Với các bạn ở các nước dân chủ đủ lâu và có cơ hội làm việc liên quan đến các cơ quan tổ chức chính phủ lẫn xã hội, mọi người sẽ cảm nhận một điều rằng sự minh bạch và quyền tiếp cận thông tin luôn được đề cao.
Sự minh bạch chính nó đã trở thành một văn hóa phổ biến trong xã hội. Khi bạn điền đơn nộp hồ sơ xin việc, họ sẽ có mục hỏi bạn có bà con thân thích làm việc trong cơ quan không. Còn khi bạn nhận được một quyết định mà bạn cảm thấy không công bằng từ phía chính phủ hay bất cứ cơ quan nào đó, bạn có quyền khiếu nại và họ buộc phải trả lời cho bạn theo quy định hẳn hoi. Bạn đi khám bệnh nếu thấy hóa đơn có nhiều thắc mắc, bạn có quyền gửi đơn cho bệnh viện và họ có trách nhiệm trả lời chi tiết về số tiền họ tính cho bạn. Bạn đi siêu thị mua món đồ, món đồ về nhà kiểm tra bạn thấy nó hư hoặc không như ý của bạn, bạn có quyền đem món hàng nguyên vẹn đó trả lại siêu thị trong một khoảng thời gian nhất định và họ trả lại toàn bộ tiền cho bạn. Và nếu bạn theo dõi chính trị Mỹ thì mới đây, trong cuộc bầu cử Mỹ, khi phe Dân chủ nghi ngờ kết quả kiểm phiếu, họ có thể đóng tiền và chính quyền buộc phải mở kiểm phiếu lại.
Những ví dụ trên là những ví dụ về minh bạch. Nó hiện diện ở khắp mọi nơi trong xã hội, từ mua bán, làm việc, đến hoạt động chính quyền.
Với người ở xứ văn minh, đó như là điều hiển nhiên. Hiển nhiên đến mức nhiều người Việt mình ở các xứ tiến bộ trải nghiệm nó mà không hiểu nó là một sự minh bạch trong xã hội.
Nhưng sự minh bạch đó có lẽ là điều còn mới lạ ở Việt Nam, chúng ta chưa có một văn hóa đó.
Minh bạch là một văn hóa dựng nên nhờ những quyền của con người: đó là quyền tiếp cận thông tin và quyền được đối xử công bằng. Với bất cứ những thông tin nào trong giao dịch, cá nhân trong xã hội có quyền tiếp cận thông tin và với bất cứ vụ việc nào họ cũng cần được đối xử công bằng. Có như vậy xã hội mới tiến bộ và văn minh.
Cả hai quyền tiếp cận thông tin và quyền được đối xử công bằng đều bị xâm phạm rất nghiêm trọng ở Việt Nam hiện nay. Đáng buồn là các hoạt động cổ vũ cho hai quyền này không được xiển dương rộng rãi ở Việt Nam hiện nay.
Chỉ khi cả hai quyền này được thực thi mạnh mẽ hơn thì các vấn nạn xã hội và đất nước mới dần giảm bớt. Về mặt xã hội, nó giúp giảm đi các hành vi ăn chặn tiền quyên góp, tham nhũng, lạm quyền, mua quan bán chức, cất nhắc người thân. Nó giúp hình thành văn hóa kinh doanh lương thiện, quảng cáo sản phẩm đúng thông tin. Nó giúp việc hình thành các hợp đồng rõ ràng, minh bạch. Nó giúp người dân hiểu quyền của mình và tiếp cận được thông tin khi quan hệ với các cơ quan chính quyền. Về mặt chính trị, nó là một văn hóa giúp kiến tạo nên một chính phủ dân chủ vì một chính phủ dân chủ phải xuất phát từ một cuộc bầu cử minh bạch.
Vì tất cả các lợi ích của minh bạch đó mà người Việt cần hiểu và tự giành các quyền của mình, trong đó có quyền tiếp cận thông tin và quyền được đối xử công bằng, để tự dựng xây nên một nước Việt minh bạch, lương thiện, và văn minh. Đó là trách nhiệm của mỗi người trong việc hình thành nên một văn hóa chứ không ai khác.
OL, 15.12.2016
Leave a Reply