Sau khi liên minh đảng mình thất cử trong cuộc bầu cử toàn quốc, hôm nay cựu thủ tướng Najib Razak cùng vợ định lên máy bay riêng bay qua Jakarta để nghỉ mát mà nhiều người đồn là đi trốn. Dự định rời khỏi Malaysia bất thành vì chính quyền mới của thủ tướng Mahathir Mohamad đã ra lệnh cấm ngài cựu thủ tướng Najib Razak rời khỏi đất nước.
Ông Mahathir còn tuyên bố rằng chính quyền của ông sẽ không truy tìm mụ phù thuỷ (witch-hunt) — dùng chữ của Donald Trump ám chỉ phe dân chủ tìm bằng chứng Donald Trump thông đồng với Nga mà cả năm trời vẫn không thấy — mà thẳng thừng rằng ông Najib Razak sẽ phải đối mặt với toà án, liên quan tới những cáo buộc tham nhũng tại quỹ quốc gia có tên là 1MDB.
Quỹ 1MDB được ông Najib Razak lập ra khi ông nhậm chức thủ tướng năm 2009. Giờ đây quỹ này ngập trong nợ hàng tỉ đô-la, và đang bị điều tra bởi Hoa Kỳ và các nước khác. Các nhà điều tra Mỹ cáo buộc là các trợ tá của Najib Razak đã biển thủ khoảng 4,5 tỉ đô-la từ quỹ, trong đó 700 triệu được chuyển tới tài khoản của Najib Razak và 30 triệu đô-la được dùng để mua trang sức cho bà vợ. Dĩ nhiên, ông Najib phủ nhận và bịt miệng các chỉ trích từ trong chính quyền, đuổi việc tổng chưởng lý và một phó thủ tướng, đồng thời bịt miệng báo chí.
Tổng chưởng lý mới sau đó là Mohamed Apandi Ali tuyên bố ông Najib vô tội vào năm 2016. Giờ đây, thủ tướng mới, bác sỹ Mahathir, tuyên bố rằng ông Mohamed Apandi Ali đáng bị chém (axed) vì đã che dấu hành vi sai trái.
Sau khi thất cử thì dưới áp lực của đảng UMNO (United Malays National Organisation), đảng lớn nhất trong liên minh Barisan Nasional (National Front), ông Najib đã từ chức, nhường lại ghế cho phó chủ tịch đảng.
Đảng UMNO cùng liên minh Barisan Nasional đã cầm quyền liên tục kể từ ngày Malaysia dành độc lập khỏi Anh từ năm 1957 cho tới nay. Điều thú vị là bác sỹ Mahathir Mohamad đã từng cầm đầu đảng UMNO và là thủ tướng của Malaysia trong 22 năm từ 1981 đến 2003. Sau khi bác sỹ Mahathir nghỉ hưu thì Malaysia trải qua hai đời thủ tướng là Abdullah Ahmad Badawi và sau đó là Rajib Razak.
Malaysia theo thể chế nghị viên – liên bang và dùng lối bầu cử theo đa số (majority voting) (ngựa chạy về nhất, first-pass-the-post). Lối bầu cử này làm có lợi cho đảng lớn nhất mà bất lợi cho các đảng nhỏ. Đảng lớn dễ dàng chiếm đa số phiếu, khống chế cả 3 nhánh hành pháp, lập pháp, tư pháp của chính quyền khi nắm đa số trong hạ nghị viện. Vì vậy mà họ lũng đoạn chính quyền.
Trong suốt một thời gian dài, các đảng đối lập dù nắm nhiều hơn phiếu phổ thông trong các cuộc bầu cử nhưng số ghế tại hạ nghị viện thì ít hơn (giống như trường hợp trong bầu cử Mỹ gần đây khi phe dân chủ nắm nhiều hơn phiếu phổ thông nhưng ít phiếu đại cử tri hơn) nên chỉ nằm ở vị trí đối lập. Đảng cầm quyền dùng đủ mọi cách để chèn ép đối lập, từ việc phân bố kinh phí không đồng đều nhằm mua phiếu, cho tới chia ghế không đồng đều cho các khu vực bầu cử (gerrymandering). Tuy vậy nhờ có hệ thống liên bang, các đảng đối lập vẫn tồn tại ở các tiểu bang mà chính quyền liên bang không làm gì được.
Và cuối cùng, khi mà cựu thủ tướng, bác sỹ Mahathir lập ra đảng mới, liên minh với các đảng đối lập, đã giúp đánh bật được sự cầm quyền của liên minh Barisan Nasional. Sự thắng cử của liên minh đối lập còn nhờ ở lòng dân đã chán ngán đảng cầm quyền UMNO khi quá tham nhũng và lạm phát tăng cao, giá cả đắt đỏ.
Cuộc chuyển đổi ở Malaysia tương tự ở Ấn Độ, khi Ấn Độ cũng theo mô hình nghị viện – liên bang với lối bầu cử theo đa số khiến cho đảng Quốc Đại cầm quyền khoảng 50 năm, lũng đoạn chính quyền, cho tới khi đã mất uy tín thì các đảng nhỏ mới liên minh lại đủ sức đánh bại. Hệ thống tiểu bang cho phép các đảng nhỏ tranh cử, xây dựng lực lượng ở các tiểu bang, thử nghiệm các chính sách mới, để từ đó sự thành công của các đảng nhỏ sẽ giúp họ lớn mạnh và cuối cùng đánh bật đảng lớn. Tuy vậy, phải mất khoảng 50 năm để có dân chủ hoàn toàn là một cái giá quá lớn.
Nếu như cùng với hệ thống nghị viên – liên bang, các nước như Ấn Độ hay Malaysia áp dụng hệ thống bầu cử kết hợp cả tỉ lệ và theo đa số kiểu như của Đức thì vừa có ổn định chính trị vừa có dân chủ ngay lập tức khi các đảng lớn cùng xuất hiện nhưng không có đảng nào dễ dàng giành đa số để kiểm soát hoàn toàn chính quyền để lũng đoạn, chính quyền do đó luôn là các liên minh. Trong hệ thống bầu cử của Đức, một nửa số dân biểu được bầu theo phương pháp theo đa số, và một nửa số dân biểu còn lại được bầu theo phương pháp tỉ lệ. Mỗi đảng chỉ có thể hiện diện ở hạ nghị viện nếu có ít nhất 3 ghế hoặc chiếm ít nhất 5% tổng số phiếu bầu. Số ghế mỗi đảng hiện diện ở quốc hội sau đó sẽ làm tròn dựa theo tỉ lệ số phiếu mà mỗi đảng nhận được trên toàn quốc. Thêm vào đó, các liên minh trong chính quyền Đức cũng được ổn định nhờ luật bỏ phiếu bất tín nhiệm mang tính xây dựng theo đó hạ nghị viện chỉ có thể bất tín nhiệm thủ tướng bằng cách chọn ra một thủ tướng mới chứ không có thể giải tán quốc hội. Nhờ đó mà từ năm 1949 cho đến nay, Đức chỉ có 8 thủ tướng, tức mỗi thủ tướng nắm chính quyền khoảng ít nhất là 8 năm — một sự ổn định chính trị đáng kinh ngạc.
Nguyễn Huy Vũ
13.5.2018
Leave a Reply