard Baldwin
Giới thiệu: Toàn cầu hóa diễn ra như thế nào, sẽ tiếp tục thay đổi ra sao, dưới những tác động nào, ảnh hưởng đến xã hội ra sao, và đâu là các chính sách mà một chính quyền có thể ứng phó? Đó là những câu hỏi mà độc giả có thể tìm được trong cuốn sách.
CHÍNH TRỊ:
Chính Đề Việt Nam
Tác giả: Tùng Phong (Ngô Đình Nhu)
Giới thiệu: Cuốn sách được cho là một tài liệu tổng hợp các nghiên cứu và phân tích do Ngô Đình Nhu và nhóm phụ tá thực hiện nhằm đưa ra một chiến lược để phát triển quốc gia. Nó không chỉ là một tư liệu để hiểu hơn tư tưởng của những người đi trước, cuốn sách còn đặt ra những câu hỏi và đề xuất những hướng đi để phát triển quốc gia mà những người của thế hệ đi sau nên tham khảo, đối chiếu, và bổ sung. Tải sách về ở đây: https://goo.gl/QqyWsg
Tổ Quốc Ăn Năn
Tác giả: Nguyễn Gia Kiểng
Giới thiệu: Bên cạnh Chính Đề Việt Nam, Tổ Quốc Ăn Năn là một trong những cuốn sách hiếm hoi đặt vấn đề nhìn lại những đặc tính của Việt Nam và đưa ra những kiến sách để phát triển đất nước. Đây là một cuốn sách gây nhiều tranh cãi. Sự tranh cãi không chỉ ở tựa đề cuốn sách, mà ở nội dung, vì những gì tác giả đưa ra, hãy khoan bàn tới đúng sai, đi ngược lại những niềm tin vốn đã in sâu vào phản xạ của nhiều người.
Có rất nhiều điểm cần phải bàn ở cuốn sách này, và nếu thảo luận có thể sẽ đủ dài để viết một cuốn sách khác, điều đó vượt quá đoạn giới thiệu ngắn gọn này. Tuy nhiên, chúng ta hãy nhìn vào hai luận điểm quan trọng của tác giả khi ông bàn về chính sách kinh tế và đề xuất một mô hình chính trị. Ở bài “Laissez-faire?” tác giả cho rằng không cần lắm một chính sách kinh tế, và việc của nhà nước chỉ là chấp nhận nền kinh tế thị trường và bảo đảm các tác nhân cạnh tranh công bằng, mọi việc khác tư nhân sẽ tự động điều tiết. Đây là một lập luận thường thấy của các kinh tế gia theo trường phái tân cổ điển, nhưng những bằng chứng chỉ ra rằng một nền kinh tế tăng trưởng dựa vào sáng tạo cần ở nó một sự can thiệp mạnh hơn của nhà nước, và Hoa Kỳ là một ví dụ như được trình bày ở trên trong lời giới thiệu về cuốn The Entrepreneurial State của Mariana Mazzucato, và một ví dụ khác là trường hợp của các nước Bắc Âu. Nhà nước cần đầu tư và phát triển những lĩnh vực mới, nơi mà tư nhân chưa nghĩ tới hoặc chưa dám đầu tư tới vì rủi ro và vì không có khả năng, song song đó là đưa ra những chính sách kích thích để từ đó kéo tư nhân tham gia vào cùng phát triển, từ các ngành công nghệ thông tin-viễn thông, công nghệ khai khoáng, công nghệ tự động, công nghệ nano, công nghệ sinh học, dược, và y khoa, cho tới công nghệ vũ trụ. Đó là những gì mà Hoa Kỳ làm, Bắc Âu làm, và thậm chí giờ đây Trung Quốc cũng học theo và làm.
Điểm quan trọng thứ hai đó là ở bài “Phản xạ tổng thống,” tác giả đề xuất mô hình đại nghị tản quyền ở đó 90% số ghế được dành cho bầu cử một vòng đơn danh theo nguyên tắc “ngựa chạy về nhất” (first pass the post) – còn gọi là nguyên tắc bầu cử theo đa số — và 10% số ghế còn lại được dành cho bầu theo tỉ lệ. Đây là một lối bầu cử nguy hiểm cho những nước mới làm quen với dân chủ vì nó sẽ dễ dàng dẫn tới hiện tượng độc tài dân chủ, khi mà một đảng dễ dàng dành được đa số ghế và sau đó lũng đoạn chèn ép đảng đối lập. Ấn Độ và Malaysia là hai ví dụ rõ nét nhất. Cả hai nước đều là thuộc địa Anh, đều áp dụng nguyên tắc đại nghị tản quyền. Nhưng sao? Ấn Độ mất nửa thế kỷ để đảng đối lập giành chính quyền, còn Malaysia thì dù có dân chủ, nhưng liên minh cầm quyền chèn ép đối lập và cầm quyền liên tục kể từ khi giành độc lập đến nay. Trong một nước mới có dân chủ, khi các quy ước xã hội chưa rõ nét, dân khí chưa mạnh, các hội đoàn dân sự, báo chí chưa có tiếng nói độc lập mạnh mẽ, lối bầu cử theo đa số này hoặc thậm chí 90% theo đa số thì khi một đảng dễ dàng giành chính quyền, nó sẽ làm mọi cách để chèn ép, làm suy yếu đối lập, và lũng đoạn chính trường. Vì lý do đó mà dù là một nước dân chủ, Ấn Độ hiện nay là nước tham nhũng nhất châu Á, với mức độ thua xa một nước độc tài như Trung Quốc.
Một đề xuất hợp lý hơn là mô hình đại nghị tản quyền kiểu Đức. Mô hình kiểu Đức khác với đề xuất phía trên ở chỗ, lối bầu cử của Đức là một kết hợp giữa bầu cử theo đa số và bầu cử theo tỉ lệ, nhưng cử tri khi bầu có 2 phiếu, một phiếu bầu cho cử tri đại diện cho một hạt bầu cử và tính phiếu theo quy tắc ngựa chạy về nhất (còn gọi là lối bầu cử theo đa số); một phiếu còn lại bầu cho các đại diện của đảng ở tiểu bang theo hình thức tỉ lệ. Phép bầu cử này cùng với các luật bầu cử bổ sung như một đảng chỉ được có ghế ở quốc hội nếu có trên 5% phiếu bầu hay giành được ít nhất 3 ghế từ các hạt, khiến cho Quốc hội Đức là một hiện diện của các đảng đủ lớn, nhưng không có một đảng nào dễ dàng chiếm đa số. Điều đó khiến cho liên minh cầm quyền là một liên kết giữa các đảng lớn, ổn định, và dân chủ hơn khi các đảng thay vì chèn ép nhau thì trở nên hợp tác với nhau. Độc giả đọc thêm trong bài “So Sánh Các Mô Hình Dân Chủ Dựa Trên Cơ Chế Đồng Thuận và Theo Đa Số” của tác giả Nguyễn Huy Vũ bên dưới.
Đọc tác phẩm Tổ Quốc Ăn Năn ở trang vnthuquan.org theo link rút gọn ở đây: https://goo.gl/gZepqc
Luật Hiến Pháp và Chính Trị Học
Tác giả: Nguyễn Văn Bông
Giới thiệu: Cuốn sách trình bày và thảo luận các khái niệm về tổ chức, các hoạt động, cơ chế sinh hoạt, các mô hình chính trị, và luật hiến pháp. Nó là một tài liệu nghiên cứu chính trị nghiêm túc mà người Việt nên đọc qua. Tải sách về ở đây: https://goo.gl/xaOU9H
So Sánh Các Mô Hình Dân Chủ Dựa Trên Cơ Chế Đồng Thuận và Theo Đa Số
Tác giả: Nguyễn Huy Vũ
Giới thiệu: Bài nghiên cứu này đặt câu hỏi rằng đâu là mô hình chính trị tối ưu mà một đất nước nên chọn? Thay vì tiếp cận theo sự so sánh giữa thể chế đại nghị và tổng thống, tác giả tiếp cận một mô hình chính trị theo khía cạnh chia sẻ quyền lực giữa các tác nhân trong chế độ, để từ đó hiểu rằng các quyết sách được hình thành theo đa số (khi một nhóm nhỏ cầm quyền đại diện cho phe đa số quyết định toàn bộ chính sách quan trọng của đất nước) hay là các chính sách được quyết định dựa trên sự thỏa hiệp giữa các tác nhân chính trị khác nhau. Từ đó, tác giả đưa ra ý kiến rằng một mô hình chính trị tối ưu cần đảm bảo 5 yếu tố: (1) Phải có khả năng giúp ngăn ngừa sự hình thành một chế độ độc tài mới; (2) Phải giúp ngăn ngừa đảo chính; (3) Bảo đảm một chính quyền ổn định và làm được việc; (4) Ngăn ngừa sự thực thi các chính sách tồi dở; và (5) Giúp kéo dài sự cầm quyền của một chính phủ thành công. Một mô hình chính trị bảo đảm được 5 yếu tố này và đã được kiểm nghiệm thực tế thành công là mô hình chính trị theo hình thức đại nghị tản quyền kiểu Đức. Sự thành công của mô hình của Đức không những vừa giúp ổn định chính trị mà còn giúp Đức kiến tạo ra các chính sách tốt đưa Đức nhanh chóng trở thành một cường quốc thế giới sau khi bị bại trận và tan hoang sau Thế chiến Thế giới thứ hai. Sự ổn định chính trị của Đức đáng ghi nhận ở chỗ trong suốt 6 thập niên tồn tại, Đức chỉ có 8 thủ tướng cầm quyền, khi so với trong cùng thời gian đó Ý có tới 37 thủ tướng.
Đọc bài ở đây: https://goo.gl/DzhHwm hoặc tải về ở đây: https://goo.gl/gT2jXO
Mô hình nghị viện – liên bang cho Việt Nam
Tác giả: Nguyễn Huy Vũ
Giới thiệu: Tác giả đưa ra những thành tố cần thiết mà một mô hình chính trị dân chủ cần có. Tại sao không nên chọn mô hình tổng thống? Tác giả giới thiệu mô hình nghị viện – liên bang kiểu Đức là một mô hình mà Việt Nam nên tham khảo. Sự ổn định của mô hình chính trị kiểu Đức đã được thực tế chứng minh ở sự ổn định khi từ năm 1949 đến nay chỉ có 8 thủ tướng, trung bình mỗi thủ tướng nắm quyền hơn 8 năm. Sự ổn định chính trị nhưng vẫn bảo đảm dân chủ khi không đảng nào dễ dàng nắm toàn bộ quyền lực để khống chế và làm lũng đoạn chính trường. Chính quyền luôn do các đảng lớn hiện diện và liên minh, đối lập xây dựng với nhau. Nhờ vậy mà nước Đức từ một nước bại trận sau Chiến tranh Thế giới lần 2 đã vươn lên nhanh chóng trở thành một lãnh đạo của châu Âu cả về kinh tế và dân chủ.
Tải về ở đây: https://goo.gl/XQ5h23, hoặc ở đây:
http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai36/201736_NguyenHuyVu.pdf
Tác giả: Fukuzawa Yukichi
Giới thiệu: Học để làm gì, học như thế nào, học những ai, và học những điều gì, để cái học không những ích lợi cho bản thân mà còn đóng góp cho đất nước xã hội? Fukuzawa Yukichi thông qua Khuyến Học mượn sự học để vừa nhắn nhủ, góp ý đồng bào mình về cái sự học, vừa động viên tinh thần trách nhiệm quốc gia ở mỗi công dân để cùng nhau học hỏi đặng thay đổi mà trước hết tốt cho cá nhân mình và sau đó cho xã hội, đất nước. Một đất nước chỉ trở nên phú cường khi mỗi cá nhân độc lập trở nên sáng suốt và giàu mạnh. Tải sách dưới định dạng prc về ở đây: https://goo.gl/u3F30B
Trung Quốc Nhìn Từ Nhiều Phía
Tác giả: Nhiều tác giả
Giới thiệu: Cuốn sách là một tập hợp các bài viết khác nhau của các học giả trong và ngoài nước về sự trỗi dậy của Trung Quốc (TQ). Tình trạng TQ như thế nào, TQ đã thực hiện những chính sách nào ở các nước, TQ muốn gì và sẽ làm gì, và trí thức TQ nghĩ gì, đó là những câu hỏi mà những tác giả tìm câu trả lời trong các bài viết của cuốn sách này. Tải về ở địa chỉ: https://goo.gl/9WzYIT
The Trouble With France
Tác giả: Alain Peyrefitte
Giới thiệu: Nguyên tác tiếng Pháp của tác phẩm là Le mal francais. Một tác phẩm chính trị đậm chất văn học thảo luận những vấn đề khác nhau mà tác giả cho là thuộc về căn cư khiến nước Pháp đi xuống, từ việc suy yếu về văn hóa cho đến hệ thống chính trị quá tập trung để từ đó đưa ra các giải pháp nhằm chấn hưng đất nước. Những gì mà nước Pháp với một chế độ tập quyền chính trị bậc nhất châu Âu đối mặt không khác bao xa những khó khăn mà một nước Việt Nam độc quyền về chính trị đang đối mặt. Cuốn sách nên sớm được dịch và truyền đến tay những độc giả Việt Nam.
The Tragedy of Great Power Politics
Tác giả: John Mearsheimer
Giới thiệu: Liệu rằng khoảng thời gian tới đây của thế giới là hòa bình hay chiến tranh tao loạn? Muốn hiểu được điều đó thì cần phải hiểu được cách các cường quốc cư xử với nhau. Hiểu được cách các cường quốc cư xử với nhau cũng là một cách để các nước nhỏ chọn cho mình những chiến lược ngoại giao phù hợp vừa giúp tranh thủ sự trợ giúp mà phát triển đất nước, vừa chuẩn bị cho những điều có thể xảy đến nếu có chiến tranh.
Có rất nhiều câu hỏi liên quan đến chiến tranh và hòa bình, đến chính sách đối ngoại giữa các cường quốc với nhau. Chẳng hạn, nguyên nhân nào khiến xảy ra ba cuộc chiến tranh lớn trong lịch sử hiện đại: Cuộc chiến tranh của Napoleon và Cách mạng Pháp (1792-1815), Chiến tranh Thế giới thứ nhất (1914-1918), và Chiến tranh Thế giới thứ hai (1939-1945)? Điều gì đóng góp vào những chu kỳ hòa bình lâu dài ở châu Âu những năm 1816-1852, 1871-1913, hay 1945-1990 trong suốt cuộc Chiến tranh Lạnh? Tại sao nước Anh, một nước giàu có giữa thế kỷ 19 không xây dựng một quân đội hùng mạnh và cố gắng khống chế châu Âu như cách nước Pháp dưới chế độ Napoleon, nước Đức dưới chế độ Wilhelm hay Phát xít Đức, và Liên Xô đã làm?
Thông qua cuốn sách, John Mearsheimer đưa ra chủ thuyết “hiện thực tấn công” (offensive realism) nhằm giải thích những sự kiện lịch sử diễn ra và dùng nó như là một công cụ để dự đoán chính sách của các cường quốc với nhau. Tác giả đưa ra một số lập luận khác nhau trong đó nhấn mạnh rằng các cường quốc tìm kiếm cơ hội để đạt được quyền lực thông qua sự tổn hại của đối phương mình.
Politics in Germany: The Online Edition
Tác giả: Russell J. Dalton
Giới thiệu: Cuốn sách trình bày lịch sử, cơ chế và cấu trúc của bộ máy chính trị nước Đức. Một cuốn sách tham khảo cho những ai muốn tìm hiểu về mô hình chính trị đại nghị tản quyền kiểu Đức. Tác giả cho tải về đọc miễn phí theo link rút gọn ở đây: https://goo.gl/H6wN4o
About America: How the United State Is Governed
Tác giả: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
Giới thiệu: Tài liệu giới thiệu rất dễ hiểu các cơ quan trong hệ thống chính trị Hoa Kỳ tương tác với nhau. Tải sách về ở đây: https://goo.gl/FJ18KM hoặc ở đây: https://goo.gl/vhf7uX
LỊCH SỬ:
Kho sách Cổ sử của Việt Nam
Tác giả: Nhiều tác giả.
Giới thiệu: Kho sách chứa nhiều tài liệu cổ sử bởi các tác giả khác nhau. Nguồn: https://sites.google.com/site/sachsuvietnam/home
Việt Nam Sử Lược
Tác giả: Trần Trọng Kim
Giới thiệu: Cuốn sử ngắn gọn và súc tích trình bày lịch sử hình thành nước Việt Nam. Nó không chỉ là ghi chép các sự kiện lịch sử, mà độc giả còn thấy ở đó một tình cảm của tác giả đối với nước nhà. Đọc trên trang mạng vnthuquan.org ở đây: https://goo.gl/IN2tXj hoặc tải về ở đây: https://goo.gl/ZYbK00
Lịch Sử Việt Nam Từ Nguồn Gốc Đến Giữa Thế Kỉ XX
Tác giả: Lê Thành Khôi
Giới thiệu: Cuốn sách là một chuyên khảo mang tính kinh điển về lịch sử và văn hóa Việt Nam của Giáo sư Lê Thành Khôi. Một cuốn sách tham khảo khi nghiên cứu lịch sử Việt Nam.
Việt Nam 1945-1995: Chiến Tranh, Tị Nạn và Bài Học Lịch Sử
Tác giả: Lê Xuân Khoa
Giới thiệu: Cuốn sách cung cấp những tư liệu lịch sử và phân tích về một giai đoạn chiến tranh đau thương của dân tộc, bắt đầu từ những ngày của năm 1945 cho đến khi Sài Gòn sụp đổ. Tải về ở đây: https://goo.gl/nU1s0Z
Bên Thắng Cuộc
Tác giả: Huy Đức
Giới thiệu: Cuốn sách gồm hai cuốn ghi lại những tư liệu lịch sử như là những gì nó đã diễn ra từ xã hội cho đến những mối quan hệ ở cấp lãnh đạo cao nhất kể từ những ngày sau tháng 4 năm 1975. Một cuốn sách mà người học và làm sử Việt Nam ở giai đoạn này đều nên tham khảo. Đọc tại trang vnthuquan.org ở địa chỉ: cuốn 1 (Giải phóng): https://goo.gl/xcyXti và cuốn 2 (Quyền bính): https://goo.gl/MBhZfL
Một Cơn Gió Bụi
Tác giả: Trần Trọng Kim
Giới thiệu: Cuốn hồi ký của Trần Trọng Kim, một học giả đáng kính và là thủ tướng của Đế quốc Việt Nam được Nhật hậu thuẫn, một người trong cuộc giữa những biến chuyển thời cuộc những ngày cuối cùng của Thế chiến thứ 2. Cuốn hồi ký không những kể lại những quan sát và chiêm nghiệm những điều diễn ra xung quanh mình, mà nó còn cung cấp những phân tích và cứ liệu lịch sử để chúng ta có thể hiểu hơn bối cảnh đất nước và những trải nghiệm của người dân trong một giai đoạn tao loạn của đất nước. Đọc trên trang vnthuquan.org ở đây: https://goo.gl/FKnHrj
Bên Giòng Lịch Sử: Hồi Ký 1940-1965
Tác giả: Cao Văn Luận
Giới thiệu: Cao Văn Luận là một linh mục công giáo, người có các cơ hội may mắn hiếm có, như ông mô tả, được gặp những nhân vật lịch sử từ Hồ Chí Minh, Bảo Đại, cho đến Ngô Đình Diệm. Cuốn hồi ký kể lại những quan sát và suy ngẫm của ông về các nhân vật và các biến cố lịch sử, đặc biệt là ở miền Nam, trong giai đoạn 1940-1965, một giai đoạn đầy biến động của lịch sử. Đọc trên trang vnthuquan.org ở đây: https://goo.gl/ZBIJJV
Quyền Lực Bà Rồng
Tác giả: Monique Brinson Demery
Giới thiệu: Nguyên tác của tác phẩm là Finding The Dragon Lady: The Mystery of Vietnam’s Madame Nhu. Cuốn sách không chỉ phác họa lại chân dung của người phụ nữ quyền lực nhất miền Nam của nền Đệ nhất Cộng hòa, mà nó còn cung cấp những dữ kiện lịch sử diễn ra quanh gia đình quyền lực nhất miền Nam và các bối cảnh lịch sử của nền Đệ nhất Cộng hòa ở miền Nam Việt Nam. Đọc trên trang vnthuquan.org ở đây: https://goo.gl/OvLC5Q
Đèn Cù
Tác giả: Trần Đĩnh
Giới thiệu: Là người làm việc với giới lãnh đạo cao cấp miền Bắc và từng tham gia viết tiểu sử Hồ Chí Minh, cuốn hồi ký là những câu chuyện có thật trong giới chính trị cao cấp miền Bắc được tác giả kể lại. Đọc trên trang vnthuquan.org ở đây: https://goo.gl/WlUyOa
Hồ Chí Minh: Những Năm Tháng Chưa Được Biết Đến (1919-1941).
Tác giả: Sophine Quinn-Judge
Giới thiệu: Bằng cách dùng các dữ liệu bạch hóa có được từ Sở Liêm phòng của Pháp và từ tàng thư của Quốc tế Cộng sản, tác giả cung cấp một góc nhìn khác về Hồ Chí Minh, một nhân vật lịch sử đầy tranh cãi. Tải sách về ở đây: https://goo.gl/5DIuCF
Hồi Ức Và Suy Nghĩ
Tác giả: Trần Quang Cơ
Giới thiệu: Tác giả nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao, là người đã tham gia các cuộc đàm phán hòa bình với ba nước Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Liên Xô, cuốn hồi ký này ghi lại những điều bí mật mà tác giả có cơ hội được can dự. Nó cung cấp những dữ liệu lịch sử quan trọng để hiểu hơn về những khó khăn trong ngoại giao và mối quan hệ phức tạp giữa Việt Nam với Trung Quốc, Hoa Kỳ, các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa và các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là những thương lượng để Việt Nam trở nên bình thường hóa với Trung Quốc. Tải về ở đây: https://goo.gl/4NtL03
Ghi Chép Về Campuchia 1975-1991
Tác giả: Huỳnh Anh Dũng
Giới thiệu: Cuốn tài liệu này ghi lại những diễn biến trong mối quan hệ giữa Việt Nam, Campuchia và Trung Quốc trong giai đoạn cuộc chiến Tây Nam. Tải về ở đây: https://goo.gl/gtlWlX
Chủ Quyền Trên Hai Quần Đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Tác giả: Monique Chemillier-Gendreau.
Giới thiệu: Cuốn sách giới thiệu lịch sử thành hình, pháp lý, và các luận điểm tranh chấp ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tải về ở đây: https://goo.gl/T9c3OZ
Lịch Sử Thế Giới
Tác giả: Nguyễn Hiến Lê, Thiên Giang
Giới thiệu: Tác phẩm gồm 3 cuốn, trình bày một cách vắn tắn nhưng không kém phần lôi cuốn về lịch sử các nước trên thế giới từ Trung Đông, cho đến Châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Hoa.
Bài Học Của Lịch Sử
Tác giả: Will và Ariel Durant. Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê.
Giới thiệu: Cuốn sách là phần kết luận của bộ Lịch sử Văn minh (The Story of Civilization). Nó đúng ra là một sự chiêm nghiệm triết học của tác giả sau khi nhìn lại những thăng trầm lịch sử của thế giới. Ý nghĩa của quyển sách không chỉ nằm ở khía cạnh nhìn lại những sự kiện trọng đại về lịch sử mà ở đó còn là những lý giải của tác giả. Tải sách dưới định dạng prc về ở đây: https://goo.gl/7F8gyO
Lịch Sử Văn Minh Ấn Độ
Tác giả: Will Durant. Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê.
Giới thiệu: Cuốn sách giới thiệu lịch sử văn hóa và tôn giáo của Ấn Độ. Đọc trên vnthuquan.org theo địa chỉ rút gọn sau: https://goo.gl/MH42qR
Lịch Sử Văn Minh Trung Hoa
Tác giả: Will Durant. Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê.
Giới thiệu: Cuốn sách giới thiệu lịch sử văn hóa của Trung Hoa. Đọc trên vnthuquan.org theo địa chỉ rút gọn sau: https://goo.gl/hqxDOO
Lịch Sử Văn Minh Ả Rập
Tác giả: Will Durant. Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê.
Giới thiệu: Cuốn sách giới thiệu lịch sử nền văn hóa Ả Rập, xoay quanh nguồn gốc và văn hóa Hồi Giáo.
Câu Chuyện Triết Học
Tác giả: Will Durant. Dịch giả: Trí Hải và Bửu Đích.
Giới thiệu: Cuốn sách kể câu chuyện về cuộc đời và tư tưởng của những triết gia lớn châu Âu.
Will Durant là một nhà văn, một nhà viết sử và triết gia. Các tác phẩm của ông không chỉ chứa đựng những thông tin và góc nhìn triết lý mà ở đó còn là cách hành văn lôi cuốn. Di sản nổi tiếng nhất của ông có lẽ là bộ Lịch sử Văn minh (The Story of Civilization). Bộ sách này nên được các nhà xuất bản Việt Nam mua bản quyền và dịch ra cho các độc giả. Trọn bộ 11 cuốn của bộ Lịch sử Văn minh của Will Durant được đăng công cộng và có thể tải về miễn phí ở đây: https://archive.org/details/TheStoryOfCivilizationcomplete
Khái Quát Về Lịch Sử Nước Mỹ
Tác giả: Tài liệu của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ
Giới thiệu: Cuốn sách cung cấp một cách khái quát tiến trình hình thành nên Hoa Kỳ. Một tài liệu mở đầu cho những độc giả muốn tìm hiểu về lịch sử nước Mỹ. Sách được đăng công khai trên trang web Sứ quán Hoa Kỳ, hoặc bạn có thể tải về ở đây: https://goo.gl/4BNMZE
Leave a Reply