Nghiên cứu ở Việt Nam

Hồi còn ở VN, lúc còn học ở trường Khoa Học Tự Nhiên, Tp. Hồ Chí Minh, có hội thi thả trứng không bể. Thả quả trứng từ tầng 4 của tòa nhà sao cho quả trứng không bể. Quả trứng bị bể coi như thua. Suy nghĩ cách nào thả quả trứng mà không bể. Một chiều đi học về lang thang, suy nghĩ, chợt thấy trái dầu bay từ từ xoay tít trong gió nhờ 2 chiếc lá như cánh quạt giảm tốc độ. Về nhà làm một một khung bằng thép nhỏ, có 2 cánh quạt chăng bằng bọc nylon, đo cánh mọi thứ, rồi bỏ quả trứng vào, thả thử, trứng không bể. Yên tâm đi thi. Ngày thi, thấy các “cao thủ” rất đông. Sử dụng đủ các “chiêu thức”. Kẻ thì làm mô hình trái bóng bằng nước, trong để quả trứng bên trong. Người thì dùng “tên lửa” bên trong để quả trứng. 1, 2, 3 từ từ thả mô hình. Thả từ tầng 4 xuống và đứng quan sát. Trứng vỡ hết. Riêng mô hình của tôi hình quả dầu với 2 cánh bay nhẹ nhẹ, chầm chậm xuống, tiếp đất an toàn và quả trứng không bể. Thắng giải nhất, được đâu 100 ngàn. Dẫn mấy đứa bạn đi ăn kem. Hết. Đối với nhiều người lúc bấy giờ, nghiên cứu hay phát triển ở VN là một cái gì đó kiểu … vui chơi. Thừa tiền, rỗi sức. Bởi suy nghĩ đơn giản là nghiên cứu không tạo ra tiền. Họ có thể suy nghĩ và thầm khâm phục người phương Tây về khả năng và sự đam mê nghiên cứu, nhưng đối với họ nghiên cứu là một cái gì rất cao xa và … không cần thiết, nhất là ở VN. Mua công nghệ về làm, mua bộ phận về lắp ráp, hoặc mua hàng hóa đã làm sẵn (từ Trung Quốc, Hàn Quốc, hoặc vài nước khác) về bán dễ sinh lợi hơn.

Mười năm sau về lại. Tôi vẫn chưa thấy sự thay đổi trong suy nghĩ của nhiều người ở VN. Ở ngay chính những người đã tốt nghiệp ra trường đại học và đi làm. Nghiên cứu không cần thiết, nghiên cứu một cách cơ bản, sâu sắc lại càng không; và người châu Âu cái gì cũng thích nghiên cứu. Đúng.

Hàng ngày chúng ta xem những kênh Geographic Channel, mới khâm phục lòng kiên trì và đam mê nghiên cứu của họ. Họ có thể dành 30 năm chỉ để nghiên cứu con tàu Titanic tại sao bị chìm và chìm như thế nào. Mà đôi khi chúng ta chỉ mất 30 phút để xem kết luận của họ. Họ dành cả cuộc đời chỉ để nghiên cứu chất phóng xạ, mà cuối cùng chúng ta chỉ có thể học nó mất 10 phút với 2 dòng công thức. Và còn nhiều nhiều nữa những ví dụ xung quanh. Nếu không có những nghiên cứu như vậy, sự hiểu biết của xã hội chỉ có thể bước những bước rất ngắn. Gần hơn, nếu không có những nghiên cứu đàng hoàng về công nghệ mobiphone thì Việt Nam cũng chỉ dừng lại là một nước tiêu dùng.

Khi mà những lực lượng làm công việc trí óc có thể tạm gọi là tấng lớp ưu tú của xã hội còn nghĩ rằng nghiên cứu và phát triển là những thứ xa xỉ của Việt Nam. Thì mãi mãi Việt Nam chỉ có thể dừng chân là một nơi lắp ráp và là nhà máy sản xuất các bộ phận giản đơn của nhân loại.

Một điều ngạc nhiên nữa khi về Việt Nam, đó là sinh viên ngành ngân hàng không được học gì về kinh tế vi mô và vĩ mô một cách nghiêm túc. Kinh tế lượng (econometrics) lại càng không. Có cảm giác là những sinh viên ngành ngân hàng chỉ được đào tạo nghiệp vụ thực hiện các giao dịch cơ bản của ngân hàng thay vì là một chuyên viên kinh tế tài chính một cách nghiêm túc. Một ví dụ về cách ăn xổi ở thì của giáo dục.

Dĩ nhiên, nghiên cứu đòi hỏi những kinh phí rất lớn mà chỉ có nhà nước thông qua các viện và trường đại học hoặc những công ty lớn có thể đảm đương nổi. Nhưng trước hết đó là sự thay đổi tư duy và triết lý phát triển của toàn xã hội, bắt đầu bởi những nhóm người được gọi là có học thức nhất của xã hội. Cũng giống như một người đi đường đang cầm bản đồ, anh ta phải quyết định một hướng đi rõ ràng trước khi bắt đầu một cuộc hành trình dài và khó khăn. Hoặc là anh ta đến đích thành công hoặc là anh ta chỉ lẩn quẩn xung quanh.


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *