Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ ra đi. Người ta nhắc nhiều đến ông như một tu sỹ, học giả Phật học, nhà văn, nhà bất đồng chính kiến, nhưng ít người nhắc rằng ông còn là một lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một tổ chức được thành lập vào năm 1964. Là một người tham gia vào Giáo hội từ rất sớm, số phận của ông do đó gắn liền với số phận của Giáo hội.
Đạo Phật được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, có lẽ cũng khoảng hai ngàn năm trước, đi theo nhiều ngã khác nhau. Phật giáo sau đó đã kết hợp với các tín ngưỡng và văn hoá tâm linh địa phương để cuối cùng hình thành nên một tín ngưỡng Phật giáo Việt Nam riêng, trở thành một phần của văn hoá Việt Nam.
Thời cực thịnh nhất của Phật giáo là thời Lý, Trần khi Phật giáo chính thức trở thành quốc giáo. Đến thời Hậu Lê, chính quyền nhận thấy rằng ở các triều đại trước, khi Phật giáo trở thành quốc giáo, các nhà sư do có uy tín lớn trước các tín đồ của mình đã trở nên có nhiều ảnh hưởng và quyền lực trong xã hội, can thiệp trực tiếp vào các chính sách của chính quyền. Để hạn chế ảnh hưởng của Phật giáo, Lê Thái Tổ đã thanh lọc lực lượng sư sãi. Ông cho tổ chức kỳ thi cho các nhà sư. Những ai thông thạo kinh điển và phẩm hạnh được phép ở lại tu, những người còn lại bị bắt phải hoàn tục. Triều đình sau đó chú trọng và xiển dương Nho giáo để xây dựng vị thế của chính quyền phong kiến trong lòng xã hội.
Nhà Nguyễn sau khi thống nhất đất nước cũng tiếp tục chính sách tôn giáo tương tự nhà Lê, đó là xiển dương Nho học và kiểm soát Phật giáo.
Nói theo ngôn ngữ của chính trị thời nay, đó là vua Lê Thái Tổ đã tách thần quyền, tức tôn giáo, ra khỏi thế quyền, tức chính quyền thế tục. Nếu Lê Thái Tổ thực hiện các chính sách giống như các vua thời Lý, Trần, những người nắm quyền về mặt chính trị về lâu dài hẳn là các nhà sư. Lúc này, người ta sẽ nghe theo lời của các vị sư hơn là tuân lời của những người cầm quyền chính trị. Một ví dụ cho hoàn cảnh như vậy đó là trường hợp của Iran ngày nay, khi người ta nghe lời của một vị giáo chủ hơn là nghe lời tổng thống, một người nắm quyền chính trị.
Đến thời Pháp thuộc, Thiên chúa giáo được phép truyền bá rộng rãi vào Việt Nam, cạnh tranh thu hút tín đồ với Phật giáo.
Trong suốt một thời gian dài kể từ thời Hậu Lê cho đến thời Pháp thuộc, Phật giáo hầu như không phát triển. Có ba lý do chính. Thứ nhất là do bị các chính quyền liên tục kiểm soát. Thứ hai là giới tăng lữ không được đào tạo bài bản, không có trình độ, kinh kệ không được biên dịch, chú thích rõ ràng, làm người muốn học chỉ đọc mà không hiểu. Và thứ ba là do quan niệm tôn giáo của người dân Việt Nam nói chung. Người Việt gọi là theo một tôn giáo, nhưng thật ra không có nhiều người tìm hiểu kỹ càng giáo lý của tôn giáo mình. Tôn giáo được xem như là một nơi để nương tựa niềm tin và an ủi tâm hồn.
Sau khi người Pháp rút đi, chính quyền Ngô Đình Diệm xuất hiện, việc nới lỏng kiểm soát đã giúp Phật giáo phát triển. Trong suốt thời kỳ cai trị của chính quyền Ngô Đình Diệm, số lượng chùa đã tăng lên gấp đôi. So với các chính quyền cai trị Việt Nam trước kia, chính quyền của Ngô Đình Diệm yếu hơn và có lẽ vì vậy mà đã không kiểm soát Phật giáo được chặt chẽ như các chính quyền trước.
Mối xung đột giữa nhóm các lãnh đạo Phật giáo và chính quyền Ngô Đình Diệm chủ yếu xoay quanh các vấn đề về tôn giáo. Trong suốt một thời gian dài và thậm chí cho đến ngày nay, nhiều người Việt xem Phật giáo như một phần văn hoá của mình, còn Thiên chúa giáo là một tôn giáo ngoại lai. Họ vẫn chưa chấp nhận một điều rằng ngoại trừ tín ngưỡng ông bà, Phật giáo cũng là một tín ngưỡng ngoại lai được sáp nhập vào và trở thành một phần văn hoá của dân tộc. Phật giáo chỉ khác Thiên chúa giáo ở chổ là Phật giáo được truyền bá sớm hơn. Còn nếu xét về việc tổ chức, đào tạo, kinh sách thì Thiên chúa giáo và các hệ phái của nó làm tốt hơn nhiều. Thiên chúa giáo là nền tảng văn hoá và suy nghĩ của người phương Tây mà dựa trên nó các nền văn minh đã phát triển. Ngược lại, một cách thực tế, chưa có một nước nào mà ở đó đa số người theo Phật giáo lại trở thành một nước phát triển.
Các kinh tế gia nói nhiều rằng thể chế là nền tảng của sự phát triển nhưng phía dưới thể chế đó là văn hoá. Văn hoá điều khiển hành vi của con người, và chính hành động của con người mới dựng xây nên được thể chế. Văn hoá được dựng xây một phần lớn nhờ ở tôn giáo. Tôn giáo với các tín điều và những lời dạy giỗ của kinh sách đóng góp một phần lớn vào tư tưởng, nền tảng suy nghĩ, niềm tin, và cách hành xử của công dân, những thành tố hình thành nên văn hoá của một quốc gia.
Nhưng tôn giáo và niềm tin là những điều mà nhiều người thường không thể chọn. Người ta đi theo một tôn giáo phần nhiều là bởi vì người thân đi trước đã theo tôn giáo này. Người càng tín ngưỡng, càng cho rằng tôn giáo của mình mới ưu tú. Việt Nam không ngoại lệ. Với một đa số dân số theo Phật giáo, nhiều trí thức Phật tử và lãnh đạo Phật giáo cảm thấy rằng Phật giáo mới ưu việt và phù hợp với văn hoá của dân tộc, và họ cảm thấy xa lạ với Ngô Đình Diệm, một ông tổng thống Thiên chúa giáo. Khi mà ông tổng thống càng thúc đẩy phát triển Thiên chúa giáo vì nghĩ rằng đó là một tôn giáo ưu việt thì sự xung đột giữa tổng thống và tầng lớp lãnh đạo Phật giáo càng gia tăng. Giới lãnh đạo Phật giáo với tình cảm tự nhiên cảm thấy rằng Phật giáo trong suốt một thời gian dài đã có vị thế gần như là một quốc giáo giờ đây đang bị một tôn giáo khác lấn át ảnh hưởng. Nhu cầu vực dậy và phục hưng văn hoá Phật giáo trước sự lấn át ảnh hưởng của Thiên chúa giáo trong lòng dân tộc trỗi dậy.
Sự xung đột giữa các lãnh đạo Phật giáo với chính quyền Ngô Đình Diệm do đó chủ yếu đến từ xung đột ảnh hưởng vị thế của hai tôn giáo. Những yếu tố khác mà nhóm Phật giáo tố cáo sự chèn ép của chính quyền Ngô Đình Diệm như hạn chế treo cờ, dùng người Công giáo, không xem ngày lễ Phật Đản là một ngày nghỉ lễ chính thức, v.v. nó không là gì so với chuyện Lê Thái Tổ chủ yếu dùng người Nho giáo và đuổi bớt sư sãi ra khỏi chùa. Nhưng chẳng ai nói Lê Thái Tổ đàn áp Phật giáo cả.
Trong hoàn cảnh đó, những nhà sư có hoài bão lớn muốn chấn hưng Phật giáo nhằm đưa Phật giáo trở lại vị thế như thời Lý, Trần. Cho đến lúc này, Phật giáo là một tôn giáo có số lượng tín đồ đông đảo nhưng vì thiếu tổ chức nên hầu như không có ảnh hưởng nhiều. Nhiệm vụ của những nhà sư đó là quy tụ lại các hệ phái Phật giáo khác nhau nhằm đứng chung dưới một giáo hội để tạo ra ảnh hưởng và sức mạnh; từ đó mới có thể dấn thân, phụng sự xã hội, dân tộc, và qua đó chấn hưng vị thế của đạo pháp.
Ngay sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ vào cuối năm 1963, ngay năm sau Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất được thành lập bằng cách quy tụ một số các hệ phái Phật giáo ngồi lại với nhau.
Khoảng thời gian từ khi thành lập này cho đến năm 1975 có thể nói là thời hoàng kim của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Hệ thống Giáo hội lúc này như một chính quyền thu nhỏ. Giáo hội có Viện Đại học Vạn Hạnh, nhà xuất bản Lá Bối, trường Thanh niên Phụng sự Xã hội, Viện Cao đẳng Phật học, các trường trung và tiểu học trên khắp các tỉnh thành miền Nam, các bệnh viện, tờ báo, và các đoàn thể thanh niên khác. Giáo hội lúc này trở thành một thực thể có ảnh hưởng trong xã hội.
Tuy vậy, rạn nứt bắt đầu xuất hiện bên trong Giáo hội. Xung đột sau đó đã diễn ra, giữa một bên là phe Ấn Quang đứng đầu bởi hoà thượng Thích Trí Quang và Thích Nhất Hạnh chủ trương thân cánh tả, và phe Việt Nam Quốc Tự đứng đầu bởi hoà thượng Thích Tâm Châu chủ trương tiếp cận ôn hoà với chính quyền miền Nam.
Miền Nam thất thủ vào năm 1975 đánh dấu sự kết thúc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất khi các lãnh đạo của nó lần lượt bị bỏ tù, có người phải chết trong tù. Hoà thượng Thích Tuệ Sỹ cũng bị chung số phận. Ông bị bắt đi tù cải tạo từ 1978 đến 1981, và sau đó bị bắt lại vào năm 1984, bị kêu án tử hình sau giảm xuống chung thân và phóng thích vào năm 1998 dưới áp lực của quốc tế. Tổng cộng là 17 năm tù. Ông từng là một giáo sư của Viện Đại học Vạn Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Hoá đạo, và sau đó là Chánh Thư ký kiêm Xử lý Thường vụ Viện Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.
***
Chính trị là nghệ thuật dẫn dắt quần chúng. Khi một lãnh đạo có quần chúng đi theo, ông ta nghiễm nhiên trở thành một người có ảnh hưởng chính trị.
Với một đa số dân chúng theo đạo Phật, việc một giáo hội được hình thành quy tụ tất cả các lãnh đạo tôn giáo ngồi lại với nhau để thực hiện những chương trình và chính sách riêng, nằm ngoài sự quản lý và kiểm soát của chính quyền, vô hình chung tự nó biến thành một thế lực chính trị cạnh tranh ảnh hưởng trực tiếp với chính quyền sở tại.
Các chính quyền từ thời Hậu Lê cho tới thời Pháp kiểm soát được Phật giáo vì chính quyền mạnh. Ngược lại, các chính quyền thời Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu yếu hơn hẳn và do đó không thể kiểm soát được các tổ chức Phật giáo. Riêng với chính quyền cộng sản, những lãnh đạo cộng sản có thừa sức mạnh và sự cứng rắn, họ đã ngay lập tức đặt Phật giáo dưới sự kiểm soát của mình bằng cách xoá sổ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và các tổ chức ngoại vi của nó, lập nên một giáo hội Phật giáo do họ kiểm soát mà trong đó có một số các thành viên lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tham gia. Các lãnh đạo cộng sản đã nhìn thấy kinh nghiệm rõ ràng rằng một giáo hội Phật giáo có tổ chức, mạnh mẽ, và độc lập đã làm điêu đứng chính quyền Việt Nam Cộng Hoà như thế nào và họ không muốn lặp lại sai lầm này một lần nữa.
Tuy vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất sau đó vẫn còn tồn tại, dù ít ảnh hưởng hơn và với một số lượng nhỏ hơn các cơ sở và tín đồ.
Phật giáo, sau hai ngàn năm hoà mình cùng dân tộc, nó đã trở thành một phần văn hoá của dân tộc. Một giáo hội có thể thịnh có thể suy, nhưng ngày nào còn người Việt thì ngày đó hẳn còn Phật giáo Việt Nam.
Trong tương lai, sẽ tốt hơn nếu Việt Nam có những hệ phái Phật giáo khác nhau cùng tồn tại, song song với cả những tôn giáo khác. Những hệ phái khác nhau của Phật giáo sẽ phải tự thay đổi trong cách nghiên cứu, giảng dạy, thực hành, và cạnh tranh với nhau. Tất cả những điều đó sẽ giúp làm giàu hơn văn hoá của dân tộc.
Những hệ phái với các giáo hội đủ nhỏ và khiêm tốn để không phải gây ra một sự đe doạ tiềm tàng nào về mặt chính trị đối với nhà cầm quyền. Lúc đó nó sẽ được tự do hơn trong các hoạt động tôn giáo và thiện nguyện của mình.
Chính quyền với danh nghĩa là tổ chức đại diện cho tiếng nói và lợi ích của quốc gia phải chịu trách nhiệm chính trong việc giải quyết các vấn đề về an sinh và phúc lợi cho người dân. Ngoài lý do chính danh và trách nhiệm, đó cũng là bởi vì chính quyền có đầy đủ nguồn lực để giải quyết.
Nguyễn Huy Vũ
25.11.2023
Leave a Reply