Khi nào Việt Nam có dân chủ?

Bài viết về Do Thái hôm trước có đề cập đến chuyện người Do Thái khi lập nước Israel đã thực hiện một nhà nước dân chủ ngay từ đầu. Lý do là vì có nhiều phe phái, tư tưởng khác nhau, và muốn nhận được một sự đoàn kết, vì mục tiêu chung, thì tất các phe phái phải thoả hiệp. Mà muốn thoả hiệp thì tất phải được chia quyền, có tiếng nói được lắng nghe, có người đại diện cho quyền lợi của mình, và như vậy phải có dân chủ. Dân chủ do đó là một cách tổ chức xã hội nhằm đảm bảo các tiếng nói khác nhau được lắng nghe, và nhằm đoàn kết quốc gia, tránh nội chiến. 

Dân Do Thái thật ra cũng như bao nhiêu dân tộc khác. Họ cũng chia rẽ, bè phái, cũng chống đối nhau. Những ngày đầu trước khi thành lập nước có lúc dân quân hai phe Do Thái chỉa súng bắn vào nhau. Nhưng sau đó thì họ lại làm hoà với nhau và thoả hiệp dựng xây tổ quốc. Đó không phải là chuyện lạ, vì nhiều dân tộc khác cũng từng chứng kiến như vậy. 


Nói như vậy để thấy rằng những thành tố làm tiền đề cho sự xuất hiện một chế độ dân chủ đó là phải có những nhóm người có tư tưởng khác nhau xuất hiện và sau đó buộc quốc gia phải tổ chức một chế độ dân chủ nhằm thoả hiệp các khuynh hướng này. Còn nếu một khi không thể thoả hiệp được thì một nhóm buộc phải dùng đến vũ lực để giải tán hoặc triệt tiêu những nhóm còn lại để tự mình độc tôn quyền lực nhằm dẫn dắt quốc gia. 


Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là quốc hội đa đảng đầu tiên của quốc gia. Sự xuất hiện của quốc hội và chính phủ đa đảng này là một sự thoả hiệp giữa đảng Cộng sản và các đảng phái quốc gia nhằm chia sẻ quyền lực trong việc cai trị quốc gia. Nếu các đảng phái không tấn công lẫn nhau và đảng Cộng sản không triệt tiêu tất cả hẳn Việt Nam ngày nay đã có một nền dân chủ. 


Ở Miền Nam, chế độ của tổng thống Ngô Đình Diệm cho người tiêu diệt và bắt bớ các đảng phái quốc gia còn lại, để cuối cùng hình thành một chế độ độc tài, tương tự như miền Bắc, nhưng dễ thở hơn nhờ có tự do kinh tế, đi lại, và một số tự do ngôn luận. 


Dân chủ thực sự ở miền Nam chỉ bắt đầu xuất hiện sau cuộc đảo chính tổng thống Ngô Đình Diệm. Nó xuất hiện là bởi vì lúc này có nhiều phe phái khác nhau. Chính quyền mới buộc phải thoả hiệp hay cố gắng thoả hiệp nhằm tránh xung đột dẫn tới nội chiến quốc gia. Và việc thoả hiệp đó dẫn tới một tình trạng mới của quốc gia mà ở đó các quyền tự do ngôn luận, biểu đạt được thực hiện một cách rộng rãi, bên cạnh các quyền về tự do chính trị như bầu cử, ứng cử.


Nhiều học giả khi nghiên cứu sự hình thành các nền dân chủ cho rằng một khi dân số trở nên giàu hơn, xuất hiện một tầng lớp trung lưu, thì tầng lớp này sẽ đòi hỏi và duy trì dân chủ. Điều này không hẳn đúng. Nếu giàu có là một tiền đề dẫn đến dân chủ thì không thể nào lý giải được tại sao các nước rất giàu có, hoặc bắt đầu giàu có, nhưng người dân hoàn toàn không có những đòi hỏi nào về dân chủ hoặc có nhưng rất yếu ớt. Các nước dầu mỏ giàu có ở Trung Đông hay các tỉnh duyên hải của Trung Quốc là một ví dụ. Ngược lại, nhiều nước trở nên dân chủ khi họ còn đang nghèo, khá thiếu thốn, hoặc chỉ vừa khấm khá. Indonesia và Hàn Quốc là hai ví dụ như vậy. 


Indonesia là một đất nước vô cùng đa dạng. Đó đúng hơn là một hệ thống các đảo quốc. Và họ trở nên dân chủ từ cách đây 20 năm, khi mức thu nhập quốc gia đầu người chỉ bằng khoảng một phần ba Việt Nam hiện nay. Đối với sự đa đạng của Indonesia, để dẫn dắt quốc gia chỉ có thể giải quyết bằng hai cách như đã trình bày ở trên. Đó là hoặc một lực lượng độc tài triệt tiêu tất cả những nhóm chống đối còn lại và lãnh đạo quốc gia bằng bàn tay sắt, và đó là cách mà các viên tướng đã cầm quyền quốc gia trước khi có dân chủ. Họ đã dùng vũ lực tàn sát tất cả các lực lượng cộng sản và trấn áp đối lập để thực thi việc cầm quyền trong nửa thế kỷ. Cách thứ hai đó là thực thi dân chủ, đối thoại và thoả hiệp với các tổ chức khác nhau. Sau mấy mươi năm dưới chế độ quân sự, các thế hệ trẻ xuất hiện cùng với các tư tưởng mới nảy sinh và đó là nền tảng cho sự xuất hiện các nhóm đối lập về tư tưởng, quyền lợi buộc Indonesia phải dân chủ hoá nếu muốn tồn tại. 


Tiến trình dân chủ hoá ở Hàn Quốc cũng tương tự như ở Indonesia. Tướng Phác Chính Hy đã dẫn dắt quốc gia trong suốt 17 năm biến đất nước từ chỗ là một quốc gia hỗn loạn và nghèo đói trở thành một quốc gia khấm khá, ngang bằng với mức sống của người dân Việt Nam ngày nay, thì bị ám sát bởi giám đốc cơ quan tình báo quốc gia, đồng minh thân cận của ông ngay trong Nhà Xanh. Tướng Chun Doo-hwan, sau các cuộc chỉnh lý, lên thay làm tổng thống. Quá trình dân chủ hoá ở Hàn Quốc bắt đầu phát triển mạnh từ đây khi mà Chun Doo-hwan không thể triệt tiêu được các nhóm đối lập khác nhau, hiện diện cả trong giới quân sự và dân sự. Việc cầm quyền quốc gia sau đó buộc phải thông qua bầu cử nhằm có được tính chính danh, nếu không muốn nổi loạn. 


Quá trình dân chủ hoá ở Đài Loan cũng tương tự dù khi thực hiện dân chủ hoá Đài Loan đã là một nền kinh tế có thu nhập cao. Mầm mống dân chủ của Đài Loan xuất hiện chỉ sau khi Tưởng Giới Thạch chết, mở đường cho các nhóm quyền lực khác nhau lớn mạnh. Tưởng Kinh Quốc lên nắm quyền nhưng không thể cai trị bằng bàn tay sắt như cha của ông. Ông buộc phải thoả hiệp với các nhóm quyền lực khác nhau nhằm duy trì quyền lực. Sự lớn mạnh của các nhóm quyền lực khác nhau sau đó buộc Lý Đăng Huy, tổng thống kế tiếp, phải hợp pháp hoá vị trí tổng thống thông qua bầu cử, thực hiện dân chủ hoá.


Trở lại Việt Nam, câu hỏi là chừng nào Việt Nam có dân chủ? Nếu nhìn lại những kinh nghiệm lịch sử ở trên thì chúng ta sẽ thấy rằng những thành tố cho quá trình dân chủ hoá của Việt Nam đã bắt đầu hình thành. Đó là sự xuất hiện của các nhóm có tư tưởng khác nhau. Bốn năm dưới thời chính quyền tổng thống Donald J Trump, người Việt chứng kiến hai nhóm có tư tưởng khác nhau rõ rệt, một nhóm cánh tả và một nhóm cánh hữu, điều chưa từng có bao giờ sau gần nửa thế kỷ. 


Đó là một điều đáng mừng. Đáng mừng là vì nếu sau gần nửa thế kỷ mà người Việt chỉ có đi theo một trào lưu hay một tư tưởng, dù tả hay hữu, thì chắc chắn họ sẽ không bao giờ có dân chủ. Nếu là hoàn toàn tả khuynh, chắc chắn họ sẽ chấp nhận một nhóm cánh tả nào đó dẫn dắt quốc gia, còn nếu hoàn toàn hữu khuynh chắc chắn chính trường Việt Nam sẽ hoàn toàn bị khống chế bởi một đảng cánh hữu tương tự như Singapore. Dân chủ trước hết phải có sự hiện diện của các nhóm đối lập nhằm kiểm soát và cân bằng. 


Cái mà người Việt đang thiếu đó là sự kết hợp và kết thân của những người có cùng tư tưởng với nhau. Nhưng điều đó sẽ đến sớm thôi, nhất là trong thời đại thông tin lập tức như hiện nay. Và khi mà những nhóm người có các tư tưởng khác nhau được hình thành trong xã hội, trong chính quyền, và trong quân đội, thì Việt Nam buộc phải dân chủ hoá nếu không muốn thấy nội chiến. 


Nguyễn Huy Vũ

19.5.2021


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *