Trí thức và lãnh đạo

Khi một lãnh đạo cộng sản qua đời, để ý ta sẽ thấy có những loạt bài của những người, tạm gọi là trí thức, tâng bốc công lao những lãnh đạo này. Thấy đau cho dân tộc. Nó giống như cảnh những con người bị xích vào cái lồng cộng sản làm nô lệ bởi một nhóm người tự cho mình là lãnh đạo, để rồi một ngày nào đó, một lãnh đạo nào đó nới lỏng sợi dây xích, cho đám nô lệ kia hưởng thêm được một chút tự do trong tinh thần và vật chất thì đám nô lệ sướng rơn, nhẩy cẫng lên tâng bốc ngài lãnh đạo nọ, mà họ quên rằng những đau khổ gây ra cho chính họ, ông bà, cha mẹ, con cái họ, và cả dân tộc này, là những người như ngài lãnh đạo nọ và đồng chí của họ. 

                          

Tội cho dân tộc đã sinh ra những con người đan tâm ngồi trên đầu trên cổ làm khổ dân tộc, mà cũng tội cho dân tộc có quá ít người dám nói tiếng nói bộc trực, dứt khoát, rằng đã sang thế kỷ 21 rồi, Việt Nam phải là một nước tự do và dân chủ, và người dân Việt Nam phải được tự do bầu chọn lên các lãnh đạo dẫn dắt đất nước mình, chứ không phải ngồi đó khen những ông chủ cộng sản với tư cách là những-người-đang-ở-trọ-trên-quê-hương. Người Việt Nam xứng đáng với điều đó, họ phải có quyền quyết định tương lai của đất nước và vận mệnh của họ thông qua việc chọn ra những lãnh đạo một cách tự do, và những ai góp phần duy trì sự cai trị thiếu tự do của thể chế cộng sản hiện nay đáng lẽ ra phải bị lên án chứ không phải để kể công.

Đọc những lời tâng bốc của vài người dành cho các lãnh đạo, bạn sẽ có cảm giác rằng Việt Nam “sắp lên thiên đường” vì lãnh đạo tài quá. Nhưng, hãy nhìn lại thực tại, dưới sự lãnh đạo của các lãnh đạo cộng sản này, Việt Nam hiện nay đang ở đâu và người Việt Nam sướng khổ thế nào? Trong bảng xếp hạng mức hạnh phúc quốc gia (World Happiness Report) công bố năm 2017 của 155 nước, người Việt Nam đứng thứ 94, ngang ngửa với vài nước châu Phi, thấp hơn cả Somalia (hạng 93) (*) — một nước cho tới gần đây bị tàn phá vì nội chiến, mất an ninh trật tự và đói nghèo khiến nó trở thành một cứ điểm của tội phạm cướp biển. Trong xếp hạng 190 quốc gia dựa trên tổng thu nhập quốc gia trên đầu người (GDP per capita), Việt Nam hiện nay đứng thứ 134 (**). Các chỉ số xếp hạng chỉ là một sự khái quát hoá tương đối tình trạng của người dân Việt Nam hiện nay khi vật giá và thuế má ngày càng tăng cao, thất nghiệp trở nên lan tràn, môi trường ngày càng ô nhiễm, tự do ngày càng bị bóp nghẹt khiến nhiều người từ trí thức đến bình dân tìm cách này cách khác bỏ xứ ra đi vì cảm thấy bế tắc.

Nhiều người nhìn các lãnh đạo cộng sản với vài đóng góp cỏn con như là một thành tích gì ghê gớm.

Trừ những kẻ vô dụng, một lãnh đạo tầm thường nhất cũng có cái để khen, đơn giản là khi lãnh đạo chẳng làm gì cũng có cái để khen vì laissez-faire, tức đừng can thiệp, để thị trường tự nó hoạt động tự bản thân nó đã là một chính sách — chính sách không can thiệp. Và khi một lãnh đạo không can thiệp thì chí ít thị trường và xã hội sẽ tự điều tiết với nhau để duy trì và phát triển, như bản thân nó vốn có từ hàng nghìn năm dù có lãnh đạo hay không.

Có điều, sự can thiệp nếu có dưới sự lãnh đạo khôn ngoan sẽ khiến giảm bớt gánh nặng của những tai ương, như trong các tai hoạ thiên nhiên hoặc các cuộc khủng hoảng kinh tế, và thúc đẩy những thành công mới như việc huy động nhân lực và vật lực nhằm xây dựng những công trình hay dự án vượt quá khả năng của tư nhân, như các dự án cơ sở hạ tầng lớn hoặc các công trình về an ninh quốc phòng. Các lãnh đạo tài ba cũng có thể thông qua các hệ thống thuế khoá bảo vệ và hỗ trợ vài ngành công nghiệp, dịch vụ, thực hiện các hệ thống an sinh xã hội giúp đời sống người dân ngày càng thoải mái hơn so với việc để người dân tự xoay sở. Nói như vậy để thấy rằng trừ khi đừng làm những hành động ngu xuẩn và điên cuồng, như phá huỷ hệ thống kinh tế tư nhân ở miền Nam hay đóng cửa nền kinh tế sau năm 1975, bản thân xã hội khi được tự do sẽ tự nó phát triển và ngài lãnh đạo sẽ được ghi nhớ cho sự phát triển đó dưới khoảng thời gian trị vì của mình dù ông ta chẳng phải làm gì hết, ngoại trừ việc duy trì trật tự và đảm bảo công bằng xã hội.

Sự chuyển đổi sang dân chủ từ các nước không có truyền thống dân chủ rất khó khăn. Một phần của sự khó khăn đó xuất phát từ thói quen phục tùng bị trị: thói quen của một tầng lớp bị trị quanh năm suốt tháng dạ, vâng, bẩm, thưa, và tâng bốc vài thành tích của những kẻ cai trị. Thói quen này khiến cho nhiều người quên mất rằng đất nước này là của chung và mọi người công bằng với nhau, những lãnh đạo phải được dân bầu cử tự do chọn lên và đưa xuống bằng lá phiếu và sự tự nguyện của mình. Chỉ khi từ các trí thức tới tầng lớp bình dân ý thức dứt khoát được rằng các lãnh đạo quốc gia phải được bầu chọn bằng lá phiếu và khước từ tất cả sự cầm quyền không qua lá phiếu tự do thì lúc đó đất nước mới có triển vọng sang trang.

Nguyễn Huy Vũ 


Posted

in

, ,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *