Những ai quan sát cách điều hành của nhóm lãnh đạo hiện nay trong việc đối phó với đại dịch sẽ thấy rằng đó là một nhóm bất tài và kém cỏi. Sự hỗn loạn và lan tràn dịch bệnh thiếu kiểm soát hiện nay là một bằng chứng. Chính phủ cho đến giờ này không có một kế hoạch rõ ràng nào về việc tiêm vắc-xin sẽ kéo dài bao lâu, đến bao giờ thì mở cửa, hỗ trợ người dân như thế nào. Tất cả chỉ là một con số không. Ở những nước khác, một nhóm bất tài như vậy đã bị người dân thay thế từ lâu rồi. Họ thay đổi bằng lá phiếu hoặc họ thay đổi bằng cách xuống đường và đòi một cuộc bầu cử tự do nhằm chọn ra những lãnh đạo khác. Dân Việt Nam thì quá hiền và quá sợ, cho nên đã chọn cách chịu đựng. Nhưng hiền, không có nghĩa là họ không biết. Có điều, bao năm sống dưới một chế độ tàn bạo, bị đàn áp quá khốc liệt, họ trở nên sợ hãi chính quyền. Nếu lúc này, những nhóm trong quân đội đứng dậy, thay đổi chính phủ, tạo ra một nền cộng hoà dân chủ mới, hẳn người dân sẽ đứng dậy ủng hộ và biết ơn. Tên của các anh sẽ đi vào sử sách.
Bài dưới đây ghi lại buổi thảo luận của những học giả ở đại học Fulbright nói về những thất bại của chính phủ. Họ nói nhẹ nhàng thôi, nhưng đi đúng vào vấn đề mà nhiều người đã nói ít nhiều trên cộng đồng mạng lâu nay. Đó là: (1) chiến lược vắc-xin chậm ở tất cả các khâu; (2) không có một cơ chế để xử lý các tình huống khẩn cấp; (3) sự hỗn loạn trong thu mua vắc-xin; (4) không có khả năng đàm phán mua vắc-xin; và (5) không có một sự hỗ trợ nào cho người dân mà chỉ chăm chăm nhằm móc túi của họ, dù họ đã rất nghèo và khổ.
Chỉ cần 5 thất bại trên là đã đủ để cho thấy một chính phủ bất tài, không có khả năng dẫn dắt đất nước. Nhưng, có lẽ trong giới hạn của buổi hội thảo, nhiều vấn đề còn chưa được nói hết.
Tôi, Nguyễn Huy Vũ, tiến sỹ kinh tế, cũng xin bổ sung thêm với các đồng nghiệp ba vấn đề lớn nữa. Vấn đề thứ (6) đó là chính phủ không có khả năng quản lý ngân sách công; mà một bằng chứng là cho dù thu ngân sách năm 2020 tăng thêm so với năm trước nhưng ngân sách đã không hề có một khoản dự trữ nào để chi tiêu cho kế hoạch mua vắc-xin cho toàn dân, dù tổng chi phí chỉ tốn chừng 0,5% tổng thu nhập quốc dân.
Vấn đề thứ (7) đó là các dấu hiệu thể hiện ra bên ngoài trong cách điều hành các kế hoạch sản xuất và mua vắc-xin cho thấy có một sự cấu kết của chính phủ với các nhóm lợi ích sân sau là Vingroup và VNVC nhằm hưởng lợi trên ngân sách quốc gia và thảm hoạ của dân tộc.
Và vấn đề thứ (8), cũng là cuối cùng, thuộc về vấn đề đạo đức. Đó là những người cầm quyền đã đặt lợi ích của mình và gia đình lên trước lợi ích của toàn dân và dân tộc. Ở các nước, khi có vắc-xin, nó sẽ được phân phối cho dân theo độ tuổi và những người tuyến đầu được ưu tiên nhằm mục đích tối ưu hoá hiệu quả của vắc-xin trong bảo vệ toàn dân và nền kinh tế. Các lãnh đạo và gia đình do đó nằm trong sự sắp xếp chung chứ không được ưu tiên trước. Ngược lại, ở Việt Nam, giới lãnh đạo, người thân và những ai có quan hệ được ưu tiên tiêm trước, bất kể thứ tự sắp xếp. Đó là một vấn đề thuộc về đạo đức, và nó cũng cho thấy một sự hỗn loạn, không có một quy củ rõ ràng trong chiến lược vắc-xin của chính phủ.
Tóm lại, những ý kiến và bằng chứng cho thấy đây là một chính phủ bất tài, không có khả năng lãnh đạo, dẫn dắt đất nước. Họ cần được thay thế, càng sớm càng tốt, để đất nước có một tương lai.
Nguyễn Huy Vũ
Tiến sỹ Kinh tế
——————
Vô số bất cập trong vấn đề vắc-xin ngừa COVID-19 tại Việt Nam
Việt Nam chậm trong chiến lược vắc-xin không phải vì thiếu nguồn lực tài chính mà là do những hạn chế về tầm nhìn và khả năng quản trị Nhà nước trong bối cảnh khủng hoảng – đại dịch. Quan điểm chi ngân sách theo kiểu “tiết kiệm từng đồng” trong khi lại “tận thu từ doanh nghiệp và người dân” cũng là những vấn đề được thảo luận tại cuộc tọa đàm “Mở rộng nguồn tiếp cận vắc-xin và trách nhiệm của Nhà nước” do Đại học Fulbright Việt Nam tổ chức vào cuối tuần qua.
Chiến lược vắcxin – chậm ở tất cả các khâu
TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Khoa Woolcock tại Việt Nam thẳng thắn lên tiếng tại tọa đàm rằng Việt Nam (VN) đã chậm so với nhiều nước trên thế giới trong chiến lược vắc-xin. Bà cho biết, vắc-xin ngừa COVID được phát triển từ 2/2020 và ngay trong tháng 3 & 4/2020 đã có rất nhiều quốc gia đã đặt mua AstraZeneca. Các loại vắc-xin ra đời sau đó như Pfizer hay Moderna cũng được đặt hàng rất sớm.
“Còn Việt Nam, theo thông tin trên các báo chính thống, chúng ta đăng ký mua vắc-xin từ AstraZeneca từ tháng 8/2020 và hoàn thành hồ sơ trở thành quốc gia nhận vắc-xin từ COVAX từ tháng 9 và tháng 10. Tôi cho rằng chúng ta đã hơi chậm một bước so với các nước khác” –TS Thu Anh nhân định. Bà giải thích rằng, nhìn từ góc độ dịch tễ học, đối với dịch bệnh nguy hiểm thì điều đầu tiên trong chiến lược phòng chống dịch bệnh là phải có vắc-xin. Khi một quốc gia chưa có đủ năng lực phát triển vắc-xin thì phải đi tìm kiếm nguồn cung tiềm năng và “cần phải đặt hàng rất sớm”.
Theo TS Thu Anh, VN không chỉ chậm trong việc đăng ký mua vắc-xin mà còn chậm ở nhiều khâu khác:
“Chúng ta chậm trong việc thương thuyết. Khi thương thuyết xong, chúng ta cũng đã chậm một bước trong việc ký hợp đồng. Và kể cả khi ký hợp đồng xong, chúng ta cũng chậm trong việc phê duyệt các vắc-xin ở tại Việt Nam” – TS Thu Anh phân tích và đơn cử, mặc dù vắc-xin Pfizer được đánh giá là rất hiệu quả và được nhiều quốc gia phát triển sử dụng nhưng mãi tới tháng 6/2021, Bộ Y tế mới cấp phép cho sử dụng ở VN.
Bà cũng cho rằng VN cũng đã xử lý kém nhanh nhạy trước những thông tin cảnh báo ngay từ nửa cuối năm ngoái về nguy cơ chương trình COVAX thiếu vắc-xin.
“Chúng ta đã thành công trong việc đăng ký là một quốc gia nhận vắc-xin qua chương trình COVAX với 38,9 triệu liều nhưng chúng ta đã hơi chủ quan và tự tin, tin tưởng vào COVAX Facility. Trong khi đó, vào quý 3 và 4 của năm 2020, đã có nhưng cảnh báo về việc thiếu vắc-xin cấp cho COVAX Facility. Mặc dù COVAX Facility, UNICEP và WHO đã thương thuyết với rất nhiều công ty để họ bán cho COVAX nhưng rõ ràng các công ty và các quốc gia sản xuất được vắc-xin vẫn ưu tiên bán cho những quốc gia có thể mua được trực tiếp của họ hơn là bán cho COVAX Facility.” – bà Thu Anh nói. Bà cũng cho biết, theo báo cáo mới nhất của WHO, kể cả khi lượng vắc-xin toàn cầu được sản xuất tăng lên rất nhiều thì chương trình COVAX vẫn chưa thể tự chủ hoàn toàn lượng vắc-xin cung cấp cho các quốc gia nghèo và những quốc gia có thu nhập trung bình thấp, trong đó có VN.
Nhìn vào tình hình hiện nay, bà và các đại biểu tham dự tọa đàm đều bày tỏ lo lằng rằng Việt Nam lại chậm trễ trong việc chuẩn bị triển khai kế hoạch tiêm chủng trên diện rộng cho 75 triệu dân số trưởng thành. Theo bà, đây là công việc phức tạp, đòi hỏi sự chuẩn bị chu đáo về nguồn cán bộ tiêm chủng, khả năng ứng phó trước các biến cố bất lợi trong quá trình tiêm chủng cũng như các cơ sở vật chất phục vụ việc tiêm chủng rộng khắp trên toàn quốc.
Không kích hoạt cơ chế về tình trạng khẩn cấp
Ngoài những lý do đã được dư luận xã hội phân tích nhiều như “ngủ quên trên chiến thắng”, “quá tin tưởng vào chương trình COVAX”…, TS Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng, một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc chậm mua được vắc-xin là Việt Nam “chưa kích hoạt cơ chế về tình trạng khẩn cấp” – một cơ chế đặc biệt mà một số quốc gia đã từng làm trong đại dịch COVID để trao quyền cho chính phủ thực hiện các chính sách mà thường không được phép làm nhằm bảo vệ sự an toàn của người dân. Ông cho rằng trong bối thị trường vắc-xin thế giới có sự chênh lệch cung cầu lớn như trong thời gian vừa qua, các cơ quan và cá nhân hữu trách của Việt Nam đã bị “bó chân” khi vẫn phải tuân thủ tuần tự các thủ tục mua sắm công chặt chẽ của Luật Đấu thầu nên khó có thể ra quyết định nhanh, hành động nhanh.
“Phải nói rằng bộ máy của các nước hoạt động dựa trên một tình trạng khẩn cấp (TTKC). Ở VN những gì chúng ta đang chứng kiến về bản chất là tình trạng khẩn cấp, toàn bộ sự tự do dân sự của người dân bị hạn chế. Tuy vậy, Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp lại không được sử dụng, do đó toàn bộ quá trình sử dụng tiền công để đi đàm phán để mua vắc-xin, toàn bộ bộ máy vận hành không theo TTKC. Dẫn đến [kết quả] là trong bối cảnh khẩn cấp mà hành xử như pháp luật bình thường thì làm cho các hành xử và quyền tự do định đoạt của của các cơ quan quản lý bị hạn chế” – ông Nghĩa nói và cho rằng hạn chế này đã thể hiện rất rõ trong vụ việc 288.000 liều vắc-xin được công ty VNVC nhập về từ ngày 25/5 nằm mãi trong kho chưa được mang ra sử dụng, gây bức xúc trong dư luận thời gian gần đây. Ông giải thích: Công ty VNVC đã tự bỏ tiền đặt mua vắc-xin từ quý 3/2020, nay Nhà nước muốn mua lại nhưng chưa thể giải ngân được vì do chưa áp dụng Pháp lệnh về TTKC, mọi mua sắm công không có bất kỳ đặc cách nào mà vẫn phải tuân thủ các quy định theo Luật Đấu thầu. Theo đó, để mua lại, Bộ Y tế sẽ cần có sự đồng ý của tất cả các bộ ngành liên quan cũng như phải có sự phê duyệt của Thủ tướng theo quy định lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt tại điều 26 của Luật này.
“Mỗi một tình trạng đặc biệt lại cần có sự phê duyệt của ông Thủ tướng thì khó mà mua được 150 triệu liều vắc-xin. Nếu cứ đúng theo quy trình hành chính thì rất khó tiêu được tiền công cho các mua sắm có tính khẩn cấp” – ông nói và gợi ý rằng để DN và địa phương nhanh chóng mang được vắc-xin về theo lời kêu gọi của Chính phủ gần đây, nếu VN không áp dụng Pháp lệnh về TTKC thì cần đặt toàn bộ nền hành chính trong tình trạng báo động như chiến tranh để các những cơ quan và cá nhân có thẩm quyền “được giải phóng khỏi trách nhiệm pháp lý” theo quy trình thông thường đồng thời toàn bộ bộ máy Nhà nước phải hậu thuẫn cho các cơ quan, cá nhân này để đạt được mục tiêu mang vắc-xin về cho đất nước.
DN và địa phương cùng mua vắc-xin – Quá nhiều rủi ro
Theo các chuyên gia, quyết định “mở bung” cho phép DN và địa phương tiếp cận và mua vắc-xin nhằm giải quyết khủng hoảng thiếu vắc-xin trong nước đang đặt Việt Nam đứng trước hàng loạt rủi ro về chất lượng nguồn vắc-xin mua được cũng như các thách thức pháp lý.
Mặc dù định hướng mở cửa cho các DN và địa phương có thể tiếp cận vaccine nhưng do chưa có tiền lệ, khung khổ pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng nên DN và người lao động có thể sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề pháp lý. Tôi ví dụ DN có thể mua vắcxin về và tổ chức tiêm nhưng liệu người lao động có chấp nhận tiêm hay không? Người ta không đồng ý với vắcxin mà DN cung cấp thì họ quyền từ chối không? Không chấp nhận tiêm thì anh có quyền sa thải người ta ra khỏi hợp đồng lao động?” – TS Phạm Duy Nghĩa
TS Nghĩa cho biết điều làm ông lo lắng nhất hiện nay là nguy cơ các DN và địa phương mua phải vắc-xin kém chất lượng, hết hạn hoặc vắc-xin giả vì các nhà sản xuất hiện chỉ làm việc với các chính phủ do đó các địa phương và DN Việt Nam nhiều khả năng chỉ có thể mua được nguồn vắc-xin dư thừa mà các địa phương ở nước ngoài không sử dụng hết.
“Nguy cơ lớn nhất là sẽ mua được hàng giả, hàng kém chất lượng hoặc hàng hết hạn. Vắc-xin không phải hàng hóa thông thường mà nó có hạn sử dụng, ví dụ thời hạn 6 tháng chẳng hạn. Từ khi sản xuất, đến khi vận chuyển về, người mua thứ nhất đã mất một thời gian rồi. Vì vậy Bộ y tế phải có quy định rất chặt chẽ cho việc kiểm soát và cấp phép từng lô hàng một”– TS Nghĩa nói. Ông cũng cho rằng Bộ Y tế cần phải thiết lập một quy trình giám sát cực kỳ chặt chẽ từ việc nhập khẩu vắc-xin cho đến việc tập huấn nhân viên y tế cũng như trong quá trình tiêm chủng vì khi 75 triệu người cùng được tiêm có thể dẫn tới rất nhiều vấn đề và trách nhiệm pháp lý.
“Người dân mong chờ ở nhà nước phải hết sức chặt chẽ với tất cả các vắc-xin, không thể tiêm vào người dân vắc-in giả, vắc-xin hết hạn, không thể tiêm vào người dân với một quy trình sai và không an toàn. Và nếu xảy ra những vấn đề bất lợi thì người dân phải có quyền đòi bồi thường từ Nhà nước” – TS Nghĩa chỉ ra. Ông đồng thời cho rằng Nhà nước không nên mặc định rằng người dân sẵn sàng chấp nhận rủi ro vì cộng đồng mà cần quan tâm tới quyền tự do dân sự và bảo vệ sinh mạng của người dân.
Những tình huống như thế này là một phép thử quan trọng về năng lực quản lý và điều hành của nhà nước đồng thời cũng là phép thử quan trọng về quyền tự do của người dân cũng như quyền lợi hợp pháp của họ được bảo vệ như thế nào” – TS. Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Trường Chính sách công & Quản lý Fulbright
Mua sòng phẳng theo giá thị trường
Theo Bộ Y tế, tính đến đầu tháng 6/2021, Việt Nam đã đặt hàng được 170 triệu liều vắc-xin nhưng cũng lường trước việc giao hàng có thể sẽ không đầy đủ, không đúng tiến độ.
Theo TS Nguyễn Xuân Thành, giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam đồng thời thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, để sớm có đủ vắc-xin, Việt Nam cần“mua vắc-xin một cách đàng hoàng theo giá thị trường”. Ông cho rằng Chính phủ Việt Nam có đủ khả năng tài chính để mua vắc-xin, do đó cần thay đổi cách tiếp cận và thông điệp cũ rằng “Việt Nam nghèo và khó khăn nên đề nghị các tổ chức quốc tế, các hãng dược phẩm hỗ trợ”.
“Vừa rồi Đại hội Đảng nói ta có thế và lực, thế giới người ta cũng biết ta có tiền nên chúng ta cứ đi xin mua giá rẻ thì người ta không cho. Đương nhiên chúng ta rất trân trọng hỗ trợ của các quốc gia nhưng để có được một khối lượng lớn, giờ ta phải có một thông điệp mới khi tiếp cận với nguồn đó là VN có nguồn lực tài chính và sẵn sàng trả theo giá thị trường và đó cũng là bài học của các quốc gia thành công trong việc tiêm chủng diện rộng hiện nay” – ông nói.
Chứng minh cho luận điểm “Việt Nam có tiền” của mình, TS Thành cho biết thu ngân sách của Việt Nam đã rất khả quan trong năm 2020.
“Không kể COVID, ngân sách năm ngoái, không những cao hơn năm 2019 mà còn vượt dự toán thu của năm 2020” – ông nói và cho biết ngoài việc vượt dự toán thu khoảng 1,9%, Việt Nam còn tiết kiệm được rất nhiều chi phí họp hành của Chính phủ do ảnh hưởng của dịch bệnh trong năm 2020.
TS Thành cho biết theo những cuộc đàm phán gần đây, giá vắc-xin về đến cảng của Việt Nam đã lên tới 30USD/liều. Ông khuyên VN chấp nhận mức giá này vì “mua rẻ sẽ nhận muộn” và thực tế Israel, quốc gia hiện có tỷ lệ tiêm chủng đứng đầu thế giới năm ngoái cũng đã phải trả tới 23USD/liều. Thêm vào đó, tổn thất mà dịch bệnh COVID gây ra đối với nền kinh tế lớn hơn rất nhiều chi phí mua vắc-xin nên Bộ Tài chính cần xác định “lúc cần chi thì phải chi” và không nên “tiết kiệm từng đồng”:
“Năm ngoái chúng ta kiểm soát COVID tốt như vậy mà tính toán kinh tế, chúng ta đã thiệt hại tới 15 tỷ USD. Năm nay chắc chắn thiệt hại của đợt bùng phát thứ tư này sẽ rất lớn so với việc bỏ ra 1 tỷ USD để nhập vắc-xin”.
Theo tôi, trong khủng hoảng từ phía Bộ Tài chính, cơ quan quản lý ngân sách thì quan điểm vẫn là tiết kiệm tiền. Đáng nhẽ lúc cần phải chi thì không chi. Ta đã chuẩn bị tiền nhưng thấy có vắcxin miễn phí thì lại tiết kiệm tiền đi làm việc khác – TS Nguyễn Xuân Thành
Đừng tận thu đối với DN & người dân
Cũng căn cứ từ những nguồn lực nói trên, TS Nguyễn Xuân Thành cho rằng trong thời gian tới Chính phủ Việt nam không nên tiếp tục huy động tiền của người dân và DN để mua vắc-xin vì họ đã vốn rất khó khăn vì COVID. Ông nói:
“Trong đợt COVID vừa rồi, nhìn vào các nước trên thế giới, đa số các nước từ nước giàu đến nước nghèo, đều thực hiện một chính sách là trong khủng hoảng COVID thì nhà nước chi thêm tiền cho dân và chi thêm tiền cho DN. Việt Nam của chúng ta có một cái ngoại lệ là trong COVID là DN và người dân vẫn đóng tiền cho Nhà nước. Theo tôi, ta không nên tận thu của người dân và DN nhiều quá. Thời gian tới, Nhà nước nên tiết kiệm từ các khoản chi không cần thiết để dành cho vấn đề vắc-xin”.
TS Thành nhấn mạnh rằng nguồn tiền mua vắc-xin nên lấy từ ngân sách Nhà nước và vì người dân đã đóng thuế nên khi thiên tai, địch họa như trường hợp đại dịch như COVID xảy đến thì Nhà nước phải có trách nhiệm cung cấp tiêm vắc-xin với chi phí thấp hoặc miễn phí và theo ông, có làm được như vậy “mới thể hiện trách nhiệm của nhà nước đối với người dân”.
Ông cũng cho rằng chỉ nên xem việc thành lập Quỹ vắc-xin vừa qua như một nỗ lực thể hiện sự đồng thuận, chia sẻ của toàn xã hội. Vì dịch bệnh COVID có thể kéo dài cũng như nhiều dịch bệnh khác có thể xảy đến trong tương lai nên nguồn tiền từ Quỹ này nên dùng vào mục tiêu dài hơi hơn như nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển, sản xuất vắc-xin, phát triển cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng đi kèm, từ đó cải thiện khả năng tự chủ vắc-xin của Việt Nam.
Nguồn:
RFA Tiếng Việt. 21/6/2021. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-covid-vaccine-strategy-many-problems-need-to-be-solved-06212021205820.html
Leave a Reply