Cách đây một năm, khi còn ở VN, làm việc chung với một người bạn, một buổi sáng dạy xong, nhận được một tin nhắn: mẹ anh mất, anh phải về Mỹ gấp, em giúp anh làm mấy việc. Hai ngày sau, từ Mỹ, anh gửi một cái email với nội dung, anh thấy thương mẹ anh, bao năm qua anh đi khắp nơi, giờ về nhìn mẹ nằm đó, các bạn nếu còn cha mẹ thì hãy ráng nhịn một quả táo, một quả cam mà chia sẻ cho ba mẹ mình, bởi vì đến một ngày nào đó, bạn không còn ai để chia sẽ.
Tối, đọc mấy dòng trong cái thiệp chúc sinh nhật của bố mẹ gửi cho một người bạn đăng trên facebook động viên con, thấy thương. Ba mẹ mình chưa bao giờ tổ chức sinh nhật và chưa bao giờ gửi thiệp như vậy, và mình cũng không thấy cần thiết. Cuộc đời có những lúc nói theo kiểu VN là “lên bờ xuống ruộng”, lúc nào thì cha mẹ cũng luôn luôn đứng phía sau hỗ trợ. Nhưng cha mẹ đâu có đứng đó mãi. Mẹ bảo, mày làm gì thì làm rồi sướng cho bản thân mày rồi sau đó tới vợ con mày, chứ tao với ba mày sống giỏi lắm chừng 20 năm nữa.
Lâu lâu, mấy đứa em giận ba mẹ, không gọi điện, mình an ủi, thôi, tụi nó là con, nó còn nhỏ, mình là ba mẹ để ý làm gì, mẹ gọi điện hỏi thăm tụi nó đi, coi nó sống sao, sự quan tâm phải có qua có lại ba mẹ đừng nghĩ là sinh con ra rồi tự nó thương mình, mình quan tâm thương nó rồi nó biết nó thương lại. Mẹ cười bảo, mấy đứa kia tao hỏi thăm hoài chứ, chỉ có mày xa quá; mình bảo, con thì không cần đâu, lâu lâu con gọi. Trung bình 2-3 tuần gọi 1 lần, mỗi lần từ 30-45 phút.
Mấy hôm trước nhận thêm một tin cáo phó của một người bạn vong niên, báo mẹ vợ vừa mất. facebook thì ngày càng nhiều hình trẻ con.
Lâu, đọc một lời điếu văn của một anh ở ngoài này, nhắc rằng cuộc đời có luân hồi, thế hệ già mất đi để thế hệ trẻ tiếp nối. Dẫu biết vậy nhưng sự mất đi vẫn là một mất mát.
Ben Bernanke khi được mời nói chuyện trước đám đông sinh viên sắp tốt nghiệp ở Princeton có nhắc: với những gã lao động chân chính nuôi sống gia đình của chính mình thì đủ đáng để mình mời anh ta một ly bia. Thiếu phụ nữ, chắc phải thêm những chị thương yêu, chăm sóc gia đình thì cũng đã đủ để mời bia (nếu chị biết uống bia, còn nếu làm việc để nuôi gia đình nữa thì chắc phải mời gấp đôi !!!).
Mình có may mắn làm việc với các thầy hướng dẫn có khuynh hướng gia đình. Hồi ở Frankfurt, ông thầy người Đức có lần tâm sự. Tao có khuynh hướng gia đình, rồi chỉ vào 2 đứa con tóc đỏ tự nhiên trong bức hình gia đình để trong phòng làm việc, bảo, hai đứa con tao tóc đỏ, mà xác suất để có một đứa tóc đỏ là một phần mười ngàn (1/10 000) (nghĩa là 1 phần trăm của 1 phần trăm), rất hiếm, (ông là nhà toán học kiêm tài chính), mỗi sáng tao dậy khoảng 6h, ăn sáng với tụi nó, rồi chở nó đi học. Chiều, khoảng 4h, nếu ghé phòng sẽ thấy ông gọi điện cho tụi nó chút nếu được mẹ chở về nhà.
Ở Oslo, ông thầy có một đứa con gái duy nhất, 7 tuổi. Một lần hỏi ổng có mấy đứa, ổng bảo, một đứa, nhiêu đó đủ rồi, vợ tao người Catalan (người ở Barcelona). Trưa, và chiều, thỉnh thoảng nói chuyện với vợ con. Hỏi ngày nghỉ ổng làm gì, ổng bảo tao dẫn gia đình lên núi, sáng tao chấm bài hay đọc bài chừng 2 tiếng, xong đi câu cá, đạp xe.
Nhưng sẽ là thiếu sót nếu không kể ông sếp hồi làm ở Singapore. Ông trẻ, gần 40 tuổi, học ở Anh về. Ở Singapore ông học cao đẳng, xong bảo nếu học tiếp lấy bằng cử nhân ở đại học ở Singapore mất 5 năm, nên ông xin qua Anh học 3 năm cử nhân và 2 năm thạc sỹ, sau 5 năm ông lấy được bằng thạc sỹ, nhanh hơn. Vào làm được khoảng 2 tháng, thì biết con ông mới mấy tuổi bị bệnh bạch cầu trắng, một dạng ung thư máu, ông vừa làm việc, vừa chăm sóc con, trưa và xế, ngồi ở office ông gọi điện về, giọng rất ngọt, nói chuyện với con. Trong hơn 1 năm làm việc, có những lúc bệnh tình của con xấu, ông chưa một lần cáu gắt với đồng nghiệp và nhân viên, trái lại luôn luôn đứng bên cạnh động viên, giúp tìm giải pháp.
Life is a box of chocolate – cuộc đời là một hộp kẹo sô-cô-la. Mình rút ra đâu có biết ngọt hay đắng. Có rất nhiều cái đều cần một ít may mắn. Và người phương Tây luôn kèm theo câu “good luck” khi tiễn bạn. Nhưng nhờ trải nghiệm những vị đắng thì sau đó mình mới hiểu được vị ngọt.
Oslo, 13.7.2013
Leave a Reply