Hiến pháp Cộng hoà Liên bang Việt Nam. Chương 1 – Các quyền cơ bản

Lời giới thiệu về bản hiến pháp

Việt Nam rồi sẽ có dân chủ, sớm hay muộn. Đến lúc nào và trong hình thái như thế nào đó là nhờ ở nguyện vọng và ưu tư của người dân Việt Nam. Một chế độ dân chủ mới luôn bắt đầu bởi một bản hiến pháp mới trong đó phác hoạ ra cấu trúc của một chính quyền mới. Trong cuốn tiểu luận “Mô hình nghị viện – liên bang cho Việt Nam”, tôi đã trình bày một cách chi tiết rằng mô hình chính trị mà Việt Nam nên tham khảo để áp dụng cho mình đó là mô hình nghị viện – liên bang của Đức. Đó là một mô hình bảo đảm sự dân chủ, tính ổn định chính trị, sự tương nhượng và hợp tác giữa các đảng phái vì đất nước, và quan trọng hơn là nó hoạt động được và giúp thúc đẩy sự thịnh vượng của quốc gia. Mô hình được thiết kế để tạo ra những giá trị như vậy và nó đã được chứng minh trong thực tiễn. 


Trên tinh thần đó, trong phần tiếp theo, tôi sẽ dựa vào bản Luật Cơ bản, tức luật hiến pháp, của Đức để soạn ra một bản hiến pháp cho Việt Nam với giả sử rằng khi Việt Nam trở thành một nước tự do và dân chủ, mô hình nghị viện liên bang của Đức sẽ được áp dụng vào Việt Nam. 


Nhiều độc giả sẽ hỏi rằng tại sao Việt Nam không tự tạo ra một mô hình chính trị cho riêng mình hay tự soạn cho riêng mình một bản hiến pháp độc đáo. Không khó để trả lời cho câu hỏi này. Tôi muốn nói ba điều. 


Thứ nhất, bản hiến pháp của Việt Nam chắc chắn không thể nào giống hoàn toàn bản hiến pháp của Đức, vì các điều kiện kinh tế, địa lý, chính trị, và văn hoá của Việt Nam khác với Đức. Lấy ví dụ là Đức nằm trong Liên minh Châu Âu, chịu các ràng buộc về các hiệp ước với Liên minh Châu Âu, nên các điều luật trong hiến pháp của họ cũng có những phần trình bày các mối quan hệ này. 


Thứ hai, ý tưởng của các điều luật là kết tinh của những nghiên cứu và chiêm nghiệm của vô số học giả. Theo thời gian nó đã trở thành một phần của khoa học và là một tài sản của văn minh nhân loại. Bản Hiến pháp của Đức hay xa hơn là của Mỹ cũng không phải là những ngoại lệ; nó được viết ra dựa trên những hiểu biết, niềm tin và giá trị vốn đã được chia sẻ từ rất lâu trước đó. Những điều đúng đắn, tinh tuý của nhân loại, chúng ta nên khiêm tốn tiếp thu để làm giàu cho văn hoá, kiến thức và sự hùng mạnh của quốc gia. Sự hình thành chữ viết tiếng Việt là một ví dụ. Ngày nay, nhờ việc ký âm bằng tiếng Latin mà tiếng Việt trở nên dễ học, dễ viết, dễ nhớ và nhờ đó mà nó phổ biết. Ngoài chữ viết Latin, khoa học và nghệ thuật của phương Tây đã trở thành một phần di sản của nhân loại mà ngày nay hầu như mọi người và mọi nước đều học hỏi và áp dụng. 


Thứ ba, việc học hỏi và áp dụng một mô hình tiến bộ — vốn đã được chứng minh cả trên lý thuyết và thực tế rằng nó đã đem lại sự tự do và thịnh vượng cho quốc gia — thì không có gì phải xấu hổ cả nếu nó có thể giúp đem lại một sự thành công tương tự. Nước Nhật đã thực hiện quá trình duy tân bằng cách khiêm tốn học hỏi mọi thứ từ thể chế chính trị cho tới giáo dục của các nước tiến bộ phương Tây và áp dụng nó vào xứ mình. Họ mất khoảng 50 năm để cải cách thể chế và chuyển đổi thành một nước hàng đầu thế giới. Kinh nghiệm của Nhật là bài học cho Việt Nam. 


Bản hiến pháp thường  sẽ bắt đầu bằng một đoạn dẫn nhập, tiếp theo nó là một chương về các quyền con người, sau đó là phân chia quyền lực và vai trò giữa chính quyền trung ương (liên bang) và địa phương (bang), cấu trúc của thể chế chính trị, quyền và vai trò của các nhánh trong chính quyền, và cuối cùng sẽ là một chương về tài chính. 


Tôi không trình bày phần dẫn nhập ở đây vì nó không khó. Nó chỉ là việc trình bày một tình cảm và tư tưởng chung mà một khi đã thấu hiểu tư tưởng bản hiến pháp người ta có thể viết ra nó chỉ trong vài dòng. Thay vào đó, tôi sẽ đi thẳng vào trình bày chương đầu tiên là chương về các quyền con người. Các chương sau đó sẽ được đăng liên tục theo thời gian, mỗi bài là một chương. 


Nguyễn Huy Vũ

18/7/2024


—————-


CHƯƠNG 1. CÁC QUYỀN CƠ BẢN

Điều 1. Nhân phẩm và giá trị pháp lý của các quyền cơ bản

(1) Nhân phẩm là bất khả xâm phạm. Tôn trọng và bảo vệ nó là nghĩa vụ của mọi cơ quan nhà nước. 

(2) Người dân Việt Nam thừa nhận rằng các quyền con người là bất khả xâm phạm, không thể chuyển nhượng, và nó là nền tảng của mọi cộng đồng, của hòa bình và công lý trên thế giới.

(3) Các quyền cơ bản sau đây sẽ ràng buộc các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp như là những điều luật được áp dụng trực tiếp.

Điều 2. Tự do cá nhân

(1) Mọi người có quyền tự do phát triển nhân cách của mình trong chừng mực không vi phạm các quyền của người khác, không vi phạm trật tự hiến pháp hay các quy luật đạo đức.

(2) Mọi người đều có quyền sống và sự toàn vẹn về thể chất. Quyền tự do của con người là bất khả xâm phạm. Các quyền này chỉ có thể bị can thiệp theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Bình đẳng trước pháp luật

(1) Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

(2) Nam giới và nữ giới bình đẳng. Nhà nước thúc đẩy việc thực hiện các quyền bình đẳng giữa nữ giới và nam giới, và thực hiện các bước nhằm loại bỏ những bất lợi đang tồn tại.

(3) Không ai được ưu ái hay bị đối xử bất bình vì giới tính, nguồn gốc, chủng tộc, ngôn ngữ, quê hương, đức tin hoặc quan điểm tôn giáo hay chính trị. Không ai bị thiệt thòi vì khuyết tật.

Điều 4. Tự do tín ngưỡng và tư tưởng

(1) Tự do tín ngưỡng và tự do tuyên xưng một tín ngưỡng tôn giáo hoặc triết học là bất khả xâm phạm.

(2) Việc thực hành tôn giáo mà không tạo ra xáo trộn sẽ được đảm bảo.

(3) Không ai bị buộc phải thực hiện nghĩa vụ quân sự liên quan đến việc sử dụng vũ khí trái với lương tâm của mình. Các chi tiết sẽ được điều chỉnh bởi luật liên bang.

Điều 5. Tự do trong ngôn luận, nghệ thuật và khoa học

(1) Mọi người đều có quyền tự do bày tỏ và phổ biến quan điểm của mình bằng lời nói, chữ viết, hình ảnh và được cung cấp thông tin mà không bị cản trở từ các nguồn thông thường có thể tiếp cận được. Quyền tự do báo chí và tự do đưa tin bằng các phương tiện phát thanh và phim ảnh phải được đảm bảo. Sẽ không có sự kiểm duyệt.

(2) Các quyền này sẽ bị giới hạn trong các quy định của luật chung, trong các quy định về bảo vệ thanh thiếu niên và quyền danh dự cá nhân.

(3) Nghệ thuật, khoa học, nghiên cứu, và giảng dạy được tự do. Quyền tự do giảng dạy sẽ không loại bỏ việc mọi người phải trung thành với hiến pháp.

Điều 6. Hôn nhân, gia đình, và trẻ em

(1) Hôn nhân và gia đình được nhà nước bảo hộ đặc biệt.

(2) Chăm sóc và nuôi dưỡng con cái là quyền tự nhiên của cha mẹ và là nghĩa vụ chủ yếu của họ. Nhà nước có trách nhiệm giám sát họ thực hiện nhiệm vụ này.

(3) Trẻ em có thể bị tách khỏi gia đình trái với ý muốn của cha mẹ hoặc người giám hộ chỉ theo luật và chỉ khi cha mẹ hoặc người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc trẻ em có nguy cơ bị bỏ bê nghiêm trọng.

