Đến bây giờ, 43 năm sau cuộc chiến, đã có bao bài báo, cuốn sách phân tích nhiều khía cạnh khác nhau về cuộc chiến. Vậy nhưng, vẫn có người — lại là người tham gia bào chữa cho các tù nhân chính trị — cho rằng cả hai phía là lính đánh thuê. Người viết thiếu hiểu biết đã đành, mà nhiều người gọi là có quan tâm đến thời cuộc, tức phải có tìm hiểu ít nhiều về giai đoạn này, lại đồng ý với ý kiến này thì quả thật quá tệ.
Một cách đơn giản, nếu hỏi một người lính đã từng tham gia chiến trận, bên này hay bên kia một câu hỏi, rằng bạn chiến đấu vì điều gì hẳn sẽ có cùng chung câu trả lời là tôi chiến đấu vì quê hương tôi, chứ chẳng phải vì quyền lợi của ai cả. Người miền Nam chiến đấu vì bảo vệ sự độc lập và tự do, tránh hoạ cộng sản mà họ ít nhiều đã chứng kiến. Người miền Bắc chiến đấu vì họ bị tuyên truyền rằng họ muốn giải phóng quê hương khỏi ách xâm lược của Mỹ. Một số khác ở miền Bắc bị ép đi lính chỉ vì nếu không đi thì họ sẽ bị chính quyền đe doạ.
Còn các cấp lãnh đạo ở hai miền? Chính quyền Ngô Đình Diệm từ đầu đã ngăn không cho quân Mỹ đổ quân vào Việt Nam, làm như vậy thì sẽ mất đi chính nghĩa của chính quyền ông, rằng ông muốn xây dựng một đất nước độc lập và phú cường. Vì vậy mà ông không muốn thấy quân đội của ngoại bang có mặt. Chính quyền của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu muốn giữ quân Mỹ lại để ngăn không cho phe cộng sản tiến chiếm miền Nam nhưng cuối cùng đã thất bại. Cách làm của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không khác bao xa cách làm của thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore khi muốn quân đội Anh kéo dài sự hiện diện ở đảo quốc Singapore vì nó vừa giúp Singapore bảo vệ độc lập, tiết kiệm được cho Singapore số tiền phải chi cho quân đội, mà những khoản chi của quân đội Anh còn giúp kích thích nền kinh tế.
Riêng các lãnh đạo miền Bắc thì họ có tham vọng xâm chiếm miền Nam bởi đơn giản rằng nếu phân chia hai miền Nam Bắc thì về lâu về dài, miền Bắc chắc chắn sẽ thành một quốc gia kiệt quệ và đói nghèo, như Triều Tiên hôm nay, và miền Nam sẽ thịnh vượng như một dạng của Hàn Quốc. Lúc đó thì cán cân quân sự sẽ lệch về miền Nam và miền Bắc sẽ đứng trước mối nguy bị chiến bại. Tại sao lại như vậy? Thứ nhất là về tài nguyên thiên nhiên, những vùng đất màu mỡ nhất, những bãi biển đẹp nhất, nơi có nhiều trữ lượng dầu mỏ nhất, đều thuộc về miền Nam. Cuộc chiến càng về dài lâu thì miền Bắc sẽ càng khốn đốn về lương thực. Và thứ hai, miền Bắc lúc bấy giờ đã kiệt quệ về lương thực. Mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa đã thực hiện ở miền Bắc trong 20 năm từ 1954 đến 1975 về cơ bản là đã phá sản. Nội chỉ trong 10 năm từ 1975 đến 1986, mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa đã đưa toàn bộ Việt Nam đến tận cùng của nguy khốn, huống chi là sự áp dụng của nền kinh tế này ở miền Bắc trong 20 năm. Cho nên, nếu không có sự viện trợ lương thực của Liên Sô và Trung Quốc, thì miền Bắc đã sụp đổ vì đói kém từ rất lâu. Những lãnh đạo miền Bắc đã nhìn thấy thực tế rằng số phận của mình sẽ rất nguy khốn một khi mất đi sự viện trợ cho nên họ đã đi dây ngoại giao giữa Trung Quốc và Liên Sô trong một thời gian dài nhằm tìm kiếm viện trợ để duy trì chế độ. Nhưng họ biết rằng việc duy trì có thể không kéo dài lâu, vì vậy mà họ bằng mọi giá tiến chiếm nhằm cướp lấy miền Nam. Lê Duẩn, người đã ở miền Nam rất lâu và thấy được sự thịnh vượng của miền Nam, do đó là người hăng hái nhất cổ suý cho việc tiến quân.
Hoa Kỳ tham gia hỗ trợ Việt Nam Cộng Hoà chỉ vì muốn ngăn làn sóng cộng sản phủ khắp các nước Đông Nam Á. Còn Trung Quốc hỗ trợ miền Bắc vì không muốn có sự hiện diện của quân Mỹ ở ngay dưới chân mình. Lối ra phía Đông của Trung Quốc bị án ngữ bởi Nhật Bản và Đài Loan, cả hai đều là đồng minh của Mỹ. Và nếu lối ra ở phía Nam bị kiểm soát bởi Hoa Kỳ ở phía Nam nữa thì Trung Quốc xem như là bị cô lập. Đó cũng là lý do mà Trung Quốc đã bằng mọi giá quân sự hoá và kiểm soát biển Đông của Việt Nam nhằm kiểm soát lối ra Thái Bình Dương của mình. Đó cũng là lý do mà Trung Quốc vội vã chiếm lấy Hoàng Sa ngay năm 1974 từ tay Việt Nam Cộng Hoà khi biết Hoa Kỳ đã bỏ rơi Việt Nam Cộng Hoà và không can thiệp. Riêng Liên Sô thì muốn có thêm các nước đồng minh cộng sản bởi vì trong cuộc cạnh tranh Liên Sô và phương Tây, phe nào có nhiều vây cánh hơn sẽ chiếm ưu thế.
Cho nên cuộc chiến ở Việt Nam đó là cuộc chiến mà các bên đã lợi dụng lẫn nhau vì quyền lợi của phe mình. Nói một cách công bằng, lãnh đạo của hai phe Nam và Bắc nhận viện trợ để theo đuổi mục tiêu trước hết vì lợi ích của mình và phía mình. Và bên cạnh lợi ích của phía mình thì, một cách gián tiếp, đem lại lợi ích cho đồng minh, vì nếu không đem lại lợi ích cho đồng minh thì làm sao nhận được viện trợ?
Việc nhận viện trợ để thực thi một sứ mệnh có lợi cho phe mình và sau đó có lợi cho người viện trợ cũng không phải là một điều gì tồi tệ. Nước Anh trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai đã nhận viện trợ của Hoa Kỳ để đánh bại Đức Quốc Xã. Với nước Anh, điều này có lợi trước hết là cho nước Anh, và sau đó mới là cho Hoa Kỳ. Quân Do Thái đã nhận viện trợ và tham gia Chiến tranh Thế giới thứ Hai với quân Anh vì mong sẽ được chia một phần đất cho quốc gia mình cũng như việc tham chiến sẽ giúp dựng xây nên quân đội Do Thái sau này. Liệu có thể gọi Anh là lính đánh thuê của Hoa Kỳ, hay Do Thái là lính đánh thuê của Anh hay không? Chắc chắn là không. Họ có nhận viện trợ, nhưng họ chiến đấu trước hết cho chính đất nước họ, sau đó mới, một cách gián tiếp, đem lại ích lợi cho đồng minh. Họ khác với lính đánh thuê — những người chiến đấu chỉ để đem lại lợi ích của người tài trợ và sau đó là đem lại lợi ích tài chính riêng tư của mỗi cá nhân, mà không đoái hoài, đếm xỉu gì tới quyền lợi của quốc gia mình.
Cho nên, nói họ, cả hai bên Nam và Bắc là lính đánh thuê, là không chính xác, nếu không muốn nói là thiếu hiểu biết, thậm chí là mạ lỵ những cá nhân đã cầm súng với niềm tin chiến đấu vì quê hương, vì không có giá nào có thể trả hết cho những máu xương và năm tháng tuổi trẻ của họ.
Nguyễn Huy Vũ
1.5.2018
Leave a Reply