Sau ba tuần biểu tình của sinh viên, chế độ chính trị của bà Sheikh Hasina, cựu thủ tướng Bangladesh, đã sụp đổ và quân đội đã đưa ra tối hậu thư cho phép bà có 45 phút để lên máy bay rời khỏi Dhaka. Ở tuổi 76, bà đã vội vã cùng em gái của mình ra sân bay và trốn sang Ấn Độ. Ấn Độ chỉ là một trạm dừng chân tạm thời của bà. Bà dự kiến sang tị nạn ở Anh, nơi có người thân của mình, nhưng Anh đưa ra chỉ dấu không muốn nhận bà vì bà là người chịu trách nhiệm cho những cái chết và sự tra tấn các đối thủ chính trị.
Số phận chính trị của bà cựu thủ tướng coi như đã kết thúc. Còn số mạng của bà có lẽ cũng chẳng sáng sủa gì nếu chính phủ mới của Bangladesh lên cầm quyền gửi đơn kiện bà ra Toà án Hình sự Quốc tế vì những cái chết của các đối thủ chính trị và vì can tội ra lệnh cho an ninh nã súng giết người biểu tình. Lúc đó, những ngày cuối đời của bà sẽ là song sắt của nhà tù và có thể là cái chết trong nhục nhã.
Là con gái của người anh hùng dân tộc và người cha lập quốc của Bangladesh, Sheikh Mujibur Rahman, người có công dẫn dắt Bangladesh độc lập khỏi Pakistan, lập nên nhà nước thế quyền, tách khỏi nước cộng hoà hồi giáo của Pakistan, đáng lẽ ra Sheikh Hasina sẽ có một vị trí rất lớn trong chính quyền và lịch sử. Nhưng chính những hành động tàn ác, bắt cóc và thủ tiêu đối lập, phá huỷ các định chế dân chủ, và thao túng bầu cử đã không những huỷ hoại danh tiếng của bà mà còn xoá đi công lao và vị trí của cha bà trong lịch sử của Bangladesh.
KHÔNG CÓ TÍNH CHÍNH DANH
Trong lịch sử chính trị của mình, Bangladesh có một truyền thống đó là khi đến cuối nhiệm kỳ, chính phủ đương nhiệm sẽ bổ nhiệm một chính phủ tạm quyền với thủ tướng và các bộ trưởng để coi sóc chuyện bầu cử và điều hành chính phủ trong khi chờ đợi một chính phủ mới đảm nhiệm nhiệm kỳ mới. Quá trình này kéo dài khoảng vài tháng. Chính phủ tạm quyền sẽ phi đảng phái và sẽ không lấy các quyết định quan trọng. Điều này đã được ghi rõ vào hiến pháp. Cách làm này giúp cho quá trình bầu cử được thực thi công bằng và minh bạch.
Nhờ ở bầu cử công bằng, cựu thủ tướng Hasina và đảng Awami của mình đã thắng cử trong một cuộc bầu cử như vậy vào năm 2009. Tuy vậy, khi lên cầm quyền bà đã cho sửa hiến pháp và dẹp bỏ chính phủ tạm quyền mặc cho các đảng đối lập phản đối việc làm đó. Các đảng đối lập thừa biết rằng một khi không có chính phủ tạm quyền để tổ chức và giám sát chuyện bầu cử, việc bầu cử sẽ dễ dàng bị thao túng và kết quả bầu cử sẽ luôn có lợi cho đảng cầm quyền. Đúng như dự đoán, kể từ đó, đảng của bà đã thắng cử liên tiếp trong các kỳ bầu cử và bà đã nắm quyền trọn vẹn liên tục ba nhiệm kỳ. Chỉ đến nhiệm kỳ thứ tư, sau khi cầm quyền được vài tháng, bà đã phải trốn chạy khi những người biểu tình xông vào dinh thự của bà.
Trong kỳ bầu cử thứ tư, đảng đối lập, như thường lệ, kêu gọi phải thiết lập một chính phủ tạm quyền để coi sóc chuyện bầu cử. Cựu thủ tướng Hasina và đảng của bà dĩ nhiên phớt lờ như thường lệ. Hậu quả là các đảng đối lập tẩy chay bầu cử. Các ghế trong quốc hội do đó rơi hoàn toàn vào tay của các đảng viên đảng Awami và giới thân cận.
Sau khi cựu thủ tướng Hasina bỏ chạy, một chính phủ tạm quyền được thiết lập lại để coi sóc cuộc bầu cử mới, trong đó có vai trò của các đại diện phong trào sinh viên và kinh tế gia Muhammad Yunus.
BIỂU TÌNH ĐÒI CÔNG BẰNG VÀ GIỌT NƯỚC LÀM TRÀN LY
Tháng 6 năm 2024, các cuộc biểu tình dẫn dắt bởi sinh viên nhằm phản đối chuyện Toà án Tối cao của Bangladesh thiết lập lại quy chế hạn ngạch dành tối đa 30% số vị trí trong cơ quan hành chính chính quyền cho con cháu của những người có công cách mạng.
Xin nói thêm rằng chuyện dành tối đa 30% số vị trí trong chính quyền cho những người có công cách mạng trong cuộc đấu tranh dành độc lập khỏi Pakistan đã có một lịch sử lâu dài kể từ ngày Bangladesh độc lập năm 1971. Ban đầu, bên cạnh 30% hạn ngạch cho những người có công cách mạng, còn có thêm 50% những thành phần ưu đãi khác như phụ nữ, người thiểu số, v.v, dẫn tới chỉ có 20% hạn ngạch là dành cho những công chức tuyển theo năng lực. Chính quyền sẽ ưu tiên tuyển những công chức trong nhóm ưu đãi kia cho đến khi đủ hạn ngạch 80% công chức. Trong trường hợp không tìm đủ số công chức có trình độ trong nhóm ưu đãi để lấp đủ 80% công chức, thì họ mới tìm thêm những ứng viên dựa theo năng lực để bổ sung vào.
Trong thực tế, mặc dù được ưu đãi cho hạn ngạch 30% vị trí trong chính quyền, những người có công cách mạng hoặc con cháu của họ chưa bao giờ nắm giữ quá 10% vị trí công chức trong chính quyền.
Đã có nhiều cuộc biểu tình của sinh viên yêu cầu thay đổi hệ thống hạn ngạch công chức này. Lần gần nhất là năm 1998. Trước cuộc biểu tình của sinh viên đòi cải cách hệ thống hạn ngạch, bà cựu thủ tướng Hasina đã tuyên bố sắc lệnh bãi bỏ hệ thống hạn ngạch công chức. Quyết định bãi bỏ có hiệu lực vào đầu tháng 7 năm 2020.
Tuy vậy, con cháu của những người có công cách mạng lại không chịu sự mất quyền lợi này. Họ đưa đơn kiện lên Toà án Tối cao Bangladesh bắt đầu từ năm 2021. Đến tháng 6 năm 2024 thì Toà án Tối cao Bangladesh tuyên bố rằng sắc lệnh bãi bỏ hệ thống hạn ngạch của cựu thủ tướng Hasina là không hợp pháp. Việc tuyên bố sắc lệnh của thủ tướng là không hợp pháp mở đường cho việc khôi phục lại hệ thống hạn ngạch dành ưu đãi cho con cháu những người có công cách mạng và thổi bùng ngọn lửa biểu tình của sinh viên, những người không thấy một sự kết nối nào với quá khứ dành độc lập mà ngược lại họ đang thấy họ bị gạt ra bên lề của xã hội. Họ không có gì để mất, đất nước với họ như một chốn tạm dung, họ không thấy tương lai, họ không có cơ hội, và họ cũng không có một quyết định nào về ai là người lãnh đạo quốc gia.
Sự bế tắc dẫn đến sự phản kháng. Đầu tiên họ muốn thay đổi hệ thống hạn ngạch. Họ biết có nhiều người vì quyền lợi của mình không muốn bãi bỏ hệ thống nó một cách hoàn toàn. Nhưng đối với yêu cầu đòi thay đổi của họ, chính quyền đã không lắng nghe mà còn thách thức. Bà cựu thủ tướng đã tuyên bố rằng nếu ưu đãi không dành cho con cháu những người đấu tranh cho tự do thì phải ưu đãi cho ai, cho những người phản bội? Sau sự thách thức này, sức mạnh của phong trào tranh đấu đã dâng lên. Chính quyền và phe con ông cháu cha đã đáp trả bằng súng bắn thẳng vào người biểu tình, bắt bớ hàng loạt, cắt mạng xã hội, và cắt Internet.
Nhưng càng đàn áp, càng đổ dầu vào lửa. Từ yêu cầu ban đầu là cải cách chế độ hạn ngạch, phong trào sinh viên đã chuyển sang yêu cầu đòi bà thủ tướng từ chức, thiết lập một chính phủ tạm quyền và đòi một cuộc bầu cử mới.
Giờ đây, sau khi bà cựu thủ tướng Hasina bỏ đi. Một chính phủ tạm quyền đã được thiết lập để chuẩn bị cho một chế độ dân chủ mới.
SỰ TƯƠNG ĐỒNG
Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Bangladesh.
Thứ nhất, về địa chính trị, nếu như Việt Nam đang lựa chọn ngoại giao cây tre để đi dây trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thì Bangladesh cũng vậy. Bangladesh đi dây trong mối quan hệ tay ba giữa Ấn Độ, Trung Quốc, và Mỹ. Mỹ muốn kéo Bangladesh, quốc gia với 170 triệu dân này, trở thành một phần trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của mình. Bangladesh cũng đã trở thành một phần trong chiến lược Vành đai Con đường của Trung Quốc. Đường bộ, đường sắt, cầu cống, v.v. rất nhiều các dự án hạ tầng của Bangladesh đã được thi công bởi các công ty Trung Quốc. Bangladesh dưới thời của chính quyền Hasina là một đồng minh của Ấn Độ. Ấn Độ hợp tác với Bangladesh để ngăn chặn các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Thứ hai, cả hai nước đều là những nước nghèo và phát triển bắt đầu từ ngành dệt may. Bangladesh có mức thu nhập bình quân đầu người là 2,600 đô la Mỹ, còn Việt Nam cao hơn gấp rưỡi là 4,600 đô la Mỹ. Việt Nam khá hơn Bangladesh nhờ ở vị trí địa lý của mình khi nằm ngay phía dưới vùng Đông Á, các công ty điện tử và hàng công nghiệp nhẹ của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và Trung Quốc đã chuyển dịch sang Việt Nam nhờ ở vị trí địa lý để gia công và xuất khẩu. Nhờ đó mà thu nhập của Việt Nam đã khá hơn đáng kể so với Bangladesh vốn nằm kế dưới Ấn Độ, một nước chậm phát triển.
Thứ ba, cả hai nước đều có một tầng lớp đặc quyền nắm giữ quyền lực quốc gia và hưởng lợi từ đó. Ở Bangladesh đó là giới lãnh đạo đảng Awami, còn ở Việt Nam đó là giới lãnh đạo đảng Cộng sản và gia đình.
Thứ tư, cả hai chính quyền đều không có tính chính danh. Đảng Awami đã tự tổ chức và thao túng bầu cử 5 năm một lần. Đảng Cộng sản Việt Nam tương tự cũng diễn vở kịch Đảng cử dân bầu mỗi 5 năm một lần và các vị trí trong chính quyền đều do giới lãnh đạo đảng Cộng sản sắp xếp. Người dân đi bỏ phiếu chỉ là hình thức vì không ai biết là bầu cho ai, người đó được bao nhiêu phiếu, và ai là người đại diện của mình.
Và thứ năm, cả hai nước đều phát triển rất nhanh. Bangladesh đã liên tục tăng trưởng trung bình 7% từ năm 1980 cho tới trước đại dịch Covid. Việt Nam cũng có tốc độ tăng trưởng tương tự, dù thấp hơn một chút.
BÀI HỌC NÀO CHO CHÍNH QUYỀN CỘNG SẢN VIỆT NAM
Bài học quan trọng nhất đối với chính quyền cộng sản Việt Nam đó là tính chính danh. Trong thời đại ngày nay, một chính quyền có chính danh chỉ khi nó được sinh ra bởi dân, do dân, và vì dân. Bởi dân là bởi dân bầu cử tự do thông qua lá phiếu của mình. Do dân là do dân tự nguyện tin yêu và dấn thân đóng góp xây dựng nên chính quyền. Vì dân là chính quyền phải phục vụ lợi ích của người dân của mình, để từ đó người dân mới thấy cái ý nghĩa và lý do của sự tồn tại của chính quyền.
Khi một chính quyền không có tính chính danh và không có sự ủng hộ của người dân, nó chỉ cầm quyền dựa trên bạo lực. Nhưng bạo lực đến lượt nó sẽ chỉ phản tác dụng, nó chỉ như đổ thêm dầu vào lửa và càng làm cho chính quyền nhanh chóng sụp đổ trước một đám đông giận dữ.
Ở Bangladesh, quân đội đã chọn đứng về phía người dân bởi đơn giản rằng nếu bất cứ một tướng lĩnh nào chọn chỉa mũi súng vào người dân, vị tướng lĩnh đó và gia đình chắc chắn sẽ không có một tương lai nào. Một toà án quốc tế sẽ xử những người chịu trách nhiệm cho một cuộc thảm sát và chắc chắn những người ra lệnh bắn vào đồng bào mình sẽ phải trả giá cho hành động này. Thời đại truyền thông mở ngày nay với Internet và mạng xã hội khác với thời điểm ba mươi năm trước khi cuộc đàn áp Thiên An Môn diễn ra.
Bài học thứ hai đó là sự phát triển về mặt kinh tế bản thân nó không phải là một phương tiện để bào chữa cho tính chính danh. Nó chỉ là một liều thuốc tăng lực nhằm kéo dài sự sống của một chính thể thiếu tính chính danh. Khi kinh tế gặp khó khăn, liều thuốc tăng lực nó biến mất, và một chính quyền thiếu chính danh sẽ sụp đổ nhanh chóng như một bức tường cát. Quyền lực, tài sản, và danh vọng bỗng chốc bốc hơi.
Nếu hiểu được sự vô thường trong quyền lực và quyền lợi, những nhà lãnh đạo cộng sản hẳn sẽ phải mở đường cho một cuộc cải cách về dân chủ và bắt đầu bằng một cuộc bầu cử tự do.
Ở phía người dân và các thế lực đối lập, bài học rõ ràng đó là một chính quyền với bạo lực trong tay không phải là một thế lực với một sức mạnh vô định. Một sự xuống đường với quyết tâm của người dân sẽ khiến lịch sử sang trang chỉ trong một vài tuần.
Nguyễn Huy Vũ
13/8/2024
Leave a Reply