Một đặc điểm chung mà các lãnh tụ cộng sản khởi nghiệp đều có đó là họ biến phong trào chính trị của họ thành một kiểu tôn giáo đặc trưng mà ta có thể gọi là chính trị giáo phái.
Những lý thuyết chính trị được biên soạn, tuyên truyền, và truyền tay nhau như những cuốn thánh kinh, chỉ có đúng mà không có sai.
Những người ủng hộ lãnh tụ như những tín đồ.
Còn những lãnh tụ được mô tả và xây dựng hình ảnh như là những đấng tối cao, tài năng xuất chúng, và là một hiện thân của đất trời nhằm cứu nguy dân tộc.
Từ Lê-nin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Fidel Castro, cho tới Hồ Chí Minh. Tất cả đều có cùng một motif và một kịch bản.
Đối phó với những lực lượng có tiềm lực quân sự vượt trội hơn hẳn, để giành được ưu thế không có cách gì hơn là dùng nhân tâm. Mà muốn có được nhân tâm tất phải hình thành nên một hệ thống lý luận về chính trị nhằm dụ dỗ và lôi kéo người dân tin tưởng vào một hệ thống tôn giáo chính trị mới, và bên cạnh đó là đẩy mạnh tuyên truyền.
Những người cộng sản đã làm như thế và họ thành công. Các giáo phái xã hội chủ nghĩa đã ra đời ở các xứ này. Ở đây, tín điều xã hội chủ nghĩa là một điều đúng, cấm có cãi. Nếu chính sách có gì sai thì đó là do các lãnh đạo chính trị thực hiện, chứ lý thuyết là hoàn toàn đúng. Với mớ lý luận lòng vòng của lý thuyết xã hội chủ nghĩa, những ai chống đối hay có ý định cải biên việc giải nghĩa sẽ bị dễ dàng gán cho là không hiểu gì về chủ nghĩa xã hội.
Nhưng nếu hỏi thử những tay trùm về lý luận xã hội chủ nghĩa rằng điều gì là đặc trưng của xã hội chủ nghĩa và tại sao nó lại ưu việt hơn tư bản chủ nghĩa thì có lẽ đáp lại chỉ là một lời giải thích lòng vòng để dối trá cho cái sự thiếu hiểu biết của chính mình.
Xã hội chủ nghĩa cho đến nay đã được thử nghiệm ở rất nhiều quốc gia, trải qua gần một thế kỷ, và nó thất bại ở tất cả mọi nơi mà nó được thử nghiệm. Nguy hiểm hơn, việc áp dụng nó đã phá vỡ mọi cấu trúc văn hoá mà một dân tộc đã dành nhiều trăm năm để gầy dựng.
Xã hội công bằng thường được liệt kê như là một mục tiêu của xã hội chủ nghĩa. Và để làm điều này, ở nhiều nơi, chính quyền cho tước đoạt tài sản, đất đai, công cụ sản xuất của giới tư sản dưới nhiều hình thức khác nhau, và tổ chức thực hiện việc sản xuất lại để chia đều sản phẩm cho mọi lao động. Hậu quả của nó là tạo ra một nền kinh tế hoạt động không dựa trên sự khích lệ kinh tế (economic incentives). Và khi mà không có khích lệ kinh tế, người lao động không muốn lao động, không muốn cải tiến công cụ sản xuất, không muốn tiết kiệm, và không muốn cả tái đầu tư. Nền kinh tế như vậy không thể tiến tới mà chỉ đi dần vào phá sản và lụn bại.
Khích lệ kinh tế là một nguyên lý cơ bản chi phối mọi hoạt động kinh tế trong một xã hội. Người ta muốn làm nhiều hơn, muốn tiết kiệm nhiều hơn, muốn đầu tư nhiều hơn, hay muốn cải tiến công cụ sản xuất tốt hơn chỉ vì họ muốn được nhận nhiều hơn, hôm nay hoặc ngày sau. Họ làm vì họ biết những nỗ lực của họ sẽ được đền đáp và tưởng thưởng một cách có ý nghĩa. Khích lệ kinh tế do đó là một động lực kích thích sự đóng góp một cách tự nguyện của các cá nhân khác nhau vào nền kinh tế nhằm trước hết là làm nên sự sung túc của mỗi cá nhân và sau đó là sự phồn thịnh của một xã hội.
Với một dân tộc, tài sản lớn nhất đó là con người. Con người nắm giữ các bí quyết sản xuất, kinh doanh, phát kiến, và điều hành tất cả các hoạt động trong một quốc gia thông qua các tổ chức của chính mình. Những cá nhân này, một cách tự nguyện, chuyên biệt hoá các kỹ năng và kiến thức của mình nhằm đem lại lợi ích tối đa cho mình và qua đó đem lại sự thịnh vượng của quốc gia. Xã hội tự do do đó sẽ tự sắp xếp và khuyến khích ai nên làm nghề gì, vị trí nào, kiến thức và kinh nghiệm được chia sẻ ra sao, tích luỹ những gì, v.v.
Việc cải tạo toàn bộ xã hội thông qua tước đoạt công cụ sản xuất và tái phối trí lại công việc cho toàn bộ người dân do đó đã làm phá huỷ nền tảng tổ chức xã hội và làm đứt gãy chuỗi kế thừa các kinh nghiệm tổ chức xã hội. Đây vốn là những mắc xích trong hệ thống vận hành xã hội vốn cần hàng trăm năm tích luỹ. Hậu quả là ở các nước đã trải qua quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa, các nước này phải cần một thời gian khá lâu để dựng xây lại được tầng lớp ưu tú và tổ chức lại các hệ thống xã hội tự do.
Để dễ hình dung, hãy tưởng tượng cảnh như thế này. Một giáo sư đại học với kiến thức uyên thâm, tốt hơn hết nên để ông ta làm nghiên cứu và giảng dạy. Một doanh nhân giỏi hãy để ông ta vận hành hệ thống doanh nghiệp của mình. Một kỹ sư cơ khí tài năng nên làm nhiệm vụ phát triển hệ thống máy móc, v.v. Đó gọi là chuyên môn hoá. Thông qua việc chuyên môn hoá, năng suất lao động của nền kinh tế tăng lên khi mà xã hội có thể sản xuất ra nhiều sản phẩm, với chất lượng tốt hơn nhờ chuyên viên lành nghề, có kiến thức lẫn kinh nghiệm. Các chuyên viên này tích luỹ kinh nghiệm và truyền lại cho thế hệ sau. Những thế hệ sau nhờ những kiến thức và kinh nghiệm của thế hệ đi trước, họ tiếp tục chuyên môn hoá và tiến xa hơn. Xã hội nhờ vậy mà phát triển khi thế hệ đi sau đứng trên đôi vai của thế hệ đi trước. Ngược lại, việc cải tạo xã hội chủ nghĩa có thể gửi tất cả mọi người, không phân biệt giai cấp, nghề nghiệp, vào cùng làm trong một nông trường, một hợp tác xã thủ công, hoặc một nhà máy sản xuất nào đó. Hậu quả là nhiều người với chuyên môn không được trau dồi, trình độ ngày càng trở nên thui chột. Sau vài ba thế hệ, kiến thức và kinh nghiệm của cả một xã hội trở nên lạc hậu thấy rõ. Đó là một hệ quả thấy được khi so sánh trình độ tụt hậu của các nước thuộc Liên Xô cũ khi so với các nước Tây Âu.
Nguy hiểm hơn, hệ thống xã hội chủ nghĩa, thông qua cơ chế tập trung sản xuất và phân phối lại, đã hình thành nên một lực lượng cầm quyền chịu trách nhiệm nắm giữ tư liệu sản xuất, kiểm soát hàng hoá, và tất cả các công cụ khác từ công an, quân đội cho tới báo chí, truyền thông. Giới cầm quyền nghiễm nhiên trở thành một giai cấp khác tự cho mình quyền ban phát các lợi ích kinh tế và cả chính trị cho giai cấp bên dưới. Quyền lực đi cùng với nó là quyền lợi. Do đó, một khi nắm giữ các đặc quyền này, giới cầm quyền không khi nào chịu từ bỏ. Xã hội trong các chế độ xã hội chủ nghĩa vì vậy mà chia thành hai: giới cầm quyền và giới bị trị.
Nói tóm lại, mớ lý thuyết xã hội chủ nghĩa được dùng như là một cuốn kinh nhằm duy trì giáo phái chính trị của các đảng cộng sản mà trong đó một nhóm tiếm quyền của quốc gia, nắm giữ các đặc quyền, tự ban phát quyền lợi cho mình, và giữ sự cai trị phần còn lại của xã hội. Trong giáo phái này, những tín đồ được nhồi sọ và giảng dạy thường xuyên về tính ưu việt của tư tưởng giáo phái mình, tức tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Họ đoàn kết với nhau để cùng chia quyền lực và quyền lợi, và để sẵn sàng chống lại kẻ thù của mình, tức giới bị trị — những người mà họ luôn xem là thế lực thù địch, sẵn sàng lật đổ sự cầm quyền của họ.
Nguyễn Huy Vũ
7.8.2021
Leave a Reply