Bảo vệ một đất nước, nhất là với những nước yếu, đang chống chọi lại những thế lực luôn sẵn sàng tấn công và tiêu diệt mình, ngoại giao luôn là một bước đi đầu. Chiến tranh chỉ là một sự kéo dài của chính trị, và nó chỉ được dùng tới khi tất cả các biện pháp ngoại giao chính trị đã bế tắt.
Muốn quan sát về ngoại giao trong cục diện thế giới hôm nay, không gì hay bằng quan sát các bước đi mà Đài Loan đang thể hiện. Đài Loan đang chống lại các nỗ lực sáp nhập của Trung Quốc đại lục và các hoạt động ngoại giao của họ diễn ra liên tục, bám sát chính sách của các nước mà cụ thể ở đây là Mỹ và phương Tây.
Sau khi thống nhất Hồng Công, mục tiêu kế tiếp của giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay đó là sáp nhập Đài Loan. Trong nước, Đài Loan được tuyên truyền như là một tỉnh ly khai, và việc thực hiện mục tiêu sát nhập này sẽ giúp cho giới lãnh đạo Trung Quốc củng cố thêm hình ảnh và tính chính danh cho đảng Cộng sản.
Bộ Ngoại giao Đài Loan bắt hướng (trend) rất nhanh, đó là họ liên tục xiển dương các giá trị của tự do và dân chủ của mình trong liên kết với các nước dân chủ phương Tây hòng tranh thủ sự ủng hộ. Khác với một Trung Quốc độc tài đó là một Đài Loan dân chủ và tự do, và Đài Loan là một vùng khác, với văn hoá khác, gần gũi với phương Tây nhiều hơn, chia sẻ các giá trị của phương Tây nhiều hơn, và xứng đáng là một người bạn của phương Tây. Đó là một thông điệp mà giới ngoại giao Đài Loan luôn liên tục thể hiện. Một thông điệp rất đẹp và khôn ngoan.
Chiến lược liên minh các quốc gia dân chủ được ông Joe Biden đề cập đến trong thông điệp tranh cử tổng thống. Trong đó, các quốc gia dân chủ, dẫn đầu bởi Hoa Kỳ, sẽ đương đầu lại với nhóm các thể chế độc tài gồm Trung Quốc và Nga. Để đưa ra chiến lược này, không chỉ là bởi một mình ông Joe Biden, mà ở phía sau nó là giới học giả và giới làm chính sách ủng hộ đảng Dân chủ. Cũng đừng quên rằng giới học giả và giới làm chính sách ở Hoa Kỳ, dù ủng hộ cho một phe về chính trị, nhưng họ luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên và họ xem trọng khả năng ứng dụng của chính sách thay vì chỉ duy lý về tinh thần đảng phái. Đó là lý do mà trong tiến trình chống Liên Sô trong quá khứ, cho dù các tổng thống Cộng hoà và Dân chủ thay phiên nhau, quyết tâm chống cộng sản không hề thay đổi. Và gần đây, với một số điều chỉnh nhỏ, tổng thống Joe Biden dường như tiếp tục chính sách của cựu tổng thống Donald J Trump trong việc đối phó với Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Tuy vậy, việc hình thành các liên minh dân chủ để đối chọi lại với liên minh Trung Quốc và Nga, cho đến nay mới chỉ dừng lại ở các toan tính chiến lược mà vẫn chưa có một dấu hiệu rõ rệt nào cho thấy một chiến lược như vậy được thực thi.
Chính quyền ông Biden dễ dàng liên minh với các nước dân chủ ở châu Âu nhờ ở sự tương đồng văn hoá nhưng liệu các nước này có chịu từ bỏ các quyền lợi kinh tế hiện có thông qua việc giao thương với Trung Quốc để bắt tay với Mỹ hay không vẫn còn là một dấu hỏi. Cho dù chính quyền ông Biden tỏ ra nhượng bộ về thương mại với các nước châu Âu để đổi lại là việc thắt chặt quan hệ hơn, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ Liên minh các nước châu Âu sẵn lòng hoàn toàn đứng về phía Mỹ. Đơn giản là vì quyền lợi và sự kết nối của các nước châu Âu với Trung Quốc đã quá lớn.
Ở châu Á, vì quyền lợi địa chính trị thiết thực của mình, Nhật Bản đã sửa chính sách quốc phòng và đặt một ưu tiên vào mối quan hệ với Đài Loan.
Đối với các bạn chưa hình dung ra sự phồn thịnh của Đài Loan thì có thể nhìn sơ vài con số như sau. Tổng thu nhập của Đài Loan hiện nay là 610 tỉ đô la, đứng trên Thuỵ Điển là 530 tỉ đô la và đứng dưới Thuỵ Sỹ là 747 tỉ đô la; như vậy, Đài Loan về tiềm lực kinh tế ngang ngửa với một nước giàu của châu Âu. Về mặt dân số, Đài Loan hiện có gần 24 triệu người, tức là xấp xỉ dân số của tổng 4 nước Bắc Âu gộp lại gồm Phần Lan, Thuỵ Điển, Nauy, và Đan Mạch; bốn nước Bắc Âu này có tổng dân số hơn 25 triệu. Mô tả như vậy để thấy Đài Loan là một vùng giàu mạnh, phát triển và có tiềm lực ngang ngửa với một vùng rộng lớn của châu Âu.
Với một vùng đầy quan trọng như vậy, việc chiếm lấy Đài Loan sẽ khiến cán cân quyền lực và sức mạnh quân sự nghiêng hẳn về phía Trung Quốc. Một Trung Quốc quá mạnh thì Nhật Bản tất khốn đốn. Lúc đó, nỗi sợ thường trực bị Trung Quốc xâm chiếm và tấn công sẽ trở thành một nỗi lo thường trực của chính giới Nhật Bản. Vì vậy mà Nhật Bản phải thực thi nhanh chóng chiến lược ngoại giao nhằm liên minh với Đài Loan trong nỗ lực chống lại Trung Quốc.
Trong các hoạt động ngoại giao nhộn nhịp ở khu vực Thái Bình Dương, có thể nói Nhật Bản hiện đang đóng vai trò trọng tâm. Nhật Bản giúp điều phối bộ tứ Mỹ, Nhật, Ấn, Úc. Nhật Bản hỗ trợ các quốc gia ổn định chống lại đại dịch bằng cách tặng vắc-xin. Nhật Bản hợp tác với Mỹ trong cuộc chạy đua công nghệ với Trung Quốc; cả hai nước sẽ cùng đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ quan trọng định hình nên ưu thế của tương lai như 5G, trí tuệ nhân tạo, tính toán lượng tử, công nghệ gen, và công nghệ bán dẫn.
Cả hai nước Đài Loan và Nhật Bản đều nương theo chính sách ngoại giao chung của Hoa Kỳ. Nhưng Đài Loan và Nhật tranh thủ các lợi ích khác nhau. Đài Loan muốn xây dựng mạng lưới các đồng minh dân chủ phương Tây, tăng tính chính danh, thúc đẩy các kết nối kinh tế và hợp tác, để từ đó tránh được sự cô lập của Trung Quốc. Còn Nhật Bản hợp tác với Hoa Kỳ trước hết để bảo đảm thế cân bằng quyền lực trong khu vực, để từ đó giúp giữ vững an ninh của Nhật Bản. Mà để cân bằng quyền lực và ổn định an ninh trong khu vực thì trước hết Nhật Bản phải vượt trội về công nghệ, và sau nữa là cần có sự phối hợp của các đồng minh nhằm giúp kềm chế Trung Quốc.
NHÌN LẠI VIỆT NAM
Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến Việt Nam trong các cạnh tranh chiến lược ở khu vực. Với một dân số gần 100 triệu dân, cộng với một vị trí địa chiến lược nhìn ngay ra vùng biển Đông Nam Á, Việt Nam đáng lý ra có một sức mạnh và tiếng nói đáng kể. Nhưng nhìn kỹ lại, Việt Nam hiện nay chẳng có gì đáng để thế giới ngưỡng mộ và trọng vọng, trái lại là một sự thương xót.
Từ xa, thế giới nhìn Việt Nam như là một trong những nước cộng sản còn sót lại của một trào lưu xã hội chủ nghĩa vốn từ lâu đã đi vào dĩ vãng. Trong mắt họ, nước Việt Nam cộng sản ở Đông Nam Á chẳng khác nào nước Cuba cộng sản ở Bắc Mỹ hiện nay. Cả hai đều nghèo và xa lạ với trào lưu văn hoá dân chủ chung của thế giới. Vì thương xót mà chính giới châu Âu hàng năm đều có những khoản hỗ trợ cho Việt Nam bên cạnh những học bổng du học cho giới sinh viên.
Một số khác hiểu biết hơn nhìn Việt Nam như một mô hình thu nhỏ của Trung Quốc cộng sản. Họ sợ Trung Quốc vì sự lớn mạnh chứ họ không phục Trung Quốc vì sự nhân văn. Còn Việt Nam thì chẳng lớn mạnh lẫn không nhân văn, cho nên họ nhìn Việt Nam đúng hơn là một sự thương hại.
Với giới chính trị châu Á và phương Tây, những người am hiểu chính trường Việt Nam, họ nhận ra những lãnh đạo Việt Nam chẳng có ước muốn thay đổi hình ảnh đất nước bằng những cải cách chính trị hay thay đổi cách tiếp cận ngoại giao. Lối ngoại giao xưa nay vẫn là đu dây và vì quyền lợi vị kỷ của chính mình, chứ không đặt trên một giá trị nào. Đây là điều mà giới ưu tú phương Tây, ít nhiều còn giữ tinh thần hiệp sỹ, xem thường.
Ngừng một chút ở đây để nói về chuyện ngoại giao đu dây. Hãy tưởng tượng hai bên đang đánh nhau. Nếu bạn đứng trung lập, thằng thắng cuộc sẽ nghĩ bạn là thằng cùng một phe với thằng thua cuộc nhưng có điều là bạn không có cái gan để chống lại nó. Ngược lại, thằng thua cuộc nó sẽ nghĩ bạn là thằng đứng về phía thằng thắng cuộc, thấy người bị tấn công mà không giơ tay tương trợ. Chính sách trung lập do đó không bao giờ là một chính sách khôn ngoan vì nó chẳng khiến bạn có thêm một người bạn nào cả. Mà trong một thế giới đầy rủi ro, không có bạn chính là tự chuốc lấy sự cô lập cho chính mình.
Đứng giữa Mỹ và Trung Quốc, trước sau gì Việt Nam cũng phải chọn đứng về một bên. Đứng về phía Trung Quốc, Việt Nam sẽ đối diện với nguy cơ mất nước. Và nếu Việt Nam mất nước thì giới lãnh đạo Việt Nam chắc chắn chẳng có một tương lai tốt lành nào. Các lãnh đạo Việt Nam ít nhiều cũng được đọc hay xem phim về các điển tích của Trung Quốc nên họ có lẽ biết rõ về điều đó. Nhưng trước khi đứng về phía Trung Quốc, giới lãnh đạo Việt Nam hẳn sẽ bị nhân dân đứng dậy lật đổ. Người dân Việt Nam chưa từng biết về dân chủ, về bầu cử tự do, nên họ chưa đòi. Nhưng người dân Việt Nam được dạy rằng mất nước sẽ khổ thế nào, nên họ nhất quyết không để mất nước một lần nào nữa.
Còn đứng về phía Mỹ các lãnh đạo Việt Nam lại sợ mất cái ghế của mình trước tiên. Đó là một nỗi sợ vô hình, sợ Mỹ sẽ thực hiện các can thiệp chính trị nội bộ như Mỹ đã làm với Việt Nam Cộng Hoà và các nước Nam Mỹ La Tinh. Nhưng, đứng về phía nào thì đồng minh cũng tác động để chính sách của mình đi cùng với quyền lợi của người ta cả. Đó mới gọi là đồng minh. Khôn ngoan như Đài Loan hay Nhật Bản thì dựa vào quyền lợi của người ta mà làm nên quyền lợi của mình. Còn muốn đứng với người ta, muốn người ta nhận mình là đồng minh, mà trong tư tưởng vẫn còn muốn đu dây, đi với kẻ thù của đồng minh, thì còn lâu người ta mới mở lòng chia sẻ. Do đó, đồng minh cũng có nhiều dạng, chẳng hạn đồng minh Mỹ-Pakistan, Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ, nó khác với đồng minh Mỹ-Anh, Mỹ-Israel hay Mỹ-Pháp, tuỳ vào sự chia sẻ lẫn nhau mà quan hệ đồng minh có khăng khít hay không.
Quyết tâm chính trị định hướng cho hoạt động ngoại giao. Đứng trong một chế độ chông chênh nơi mà lãnh đạo hầu như không còn tính chính danh, không thể quản trị được quốc gia, mà điển hình là sự hoảng loạn trong điều phối các hoạt động xử lý đại dịch, thể chế còn tồn tại là bởi vì người dân chưa đứng dậy hoặc một cuộc đảo chính chưa diễn ra. Với một tình trạng mất khả năng kiểm soát như hiện nay, bất kỳ một thế lực nào nổi lên cũng đều có thể dễ dàng kiểm soát chế độ. Vì lẽ đó mà các lãnh đạo cộng sản Việt Nam sẽ không dám thực hiện một cải cách chính trị nào. Họ sẽ duy trì tình trạng hiện nay cho đến khi bị một thế lực khác đánh bại.
Sự bất định trong hướng đi chính trị dẫn đến ngoại giao Việt Nam hầu như bế tắc. Đó là lý do mà cho đến nay, ngoại giao Việt Nam chẳng có một đóng góp gì đáng kể trong các hoạt động thúc đẩy vị thế quốc gia hay tranh thủ sự hỗ trợ của các nước trong khu vực và phương Tây nhằm bảo vệ lợi ích vùng biển của đất nước như cách mà Đài Loan đã làm trong các hoạt động ngoại giao của mình.
Và khi mà một chiến lược ngoại giao không có, Việt Nam sẽ đứng bên ngoài các dàn xếp chính trị, trở thành một người thụ động chấp thuận các giải pháp chính trị thay vì là người can dự và góp phần vào chuyện sắp xếp nhằm bảo vệ lợi ích của chính mình.
Muốn thực hiện một chiến lược khôn ngoan và hiệu quả tất phải có những lãnh đạo hiểu biết và có tầm nhìn. Nhưng nhìn lại những gì mà nhóm lãnh đạo Việt Nam thực hiện trong công tác chống dịch, những người ôn hoà nhất cũng thấy rằng giới lãnh đạo hầu như chẳng có một tài năng gì đáng kể. Ngược lại là rất tầm thường, thậm chí có vấn đề về tâm thần.
Còn muốn trở thành một đồng minh với Mỹ nhằm chia sẻ những quyền lợi một cách thân tình thì trước hết Việt Nam phải trở thành một nước dân chủ. Người Mỹ lập đồng minh, kết bạn với người Việt thì họ phải kết bạn với người đại diện hợp pháp của người Việt, chứ chẳng ai lại đi kết bạn với phường tiếm quyền của người Việt, mượn danh của người Mỹ để đàn áp, bỏ tù người Việt. Thiết lập một mối quan hệ như vậy ắt người đứng đầu chính quyền Mỹ sẽ bị cười nhạo, thậm chí nặng hơn là bị khinh thường, và hành động đó nó được lịch sử ghi lại như là một tiền lệ kéo dài mãi về sau về hình ảnh và cách hành động của người Mỹ. Đó là điều mà chẳng chính khách nào muốn.
Nhiều bạn sẽ hỏi ngược lại rằng tại sao trong quá khứ Mỹ lại đi kết bạn với các nước độc tài làm đồng minh như các quốc gia Ả Rập ở Trung Đông. Đó là một câu chuyện của lịch sử khi mà hai khối tư bản và cộng sản đối chọi nhau, và người Mỹ đặt giá trị của hệ thống tư bản chủ nghĩa lên cao hơn sự tự do vốn cũng là một khẩu hiệu mà phe xã hội chủ nghĩa dùng. Tuy vậy, sự tự do của phe xã hội chủ nghĩa được hiểu là sự tự do thoát khỏi thân phận thuộc địa, để sau đó bị tròng vào cái ách cộng sản.
Ngày nay thì sự thể đã khác. Chiến lược của Mỹ là liên minh các quốc gia dân chủ để chống lại ảnh hưởng của độc tài.
Hãy tưởng tượng cảnh này. Nếu một Việt Nam tiếp tục độc tài và nhờ sự giúp đỡ đồng minh của Mỹ mà trở nên ngày càng giàu mạnh như Đài Loan, Hàn Quốc, hôm nay. Lúc này, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ ngay lập tức dùng Việt Nam như một mô hình mà tuyên truyền rằng hãy nhìn Việt Nam kìa, nhờ áp dụng chế độ độc tài độc đảng mà nó đã nhanh chóng phát triển nhanh hơn các thể chế dân chủ cùng thời. Thể chế độc tài do đó là một mô hình cần thiết để phát triển quốc gia khi đất nước còn khó khăn, và dân chủ sẽ chỉ được thực hiện sau cùng khi đất nước đã trở nên rất giàu có. Bằng cách tuyên truyền như vậy, vô số các quốc gia đang phát triển sẽ ngày càng nhìn mô hình phát triển với độc tài chính trị như là một mô hình mẫu, giống như cách mà các nước đang học theo Trung Quốc ngày nay. Lúc đó, chính sách kiến tạo đồng minh của Hoa Kỳ coi như đã thất bại.
Nhìn lại để thấy rằng bế tắt và giải pháp cho Việt Nam hiện nay nằm ở nút thắt chính trị. Ngày nào Việt Nam chưa có một cuộc bầu cử tự do để chọn ra những lãnh đạo cho mình, ngày đó Việt Nam vẫn như con tàu vô định trôi giữa những biến thiên của thời cuộc.
Vậy liệu khi nào Việt Nam có một cuộc bầu cử tự do nhằm chọn ra những lãnh đạo ưu tú cho chính mình? Điều đó tuỳ thuộc vào quyết tâm của mọi người. Những nghiên cứu chính trị chỉ ra rằng chỉ cần 3,5% dân số đòi hỏi thay đổi thì thay đổi sẽ diễn ra. Và nếu Facebook được dùng như một phương tiện nhằm thể hiện ước mong của mỗi người thì việc thay đổi sẽ diễn ra khi có vài triệu người cùng lên tiếng đòi một cuộc bầu cử dân chủ.
Do đó, hãy lên tiếng đòi bầu cử tự do theo cách của bạn. Nếu một người chia sẻ lời kêu gọi bầu cử tự do này cho 10 người, bạn sẽ có 10 người hiểu biết. Trong 10 người đó, mỗi người tiếp tục chia sẻ cho 10 người khác, chúng ta có được 100 người. Mỗi 3 lần lặp lại như vậy chúng ta được một ngàn, và 6 lần lặp lại thì chúng ta được một triệu. Vậy chỉ cần 7 lần lặp lại thành công thì chúng ta nhận được 10 triệu người đòi bầu cử tự do. Đó là một con số đáng kể giúp thay đổi cục diện đất nước nhanh chóng.
Nguyễn Huy Vũ
19.7.2021
Ảnh: Facebook Bộ Ngoại giao Đài Loan.
Leave a Reply