Trong một xã hội, đối với một vấn đề luôn có hai xu hướng: ủng hộ và phản đối. Ngay cả Bitcoin cho đến giờ này cũng khoảng một nửa giới đầu tư là chống. Janet Yellen, đương kim Bộ trưởng Tài chính và là cựu chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, hôm rồi cũng lên tiếng tỏ ý chống đối và thế là Bitcoin hai hôm nay rớt từ gần 60 ngàn xuống dưới 50 ngàn, tức 25% chỉ trong hai ngày.
Giới đầu cơ thì họ xem Bitcoin như một món hàng và xem nó như là “lâu đài trong không khí” (catsle in the air). Khi mà lâu đài vẫn còn lung linh thì người ta vẫn cứ mơ mộng. Người ta đầu tư vì nghĩ rằng ngày mai nó tăng giá chứ chẳng phải vì có một công thức nào định lượng được giá trị của nó là bao nhiêu. Nếu những công ty công nghệ hàng đầu có tài sản ngàn tỉ đô thì một công ty Bitcoin với công nghệ chuyển khoản phi tập trung cũng có thể có giá như vậy. Và tương tự các công ty trên sàn chứng khoán khi mà các cổ phiếu đại diện cho một phần sự sở hữu của công ty thì các đồng Bitcoin cũng tương tự đại diện cho sự sở hữu của hệ thống Bitcoin. Hệ thống Bitcoin có giá trị là ở chỗ đó.
LỊCH SỬ BITCOIN
Giữa cuộc khủng hoảng tài chính thế giới cách đây hơn một thập kỷ, vào ngày 31/10/2008, một người có bí danh là Satoshi Nakamoto gửi một tin nhắn qua email với tựa đề là “Bitcoin P2P e-cash paper” (“Bài báo về một loại tiền điện tử thanh toán trực tiếp giữa hai người có tên là Bitcoin”) đến cho một cộng đồng những người nghiên cứu mật mã. Trong tin nhắn này, còn có một đường dẫn đến một bài báo có tên gọi “Bitcoin: A Peer-to-Peer Electronic Cash System” (Bitcoin: Một hệ thống tiền điện tử giữa hai người).
Trong hai bài báo này, Nakamoto đưa ra khái niệm về một loại tiền điện tử phi tập trung (decentralization).
Với hệ thống tiền tệ từ trước tới nay, để chuyển tiền từ tay một người sang đến một người khác ở xa, người chuyển phải nhờ đến ngân hàng hoặc một tổ chức trung gian đứng ra chuyển giúp. Hệ thống chuyển tiếp tiền tệ này được gọi là hệ thống tập trung, vì tất cả các giao dịch đều đưa về các ngân hàng. Các ngân hàng sau đó kết nối với các hệ thống điều phối của quốc gia để thực hiện các giao dịch. Ở tầm mức quốc tế, các giao dịch chuyển tiền phải thông qua các hệ thống kết nối quốc tế, chẳng hạn hệ thống SWIFT có trụ sở ở Bỉ.
Với hệ thống tiền điện tử phi tập trung kiểu Bitcoin, người gửi có thể chuyển tiền điện tử trực tiếp đến tài khoản của người nhận ở bất cứ đâu mà không cần thông qua một cơ quan trung gian nào.
Lợi ích của một hệ thống thanh toán phi tập trung thì có nhiều. Thứ nhất, nó giúp các thanh toán diễn ra rất nhanh, không cần tốn kém xây dựng cơ sở hạ tầng các trung tâm chuyển tiếp giao dịch. Thứ hai, nó tăng tính bảo mật và riêng tư vì chỉ có người gửi và người nhận biết giao dịch, không có bên trung gian.
Cả hai lợi ích này của hệ thống tiền điện tử phi tập trung đến lượt nó lại trở thành những điều bất cập. Bất cập thứ nhất là vì không có một cơ quan trung gian nắm giữ thông tin người dùng cho nên khi người dùng quên mật khẩu của ví tiền điện tử chứa khoá của tiền Bitcoin đồng nghĩa với việc toàn bộ số tiền không thể nào lấy ra chi tiêu được trừ khi bạn viết khoá xuống giấy lưu trữ trong nhà. Bất cập thứ hai đó là việc giao dịch của hệ thống tiền điện tử phi tập trung giúp tránh được ánh mắt soi mói, dòm ngó của các cơ quan trung gian khác nhau khiến cho tiền mật mã trở thành một phương tiện thanh toán ưa thích của giới làm ăn bất hợp pháp.
Trở lại câu chuyện lịch sử của Bitcoin. Vào ngày 3/1/2009, lô tiền điện tử Bitcoin đầu tiên được ra đời, và một tuần sau đó, giao dịch thử nghiệm được thực hiện. Trong mấy tháng đầu tiên, những người đào tiền mật mã chỉ thử nghiệm công nghệ chuỗi khối (blockchain) của Bitcoin. Lúc này Bitcoin không có giá trị nào cả. Người ta đào tiền mật mã bằng cách dùng máy tính để giải những bài toán phức tạp để từ đó nhận được những đồng Bitcoin mới. Họ giao dịch với nhau chủ yếu để vui chơi.
Giao dịch thương mại đầu tiên dùng Bitcoin chỉ diễn ra sau đó một năm khi một người ở Florida đã trả 10.000 Bitcoin để mua hai bánh pizza của tiệm ăn Papa John vốn có giá 25 đô la. Và lúc này, dựa theo giá trị giao dịch thì 4 đồng Bitcoin chỉ có giá trị tương đương 1 cent.
Vào tháng 2/2011, tức hơn hai năm sau khi ra đời, một đồng Bitcoin giờ đây có giá hơn 1 đô la. Trải qua nhiều thăng trầm lên xuống trong vòng 10 năm kế tiếp, giờ đây một đồng Bitcoin có giá hơn 50 ngàn đô la Mỹ.
Ngày nay, chẳng mấy ai còn nhắc đến bí danh Satoshi Nakamoto của người sáng lập. Thuyết âm mưu đưa ra các dự đoán khác nhau. Họ cho rằng Bitcoin có thể là một sản phẩm của một nhóm kỹ sư của Google trong một dự án bí mật nào đó, hoặc đó cũng có thể là một dự án của cơ quan tình báo CIA của Hoa Kỳ.
CÔNG NGHỆ CHUỖI KHỐI (BLOCKCHAIN)
Công nghệ chuỗi khối được đưa ra bởi Stuart Haber và W. Scott Stornetta vào năm 1991. Hai nhà nghiên cứu này muốn áp dụng một hệ thống mà ở đó con dấu thời gian ghi trên các tài liệu không thể sửa đổi được. Đến hai thập niên sau, Bitcoin ra đời bằng cách ứng dụng công nghệ này.
Công nghệ chuỗi khối trước hết là một dạng công nghệ lưu trữ dữ liệu đặc biệt. Gọi là đặc biệt bởi vì các thông tin được lưu trữ trong các khối và các khối này được xích vào nhau. Trong trường hợp của Bitcoin, công nghệ chuỗi khối được dùng theo cách phi tập trung và nhờ đó mà các thông tin một khi đã ghi vào các khối thì không thể sửa.
Trước khi đi sâu hơn về chi tiết của công nghệ, chúng ta hãy hình dung việc bắt đầu một giao dịch Bitcoin. Khi một giao dịch mới được đưa vào, giao dịch đó được chuyển đến một hệ thống những máy tính của những người dùng Bitcoin khắp thế giới. Hệ thống các máy tính này sẽ giải những phương trình nằm xác nhận giao dịch này. Sau khi xác nhận xong, các giao dịch hợp pháp sẽ được tụm lại và bỏ vào một khối. Các khối này sau đó được móc vào nhau tạo thành một chuỗi dữ liệu về giao dịch bất biến theo thời gian, và lúc này giao dịch kết thúc.
Với cách lưu trữ thông tin theo công nghệ chuỗi khối phi tập trung của Bitcoin, mỗi một máy tính của người dùng Bitcoin hiện diện ở một vùng khác nhau đóng vai trò lưu giữ dữ liệu trong mạng lưới gọi là nút (node). Trong mỗi nút sẽ chứa đầy đủ các thông tin về các giao dịch. Và vì vậy mà khi một người muốn thay đổi thông tin trong mỗi nút thì hệ thống các nút khác sẽ tham chiếu, chỉ ra lỗi sai thông tin của nút đó và sửa nó. Do đó, các nút không thể tự chỉnh sửa lịch sử thông tin giao dịch. Muốn thay đổi thông tin chứa trong hệ thống hay muốn thay đổi cách hệ thống hoạt động, đòi hỏi phải nhận được đa số sức mạnh tính toán trong hệ thống đồng ý cho một sự thay đổi. Đặc tính này khiến cho hệ thống trở nên an toàn hơn vì khó mà làm thay đổi được một đa số. Việc không thay đổi được thông tin giao dịch cũng giúp các giao dịch trở nên minh bạch hơn vì lịch sử giao dịch sẽ được ghi chép lại.
Bởi vì đặc tính kỹ thuật khiến lịch sử thông tin không thể thay đổi được này, công nghệ chuỗi khối đang được xem xét sử dụng vào việc bỏ phiếu bầu cử ở các nước dân chủ, hoặc dùng để ghi các hợp đồng.
YẾU TỐ ĐỊNH HÌNH SỰ TỒN TẠI CỦA BITCOIN
Bitcoin có giá trị không có nghĩa là các đồng tiền khác có giá trị tương đương. Nó cũng giống như Facebook hay Twitter có giá trị vốn hoá thị trường cao nhưng không chắc các mạng xã hội khác có được một giá trị gần như vậy. Vị trí tồn tại và giá trị của Bitcoin do đó là một sự kết hợp của cả hai xu hướng ủng hộ và chống đối. Có một vài yếu tố chính:
Thứ nhất, số lượng Bitcoin có thể đào được là một con số hữu hạn và không ai thay đổi được. Thuật toán của Bitcoin giới hạn tổng số lượng đồng tiền (coin) có khả năng đào được tối đa là 21 triệu. Hiện nay đã đào được chừng 18 triệu, và như vậy còn khoảng 3 triệu đồng tiền nữa để đào. Nhưng thuật toán được thiết lập cho rằng số lượng đồng tiền sẽ ngày càng khó đào và để đào được 3 triệu đồng còn lại có thể phải mất 100 năm nữa. Nhưng có khi đào nửa chừng thì không ai muốn đào nữa vì có thể chi phí cao quá so với lợi nhuận mang lại trừ khi giá tăng đủ để mang lại lợi nhuận. Thuật toán đào Bitcoin mô phỏng cách những người thợ mỏ đào vàng. Ban đầu người ta khai thác ở những mỏ lộ thiên một cách dễ dàng, nhưng càng về sau thì việc khai thác càng khó khăn hơn, tốn kém hơn vì phải đào sâu xuống. Đối với Bitcoin, để đào được từng đồng Bitcoin thì hệ thống máy tính sẽ chạy theo một thuật toán nhất định, tính toán ra một kết quả và đối chiếu kết quả đó với thông tin hệ thống các đồng Bitcoin sẵn có để xác nhận một đồng Bitcoin mới được ra đời. Việc tính toán đòi hỏi tốn nhiều năng lượng để chạy các máy tính. Hiện nay, mỗi ngày thế giới đào được khoảng 900 đồng Bitcoin mới.
Thứ hai, đứng sau sự chống lưng của Bitcoin còn là hệ thống các tổ chức và các nước chống lại sự độc quyền về kiểm soát tài chính của Mỹ và phương Tây. Bằng cách thực hiện các giao dịch thông qua hệ thống Bitcoin, các tổ chức này tránh được sự theo dõi và trừng phạt của Hoa Kỳ. Các tổ chức này đến lượt nó vận động hành lang cho giới công nghệ và tài chính Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ và phổ biến việc thanh toán bằng đồng Bitcoin.
Thứ ba, chính giới Hoa Kỳ ý thức rõ rằng một khi Bitcoin được dùng phổ biến thì vai trò của đồng đô-la trên trường quốc tế sẽ mờ đi, và một khi đồng đô la mờ đi thì đồng nghĩa với vai trò và ảnh hưởng của Mỹ sẽ dần mất đi. Hãy tưởng tượng cảnh chính giới Hoa Kỳ không thể trừng phạt một nước nào đó bằng cách cấm họ tiếp cận hệ thống ngân hàng thương mại trong khi các đối thủ có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch qua hệ thống đồng Bitcoin. Cho nên giới chức chính trị Hoa Kỳ cố gắng ngăn chặn Bitcoin trở thành một công cụ tài chính chính thức. Cho tới nay, chưa có một quỹ chỉ số (ETF) nào về Bitcoin được cấp phép dù cho có các quỹ chỉ số khác nhau về vàng, bạc, dầu hay các mặt hàng khác.
Thứ tư, những người theo chủ nghĩa tự do cũng là một giới đứng sau ủng hộ Bitcoin. Giới theo trường phái tự do phải kể đến các triết gia kinh tế theo trường phái Áo là những người ủng hộ tư tưởng rằng chính phủ đừng nên phát hành tiền mà để các ngân hàng tư nhân phát hành tiền. Tư tưởng này giờ đây được viện Cato, một viện nghiên cứu chính sách (thinktank) theo tư tưởng tự do của Mỹ cổ xuý và đề xướng trong các bản góp ý chính sách cho chính phủ Mỹ. Bạn đọc ban đầu sẽ ngạc nhiên về chuyện để các ngân hàng tự động phát hành tiền, rồi lo sợ nó thành một mớ hỗn loạn. Nhưng hãy hình dung một hoàn cảnh, như Zimbabwe chẳng hạn. Khi kinh tế lạm phát, thị trường lập tức xuất hiện các đồng tiền khác nhau và đồng tiền nào ổn định thì người dân ưa chuộng, và dùng nó. Những đồng tiền khác sẽ tự nhiên bị loại bỏ. Như vậy thị trường sẽ tự động quyết định cái tốt nhất. Đó cũng là trường hợp nếu Bitcoin trở nên phổ biến thì người Mỹ sẽ có hai lựa chọn giữa Bitcoin và đô la chẳng hạn.Và nếu mà họ cảm thấy lo lắng rằng việc in tiền quá nhiều của chính phủ khiến tiền mất giá thì họ cũng có thể chọn Bitcoin làm nơi lưu giữ tài sản của họ, tương tự như vàng.