(4) Mọi bà mẹ đều có quyền được cộng đồng bảo vệ và chăm sóc.

(5) Trẻ em sinh ra bên ngoài hôn nhân sẽ được pháp luật cung cấp những cơ hội phát triển về thể chất và tinh thần cũng như vị trí của chúng trong xã hội như những đứa trẻ sinh ra trong hôn nhân.

Điều 7. Hệ thống trường học

(1) Toàn bộ hệ thống trường học sẽ chịu sự giám sát của nhà nước.

(2) Phụ huynh và người bảo trợ trẻ em giữ quyền quyết định liệu con trẻ có được giảng dạy về tôn giáo hay không.

(3) Những hướng dẫn về tôn giáo sẽ là một phần của các chương trình giảng dạy thường xuyên trong các trường học nhà nước, ngoại trừ các trường học phi tôn giáo.

(4) Quyền thành lập các trường tư thục được đảm bảo. Nhà nước sẽ hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển hệ thống trường tư nhằm tăng tính cạnh tranh của hệ thống giáo dục và bổ khuyết những nhu cầu về giáo dục mà hệ thống trường công chưa đáp ứng được. Các trường tư thục đóng vai trò thay thế cho các trường công lập  phải có sự chấp thuận của tiểu bang và phải tuân theo luật pháp của tiểu bang. Một sự chấp thuận như vậy sẽ được đưa ra khi các trường tư thục không thua kém các trường công lập về mục tiêu giáo dục, cơ sở vật chất và trình độ đào tạo chuyên môn của đội ngũ giảng viên và khi việc phân loại học sinh dựa theo tình trạng tài chính của phụ huynh không được khuyến khích. Việc phê duyệt sẽ bị thu hồi nếu vị thế kinh tế và pháp lý của đội ngũ giảng viên không được đảm bảo đầy đủ.

Điều 8. Tự do hội họp

(1) Mọi người dân Việt Nam có quyền hội họp hoà bình và không vũ trang mà không cần xin phép hay thông báo trước. 

(2) Trong trường hợp hội họp ngoài trời, quyền này có thể phải chịu sự chi phối theo một đạo luật riêng. 

Điều 9. Tự do lập hội

(1) Mọi người dân Việt Nam đều có quyền thành lập các tổ chức khác nhau.  

(2) Các tổ chức có mục tiêu hay hoạt động vi phạm luật hình sự, chống lại hiến pháp hoặc các giá trị được quốc tế tôn trọng sẽ bị cấm. 

(3) Quyền thành lập hiệp hội để bảo vệ và cải thiện điều kiện làm việc và kinh tế sẽ được đảm bảo cho mọi cá nhân và mọi ngành nghề. Các thỏa thuận nhằm hạn chế hoặc tìm cách làm suy giảm quyền này sẽ là vô hiệu; các biện pháp nhằm mục đích này sẽ là trái pháp luật. 

Điều 10. Bảo mật thư tín, bưu chính và viễn thông

(1) Quyền riêng tư về thư tín, bưu chính và viễn thông là bất khả xâm phạm.

(2) Các hạn chế chỉ có thể được đưa ra theo luật. Nếu hạn chế nhằm mục đích bảo vệ trật tự dân chủ tự do hoặc sự tồn tại hay an ninh của Liên bang hoặc của một Bang, luật có thể quy định rằng người bị ảnh hưởng sẽ không được thông báo về hạn chế đó và việc khiếu nại lên tòa án sẽ được thay thế bằng hình thức xem xét lại vụ việc bởi các cơ quan được chỉ định bởi cơ quan lập pháp.

Điều 11. Tự do di chuyển

(1) Mọi người dân Việt Nam có quyền đi lại tự do trên toàn lãnh thổ của quốc gia.

(2) Quyền này có thể bị can thiệp theo một đạo luật riêng, và chỉ áp dụng trong các trường hợp mà theo đó việc di chuyển trong sự thiếu phương tiện hỗ trợ sẽ tạo ra gánh nặng cho cộng đồng, hoặc trong các trường hợp mà một sự hạn chế đi lại sẽ giúp ngăn chặn sự đe doạ đối với trật tự dân chủ tự do của bang hay liên bang, hoặc trong các trường hợp khác nhằm bảo vệ người dân trong khi chính quyền thực hiện các nỗ lực đối phó với tai nạn thảm khốc, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ trẻ dưới vị thành niên, hay ngăn ngừa tội phạm. 

Điều 12. Tự do nghề nghiệp

(1) Mọi người dân Việt Nam đều có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, công việc, nơi làm việc, và nơi đào tạo của mình. Việc thực hành một nghề hoặc một công việc có thể được quy định bởi một đạo luật riêng. 

(2) Không ai bị bắt buộc phải thực hiện một công việc cụ thể, trừ khi đó là một công việc thuộc trách nhiệm mang tính truyền thống của một cộng đồng và trách nhiệm thực hiện nó được áp dụng chung và bình đẳng cho tất cả mọi người. 

(3) Lao động cưỡng bức chỉ có thể được áp dụng đối với những người bị tước đoạt tự do theo phán quyết của tòa án.

Điều 13. Nghĩa vụ quân sự bắt buộc

(1) Thanh niên đến tuổi 18 có thể bị yêu cầu phục vụ trong các lực lượng quân sự và an ninh nhằm phòng vệ quốc gia. 

(2) Bất kỳ người nào, vì lý do lương tâm, từ chối thực hiện nghĩa vụ quân sự liên quan đến việc sử dụng vũ khí có thể bị yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thay thế. Thời gian thực hiện nghĩa vụ thay thế không được vượt quá thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự. 

(3) Khi quốc gia ở trong tình trạng phòng vệ, công dân tuổi từ 18 đến 60 có thể bị triệu tập để thực hiện các công việc cần thiết nhằm bảo vệ quốc gia.

(4) Khi quốc gia ở trong tình trạng phòng vệ, các cơ sở tư nhân có thể bị yêu cầu phải hợp tác với chính quyền nhằm cung cấp các dịch vụ và sản phẩm vì mục đích bảo vệ quốc gia. 

(5) Một luật liên bang sẽ quy định chi tiết các khoản trên. 

Điều 14. Bất khả xâm phạm nhà riêng

(1) Nhà riêng là bất khả xâm phạm.

(2) Việc khám xét chỉ có thể được cho phép bởi thẩm phán hoặc, khi cần thiết, bởi các cơ quan khác được pháp luật chỉ định và chỉ có thể được thực hiện theo cách thức được quy định trong đó.

(3) Nếu các dữ kiện cụ thể chứng minh cho sự nghi ngờ rằng một người đã phạm tội đặc biệt nghiêm trọng được quy định bởi luật pháp, việc giám sát ngôi nhà nơi mà nghi phạm đang ở bằng các kỹ thuật âm thanh có thể được cho phép theo lệnh tư pháp nhằm mục đích truy tố tội phạm. Biện pháp này được sử dụng với điều kiện là các phương pháp điều tra khác là rất khó khăn hoặc không hiệu quả. Lệnh này được ban hành bởi ba thẩm phán. Chỉ trong trường hợp khẩn cấp, lệnh sẽ được ban hành bởi một thẩm phán. 

(4) Để ngăn chặn những mối nguy hiểm cấp tính đối với cộng đồng và tính mạng của người dân, các phương pháp kỹ thuật để giám sát có thể được sử dụng theo lệnh của toà án nhằm theo dõi ngôi nhà. Trong trường hợp khẩn cấp khi mà quỹ thời gian không cho phép, những biện pháp này có thể được yêu cầu bởi các cơ quan có thẩm quyền do pháp luật chỉ định; một lệnh tư pháp sẽ được đưa ra ngay sau đó. 

(5) Chính phủ liên bang sẽ báo cáo hàng năm trước Hạ viện về việc sử dụng các phương pháp kỹ thuật để theo dõi như đã đề cập ở đoạn (3) và (4) ở trên. Một hội đồng do Hạ viện cử ra sẽ thực hiện quyền giám sát. Thượng viện cũng có quyền giám sát tương tự. 

(6) Ngoài ra, những can thiệp và hạn chế về nơi cư trú sẽ chỉ được phép trong trường hợp nhằm ngăn chặn một mối nguy hiểm đến công chúng hay tính mạng của những cá nhân, để đối phó với mối nguy hiểm cấp tính đến an toàn và trật tự công cộng, hay để chống lại sự nguy hiểm của dịch bệnh. 

Điều 15. Tài sản – thừa kế – tước quyền sở hữu

(1) Quyền sở hữu tài sản và quyền thừa kế được bảo đảm. Nội dung và giới hạn của các quyền này sẽ được quy định bởi những đạo luật riêng. 

(2) Tài sản đi kèm với các nghĩa vụ. Việc sử dụng nó cũng nhằm phục vụ lợi ích chung.

(3) Việc tịch thu tài sản chỉ được phép thực hiện vì lợi ích chung. Điều này sẽ được quy định theo một đạo luật mà trong đó luật sẽ xác định tính chất và mức độ để bồi thường. Một sự bồi thường như vậy sẽ dựa trên sự cân bằng giữa lợi ích công cộng và quyền lợi của những người bị ảnh hưởng. Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh liên quan đến việc bồi thường, việc truy đòi có thể đưa ra các tòa án bình thường. 

Điều 16. Quốc hữu hoá

Nhằm mục đích phục vụ lợi ích chung của công chúng, đất đai, tài nguyên thiên nhiên và các phương tiện sản xuất có thể bị quốc hữu hoá. Việc chuyển đổi sở hữu này được quy định theo một đạo luật riêng, trong đó xác định tính chất và mức độ bồi thường. Việc bồi thường sẽ dựa trên sự cân bằng giữa lợi ích công cộng và quyền lợi của người bị ảnh hưởng. Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh liên quan đến việc bồi thường, việc truy đòi có thể đưa ra toà án bình thường. 

Điều 17. Quốc tịch – dẫn độ – tị nạn

(1) Không một người Việt Nam nào có thể bị tước tư cách công dân của mình. Việc hủy bỏ quốc tịch được quy định theo một đạo luật riêng, và việc huỷ bỏ quốc tịch của một người chỉ diễn ra khi nó không khiến người đó trở thành người không quốc tịch. 

(2) Không một người Việt Nam nào có thể bị dẫn độ ra một nước khác.

(3) Những người bị bức hại vì lý do chính trị sẽ có quyền tị nạn. Chính quyền quốc gia, trong khả năng của mình, sẽ hỗ trợ những người tị nạn vì mục đích nhân đạo. Một đạo luật riêng sẽ quy định về nội dung và các giới hạn của quyền này. 

Điều 18. Quyền khiếu nại

Mọi người đều có quyền khiếu nại bằng văn bản và gửi đến các cấp có thẩm quyền và cơ quan lập pháp. Hành động này có thể thực hiện bởi riêng lẽ từng cá nhân hoặc do bởi một tập thể. 

Điều 19. Hạn chế quyền cơ bản trong các trường hợp cụ thể

(1) Các luật liên quan đến quốc phòng và an ninh có thể quy định rằng thành viên của các cơ quan thuộc lĩnh vực này bị hạn chế các quyền cơ bản trong khi tại ngũ. Những quyền cơ bản bị hạn chế này có thể bao gồm: quyền biểu đạt và thể hiện bằng lời nói, chữ viết và hình ảnh (đoạn 1 của Điều 5); quyền hội họp (Điều 8); và quyền khiếu nại (Điều 18).

(2) Các luật liên quan đến quốc phòng, trong đó có bao gồm việc bảo vệ dân chúng, có thể đưa ra những hạn chế liên quan đến quyền tự do di chuyển (Điều 11) và quyền bất khả xâm phạm nhà riêng (Điều 14).

Điều 20. Tước quyền cơ bản

Bất cứ người nào lạm dụng quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là tự do báo chí, tự do giảng dạy, tự do hội họp, tự do lập hội, bí mật thư tín, bưu chính và viễn thông, quyền tài sản, hoặc quyền tị nạn để chống lại trật tự tự do dân chủ sẽ bị tước những quyền cơ bản. Việc tước quyền này và mức độ của nó sẽ được phán quyết bởi Toà án Hiến pháp Liên bang. 

Điều 21. Hạn chế các quyền cơ bản — các cơ chế pháp lý

(1) Theo Hiến pháp này, một quyền cơ bản có thể bị hạn chế bởi một luật, và luật đó phải áp dụng chung chứ không chỉ cho một trường hợp riêng lẻ. Ngoài ra, luật phải quy định rõ quyền cơ bản nào bị ảnh hưởng và quyền đó nằm ở điều nào.

(2) Bản chất của các quyền cơ bản không bị ảnh hưởng trong mọi trường hợp.

(3) Các quyền cơ bản cũng sẽ được áp dụng đối với các pháp nhân trong nước trong phạm vi bản chất của các quyền đó cho phép.

(4) Nếu quyền cơ bản của bất kỳ người nào bị cơ quan công quyền xâm phạm, người đó có thể nhờ đến tòa án. Nếu không có thẩm quyền nào khác được thiết lập thì việc truy đòi sẽ được thực hiện tại các tòa án thông thường. Câu thứ hai của đoạn 2 của Điều 10 sẽ không bị ảnh hưởng bởi đoạn này.

(hết Chương 1 của Hiến pháp Cộng hoà Liên bang Việt Nam)

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *