Những thành tố cần thiết của một mô hình chính trị

Bản đồ Việt Nam (nguồn: Internet).

Chọn lựa và thiết lập một mô hình chính trị dân chủ làm nền tảng cho sự phát triển là công việc đầu tiên và quan trọng nhất của một quốc gia khi chuyển đổi chế độ từ độc tài sang dân chủ. Chọn lựa một mô hình chính trị là một công việc khoa học và do đó một mô hình nên được chọn lựa dựa trên những đánh giá một cách khoa học và khách quan. Là một nước đi sau, Việt Nam có cả thuận lợi và bất lợi. Thuận lợi ở chỗ Việt Nam có thể tham khảo các mô hình chính trị dân chủ của các nước cũng như tất cả các bản hiến pháp, luật lệ, và cấu trúc của các cơ quan chính quyền. Bên cạnh những thuận lợi đó, một bất lợi lớn nhất đối với Việt Nam là đa phần người dân, kể cả giới trí thức, chưa có dịp sinh hoạt và những kinh nghiệm quản trị trong một chế độ dân chủ. Nhưng nếu nhìn kinh nghiệm của các nước như Đài Loan hay Hàn Quốc, và gần đây hơn là Indonesia, từng bước thiết lập và vun xới những cơ chế chính trị dân chủ nở rộ, những người Việt Nam hẳn sẽ phải tự tin vào chính mình rằng rồi đây chúng ta, bằng óc cầu tiến, chịu khó tham khảo và đào sâu tìm hiểu sự thành công cũng như những yếu kém của các mô hình chính trị, sẽ có thể thiết lập và vun đắp một mô hình chính trị dân chủ phù hợp với tình hình Việt Nam.

Thiết lập một công trình cần một bộ khung. Dựng xây một chế độ chính trị cũng vậy. Một mô hình chính trị cần những nguyên tắc nhất định. Những nguyên tắc này là trụ cột mà dựa vào đó hiến pháp, luật lệ, và sự phân bổ của các cơ quan chính phủ được dựng xây sao cho nhằm đảm bảo những nguyên tắc này. Có năm nguyên tắc quan trọng mà một mô hình chính trị thành công cần phải có:

· Một, chế độ chính trị phải có khả năng giúp ngăn ngừa sự hình thành một chế độ độc tài mới;

· Hai, chế độ phải giúp ngăn ngừa xảy ra các cuộc đảo chính;

· Ba, chế độ bảo đảm một chính quyền ổn định và làm được việc;

· Bốn, chế độ có khả năng ngăn ngừa sự thực thi các chính sách tồi dở;

· Năm, chế độ giúp kéo dài sự cầm quyền của một chính phủ thành công.

Nhiều người thường mắc một lỗi sai khi đánh giá một mô hình chính trị rằng họ chỉ nhìn chức vụ những người đứng đầu chính quyền rồi đưa ra một kết luận hời hợt về sự thành công của mô hình chính trị đó. Họ nhìn thấy nước Mỹ hùng mạnh và nghĩ rằng mô hình tổng thống là thành công. Nhiều người khác, kể cả người Mỹ, nhìn thấy người Bắc Âu sống sung túc và hạnh phúc, rồi họ nghĩ rằng chế độ đại nghị là ưu việt. Nhưng nếu nhìn kỹ lại thì không mấy mô hình tổng thống thành công, trừ Mỹ, cũng như không phải tất cả mô hình đại nghị đều thắng lợi. Một số mô hình đại nghị đem lại sự giàu có của một quốc gia nhưng thiếu vắng ở đó những giá trị của tự do và dân chủ. Sự sai lầm nằm ở chỗ khi đánh giá một mô hình chính trị dựa vào bề ngoài của các cơ quan chính phủ, nhiều người đã bỏ qua cơ chế tương tác quyền lực giữa các cơ quan, và sâu xa hơn là những nguyên tắc phân bổ quyền lực vốn liên quan đến việc thiết lập các cơ chế bầu cử cũng như việc phân chia nhiệm vụ, cân bằng và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan để từ đó hình thành nên các chính sách của một quốc gia. Hiểu được điều đó thì mới thấy mục đích của những người chọn lựa hệ thống bầu cử, phân chia trách nhiệm và quyền hạn của từng cơ quan chính phủ đặng làm cho bộ máy chính quyền hoạt động thông suốt và hiệu quả trong một chế độ dân chủ.

Liệu rằng có một chế độ chính trị nào đã từng tồn tại và thành công có chứa đựng đủ 5 nguyên tắc đề cập bên trên hay không? Câu trả lời là có, đó là chế độ đại nghị – tản quyền kiểu Đức của nước Cộng Hòa Liên Bang Đức.

Gọi là đại nghị – tản quyền kiểu Đức để phân biệt với các chế độ đại nghị – tản quyền khác như Canada, Úc, Bỉ, Ấn Độ, hay Malaysia. Sự khác biệt chính nằm ở chỗ người Đức thiết lập một cơ chế bầu cử khác biệt nhằm hình thành nên các đảng lớn nhưng không cho đảng nào dễ dàng chiếm được đa số trong quốc hội để khuynh loát quyền lực chính phủ, đồng thời họ thiết lập các luật chính phủ cũng như phân bổ quyền lực giữa ba nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp, và quyền lực giữa chính quyền liên bang và tiểu bang nhằm làm cho chính phủ ổn định, hoạt động hiệu quả, và bảo đảm dân chủ được thực thi.

Bên cạnh 5 nguyên tắc trên, việc chọn lựa một mô hình chính trị cho Việt Nam còn nên xét đến các yếu tố đặc trưng về lịch sử, văn hóa, vùng miền, và dân số. Một cách may mắn, Đức mang nhiều nét tương đồng với Việt Nam. Nước Đức có hơn 80 triệu người, trãi rộng ra các khu vực địa lý khác nhau và khác biệt nhau nhiều về văn hóa. Khác với một vài nước châu Âu khác nơi người dân quen với nếp sống dân chủ, chế độ dân chủ Weimar của Đức nhanh chóng sụp đổ, và vì thế người Đức chưa có bề dày văn hóa dân chủ khi chính quyền Tây Đức áp đặt chế độ đại nghị – tản quyền bắt đầu vào năm 1949.

Sự thành công của mô hình chính trị Đức không những giúp nước Đức phát triển một cách mạnh mẽ, vươn lên trở thành nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu, mà còn giúp xây dựng một chế độ dân chủ bền vững kể từ ngày thiết lập chế độ dân chủ đại nghị – tản quyền năm 1949, trải qua cuộc sát nhập Đông Đức, và tiếp tục mạnh mẽ vươn lên. Sự ổn định của chế độ dân chủ Đức còn ở chỗ trong suốt sáu thập kỷ của Hạ nghị viện Đức, nơi bầu chọn ra thủ tướng, chỉ có duy nhất 8 thủ tướng, khi so với Ý trong cùng thời kỳ có tới 37 thủ tướng. Những đặc điểm trong thiết kế luật chính quyền nhằm giúp cho sự ổn định của chính phủ Đức sau đó đã được dùng lại ở các quốc gia khác nhau từ Bỉ, Tây Ban Nha, Hungary, Slovenia và Lesotho.

Sự thành công của mô hình chính trị đại nghị – tản quyền kiểu Đức, cùng với những tương đồng về dân số, địa lý, và văn hóa dân chủ do đó cung cấp thêm những yếu tố thuyết phục cho việc chọn lựa mô hình chính trị đại nghị-tản quyền kiểu Đức làm mô hình chính trị tham khảo của một nước Việt Nam dân chủ.

Nguyễn Huy Vũ
14.6.2017

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *