Điểm chung của dự luật đặc khu và dự luật an ninh mạng: mở đường để sáp nhập vào Trung Cộng

Cho đến nay, những người quan tâm đa số chỉ thấy được rõ ràng, giấy trắng mực đen dựa vào các điều luật (*), rằng dự luật an ninh mạng nhằm bóp nghẹt tự do.

Sự thật là dự luật an ninh mạng có một ảnh hưởng sâu xa hơn gấp nhiều lần: Đó là nó, cùng với dự luật đặc khu kinh tế, mở đường cho một sự sáp nhập Việt Nam vào Trung Quốc.

Thật vậy, với các điều khoản nhằm bóp nghẹt tự do thông qua việc bắt buộc các công ty cung cấp dịch vụ Internet theo dõi, cộng tác và chia sẻ thông tin người dùng cá nhân với cơ quan công an và chính quyền, chính quyền Việt Nam đã chính thức loại bỏ các công ty Âu Mỹ ra ngoài cuộc chơi.

Các công ty Mỹ như Google, Facebook, hay Amazon giữ rất nhiều thông tin người dùng và vì vậy mà họ bị luật cấm chia sẻ thông tin cho bên thứ ba, nếu không được phép của người dùng. Một ví dụ là một đối tác của Facebook là công ty Cambridge Analytica bị cho là đã dùng dữ liệu thông tin cá nhân của các cử tri Hoa Kỳ được chia sẻ trên Facebook để phân tích và giúp cho chiến dịch vận động tranh cử của tổng thống Donald Trump. Hậu quả là giám đốc Facebook là Mark Zuckerberg phải điều trần trước quốc hội Hoa Kỳ và các cơ quan chính quyền Hoa Kỳ giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của Facebook. Công ty Cambridge Analytica sau đó lập tức tuyên bố phá sản để nhanh chóng tìm cách trốn tránh trách nhiệm. Ở châu Âu, luật bảo vệ thông tin (EU General Data Protection Regulation — GDPR) vừa mới có hiệu lực vào ngày 25/5/2018 và yêu cầu các công ty bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng thậm chí chặt chẽ hơn nữa.

Với luật an ninh mạng của Việt Nam, các công ty Âu Mỹ do đó phải lựa chọn giữa việc hợp tác chia sẻ thông tin người dùng với chính phủ Việt Nam và họ sẽ bị truy tố ở Âu Mỹ, hoặc họ sẽ phải đóng cửa hoạt động ở Việt Nam vì không tuân thủ pháp luật Việt Nam. Chọn lựa cuối cùng, nếu dự luật an ninh mạng thông qua, đó là họ sẽ đóng cửa hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Khi mà các công ty Mỹ như Google, Facebook, Amazon, và nhiều công ty châu Âu khác buộc phải rút khỏi thị trường Việt Nam hoặc sẽ không bao giờ đến được thị trường Việt Nam, thị trường Việt Nam sẽ nhường chỗ cho các công ty Trung Quốc. Luật Trung Quốc không bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng, thậm chí chính phủ Trung Quốc còn khuyến khích ngầm việc các công ty sử dụng thông tin cá nhân của người dùng để nghiên cứu công nghệ trí tuệ nhân tạo. Đó là chưa nói đến chính phủ Trung Quốc luôn luôn “hợp tác” với các công ty cung cấp dịch vụ Internet để theo dõi, bắt bớ và kiểm soát người dùng.

Lúc này, các công ty Trung Quốc như Baidu, Tencent, Alibaba sẽ lần lượt chiếm lĩnh thị trường cung cấp dịch vụ Internet của Việt Nam, đơn giản là bởi vì các công ty công nghệ Việt Nam sẽ không đủ sức cạnh tranh với các công ty công nghệ của Trung Quốc. Để tránh làn sóng phản đối của dân Việt Nam, có thể các công ty Trung Quốc mua lại các công ty Việt Nam, và vì vậy mà vỏ bọc thì là Việt Nam nhưng bên trong thì là của Trung Quốc.

Bằng cách nắm lấy các lĩnh vực then chốt cung cấp dịch vụ Internet cho người Việt, Trung Quốc sẽ có thể nắm hết các thông tin về người dùng Việt Nam, kiểm soát truyền thông và mạng xã hội của Việt Nam. Và như vậy, họ có thể theo dõi, kiểm soát và chi phối cách người Việt suy nghĩ và hành động.

Nếu như dự luật đặc khu có những điều khoản cho phép cho không những khu đất tới 99 năm, mở đường cho di dân Trung Quốc, cho phép sản xuất và tàng trữ vũ khí ở đặc khu, và biến đặc khu nhanh chóng trở thành một tiền đồn của Trung Quốc trong kế hoạch sáp nhập, thì dự luật an ninh mạng sẽ mở đường cho chính quyền Trung Quốc theo dõi, kiểm soát và chi phối hành động và mạng lưới truyền thông của người dân Việt Nam.

Cả hai hướng cùng tiếp cận như vậy thì sớm muộn gì Việt Nam cũng sẽ mất nước.

Không phải ngẫu nhiên mà các lãnh đạo cộng sản Việt Nam cùng lúc song song đưa ra cả hai dự luật và cố tìm cách nhanh chóng thông qua. Khó có thể giải thích sự trùng hợp ngẫu nhiên này nếu không nói là họ đã có một kế hoạch chu đáo trong việc sáp nhập vào Trung Cộng.

Liệu người Việt Nam bao giờ thức tỉnh trước hoạ mất nước? Liệu các anh, chị trong quân đội Việt Nam sẽ tiếp tục đứng nhìn đất nước trước hoạ diệt vong đến bao giờ?

Nguyễn Huy Vũ
10/6/2018 

——————

(*) Dự thảo luật an ninh mạng. Truy cập ngày 10/6/2018. Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Cong-nghe-thong-tin/Du-thao-Luat-an-ninh-mang-351416.aspx

Bài liên quan của cùng tác giả:

(1) Luật đặc khu: Mở đường cho di dân Trung Quốc: https://www.facebook.com/lukhach/posts/10215974778943337

(2) Luật đặc khu: Miễn phí thuê đất (tức cho không khu đất) trong 99 năm: https://www.facebook.com/lukhach/posts/10215963840869892

(3) Thông điệp bán nước trong dự luật đặc khu: https://www.facebook.com/lukhach/posts/10215933794918762

(4) Trao đổi về bài “Luật đặc khu” của Lê Nguyễn Duy Hâu: https://www.facebook.com/lukhach/posts/10215956233359709

(5) Những đề xuất chính sách mới cho đặc khu: https://www.facebook.com/lukhach/posts/10215938989288618

***

Bài liên quan của các tác giả khác:

(6) Mạnh Kim, “Họ đang rắp tâm làm cho bằng được?”. Đọc ở: http://www.minhbachvietnam.com/2018/06/ho-ang-rap-tam-lam-cho-bang-uoc.html

(7) Nguyễn Ngọc Chu, “Đặc khu là nhượng địa. Nhượng địa từng phần là mất nước.” Đọc ở: http://www.minhbachvietnam.com/2018/06/ac-khu-la-nhuong-ia-nhuong-ia-tung-phan.html

(8) Nguyễn Ngọc Chu, “Không 99 năm. Không 70 năm. Không đặc khu. Đừng tạo cơ hội cho kẻ thù xâm chiếm đất đai tổ tiên một cách hợp pháp”. Đọc ở: http://www.minhbachvietnam.com/2018/06/tac-gia-nguyen-ngoc-chu-khong-99-nam.html


Posted

in

, , ,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *