Kinh tế ở Việt Nam đã bước đến bờ vực của một cuộc khủng hoảng – đó là những thông tin có được từ các tổ chức tư vấn và nghiên cứu kinh tế. Thị trường chứng khoán và lạm phát rơi tự do, tiền đồng Việt Nam đang rớt giá, các chính sách và biện pháp vĩ mô đã thất bại hoặc hầu như không có tác động nào. Nguyên nhân nào mà một nền kinh tế, mới cách đây một năm, với những tin tốt lành xuất hiện trên mặt báo và các nhà đầu tư nước ngoài xem Việt Nam như một “con hổ kinh tế” mà giờ đây nền kinh tế tụt dốc một cách không phanh như vậy ? Nguyên nhân chính là những chính sách vĩ mô sai lầm.
Sai lầm 1.
Sau khi gia nhập WTO và được chấp nhận làm thành viên không thường trực của hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Việt Nam dần nổi lên như một điểm đến đầy hứa hẹn về đầu tư, một nền kinh tế non trẻ và là con hổ cuối cùng trong khu vực Đông Nam Á bắt đầu xuất hiện. Tin tốt lành về Việt Nam xuất hiện đều đặn trên các tạp chí thế giới. Các quĩ đầu tư và các xí nghiệp lớn bắt đầu đổ vào VN đầu tư. Còn gì tốt lành hơn nữa ? Chứng khoán bắt đầu lên giá. Từ khoảng 500 lên đến mức 1000 điểm – chỉ trong vòng 1 năm mà tăng giá đến 200%. Làn sóng đầu tư chứng khoán lan rộng ra, nhà nhà chơi chứng khoán, người người chơi chứng khoán. Các công ty, đặc biệt là các công ty nhà nước thi nhau đầu tư vào chứng khoán. Các ngân hàng bắt đầu cho vay đầu tư vào chứng khoán Thị trường chứng khoán bắt đầu như cái bong bóng. Tư nhân (hoặc công ty) vay ngân hàng, đầu tư chứng khoán, đem chứng khoán thế chấp để vay tiếp, rồi quay lại đầu tư chứng khoán. Nhằm hãm lại cái bong bóng thị trường chứng khoán, chính phủ vội hạn chế ngân hàng cho vay chứng khoán, nâng lãi suất, áp đặt dự trữ bắt buộc. Đùng một cái thị trường chứng khoán giống như cái vòi nước đang chảy, tự nhiện bị bịt lại. Người có chứng khoán không biết bán cho ai, người muốn mua không có tiền để mua. Không có cầu, cung rớt giá. Sai lầm là ở đây. Một chính sách khôn ngoan hơn đáng lẽ phải có trong thời điểm này là xem thu nhập từ chứng khoán là một loại thu nhập như các loại thu nhập khác và đánh thuế lũy tiến lên thu nhập từ chứng khoán. Thuế này có thể thu ngay khi xảy ra giao dịch chứng khoán. Khi mà lợi nhuận từ việc kinh doanh chứng khoán so với lãi suất ngân hàng không còn là một con số không lồ nữa thì nguồn cầu chứng khoán sẽ giảm và thị trường dần bắt đầu trở lại bình thường. Bên cạnh đó, đây còn là một dịp may hiếm có để đem cổ phần hóa một cách nhanh chóng các công ty nhà nước, thay vì hỗ trợ các doanh nghiệp này theo kiểu thành lập các tập đoàn kinh tế, và đem số tiền có được từ cổ phần hóa này mở rộng cơ sở hạ tầng, chi phí giáo dục và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước để giảm bớt tình trạng nhập siêu.
Nói thêm một chút về những ý kiến cho rằng nên thành lập các tập đoàn kinh tế. Thực chất một công ty phát triển nhờ hai điều kiện : vốn và công nghệ. Kinh nghiệm cho thấy một công ty trước khi trở thành một tập đoàn, đó là sự phát triển của những công ty nhỏ, rồi sáp nhập lại dần dần, chứ không phải là tình trạng làm ăn thua lỗ rồi đem gộp lại thành một tập đoàn như ở ta. Thậm chí trong các tập đoàn, khi mà một bộ phận bắt đầu làm ăn thua lỗ, họ liền biến nó thành một công ty con, và sẽ bán nó đi cho một công ty khác vào thời điểm thích hợp.
Trở lại, khi mà thị trường chứng khoán và nền kinh tế đang trở nên nóng bị cho một liều thuốc sai (chứ không phải là một liều thuốc quá liều như nhiều người nhận định) thì hậu quả là nó lập tức biến chứng, và rơi tự do ngay lập tức. Cho dù Ủy Ban Chứng Khoán nhà nước bỏ tiền (của dân) ra mua cũng chỉ cầm cự được vài bữa.(Đủ thời gian để những quĩ đầu tư khôn ngoan bán đi các cổ phiểu dỏm và mua lại các blue chip).
Làm sao vực dậy thị trường chứng khoán ? Giá trị của một công ty không chỉ đơn thuần là giá trị tài sản hữu hình nó đang sở hữu mà là kì vọng của người đầu tư về khả năng sinh ra lợi nhuận của nó. Khi mà trong một nền kinh tế ảm đạm, rối loạn về các biện pháp vĩ mô và khi đặc biệt người dân mất niềm tin vào nền kinh tế thì giá trị của công ty cũng ở chung số phận. Điều đó phản ánh mối quan hệ cung cầu của người dân. Muốn phục hồi thị trường chứng khoán thì điều đầu tiên là chính phủ phải có những bước đi khiến người dân cảm thấy nền kinh tế vĩ mô bắt đầu dần hồi phục và ổn định trở lại.
Sai lầm 2.
Lạm phát tụt dốc không phanh. Bình thường khi nền kinh tế lạm phát tăng cao, Ngân Hàng Trung Ương tăng lãi suất để giảm lạm phát. Tại sao lại như vậy ? Khi mà nền kinh tế tăng trưởng, các công ty vay tiền ngân hàng để mở rộng sản xuất, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân. Người dân có thêm tiền, tiêu xài nhiều, trong khi đó hàng hóa sản xuất không kịp nhu cầu; mà cung không đủ cầu thì hàng hóa lên giá. Hàng hóa lên giá đó là lạm phát. Muốn giảm lạm phát thì Ngân Hàng Trung Ương nâng lãi suất lên khiến các công ty vay ít tiền lại, và mở rộng sản xuất từ từ, việc làm tạo ra ít lại và khi người dân thấy khó khăn hơn khi kiếm thêm thu nhập thì tiêu xài ít lại; cầu giảm thì giá cả hàng hóa giảm và lạm phát giảm. Khi nền kinh tế đang phát triển thì nó phải có một mức lạm phát tạm chấp nhận được, với nền kinh tế Việt Nam thì khoản 5%, – đó là chỉ dấu của việc thu nhập người dân tăng lên và có nhu cầu tiêu thụ nhiều hơn. Những kiến thức cơ bản trên những người học kinh tế đều biết.
Vậy trong khi nền kinh tế Việt Nam lạm phát tăng cao (đến khoảng 25% cho tớ nay và sẽ còn tăng nữa sau khi tăng giá xăng dầu; khi mà giá dầu thế giới có thể lên đến 200USD/thùng, thì mức lạm phát có thể đến 45% là con số có thể trở thành sự thực) thì tăng lãi suất có gì sai ? Xin thưa, vì nền kinh tế VN không phải bị căn bệnh trên. Cho đến nay, Việt Nam là một nước nhập siêu, từ nhập các nguyên liệu, xăng dầu… cho đến các hàng hóa cao cấp như nước hoa, xe hơi….Cho nên khi mà giá cả các nguyên liệu này của thế giới tăng cao, đặc biệt là xăng dầu, thì hầu như tất cả các mặt hàng đều lên giá dưới tác động trực tiếp hay gián tiếp. Nói theo cách của các nhà kinh tế là Việt Nam nhập khẩu lạm phát.
Sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam không phải như trường hợp ở trên – khi mà nền kinh tế tăng trưởng tạo ra công ăn việc làm thúc đẩy cầu hơn cung và tạo ra lạm phát.
Trong khi đó, thay vì chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân bằng các chính sách thân thiện và giảm lãi suất để tiết kiệm chi phí vừa tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh về giá và doanh nghiệp làm ăn có lãi để có thể nâng mức thu nhập cho người lao động trước tình hình giá cả đắt đỏ, thì đàng này ngân hàng Trung Ương lại nâng lãi suất và các ngân hàng thi nhau nâng lãi suất. Các doanh nghiệp tư nhân giống như người vừa thoát khỏi chết đuối, lớp ngóp lên bờ bị bóp cổ. Hậu quả là có nhiều doanh nghiệp kí hợp đồng với nước ngoài nhưng giờ đây thà chịu lỗ chứ không giao hàng. Họ cũng không muốn mở rông kinh doanh vì giờ đây lãi suất quá cao, lương công nhân cũng phải cao, và các chi phí khác đều lên cao. Điều này dẫn đến hàng hóa trong nước trở nên khan hiếm hoặc đắt đỏ, và lạm phát tăng lên. Khi mà mức lạm phát trở nên cao hơn mức lãi suất ngân hàng thì lãi suất thực trở thành âm và các ngân hàng lại muốn tăng tiếp lãi suất. Một cuộc đua lãi suất bắt đầu.
Sau khi vấp ngã ở cái chính sách kềm hãm thị trường chứng khoán, đáng lẽ ra một chính sách đứng đắn phải là tạo cho các ngân hàng có thanh khoản đủ để giao dịch và giảm dần lãi suất cho vay kinh doanh khuyến khích sản xuất trong nước, tránh nhập siêu, thay vì thắt chặt chính sách tiền tệ quá lố và các ngân hàng đua nhau tăng lãi suất khiến cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã khốn đốn lại khốn đốn hơn.
Sự tăng trưởng của Việt Nam chỉ đem lại một tài sản khổng lồ cho một thiểu số người sống ở các đô thị, và nhóm người này đóng một vai trò đáng kể trong việc nhập siêu các hàng hóa đắt tiền như ô tô, nước hoa, rượi ngoại….Một biện pháp mà chính phủ có thể làm là đánh một mức thuế xa xỉ phẩm lên một loạt danh mục hàng hóa đặc biệt một cách mạnh mẽ (điều mà cho đến nay, mức thuế này chưa đủ liều).
Sai lầm 3.
Đó là sự bơm tiền vào thị trường thông qua các dự án không đem lại nhiều lợi nhuận cho công ty hay cộng đồng của chính phủ và các công ty nhà nước. Một tỉ lệ bơm tiền nhiều hơn so với tỉ lệ tăng trưởng thông thường đã được bơm vào thị trường khiến cho nguồn cung ứng tiến mặt vượt quá mức bình thường và điều này đóng góp đáng kể vào mức lạm phát. Việc hoãn lại các dự án chính phủ cũng sẽ tạo ra các khó khăn về công ăn việc làm cho người dân và đẩy tình trạng kinh tế nhìn chung vào chỗ bi đát hơn. Nên chăng chính phủ có một chính sách khoán dự án cho các công ty tư vấn độc lập thay măt quản lý. Đây cũng là lúc xem xét lại các công ty và tập đoàn nhà nước để tái cơ cấu về lợi nhuận và tổ chức, và nhà nước có thể đưa ra một thời gian biểu để các công ty này làm ăn hoặc là có lợi nhuận và cổ phần từ từ hoặc là sẽ bị bán lại.
Các đề xuất ở trên ít hay nhiều tùy thuộc vào quyết tâm chính trị của chính phủ. Và chính phủ hiện nay thì cũng “chín người, mười ý”. Làm chính trị phải biết thỏa hiệp và vì mục tiêu chung. Nếu các chính sách và biện pháp sắp tới được đưa ra chỉ mang nặng tính trình diễn thì nền kinh tế VN sẽ gục ngã trong vòng 6 tháng nữa là điều nhiều người có thể dự đoán được.
NHV, 29.05.2008
(bài cũ, đăng lại từ 360 blog)
Leave a Reply