Lạm phát nước Mỹ tương đối ổn định trong vài thập kỷ qua, nhất là từ sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam. Kinh tế Mỹ và đồng minh tương đối tăng trưởng cùng với việc mở rộng toàn cầu hoá khiến nguồn cung hàng hoá trở nên ổn định, giúp duy trì mức lạm phát trong ngưỡng kiểm soát được. Thêm vào đó là các nghiên cứu và ứng dụng chính sách tiền tệ kiểu mới, trong đó phải kể đến là chính sách định hướng lạm phát (inflation targeting), đã giúp Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ kềm chế mức lạm phát chỉ trong khoảng 2% mỗi năm. Cho nên chuyện đề xuất để các ngân hàng tư nhân phát hành tiền của giới tự do vẫn chỉ là một đề xuất, vì nó không thật sự cần thiết vào lúc này — tại sao phải thay một hệ thống khi ít nhất nó vẫn đang chạy tốt, và trong khi đó còn rất nhiều chuyện khác cần phải làm. Nhưng ít nhất, giới nghiên cứu đã biết rằng ở đó có một khả năng về giải pháp.
CHÍNH SÁCH NÀO CHO VIỆT NAM
Việc Bitcoin tăng giá trong vài tuần qua được một số giới cho rằng đó là do tâm lý lo ngại lạm phát khi chính phủ Mỹ đang in tiền để hỗ trợ nền kinh tế đang khủng hoảng. Thật ra, tâm lý đầu tư vì lo ngại lạm phát nếu có chỉ là một phần nhỏ. Điều mà giới đầu tư dám bỏ tiền nghiêm túc để đầu tư vào Bitcoin khiến giá tăng vọt trong vòng một năm nay nằm ở chỗ họ nhận định rằng các hệ thống tài chính quốc tế bắt đầu trở nên cởi mở hơn với đồng Bitcoin và bắt đầu nhìn nhận nó như một tài sản.
Mới đây, Ngân hàng New York Mellon (Bank of New York Mellon), ngân hàng cổ nhất Hoa Kỳ, vừa tuyên bố rằng họ sẽ chấp nhận Bitcoin như một tài sản ký gửi của khách hàng. Ngân hàng New York Mellon không phải là đơn vị duy nhất bắt đầu hé cánh cửa đối với Bitcoin. Paypal, mạng thanh toán điện tử hàng đầu của Hoa Kỳ đã bắt đầu nhận thực hiện các giao dịch bằng đồng Bitcoin, và Tesla, hãng sản xuất xe điện cũng có kế hoạch nhận các giao dịch bằng đồng tiền mật mã này. Sự hữu dụng hơn kéo theo sự phổ biến hơn của đồng Bitcoin do đó là nguyên nhân chính khiến đồng tiền mật mã này đã tăng phi mã.
Không chỉ có giới tài chính Mỹ bắt đầu mở hé cánh cửa cho Bitcoin. Thuỵ Sỹ và Singapore trong những năm qua đã cố gắng hình thành các thiết chế nhằm mời gọi các dự án về tiền mật mã (cryptocurrency) và cạnh tranh với nhau trong việc trở thành các trung tâm tài chính sáng tạo, cởi mở với tiền mật mã.
Nếu có một góp ý chính sách cho Việt Nam đó là những nhà làm luật nên hình thành một nhóm chuyên gia đưa ra các tư vấn và đề xuất trên cơ sở tham khảo các chính sách của Singapore và Thuỵ Sỹ để hình thành một bộ khung nhằm hỗ trợ phát triển và giải quyết các tranh chấp liên quan đến tiền mật mã, một loại tài sản mới. Việc hỗ trợ đó không chỉ giúp biến Việt Nam trở thành một trung tâm tài chính ngày càng cởi mở hơn mà nó còn giúp giới công nghệ của Việt Nam học hỏi và nắm bắt những công nghệ quan trọng đằng sau hệ thống tiền mật mã này.
Nguyễn Huy Vũ
23.2.2021
Leave a Reply