Người Mỹ, chiến lược, và bạn bè

Đêm 2/5/2011, một nhóm biệt kích hải quân của Mỹ bay trên hai máy bay trực thăng xâm nhập vào lãnh thổ của Pakistan. Cuộc đột kích bí mật đó đã nhanh chóng giết chết thủ lãnh khủng bố Osama bin Laden. Sau cuộc đột kích đó, Pakistan đã lên án Hoa Kỳ, cho rà soát lại nguyên nhân làm sao Hoa Kỳ biết được rằng Osama bin Laden đang sống trong một dinh thự biệt lập ở Abbottabad. Pakistan sau đó cho bắt ngay vị bác sỹ, người đã tổ chức kế hoạch tiêm chủng cho trẻ nhỏ mà nhờ đó lực lượng tình báo của Hoa Kỳ đã lấy được mẫu máu và đối chiếu DNA với người thân của trùm khủng bố bin Laden để xác thực rằng ông trùm khủng bố đang sống ở trong toà dinh thự kín cổng cao tường. Câu chuyện điều tra và đột nhập giết trùm khủng bố Osama bin Laden sau đó được dựng thành phim. 


Và dù không nói ra, nhưng giới hoạch định chính sách đều nghi ngờ rằng Pakistan, ít nhất là một phe phái nào đó, đã cố tình giúp đỡ cho sự lẫn trốn của bin Laden.


Mối quan hệ đồng minh giữa Pakistan và Mỹ là một trong những mối quan hệ phức tạp vào hàng bậc nhất. 


Pakistan coi Afghanistan như là một vùng phên dậu, giống như Việt Nam coi Lào. Một chính quyền ở vùng phên dậu có chung chí hướng, là đồng minh, và phụ thuộc vào mình là một điều cần thiết nhằm bảo đảm an ninh quốc gia. Đó là lý do mà Việt Nam luôn cố gắng duy trì ảnh hưởng ở Lào, cũng như Pakistan cố gắng tạo ra một chính quyền phụ thuộc và gần gũi với mình ở Afghanistan. Đó là địa chính trị và điều đó chẳng có gì sai. Nó cũng giống như Canada và Mexico đối với Mỹ. Một chính quyền có thể sụp đổ rất nhanh chóng nếu nó thất bại trong các chiến lược an ninh và vì vậy mà rủi ro an ninh về địa chính trị luôn được đặt lên hàng đầu.


Giải nghĩa như vậy chỉ để nói rằng đó là một lẽ tự nhiên mà Pakistan luôn cố gắng tạo ảnh hưởng chính trị ở Afghanistan. 


Khi Liên Xô dựng xây nên một chính quyền cộng sản ở Afghanistan thì ngay lập tức Pakistan, một nước mà phần đông theo Hồi giáo, lập tức ủng hộ các lực lượng thánh chiến. Hệ thống cộng sản chủ trương vô thần, chuyên dàn dựng các cuộc đảo chính để thiết lập các chính quyền cộng sản, là một kẻ thù không đội trời chung với các nước Hồi giáo. Vì vậy mà để chống lại hệ thống cộng sản, Hoa Kỳ từ đầu đã kết đồng minh với các nước Hồi giáo khác nhau. Mối quan hệ đồng minh giữa Hoa Kỳ và Pakistan cũng bắt đầu từ thời kỳ chung sức đánh Liên Xô ở Afghanistan này. 


Trong sự hợp tác của hai nước nhằm chống lại Liên Xô, hai nước theo đuổi hai mục đích khác nhau. 


Pakistan muốn lật đổ chính quyền cộng sản thân Liên Xô ở Afghanistan, nhằm xây dựng nên một chế độ thân thiện với mình. Đó là lý do mà họ đã đào tạo các nhóm thuộc phong trào Taliban và hỗ trợ quân sự nhằm giúp nhóm này giành quyền cai trị đất nước và đánh đuổi các lực lượng nghĩa quân ở phía Bắc. Cách Pakistan hỗ trợ Taliban lập nên một nhà nước thân thiện với mình nhằm mục đích đảm bảo an ninh nội địa của Pakistan không khác bao nhiêu cách mà giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam giúp dựng nên nhà nước Campuchia với thủ tướng Hun Sen. Cả hai đều có mục đích tạo ra một vùng phên dậu an toàn nhằm đảm bảo an ninh quốc phòng. 


Còn Hoa Kỳ thì thông qua sự hợp tác với Pakistan muốn ngăn ngừa chủ nghĩa cộng sản lan tràn sang các nước khác nhau trong khu vực và Hoa Kỳ cũng muốn dùng các lực lượng thánh chiến, một cách gián tiếp, đánh lại quân Liên Xô khiến giúp tiêu hao lực lượng và làm suy sụp ngân sách quốc gia của Liên Xô. 


Kể từ khi Liên Xô đổ quân vào Afghanistan thì có thêm hai nước là Trung Quốc và Saudi Arabia tham gia mạnh mẽ vào cuộc chiến chống Liên Xô. Lý do là lúc bấy giờ, Liên Xô là kẻ thù của Trung Quốc, Liên Xô mạnh thì Trung Quốc sẽ khốn đốn. Còn Saudi Arabia thì lo sợ rằng Liên Xô ở đó lâu dài thì có ngày họ thúc đẩy phong trào cộng sản ở Trung Đông và lực lượng này sẽ đảo chính lật đổ cả hoàng gia.


Đây là thời kỳ gọi là chiến tranh uỷ nhiệm. Các phe đổ tiền của, vũ khí, chiến đấu với nhau thông qua xương máu người Afghanistan. 


Cuộc chiến kết thúc khi Liên Xô rút đi vì tình hình kinh tế trong nước khủng hoảng và ngay sau đó là Liên Xô tan rã. Mất chỗ dựa nên chính quyền cộng sản Afghanistan tồn tại thêm vài tháng nữa là sụp đổ. Cuối cùng Taliban lên cầm quyền đúng như mong đợi của Pakistan. 


Mục tiêu chính trị của cả Mỹ và Pakistan như vậy là hoàn thành. 


CHỦ NGHĨA HỒI GIÁO CỰC ĐOAN VÀ MỸ


Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan thề không đội trời chung với Mỹ và phương Tây. Đây là một câu chuyện dài có nguồn gốc lịch sử phức tạp. Đó là lý do mà nhà nước Hồi giáo cực đoan Taliban đã dung túng cho các lực lượng khủng bố Hồi giáo có mục tiêu phá hoại các chính quyền phương Tây.


Sau khi Osama bin Laden được sự dung túng của Taliban khủng bố nước Mỹ vào ngày 11/9/2001, thì tổng thống George W. Bush nhân cơ hội đó mà nhổ luôn hai cái gai chống phương Tây là nhà nước Hồi giáo Taliban và nhà nước Hồi giáo Iraq của Sadam Hussein. 


Tổng thống Barack Obama sau đó lên nhổ thêm cái gai nhà nước Hồi giáo Lybia của Muammar Gaddafi, và cố gắng dẹp luôn nhà nước Hồi giáo Syria của Bashar al-Assad. Nhưng vì có Nga muốn duy trì ảnh hưởng ở Syria, hết lòng bảo vệ chế độ của Bashar al-Assad nên Mỹ chưa diệt được nhà nước Hồi giáo cực đoan ở đây.


Tổng thống Donald J. Trump lên nắm quyền dẹp nhà nước khủng bố Hồi giáo ISIS và diệt luôn tướng tình báo Qasem Soleimani chuyên hỗ trợ các lực lượng khủng bố chống Mỹ của Iran. 


Điểm lại các sự kiện như vậy để chúng ta thấy rằng mục tiêu dẹp các nhà nước và tổ chức Hồi giáo cực đoan nhằm chống lại Mỹ và phương Tây là mục tiêu xuyên suốt của các tổng thống Mỹ khác nhau dù ở đảng này hay đảng kia. 


Hiện nay chỉ còn hai nhà nước Hồi giáo có tư tưởng chống Mỹ công khai là Syria và Iran. Với Syria, chừng nào Nga còn chống lưng thì Syria còn tồn tại, nhưng Nga không thể chống lưng mãi mãi. Iran thì đang cố gắng chế tạo bom hạt nhân để tự vệ. Nhưng Israel, một đối thủ không đội trời chung của Iran, có thể sẽ tấn công phủ đầu Iran trước khi Iran có thể tạo ra bom hạt nhân. 


XOAY TRỤC VÀ BẠN BÈ


Kẻ thù của kẻ thù là bạn. 


Khi Hoa Kỳ xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương, họ xác định mục tiêu lâu dài trong cuộc cạnh tranh chiến lược là Trung Quốc. 


Một trong các kẻ thù của Trung Quốc là Ấn Độ. Ấn Độ lại là nước dân chủ. Trước đây Ấn Độ theo chủ trương không liên kết, nhưng có xu hướng nghiêng về Liên Xô. Chỉ sau khi Liên Xô sụp đổ, Ấn Độ mới cải cách hệ thống kinh tế trong nước và ngoại giao xích dần về phương Tây. Ấn Độ từng có chiến tranh với Trung Quốc và chưa bao giờ là bạn của Trung Quốc. Cho nên Ấn Độ là một đồng minh lý tưởng với Mỹ trong chiến lược xoay trục.


Ấn Độ với Pakistan năm xưa vốn cùng là một lục địa chịu sự cai quản của Anh. Khi Anh trao trả độc lập thì, một cách cố ý, hình thành nên hai nước, một nước theo Ấn Độ giáo là Ấn Độ, và một nước theo Hồi giáo là Pakistan. Sự xung đột tôn giáo sau đó dẫn đến xung đột địa chính trị và cuối cùng Ấn Độ và Pakistan lại trở thành hai đối thủ của nhau.


Hoa Kỳ kéo Ấn Độ về phía mình thì Trung Quốc kéo Pakistan về phía họ. Pakistan hiện nay thân Trung Quốc hơn là Hoa Kỳ. 


Nhìn một chính phủ Afghanistan thân Mỹ hiện diện ở Kabul Pakistan chắc hẳn là lo lắng. Đó là lý do mà các nhóm Taliban đã luôn có thể sống sót ở vùng biên giới giữa Afghanistan và Pakistan. Không có sự trợ giúp của Pakistan một cách âm thầm có lẽ họ đã tàn lụi từ rất lâu chứ không thể ngày một lớn mạnh và được trang bị đầy đủ vũ khí và đạn dược. Hoa Kỳ biết rõ điều đó nên mỗi khi muốn điều đình chuyện gì với Taliban đều thúc đẩy qua ngõ Pakistan. 


Chuyện Taliban phá vỡ thoả thuận với Hoa Kỳ, nhanh chóng chiếm lấy Kabul, làm bẽ mặt Hoa Kỳ và phương Tây coi như là giọt nước làm tràn ly trong mối quan hệ giữa Pakistan với Hoa Kỳ và phương Tây.


Phía sau Taliban là Pakistan. Và bên cạnh Pakistan là Trung Quốc. Nhưng bên cạnh Trung Quốc còn là Thổ Nhĩ Kỳ. 


Thổ Nhĩ Kỳ, một nước Hồi giáo, đã tuyên bố sẽ cùng với Pakistan giúp tái ổn định tình hình của Afghanistan và thông điệp này ngầm được Bắc Kinh ủng hộ.


Thổ Nhĩ Kỳ trước là một thành viên của Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm chống lại Liên Xô. Nhưng kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Thổ Nhĩ Kỳ có khuynh hướng độc lập, giữ khoảng cách với Mỹ và phương Tây. Mặc cho sự can thiệp của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ quyết định nhập ngày càng nhiều các vũ khí của Nga. Đó là một chỉ dấu của tín hiệu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ muốn bớt sự phụ thuộc vào Mỹ và phương Tây và muốn tiến gần hơn về phía của Nga. 


***


Điểm lại những sự kiện liên quan đến Taliban để cho thấy rằng bàn cờ và các đồng minh đang được sắp xếp lại. Một nước liên minh với một nước khác chỉ vì lợi ích của mình nhằm thoả mãn những quyết sách chính trị. 


Mỹ từ chiến trường Trung Á vội vã xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương. Trong cuộc xoay trục này, Mỹ bỏ Afghanistan và Pakistan, để giữ lấy Nhật, Úc, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, và Singapore.


Chiến tranh là một phần của các quyết định chính trị. Việc bỏ một chiến trường để chuyển về một chiến trường khác là một phần trong một chiến lược chính trị rộng lớn hơn. Nếu như ba đời tổng thống Hoa Kỳ quyết tâm tiêu diệt các nước Hồi giáo chống Mỹ thì giờ đây ba đời tổng thống đang quyết định xoay trục về châu Á – Thái Bình Dương. Chính sách Mỹ luôn liên tục, nhưng liên tục vì quyền lợi của người Mỹ. Đó là vì đằng sau các chính trị gia là các nhà làm chính sách và những người hình thành tư tưởng. Những người này có thể yêu quý một đảng phái nhưng họ luôn đặt lợi ích đất nước lên trên. Và trong suy nghĩ của họ, Hoa Kỳ cần dẫn dắt thế giới. 



Nguyễn Huy Vũ

16.8.2021


Posted

in

, ,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *