Cuối năm 1978, Đặng Tiểu Bình dẫn một đoàn cán bộ cao cấp sang thăm Singapore. Chuyến viếng thăm như là một dịp rửa mắt cho các cán bộ trong phái đoàn của Đặng Tiểu Bình. Gọi là rửa mắt vì cho đến lúc này, triết lý kinh tế chính trị của Trung Quốc vẫn là hệ thống xã hội chủ nghĩa với nền kinh tế tập trung, được quy hoạch và quản lý bởi hệ thống nhà nước.
Các cán bộ đảng Cộng sản Trung Quốc do đó chỉ được biết về sự ưu việt của tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Đối với họ, những người được “nhuộm đỏ lý tưởng”, rằng tư tưởng và hệ thống tư bản chủ nghĩa là một điều xấu xa, không phù hợp, và chắc chắn thất bại. Sau chuyến viếng thăm này, chính quyền Trung Quốc thường xuyên gửi các đoàn cán bộ đến học mô hình của Singapore.
Trước khi dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc sang Singapore học hỏi, một con người khôn ngoan và đầy tính toán như Đặng Tiểu Bình đã biết rõ về những nguyên lý vận hành của nền kinh tế tư bản cùng sự thành công của nó, mà Singapore là một ví dụ. Nhưng họ Đặng chính mình không nói cũng không đứng ra thuyết phục đất nước về nhu cầu phải thay đổi ý thức hệ. Tại sao? Tại vì việc bảo vệ những điều đúng đắn của các nguyên lý hoạt động của chủ nghĩa tư bản trước một hệ thống đông đảo các cán bộ được nhồi sọ trong suốt một thời gian dài về lý tưởng và tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội thì chẳng khác gì một mình đứng chống chọi chặn cả một dòng sông đang chảy xiết? Làm thế, Đặng Tiểu Bình sẽ bị cuốn trôi ngay lập tức, và những ý tưởng về cải cách hệ thống kinh tế của ông cũng chấm dứt.
Cách ông chọn đó là tách dòng sông thành những con rạch nhỏ, từng con một, và uống nắn nó từ từ. Sau cuộc thuần hoá của ông, con sông dữ mang tư tưởng xã hội chủ nghĩa đã biến mất, và giờ đây đã chuyển thành những con rạch mang tư tưởng tư bản chủ nghĩa làm phì nhiêu và nuôi dưỡng nền kinh tế tư bản được quản trị dưới hệ thống chính trị mang mầu sắc Trung Hoa.
Những đoàn cán bộ được gửi sang Singapore để chứng kiến sự thành công của chủ nghĩa tư bản ở xứ này là những con rạch như vậy. Những cán bộ này được giải thích về những nguyên tắc hoạt động của nền kinh tế thị trường và sau đó được gửi về những địa phương cấp dưới để chỉ đạo và hướng dẫn lại.
Không phải tất cả đều là một màu hồng và đều suôn sẻ. Vì nếu tất cả đều thuận lợi thì Đặng Tiểu Bình đã không thể gằn một câu rằng “mèo trắng mèo đen miễn bắt được chuột”. Nhưng cuối cùng thì thực tế chứng minh cho lý thuyết. Những cải cách từ từ làm cho đời sống kinh tế tốt hơn đã mặc nhiên chứng minh cho sự ưu việt của phương thức sản xuất mới.
Tuy vậy, sự thành công về kinh tế không thể thay thế được nền tảng lý luận xã hội chủ nghĩa mà đảng Cộng sản Trung Quốc đã dày công tuyên truyền và giảng dạy cho công chúng. Làm sao thuyết phục cho công chúng rằng sự độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản là để dựng xây nên một chủ nghĩa xã hội trong khi thực tế thì tất cả chỉ là những chính sách và hoạt động thực tế theo mô thức của chủ nghĩa tư bản? Để trả lời câu hỏi này, và cũng để thoả mãn nhu cầu lý tưởng hoá xã hội chủ nghĩa ở một bộ phận đảng viên nhiệt cuồng, lý thuyết kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc (China´s socialist market economy) bắt đầu xuất hiện kể từ thập niên 1980.
Đảng Cộng sản Việt Nam sao chép các lý thuyết chính trị và kinh nghiệm cải cách của Trung Quốc, và do đó sao chép luôn lý thuyết tuyên truyền “định hướng xã hội chủ nghĩa” này.
Nguyễn Huy Vũ
8.8.2021
Leave a Reply