Tôi là lãnh đạo của một đất nước đang có chiến tranh và hôm nay tôi sẽ gặp lãnh đạo Hoa Kỳ để bàn về một hợp đồng nhằm chấm dứt chiến tranh, mang lại hoà bình và nhằm tranh thủ sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Lãnh đạo Hoa Kỳ là ngài Đỗ Nam Trung, một người nổi tiếng về khó tính trong các giao dịch.
Tôi sẽ chọn bộ comple đẹp nhất, tinh tươm nhất. Cắt tóc, cạo râu gọn gàng. Xịt một chút nước hoa. Đánh bóng đôi giày. Soi gương cố nở một nụ cười để đi gặp đối tác. Ba mẹ tôi dạy: “Ăn cho mình, mặc cho người”. Vào nhà người ta ở một cuộc gặp cao cấp nhất, đại diện cho quốc gia, và để thể hiện sự tôn trọng cao nhất với đối tác tôi phải thể hiện mình trong trang phục lịch sự nhất, phù hợp nhất với không khí trong nhà của đối tác. Tôi sẽ không khoác lên người bộ quân phục mà tôi mặc thường ngày vào Nhà Trắng nhằm mục đích tuyên truyền cho chiến tranh vì tôi nghĩ đó không phải là dịp thích hợp.
Trong buổi trao đổi công khai trước thế giới, có những điều ngài tổng thống Hoa Kỳ và ngài phó tổng thống nói tôi không thấy thoải mái chút nào, nhưng tôi nghĩ mình là thân phận nhược tiểu, đi nhờ, đi xin người ta giúp đỡ, nên mình phải khiêm tốn, nhịn nhục, không tỏ ra khó chịu trước ống kính. Cái gì mình đồng ý mình sẽ nói đồng ý, cái gì mình chưa chịu thì mình lựa lời mà nói rằng cái này chúng ta cần phải thảo luận lại để tìm chỗ đồng thuận.
Khi nói chuyện tôi sẽ không khoanh tay trước ngực, nét mặt không tỏ vẻ tức giận, vì điều đó là bất lịch sự, không thể hiện sự tôn trọng với chủ nhà. Thay vào đó, tôi sẽ để hai tay tựa lên đùi, mười ngón tay sẽ chụm lại, các ngón tay hơi hở ra và nhìn vào mặt đối phương vẻ lắng nghe. Đùi sẽ không mở quá rộng. Nếu những vị chủ nhà có đôi lúc hơi lớn tiếng nhưng tôi nghĩ nếu tôi khiêm tốn, lắng nghe, nói nhỏ nhẹ với họ, thì tôi nghĩ rằng họ sẽ dịu giọng và chúng tôi sẽ có một cuộc trò chuyện mang tính xây dựng và chúng tôi sẽ xây dựng được một mối quan hệ tốt. Ông bà tôi có dạy “tránh voi có xấu mặt nào”. Đối với các nước lớn, là lãnh đạo nước nhỏ, tôi luôn cố gắng khiêm tốn trong các trao đổi với họ.
Tôi cũng sẽ không cố gắng lên lớp những vị khách chủ nhà của tôi. Tôi sẽ không “giảng bài” cho họ đại loại rằng: “Trong chiến tranh, mọi người đều có vấn đề, kể cả các bạn. Bạn có một đại dương và bạn không cảm nhận điều đó bây giờ, nhưng bạn sẽ cảm nhận nó trong tương lai.” Đó không chỉ là một sự lên lớp mà nó còn là một lời nói quở, nói xấu về đất nước của những vị chủ nhà. Những lời nói đó sẽ khiến vị tổng thống Mỹ và vị phó tổng thống Mỹ tức giận hơn. Và họ chắc chắn sẽ đáp trả rằng bạn không có tư cách gì để mà nhận xét về tương lai hay số phận của chúng tôi cả. Một lời nói như vậy nó chỉ khiến cho mối quan hệ xấu đi. Thay vào đó tôi sẽ nói rằng việc Hoa Kỳ giúp cho đất nước chúng tôi kiến lập hoà bình, giảm bớt chết chóc đau thương vì chiến tranh là một việc làm nhân đạo, đem lại hình ảnh tốt đẹp cho Hoa Kỳ và kiến tạo một đồng minh, một tình bạn giữa hai quốc gia. Nhân dân chúng tôi sẽ khắc sâu ơn huệ của sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.
Tôi sẽ cố gắng tạo một không khí vui vẻ và thoải mái trong cuộc họp vì dù gì thì Hoa Kỳ là nước duy nhất có thể giúp nước tôi bảo vệ được tự do, dù có những điểm tôi không vừa ý trước hay trong cuộc họp. Đối với tôi, không ai hoàn hảo và mọi người đều hành động hoặc vì lợi ích của mình hoặc quốc gia mình đại diện, và chuyện khác biệt trong lợi ích hay cách hành xử là chuyện bình thường.
Tôi cũng sẽ không công khai ủng hộ bất cứ một ứng cử viên nào của đảng nào trong các cuộc bầu cử của Hoa Kỳ. Vì nếu bên mình ủng hộ mà thua thì mình trở thành kẻ ngốc, tạo thêm kẻ thù không đáng có. Còn nếu người mình ủng hộ mà thắng cử thì mình cũng chẳng được gì thêm. Tôi nghĩ rằng chuyện chọn ai làm lãnh đạo là chuyện của nhân dân Hoa Kỳ, và tôi sẽ làm việc với bất cứ người lãnh đạo nào của Hoa Kỳ, vì họ là đại diện hợp pháp của Hoa Kỳ. Làm việc với họ là làm việc với Hoa Kỳ, và tôn trọng vị trí của họ là tôn trọng nhân dân Hoa Kỳ.
Và cuối cùng, có một câu thành ngữ mà tôi rất thích đó là “đừng đốt cây cầu”. Tôi sẽ cố gắng giữ mối quan hệ với các lãnh đạo Hoa Kỳ vì đó là những cây cầu mà tôi sẽ cần bây giờ và cả trong tương lai để giúp hỗ trợ đất nước tôi chống chiến tranh và xây dựng một tương lai thịnh vượng. Không chỉ không đốt, tôi còn muốn xây cây cầu đó to hơn, đẹp hơn, và chắc chắn hơn. Và muốn xây dựng một cây cầu như vậy, nó không những đến từ nỗ lực của tôi, quốc gia tôi, mà còn từ các lãnh đạo Hoa Kỳ. Tôi nhận thức rằng chỉ khi Hoa Kỳ họ có mối lợi ở nước tôi thì họ mới cùng chúng tôi xây dựng cây cầu hữu nghị ngày một to hơn với chúng tôi. Vì vậy mà tôi sẽ lắng nghe họ muốn gì, và tôi sẽ thương thảo với họ để cả hai phía chúng tôi cùng vui vẻ, cùng có lợi mà xây cây cầu hữu nghị giữa hai quốc gia này. Vì tôi quan niệm rằng một mối quan hệ mà hai bên cùng có lợi thì nó mới bền lâu.
Những lời trên đó chỉ là giả thuyết. Giả thuyết rằng đất nước tôi có chiến tranh và tôi là lãnh đạo. Tôi không muốn đất nước tôi có chiến tranh, nhưng là một lãnh đạo của một tổ chức đối lập, tôi không giấu tham vọng trở thành một lãnh đạo quốc gia trong một cuộc bầu cử tự do. Và nếu tôi là lãnh đạo, chắc chắn tôi sẽ khiêm tốn, biết ơn, và trân trọng mối quan hệ với Hoa Kỳ để xây dựng cây cầu hữu nghị ngày càng lớn hơn dù đó là tổng thống nào, của đảng nào. Và không chỉ Hoa Kỳ, tôi cũng sẽ nhắc quốc gia rằng chúng ta nên xây nhiều cây cầu hữu nghị với các quốc gia khác nhằm kiến tạo hoà bình và thịnh vượng cho quê hương.
Nguyễn Huy Vũ
28/2/2025