Cuộc xung đột giữa chính quyền tổng thống Donald Trump và đại học Harvard đã đến hồi quyết liệt. Trong một diễn biến mới nhất, Bộ Nội an đã tước quyền được tuyển các du học sinh nước ngoài của đại học Harvard.
Mục tiêu của chính quyền Trump là muốn kiểm soát tư tưởng và hành động của các đại học, muốn các đại học dẹp bỏ tư tưởng bài Do Thái, bỏ các chương trình đa dạng, công bằng và hoà nhập, gọi tắt là DEI, và hướng đến một hệ thống quản trị dựa trên tài năng (merit-based) thay vì dựa trên các thiên kiến của cánh tả như chủ nghĩa thức tỉnh hay chính sách DEI. Một cách tóm tắt, chính quyền Trump muốn các đại học dạy sinh viên dựa trên sự cân bằng về các khuynh hướng chính trị và hướng đến một hệ thống dựa trên nhân tài.
Từ rất lâu, các đại học nổi tiếng ở Mỹ như Harvard có truyền thống là đầu não tinh thần của cánh tả. Trong chiến tranh Việt Nam, phong trào phản chiến của sinh viên ở đây đã hoạt động rất mạnh mẽ kể từ năm 1966 cho đến ngày kết thúc chiến tranh. Mục tiêu của nó trên bề mặt là chống chiến tranh nhưng phía sau là ủng hộ ngấm ngầm các chế độ cộng sản dù giới chức không chính thức thừa nhận.
Ngày nay, tư tưởng cánh tả đi liền với nó là tư tưởng bài Do Thái, chủ nghĩa thức tỉnh (woke), ủng hộ chủ nghĩa DEI, và chống lại tư tưởng cánh hữu truyền thống. Nếu không có sự can thiệp của một chính quyền cánh hữu như chính quyền của tổng thống Trump, sự phát triển tư tưởng của các đại học Hoa Kỳ như nó vốn có hiện nay cuối cùng sẽ hình thành nên một thế hệ thanh niên mang tư tưởng tả khuynh. Nhưng quan trọng hơn, khi một đại học danh giá hàng đầu của quốc gia như Harvard — nơi đóng vai trò đào tạo nên những người lãnh đạo tương lai của quốc gia — mà trở nên quá tả khuynh thì nó sẽ dẫn đến một tương lai mà ở đó quốc gia trước sau gì cũng được dẫn dắt bởi những lãnh đạo tả khuynh và điều này có thể làm suy yếu quốc gia.
Tư tưởng DEI có thể giúp đem lại sự hài hoà của quốc gia trong ngắn hạn nhưng về dài hạn nó sẽ khiến quốc gia tụt hậu.
Để so sánh việc ứng dụng chủ nghĩa DEI được cánh tả ủng hộ và chủ nghĩa nhân tài mà tổng thống Trump đang hướng đến thì không thể nào không nhắc đến trường hợp của Malaysia và Singapore. Malaysia là một điển hình của việc áp dụng chủ nghĩa DEI, còn Singapore là một điển hình của chủ nghĩa nhân tài.
Singapore và Malaysia về cơ bản là gần tương đồng với nhau sau khi độc lập khỏi Anh ở thập niên 1960. Sau khi tách khỏi Malaysia, thủ tướng Lý Quang Diệu dẫn dắt Singapore và thực hiện chính sách tuyển dụng dựa trên tài năng (merit-based), nhưng đồng thời cũng chú ý đến yếu tố sắc tộc nhằm kiến tạo một xã hội hài hoà. Người được tuyển dụng trước hết phải có tài năng. Kết quả là đất nước cất cánh, xã hội hài hoà. Ngày nay, Singapore có một lực lượng công chức chuyên nghiệp, những trường đại học hàng đầu, các trung tâm y khoa đỉnh cao, hệ thống pháp luật minh bạch và một nền kinh tế năng động. Những điều đó chỉ có thể có được khi mà người tài được tuyển chọn, đào tạo và trọng dụng.
Malaysia thì khác. Ngày tôi học ở Singapore, hơn 20 năm trước, các bạn người Malaysia gốc Hoa, thường than rằng mình bị o ép ở Malaysia. Lý do là các trường đại học hàng đầu của Malaysia tuyển sinh theo chỉ tiêu dựa trên sắc dân. Sau khi có đủ chỉ tiêu rồi thì cho dù bạn rất giỏi, nhưng nếu bạn là gốc Hoa thì bạn cũng không được vào trường để học. Hàng năm trường sẽ có chỉ tiêu bao nhiêu suất cho sinh viên gốc Mã Lai và bao nhiêu suất cho sinh viên gốc Hoa hay gốc Ấn. Hậu quả là các sinh viên gốc Hoa hoặc sang Singapore học, hoặc sang các nước nói tiếng Anh như Úc, Anh, Canada hay Mỹ học và định cư lại ở đây. Vì cho dù học xong thì với chính sách đa dạng sắc tộc, chọn người theo chỉ tiêu, họ không có nhiều cơ hội thăng tiến trong cơ cấu của chính quyền. Ngày nay, ở Malaysia chính trị chủ yếu do người gốc Mã Lai nắm giữ, còn kinh tế thì chủ yếu nằm trong tay người gốc Hoa. Không chọn được những người xuất sắc nhất nắm giữ các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách nên cuối cùng giáo dục, khoa học, và kinh tế của Malaysia tụt hậu rất xa so với Singapore.
Câu hỏi là tại sao Malaysia không thực hiện chính sách trọng dụng nhân tài như Singapore. Không phải là giới lãnh đạo Malaysia không biết, nhưng đây là một chọn lựa chính trị. Ở Singapore, người gốc Hoa chiếm 75% dân số, 15% là người gốc Mã Lai, còn lại là người gốc Ấn và một thiểu số các sắc dân khác. So với các sắc dân khác ở đây, người Hoa có những tố chất ưu tú hơn, họ học hành xuất sắc và làm việc chăm chỉ hơn, họ lại giỏi buôn bán. Cho nên khi áp dụng chế độ nhân tài, một cách hiển nhiên, đa số nhân tài thường là người gốc Hoa. Một chính phủ với đa số nhân tài gốc Hoa lãnh đạo một cộng đồng đa số gốc Hoa, điều này không hề tạo nên một sự bất đồng nào, mà ngược lại chỉ khiến cho hệ thống trở nên hài hoà, ổn định, bởi vì cộng đồng cử tri gốc Hoa sẽ có xu hướng chọn những lãnh đạo gốc Hoa đại diện cho cộng đồng mình.
Ngược lại, ở Malaysia người gốc bản địa chiếm tới 70% dân số, còn người gốc Hoa chỉ chiếm có 20% dân số, còn lại là người gốc Ấn và các sắc dân khác. Vì lý do đó mà những chính trị gia Mã Lai buộc phải thực hiện các chính sách nhằm ưu đãi cộng đồng gốc Mã Lai, cũng là cơ sở cử tri của mình. Hãy thử tưởng tượng rằng nếu các chính trị gia Mã Lai thực hiện một chính sách công bằng, dựa trên năng lực, và áp dụng cho tất cả mọi người thì điều gì sẽ xảy ra? Ở các trường đại học, các giáo sư gốc Hoa sẽ nắm giữ các vị trí trọng yếu, các học sinh gốc Hoa cũng sẽ nắm giữ hầu hết các suất học bổng và đa số các chỉ tiêu tuyển sinh. Ở các trung tâm nghiên cứu hay hoạch định chính sách, các viên chức gốc Hoa cũng sẽ chiếm một ưu thế vì năng lực vượt trội của họ. Cuối cùng nó sẽ dẫn đến một hiện thực đó là người gốc Hoa có thể kiểm soát không chỉ kinh tế mà còn cả chính trị và điều hành, dù họ chỉ chiếm có 20% dân số xã hội. Điều này nếu diễn ra sẽ dẫn đến một xung đột xã hội sâu sắc khi mà 70% dân số người gốc bản địa bị gạt ra bên lề xã hội. Chính nhờ nắm giữ một lực lượng cử tri đông đảo chiếm đến 70% dân số, các chính trị gia gốc Mã Lai đã có thể đánh bật các chính trị gia gốc Hoa để thực hiện các chính sách nhằm nuôi dưỡng lực lượng cử tri của mình, và họ đã chọn chính sách dựa trên sự đa dạng, công bằng, và hoà nhập, thay vì chính sách dựa trên năng lực, nhằm nâng đỡ cộng đồng người bản địa có cơ hội hoà nhập và đóng góp vào xã hội, tạo ra một xã hội hài hoà và đa dạng, và hướng tới sự công bằng trong cơ hội và thu nhập giữa các sắc dân, dù cái giá có thể phải trả đó là sự tụt hậu về trình độ phát triển.
Trở lại với trường hợp của Harvard và các trường đại học lớn của Mỹ ngày nay. Việc tuyển sinh tập trung vào các tiêu chí theo chương trình DEI cuối cùng sẽ dẫn đến việc hình thành một xã hội nơi mà các lãnh đạo đến từ các nguồn gốc khác nhau, nhưng ở đó, các lãnh đạo không phải là những người xuất sắc nhất dựa theo năng lực. Đến lượt nó, các lãnh đạo này lại tiếp tục củng cố và ủng hộ những chính sách tương tự. Hậu quả cuối cùng nó sẽ dẫn đến một nước Mỹ được lãnh đạo bởi những lãnh đạo tầm thường mà hậu quả của nó thì ai cũng có thể thấy được, và nó sẽ nhanh chóng đánh mất vị trí siêu cường.
Cuộc xung đột giữa chính quyền Trump và đại học Harvard do đó nó đi xa hơn là cuộc xung đột giữa một chính quyền và một đại học. Nó là cuộc xung đột giữa một tư tưởng cánh hữu truyền thống, bản chất làm nên nước Mỹ, và tư tưởng cánh tả, mà Harvard là một trụ cột tinh thần, muốn đả phá những giá trị truyền thống của Hoa Kỳ. Phía sau chính quyền Trump là đảng Cộng hoà và những người ủng hộ cánh hữu truyền thống, còn phía sau đại học Harvard là đảng Dân chủ và những người cánh tả — nhiều người trong số đó là dân nhập cư, vốn là những người xa lạ với tư tưởng truyền thống của nước Mỹ. Đó là cuộc tranh đấu của những người muốn giữ lại truyền thống của nước Mỹ và những người muốn nước Mỹ thay đổi để phù hợp với quan điểm của mình. Cuộc tranh đấu này do đó nó sẽ định hình tư tưởng chính trị và tương lai của Hoa Kỳ trong vài thập niên tới.
Ở Việt Nam, chủ nghĩa DEI dưới một hình thức đặc trưng dù không nói ra nhưng sự hiện diện của nó thì vô cùng mạnh mẽ. Đó là cơ chế tuyển công chức và quan chức ưu tiên người Bắc, và nếu có “lý luận” (tức con ông cháu cha) thì càng tốt, chứ không phải dựa trên năng lực. Hậu quả là nó dẫn đến một hệ thống chính trị mà ai cũng biết đó là Bắc trị, tức việc cai trị dựa vào người gốc Bắc. Ở tất cả mọi cấp, mọi ngành, và mọi lĩnh vực công quyền, người gốc Bắc chiếm vị trí đa số và trọng yếu. Ngày nay, khi dân số miền Nam đông hơn miền Bắc, tính từ vỹ tuyến 17, chính sách này vô hình chung lược bỏ đi một lượng lớn nhân tài của quốc gia. Hơn nữa, khi mà chính sách trọng dụng nhân tài không được áp dụng thì ngay cả những nhân tài gốc Bắc cũng chưa chắc được trọng dụng nếu họ không có yếu tố “lý luận”. Việt Nam không thiếu nhân tài, ít nhất là so với các nước trong khu vực, nhưng nó chỉ có thể cất cánh khi chính sách phát triển dựa trên trọng dụng nhân tài được áp dụng. Một chính sách như vậy chỉ có thể tồn tại trong một cơ chế nơi mà chính phủ tôn trọng sự minh bạch và sự công bằng.
Nguyễn Huy Vũ
26/5/2025