Đổi hơi thở, chuyển tính cách

Hôm rồi nghe sư Kim Cang trong đoàn thiền hành của sư Minh Tuệ kể rằng đi thiền hành mỗi ngày hơn 30 cây số nhưng không thấy mệt, càng đi càng hoan hỉ, và cách đi là tập trung tư tưởng, đừng ngó ngang dọc, vừa đi vừa niệm danh hiệu Phật, cụ thể là đi bước một niệm A, bước hai là Di, bước ba là Đà, và bước bốn là Phật, sau đó thì lập lại. 

Nghe sư chia sẻ, tôi bỗng nhớ tới những ngày đi học võ, nghe sư phụ chỉ dẫn cách kiểm soát hơi thở và qua kiểm soát hơi thở kiểm soát được bản năng phản ứng tự nhiên và sau đó là kiểm soát hành vi rồi dần thay đổi tính cách. 


Đó là một buổi chiều trang Facebook hiện lên một đoạn đấu võ đài của hai võ sỹ Việt Nam. Sau khi xem xong, thì tôi thích, tự nghĩ đã lâu rồi mình chưa học một điều mới, chơi một môn thể thao mới, nên tôi quyết định đi học võ. Tôi hay nói với người thân rằng cuộc đời này mình chỉ sống một lần, nên cái gì mình thích thì nên học, nên trải nghiệm. 


Tôi làm một nghiên cứu nhỏ về võ thuật. Tôi tìm xem giải đấu võ thuật lớn nhất hành tinh và biết tới UFC. Sau đó tìm xem những võ sỹ giỏi nhất trong lịch sử của UFC là ai, họ học những môn võ gì, và xem họ đã thi đấu như thế nào. Tôi tiêu ra vài ngày để xem họ và tìm hiểu các môn võ. Cuối cùng tôi nhận thấy điểm chung là đa số võ sỹ vô địch thì về quyền cước (striking) họ học Kickboxing hoặc Muay Thái kết hợp Quyền Anh còn về vật khoá siết (grappling) họ học Nhu đạo Brazil (Brazil Jiu Jitsu). Đây là những môn võ mang tính hiệu quả cao. Sở dĩ tôi tìm hiểu như vậy vì là một người học kinh tế, tôi muốn dùng thời gian của mình một cách hiệu quả nhất. 


Trên bản đồ của Google không thấy một võ đường nào gần chỗ tôi dạy võ tự do (MMA), mà thay vào đó chỉ có một võ đường dạy Nhu thuật Brasil. Tôi gọi điện thoại và đến. 


Võ đường là một căn nhà nhỏ, làm hoàn toàn bằng tre, hai tầng, rất đẹp, sàn bằng gỗ, phía trên lót một lớp thảm tập, mà người trong giới gọi là tatami. Từ sàn tập có thể nhìn thẳng ra biển. Sư phụ giữ đai đen. Mới lấy đai chừng vài tháng. 


Trước buổi học, mọi người đều đứng xếp hàng và cùng gập người chào thầy, chào lớp, theo phong cách của người Nhật. Gọi là võ của Brazil nhưng gốc của nó là ở Nhật. Ông tổ người Nhật sang Brazil định cư và dạy môn võ này cho gia đình Gracie. Những người trong gia đình dòng họ Gracie sau đó phát triển và truyền bá môn võ này để nó trở thành nổi tiếng như hiện nay.


Chào xong là khởi động, tập các thế võ và sau đó là giao đấu. Ở môn võ này, giao đấu là một cách để ứng dụng các kỹ năng đã học vào thực tế. Đúng với nghĩa “văn ôn, võ luyện”. Ngày nào cũng phải đấu. 


Hôm đầu tiên sư phụ kêu tôi ra đấu với ông một hiệp. Trong cách ứng xử của Á Đông, học trò được dạy là tôn sư trọng đạo và do đó sư phụ là bậc bề trên. Nếu đấu thì đấu với đồng môn, không ai đấu với sư phụ cả. Nhưng ở đây thì khác, sư phụ bảo chỉ đấu 2 phút thôi thay vì mỗi hiệp đấu sẽ là 5 phút. Tôi đồng ý và bước vào. 


Trong môn võ này người thi đấu không dùng quyền cước mà chỉ dùng tay và chân để nắm, chụp, vật, khoá siết các khớp tay, chân, cổ để buộc đối thủ phải đầu hàng. 


Ngay trong phút đầu tiên tôi đã dùng hết sức để cố gắng khoá siết sư phụ, nhưng ông tay như trái banh, lúc lăn qua bên này, lúc lộn qua bên kia, và cho đến khi ông ta ngồi trên ngực tôi thì lúc đó tôi thực sự đã không còn sức nữa. Trong cuộc đời của mình, tôi chưa bao giờ mệt như vậy. Tôi bảo ông, thôi chúng ta nên nghỉ tại đây, bữa sau đánh tiếp. Ông bảo không được, con phải tiếp tục bởi vì trong một cuộc chiến, con không thể đầu hàng bởi đầu hàng là chết. Tôi tiếp tục cản đở cho đến cuối hiệp, và nằm ngửa ra thở. 


Sau khi đỡ mệt, ngồi dậy, sư phụ bảo con phải học kiểm soát hơi thở. Kể từ đó, cứ cuối mỗi buổi tập, khi giao đấu với mọi người, ông đều quan sát và nhắc phải kiểm soát hơi thở. Kiểm soát hơi thở và kiểm soát sự di chuyển để từ đó kiểm soát năng lượng của bản thân. Có như vậy mới kéo dài được sức chịu đựng trong một cuộc chiến. Trong cuộc chiến, người sống sót cuối cùng là người còn thở được. Thời gian mỗi hiệp đấu sau đó từ từ tăng lên, từ 2 phút cho đến 5 phút, rồi 10 phút, và sau đó là ba hiệp liên tiếp mỗi hiệp 10 phút, tổng cộng 30 phút thi đấu với các đối thủ khác nhau mà tôi vẫn không thấy mệt như khi thi đấu ngày đầu tiên. 


Việc kiểm soát hơi thở, đi cùng với nó là kiểm soát sự di chuyển, rồi sau đó là kiểm soát phản ứng bản năng, và dần dần nó dẫn đến việc thay đổi tính cách. Đối diện với một vấn đề, một sự khó chịu hay không vừa ý, bình thường người ta sẽ phản ứng theo bản năng hay còn gọi là tính cách. Khi ý thức và kiểm soát được hơi thở, người ta sẽ kiểm soát được bản năng và từ đó từ từ thay đổi tính cách. Đó là lý do mà những người học võ đúng thầy, đúng phương pháp, bạn sẽ tìm thấy ở họ một sự tự tin, tính tình trầm tĩnh. Đó là những bài học bất ngờ mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến khi đăng ký để học võ. 


Việc các nhà sư đi thiền hành với quãng đường xa, tập trung vào việc kiểm soát từng hơi thở và bước chân không khác bao nhiêu những võ sinh cố gắng kiểm soát hơi thở, suy nghĩ và các động tác trong các trận đấu. Sau khi kiểm soát được hơi thở và bản năng, người thiền hành sẽ thường xuyên trì chú để sửa mình theo các khuyên của Phật dạy. Thiền hành do đó là một pháp tu giúp các nhà tu sửa mình.


Nguyễn Huy Vũ

1/6/2024


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *