Câu hỏi dân chủ trước đem lại phát triển hay phát triển lên một bậc nào đó thì sẽ có dân chủ. Câu hỏi này nó giống như câu chuyện (rất buồn cười) là con gà hay cái trứng: con gà trước hay cái trứng có trước. Câu trả lời của tôi (nói vui) là: xin thưa, nếu ai cho tôi chọn một trong hai thì dĩ nhiên tôi chọn con gà.
Trở lại câu hỏi trên, khó có một câu trả lời thuyết phục bằng thực nghiệm, vì chúng ta không có cơ hội để thực nghiệm trên một đất nước trong một khoảng thời gian ở hai thời điểm giống nhau. Vậy điều gì làm nên sự phát triển của một đất nước ? chế độ chính trị, văn hóa, cấu trúc xã hội, trình độ khoa học kỹ thuật, khả năng lãnh đạo, tài nguyên thiên nhiên, …
Có muôn vàn lý do và lí do nào cũng có một phần đúng của nó. Vài lý thuyết cho rằng các dân tộc không có may mắn sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên phải cố gắng sinh tồn bằng cách phát triển hơn các dân tộc bình thường khác, như Nhật. Trong khi các dân tộc sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên thì dựa vào tài nguyên sinh sống, nói nôm na là ”bán máu kiếm tiền”, và họ đôi khi rất giàu nhưng lại không phát triển, như các nước Trung Đông nhiều dầu mỏ. Thế nhưng đem lập luận này cho các nước khác như Mỹ thì lý do đó không đúng. Mỹ sở hữu rất nhiều tài nguyên nhưng phát triển rất mạnh. Giải thích thế nào đây ?
Một số khác đem lập luận cơ chế chính trị. Một ví dụ rất điển hình là trường hợp của các nước công nghiệp mới ở Châu Á: Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Cả 3 nước đều có chung đặc điểm là độc tài và dùng hệ thống công chức theo kiểu kỹ trị của Tây Âu (technocracy, chứ không phải kiểu quản lý đảng đoàn cộng sản). Cho rằng một chế độ độc tài đem lại đất nước phát triển rất nhanh. Thế nhưng nếu cho rằng chế độ độc tài đem đất nước phát triển nhanh thì lại không giải thích được trường hợp cho các nước Nam Mỹ. Các nước Nam Mỹ lụn bại trong nghèo nàn cho đến khi các nước này từ bỏ chế độ độc tài. Vì sao ? Dân các nước Nam Mỹ dở hơn dân châu Á ? chưa chắc vì dân Nam Mỹ vốn là hậu duệ của di dân châu Âu. Ông Lý Quang Diệu, cựu thủ tướng của Singapore và ông Mahathir, cựu thủ tưởng, của Malaysia cho rằng dân chủ không phù hợp với các giá trị của dân châu Á. Hai ông đưa ra lập luận này vào đầu những năm 90 khi mà làn sóng dân chủ lan đến châu Á. Những lập luận này, do đó, chỉ đóng vai trò bảo vệ chế độ chính trị của hai nước và vị trí của hai ông. Những lập luận này trở nên trống rỗng khi quan sát Indonesia với hơn 300 triệu dân Hồi Giáo đang thực hiện một nền dân chủ ổn định: kinh tế phát triển tốt, tham nhũng giảm.
Vậy giải thích thế nào với sự phát triển ở 3 nước Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Muốn giải thích trước hết ta quay lại ở mức vi mô nhất, xem điều gì làm nên sự phát triển. Phát triển không chỉ là tăng trưởng kinh tế. Nó còn là khoa học, kĩ thuật, văn hóa, giáo dục, môi trường… những yếu tố mà không thể đo bằng những con số. Đó là sự đóng góp của những kĩ sư, nhà giáo, bác sỹ…những doanh nghiệp mở rộng công ty, những nhà khoa học có những thành công, những nhà hoạt động nghệ thuật tạo ra các tác phẩm giá trị…Để có được điều đó, các nhân tố này phải được kích thích và nuôi dưỡng để phát triển. Một cách may mắn là cả 3 nước này đều có một hệ thống kỹ trị tốt theo mô hình Tây Âu, và trong một thời gian dài họ phát triển giáo dục bằng cách gửi những sinh viên ưu tú nhất sang học ở các nước phương Tây. Về kinh tế, họ mở rộng và khuyến khích tư bản phát triển. Nếu hiểu theo một cách đừng đắn, sự phát triển này là do có được một chính sách tốt được thực hiện trong một thời gian dài. Chính sách tốt đó là phát triển giáo dục, học hỏi phương Tây và khuyến khích thương mãi. Hệ thống kĩ trị đóng góp vào sự phát triển dưới dạng giúp cho các chính sách được thực hiện đứng đắn và hiệu quả. Trong hệ thống kỹ trị chỉ có một vài vị lãnh đạo của một cơ quan lớn thuộc về đảng chính trị, các nhân viên còn lại không thuộc đảng phái nào; việc tuyển dụng theo hình thức công chức bình thường như trong các công ty. Do đó mà khi Đài Loan và Hàn Quốc chuyển sang chế độ dân chủ thì không có xáo trộn gì nhiều. Mặc hạn chế trong suốt thời kì độc tài của 3 nước này là văn hóa phát triển một cách èo uột; kinh tế phát triển dựa vào hoặc là của các công ty nhà nước như ở Đài Loan hay các tập đoàn gia đình dính dáng đến chính phủ của Hàn Quốc. Những công ty này lũng đoạn thị trường trong một thời gian dài và cho đến nay chi phối nền kinh tế. Tốt hay xấu ? Sự lũng đoạn của các công ty lớn về mặt nào đó đè bẹp các công ty nhỏ; các công ty lớn cũng ít ”sáng tạo” hơn. Tuy nhiên, thế mạnh của các công ty lớn là nguồn tài chính dồi dào để đầu tư cho các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Trong một vài trường hợp họ thành công, như Samsung. Nhưng nếu để ý số charbol – những tập đoàn của Hàn Quốc – sau khủng hoảng tài chính 1997, hiện nay tồn tại chỉ đếm trên đầu bàn tay. Singapore cũng từng có những nỗ lực để xây dựng ngành công nghiệp điên tử. Một trong những hướng đi là mua lại một công ty sản xuất một bộ nhớ máy tính. Sau một vài năm, công ty lỗ vì không có khả năng sáng tạo. Các hãng của Mỹ sản xuất ra các sản phẩm với dung lượng lớn hơn và rẻ hơn. Chính phủ Singapore buộc phải bán lỗ nặng công ty. (Câu chuyện này làm tôi nhớ Vinashin). Vào khi mà nền công nghiệp chuyển sang hướng tri thức, sự sáng tạo đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế. Sự sáng tạo chỉ có thể có được khi con người tự do. Nếu như trước kia, Hàn Quốc với Đài Loan chỉ phát triển những ngành công nghiệp nặng và thường phải mua (hoặc nếu mua không được thì ”chôm” như Samsung của Hàn Quốc), ngày nay nền kinh tế của họ bắt đầu trở nên sáng tạo. Singapore đầu tư khá nhiều vào giáo dục và nhân lực, nhưng nền công nghiệp trong nước phát triển chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài.
Một câu chuyện khác. Trung Quốc là nước đầu tiên chế tạo ra thuốc súng và sử dụng la bàn. Họ cũng là những người tạo ra lịch rất chính xác, và quan sát thiên văn từ rất sớm. Nền văn minh của họ vượt rất xa châu Âu lúc này. Những thành tựu này có được khi Trung Quốc là một lục địa gồm nhiều nước. Thế nhưng sau đó, khi các nước nhỏ dần quy về một mối, sức sáng tạo giảm đi hẳn. Và châu Âu vượt qua rất nhanh. Vì sao ? Trong thời Trung Hoa lục địa, các nước chia năm sẻ bảy, các nước cạnh tranh với nhau. Khi một sáng kiến (cho dù kì quặc) nếu đem lại ích lợi cho một nước sẽ được nước ấy tôn trọng bất kể nước khác nghĩ gì. Một cá nhân xuất chúng nếu không được nước này trọng dụng sẽ đến nước khác. Khổng Tử không giúp được nước Tề thì sẽ qua Lỗ. Các sáng kiến do đó có cơ hội được thực hiện. Càng nhiều nước thì cơ hội một sáng kiến được áp dụng hay một nhân tài được tưởng thưởng càng lớn. Do đó mà giai đoạn ban đầu, Trung Quốc rất phát triển. Về sau, khi ”giang sơn thu về một mối” từ thời Tần Thủy Hoàng, ý kiến của vua là ”ý trời”. Vua không cho thì coi như sáng kiến không dùng được, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người khởi xướng. Gặp ông vua minh mẫn thì nhờ, gặp ông vua hung bạo ”đốt sách, chôn Nho” như Tần Thủy Hoàng thì rủi. Trí thức sống trong lo âu. Sức sáng tạo trở nên thui chột.
Còn châu Âu ? Nhớ lại câu chuyện của Colombus khám phá châu Mỹ. Lúc đầu ông xin vua Bồ Đào Nha. Xin mấy lần không thành công. Sau ông quay qua vua Tây Ban Nha xin thì được hỗ trợ. Nếu giả sử châu Âu đều dưới quyền một vị vua, chẳng hạn, vua Bồ Đào Nha, thì sẽ còn rất lâu mới khám phá ra châu Mỹ. Sự tản quyền của châu Âu là một yếu tố rất lớn khuyến khích nên sự phát triển của châu lục này. Các vương quốc cạnh tranh nhau và cố gắng thu nhận mọi sáng kiến nhằm phát triển vương quốc của mình. Về mặt nào đó, dân chúng trở nên tự do hơn so với ở châu Á lúc bấy giờ. Nếu họ không thích nước này, dễ dàng qua nước khác sinh sống và đóng góp. Các sáng kiến nếu không được áp dụng ở thành phố này thì có thể sẽ được khuyến khích ở thành phố khác. Ý kiến và sáng kiến nảy nở. Điều này đóng góp nên sự phát triển vượt bực của châu Âu. Đặc biệt không những ở kĩ thuật mà nghệ thuật – lãnh vực đòi hỏi có một mức độ tự do cao để có được những cảm hứng.
Khi mà những nền kinh tế đang cạnh tranh nhau để vươn lên, và những con số kinh tế trở thành những tiêu chí duy nhất để so sánh, châu Âu ở một mặt nào đó vẫn cung cấp nhiều bài học cho phát triển. Phát triển đâu phải chỉ nằm ở những con số kinh tế, cân đo đong đếm. Nó còn nằm ở sự tôn trọng các giá trị văn minh của xã hội, mà ở đó có giá trị của mỗi cá nhân. Ngược lại, việc tôn trọng các giá trị cá nhân kích thích sáng tạo và đóng góp ngược trở lại quá trình phát triển. Tự Do vì thế là một yếu tố quan trọng then chốt. Nước Mỹ giàu mạnh cũng vì thế chứ chẳng phải vì giàu có tài nguyên.
NHV
Sthlm, 23.08.2010
Leave a Reply