Liệu có một tương lai nào cho Việt Nam?

Những người còn quan tâm đến đất nước trong chúng ta chắc một lúc nào đó sẽ tự hỏi rằng rồi đất nước này sẽ đi về đâu?
Năm 2012 trước khi rời Việt Nam, tôi có vài cuộc trao đổi thú vị với hai người. Một người là một chuyên gia kinh tế và một người là tổng giám đốc một ngân hàng. Trong cuộc trao đổi về tình hình khủng hoảng kinh tế tôi cho rằng chỉ có cải cách chính trị mới cứu vãn được nền kinh tế. Hai vị còn lại có ý kiến ngược lại, cho rằng chỉ cần cải cách kinh tế là đủ. Hai cuộc tranh luận riêng lẽ, cuộc tranh luận với vị giám đốc ngân hàng diễn ra sôi nổi hơn. Cuối cùng thì mỗi người giữ một quan điểm. Từ đó đến nay, kinh tế càng ngày càng đi xuống. Sự ổn định với lạm phát thấp chỉ chứng tỏ một điều là sức mua của nền kinh tế đã không còn. Nói một cách đơn giản hơn, người dân không còn tiền để mua sắm.
Muốn biết hiện trạng một nền kinh tế ra sao, hãy chịu khó đến thăm đất nước đó dù chỉ vài giờ, và hãy ghé những siêu thị đồ ăn, thay vì tin vào những con số kinh tế báo cáo. Việc ngày càng điều hiu và không khí mua sắm tẻ nhạt ở các siêu thị Sài Gòn so với cách đây vài năm chỉ chứng tỏ một điều kinh tế ngày càng khó khăn.
Miền núi Tây Bắc. Nguồn: Internet.
Vậy tại sao chỉ cải cách kinh tế không thôi thì không đủ để vực dậy nền kinh tế?
Thiếu hệ thống giám sát
Đọc sơ qua những thông tin trên báo chí chúng ta thấy có ba tin đáng chú ý sau. Một, Bộ Tài chính vay tiền để chi tiêu, vì cạn tiền. Hai, nhà nước tăng hoặc đề xuất thu thêm các loại phí. Và ba, bên cạnh chính quyền trung ương thực hiện các dự án kém hiệu quả như bô xít Tây Nguyên, quản lý thất thoát ở các tập đoàn nhà nước như Vinashin, các chính quyền cấp tỉnh thi nhau làm dự án để kiếm chác.
Tất cả những điều trên cho thấy rằng các đầu tư của nhà nước thất thoát và không hiệu quả, kinh tế không tăng trưởng đủ mạnh để có thể thu thuế về. Và giờ đây khi thuế thu không đủ, chính phủ đã cạn tiền nên bắt buộc phải đi vay mượn.
Nhưng chính phủ không thể vay mượn mãi. Sẽ đến một lúc chính phủ không thể vay mượn được nữa để chi tiêu thì lúc đó chỉ còn nước tuyên bố phá sản. Chính phủ có thể in tiền, nhưng in tiền ra để chi tiêu chỉ làm tăng vọt lạm phát như trường hợp của Miến Điện trước đây.
Một giải pháp được khuyến nghị là giảm bớt chi tiêu công. Nhưng trong một nước đang phát triển như Việt Nam, chính phủ cần phải chi tiêu để giúp nền kinh tế tăng trưởng. Chính phủ cần xây những trường học, những bệnh viện, những cầu cống, đường xá, hệ thống thông tin…đó là những dự án sẽ đem lại tăng trưởng kinh tế. Giảm bớt chi tiêu công đồng nghĩa với giảm bớt tăng trưởng, tăng mức thất nghiệp vốn đã đang ở mức báo động.
Giải pháp đúng đắn phải là chi tiêu hiệu quả. Như một doanh nghiệp đầu tư, tiền bạc khan hiếm, chính phủ cần đầu tư vào những dự án đem lại hiệu quả nhất, cho thu hồi vốn nhanh nhất, sau đó quay vòng vốn đầu tư cho những dự án khác.
Điều đó dễ nhưng mà khó. Khó là với một hệ thống chính trị hiện hành, không ai giám sát việc đầu tư của các chính quyền. Việc đầu tư vô tội vạ của các chính quyền giống như tình trạng giám đốc các công ty đem đầu tư những dự án kém hiệu quả, cuối cùng sẽ dẫn đến phá sản.
Chỉ trừ khi những quan chức chính quyền chịu sự giám sát của nhân dân thì việc thất thoát mới giảm.
Thiếu sự ổn định của pháp luật
Một cải cách kinh tế diễn ra mà không đi kèm với nó những cải cách chính trị cuối cùng chỉ làm giàu cho những nhóm lợi ích có quan hệ với chính quyền. Các hoạt động kinh doanh của các nhóm này sẽ nhờ các quan chức trong chính quyền bao che và ăn chia lợi nhuận.
Trong một hệ thống khi mà những diễn giải và xét xử về mặt luật pháp được độc quyền bởi một đảng thì đó là mảnh đất màu mỡ cho những nhóm thân hữu chính trị. Sự thao túng nền kinh tế của nhóm này sẽ đẩy những doanh nghiệp nhỏ ra khỏi thị trường. Cuối cùng nền kinh tế sẽ chỉ được thống trị bởi nhóm lợi ích chính trị này.
Thêm nữa, những đầu tư lớn đòi hỏi một khoản tài sản nhất định. Đó có thể là tài sản cả đời của một người. Nhà đầu tư trong nước chỉ dám bỏ vốn khi họ cảm thấy tài sản của họ được tôn trọng và chính quyền tôn trọng tài sản của họ. Mọi khiếu kiện liên quan đến tài sản đều được thực hiện công bằng, minh bạch thông qua luật pháp. Nhưng hệ thống hiện tại không cho người ta niềm tin như vậy. Nếu trong quá khứ có cải cách ruộng đất ở miền Bắc, đánh đổ tư sản ở miền Nam, thì gần đây có vụ ông Trịnh Vĩnh Bình về đầu tư rồi mất tài sản ở Vũng Tàu, vụ ông Trần Văn Trường ở Mỹ về đầu tư ở Đồng Tháp, vụ sự kiện công an phường ở Sài Gòn vào tịch thu niêm phong tiệm vàng, và hàng loạt các dân oan khác khi bị tịch thu đất đai nhà cửa.
Khi mà những tranh chấp tài sản bị chính quyền làm lơ và / hoặc cố tình tịch thu của người dân thì làm sao người dân còn tin vào chính quyền mà bỏ vốn ra đầu tư nữa?
Một điều dễ nhận thấy nữa đó là việc “loạn sứ quân”. Các chính quyền địa phương tự tung tự tác không ai kiểm soát họ. Các chính quyền địa phương không những có quyền đầu tư bất cứ dự án nào họ thấy thích, họ có quyền ảnh hưởng, tác động đến cả luật pháp.
Đó là lý do mà nền kinh tế Việt Nam ngày nay được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước đa phần là những thân nhân của các quan chức chính quyền. Giới mà tin rằng luật pháp đứng về phía họ, hoặc ít nhất là họ sẽ không bị thua thiệt trước luật pháp. Những người còn lại cho dù có tài sản họ cũng chỉ đầu tư nhỏ lẻ, cầm chừng, và luôn trong tình trạng “cố thủ”.
Liệu TPP có giúp?
TPP chắc chắn sẽ có tác động lên kinh tế Việt Nam, theo nghĩa những doanh nghiệp tư nhân của các đại gia sẽ có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế Mỹ. Đó cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp FDI qua mở thêm các hãng xưởng giúp giảm bớt tình trạng thất nghiệp. Nhưng ở một nước mà chất lượng giáo dục quá thấp, các doanh nghiệp FDI mở hãng xưởng ở Việt Nam cũng chỉ để sản xuất các mặt hàng chất lượng thấp.
Cuối cùng thì ai được lợi? Đó là một số các đại gia doanh nghiệp, mà đa phần là thuộc về giới đại gia có liên kết với chính quyền, các doanh nghiệp FDI sang lợi dụng sức lao động rẻ, chất lượng thấp. Phần lợi cuối cùng vương vãi thuộc về tầng lớp lao động được có việc làm.
Nhưng người được lợi nhất là chính quyền. Bằng việc để người dân có thêm việc làm, chính quyến giải quyết được những bất mãn xã hội, giảm sự chống đối. Cho dù người dân có được tự do thành lập công đoàn thì với hệ thống một đảng chính quyền sẽ tiếp tục kiểm soát các công đoàn này bằng cách đe dọa hay khủng bố các lãnh đạo công đoàn một khi họ đi chệch hướng. Họ sẽ được quyền đình công đòi tăng lương, cải thiện bữa ăn, điều kiện lao động, nhưng nếu họ đòi cải cách chính trị thì sẽ được ăn “bánh canh”.
***
Do đó, chừng nào mà các chính sách và các thực thi chính sách của chính quyền từ trung ương đến địa phương chịu sự giám sát của người dân thì lúc đó chúng ta mới có hi vọng rằng các chính sách hiệu quả được thực hiện và vì đất nước.
Và chừng nào mà chính quyền thể hiện rõ quyết tâm và có đối trọng trong việc tôn trọng tài sản người dân thì chừng đó mới có hi vọng nhân dân ngày càng giàu mạnh, đất nước ngày càng thịnh vượng.
Các cải cách kinh tế do đó chưa đủ, mà phải là các cải cách về chính trị. Thiếu những cải cách chính trị nhanh chóng sẽ chỉ đưa nền kinh tế ngày càng sâu vào cơn khủng hoảng, và cuối cùng chính quyền phá sản.
Nguyễn Huy Vũ
Oslo, 31.7.2015

Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *