Lịch sử có thể không lặp lại một cách y chang. Nhưng lịch sử dạy cho người ta biết nhiều điều, cho người ta nhiều bài học.
Không phải ngẫu nhiên khi bạn đi xin việc, người phỏng vấn luôn muốn nhìn hồ sơ cá nhân, lịch sử làm việc của bạn, và quan trọng hơn là thư giới thiệu hoặc số điện thoại của những công ty trước đó bạn đã làm. Để chi? Để người ta xem cái quá khứ của bạn như thế nào rồi người ta sẽ dự đoán được tính cách bạn ra sao, kinh nghiệm, trình độ thế nào, đặng còn quyết định có nhận bạn hay không.
Nói như vậy để thấy cái quá khứ nó rất quan trọng đối với một con người. Nhìn quá khứ đoán biết được tính cách của họ.
Chuyện các chính phủ cộng sản nổi tiếng lường gạt, nói bữa trước lộn ngược bữa sau là chuyện xưa nay không có gì lạ. Ông tổ của đảng Cộng sản Việt Nam là Hồ Chí Minh bữa trước còn ngồi chung bàn với bà Nguyễn Thị Năm bàn chuyện hoạt động cách mạng, dựng xây đất nước, rồi nhận tiền từ bà, nhưng hôm sau lén viết báo với cái tên C.B. chửi rủa bà, ra lệnh cho du kích đấu tố và giết hại bà, trong khi chính mình đeo kính râm đến tận nơi chứng kiến, mới thấy được tâm địa của những người đứng đầu đảng Cộng sản.
Chuyện lường gạt, bất tín, giảo hoạt nó phổ biến đến nỗi ông Nguyễn Văn Thiệu, cố tổng thống Việt Nam Cộng Hoà có lần thốt “đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm”.
Hôm nay, một lần nữa chúng ta sẽ được dịp chiêm nghiệm lại câu nói bất hủ này.
Hôm đại dịch xảy ra, chính phủ ra mắt quỹ vắc-xin, tuyên truyền chích miễn phí, và kêu gọi quần chúng nhân dân đóng góp. Gọi là đóng góp chứ chính phủ cử ban bệ vận động, cho người đến tận từng nhà, từng doanh nghiệp thu, chỗ nào được thì bắt nhân viên tự động trừ lương. Đến nỗi các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc, chịu không thấu phải lên báo nước ngoài than. Than rằng họ phải đóng; còn nếu không thì khó mà làm ăn vì sẽ gặp rắc rối với thủ tục của chính quyền.
Bên cạnh việc vận động, chính phủ cũng huy động luôn lực lượng “chim mồi”. Lực lượng này thực hiện việc chuyển tiền, đưa thông tin và kêu gọi người khác làm theo. Lượng chim mồi này thượng vàng hạ cám từ những cụ bà còm cõi, em bé nheo nhóc, cho tới một vài “nhà báo”, “doanh nhân”.
Quần chúng được dịp lên đồng và bắt đầu đóng góp. Nhiều người đóng góp vì nghĩ đơn giản rằng rồi chính phủ sẽ dùng số tiền này để mua vắc-xin tiêm miễn phí cho cộng đồng, những người xung quanh. Họ coi việc đóng góp như một hành động thiện nguyện. Trong tim, họ nghĩ rằng đại dịch là một thảm hoạ quốc gia, với bao người đói khổ, ai nỡ mà ăn bớt trên xương máu đồng bào.
Nào có ngờ, sau khi lên con số vài ngàn tỉ đồng theo công bố (và con số thực chắc chắn lớn hơn nhiều), thì chính phủ tuyên bố rằng người dân giờ phải tiêm vắc-xin dịch vụ, tức muốn tiêm vắc-xin phải bỏ tiền túi ra tiêm. Một cú lừa ngoạn mục. Một cú đá xoáy bất ngờ 180 độ.
Người dân chưng hửng, chưa kịp hỏi số tiền góp quỹ giờ đi đâu thì tờ báo Tổ Quốc ngay lập tức cho biết rằng số tiền đó được chính phủ gửi vào ngân hàng để lấy lãi.
Hết nước với chính phủ.
Thế nên mới nói, đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm.
Nguyễn Huy Vũ
18.6.2021
Leave a Reply