Hơn 5 năm trước, nếu ai đó mở miệng đòi minh bạch từ thiện, họ chắc chắn nhận được một cái nhìn chẳng mấy thiện cảm. Minh bạch từ thiện là gì? Tại sao cần phải minh bạch? Đã gửi tiền rồi thì tức giao trọn niềm tin cho người ta, và đã tin người ta thì cớ gì cần phải đòi hỏi thông tin này nọ?
Rồi nếu mà lỡ có ai ăn bớt ăn xén thì có thánh thần ngó nghĩ. Mình đã gửi tiền từ thiện rồi thì coi như mình đã làm trọn trách nhiệm rồi. Đó là những suy nghĩ phổ biến của người Việt.
Cái văn hoá cùng suy nghĩ đó nó ăn sâu vào tâm thức của nhiều người. Xung quanh không ai lên tiếng mà mình lên tiếng thì kỳ quá, bị người ta cho là nhỏ mọn. Vài chục ngàn, vài trăm ngàn, có bao nhiêu đâu. Nhiều người biết mình bị lừa thì ngậm bồ hòn làm ngọt, thôi thì bỏ qua chứ biết sao giờ.
Tâm lý chung của người Việt vì vậy đã trở thành một mảnh đất màu mỡ cho biết bao bọn mượn đạo tạo đời, lợi dụng lòng tin của người Việt để quyên góp rồi kiếm chác. Mỗi người một ít, nhưng khi số lượng tiền góp lên tới hàng tỉ đồng thì đó không còn là chuyện của cá nhân nữa. Đó đã trở thành chuyện của cộng đồng, chuyện của pháp luật.
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, cho đến nay, người mình vẫn quen với những sinh hoạt theo văn hoá nông dân. Trong cái văn hoá nông dân đó, mọi thứ hoạt động theo kiểu gia đình, bạn bè, và các hoạt động dựa chủ yếu trên nền tảng của đức trị, tức mọi người làm việc với nhau dựa chủ yếu trên niềm tin và uy tín. Những người có thế lực hơn thì dựa vào sức mạnh đe doạ của xã hội đen. Luật pháp là một thứ xa xỉ.
Vì vậy mà mới có những vụ giựt hụi, những vụ quỵt nợ, những hoạt động đa cấp đủ các hình thức nở rộ, điều mà bạn sẽ rất hiếm khi thấy ở các nước phương Tây ngày nay.
Trong sinh hoạt của thế giới phương Tây, nhất là các hoạt động liên quan đến tài chính, tiền bạc, kinh doanh, mọi hoạt động đều dựa trên sự đối chiếu, bằng chứng, kiểm tra, và minh bạch.
Bạn muốn quyên tiền cho ai thì cần phải có sự đồng ý của chính quyền. Bạn chi bao nhiêu, còn bao nhiêu, cho ai và như thế nào, tất cả phải có hoá đơn hay bằng chứng. Đó là cách mà con người bảo đảm rằng các hoạt động giao dịch được thực hiện trôi chảy, đúng mục đích, tránh thất thoát và hạn chế những điều sai trái.
Trong cách làm này, người phương Tây không còn tin vào đức trị nữa mà đặt pháp trị lên trên. Và pháp trị đòi hỏi con người ta trở nên chuyên nghiệp với giấy tờ và bằng chứng giao dịch, chứ không phải là những đoạn video than mệt kể khổ khi đi làm từ thiện.
Thay đổi một người cần thời gian. Thay đổi niềm tin và văn hoá sinh hoạt của một xã hội cần nhiều thời gian hơn nữa. Những người lên tiếng cho những thay đổi xã hội vì vậy cần kiên nhẫn.
Năm năm trước, mình là một trong những người đầu tiên lên tiếng kêu gọi đòi các hoạt động quyên góp từ thiện cần minh bạch. Đơn giản vì đó chính xác là số tiền gửi cho người nghèo và của người nghèo. Người quyên góp chủ yếu chỉ đóng vai trò chuyển giúp. Dù gặp nhiều chỉ trích nhưng mình vẫn vui, vì mình nghĩ là đang đứng về phía người nghèo, người bị yếu thế, những người mà mình tin tiếng nói của mình dù nhỏ nhoi có thể giúp họ có thêm ít tiền. Và xa hơn nữa, mình tin dân tộc này có thể thay đổi được, và việc đổi thay đầu tiên đó là văn hoá. Văn hoá định hình cách con người suy nghĩ và hành động. Đó là lý do mình lên tiếng.
Khi đứng trước một tập thể đông đảo với một văn hoá cũ lâu đời, muốn thay đổi họ bạn không thể thay đổi một sớm một chiều. Bạn chỉ có thể thay đổi họ bằng cách gieo những hạt mầm ý thức. Theo thời gian, ý thức lớn lên và họ sẽ dần nhận ra.
Năm năm sau nhìn lại, xã hội Việt Nam ngày nay đã thay đổi vô cùng nhanh chóng. Người người đòi các nghệ sỹ, các nhà quyên góp từ thiện phải giải ngân số tiền quyên góp, phải công khai các hoạt động thu chi. Đó quả thực là những điều mình mong ước hơn 5 năm về trước. Và đó chính là niềm vui khi mình viết những dòng này: vui khi nhìn thấy quê hương thay đổi theo chiều hướng tích cực, từ một người ở rất xa.
Nguyễn Huy Vũ
24.5.2021
Leave a Reply