Ông Biden thăm Kyiv

Sự kiện tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Kyiv, Ukraine để cổ vũ cho Ukraine không khác bao nhiêu cảnh tổng thống Ronald Reagan thăm Bức tường Bá Linh ở Tây Đức và thách thức Liên Xô. 

Đối diện với uy tín giảm sút trong việc đối phó với các vấn đề trong nước, ông Biden có lý do khi mạo hiểm làm một màn trình diễn đến tận Kiev, Ukraine. Còn hai năm nữa sẽ hết nhiệm kỳ và chỉ còn hơn một năm nữa thì các cuộc tranh luận trên truyền hình bắt đầu, mở màn cho một kỳ bầu cử sôi động. Ông Biden cần phải có một cái gì đó để chứng tỏ rằng mình đã có một di sản đáng kể trong suốt 4 năm cầm quyền của mình. 


Trong nước, mức lạm phát vẫn trên 6% mặc dù mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Trung ương Mỹ đã tiệm cận 5%. Sắp tới đây, mức lãi suất được dự đoán tăng lên, có thể lên tới 8% như một số đồn đoán trên thị trường, và không ai biết khi nào Ngân hàng Trung ương sẽ ngừng việc tăng lãi suất. Điều có thể đoán được một cách chắc chắn hơn một chút đó là lãi suất sẽ rất cao mà không giảm ít nhất là cho đến cuối năm. Với một mức lãi suất cao như vậy, nền kinh tế Mỹ sẽ gặp khó khăn, tăng trưởng có thể sẽ dừng lại, và trường hợp xấu hơn là kinh tế Mỹ sẽ đi vào khủng hoảng. 


Trong hơn một năm qua, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã sửa sai cho các chính sách tài khoá hào phóng được kiến thiến bởi các kinh tế gia chịu trách nhiệm chính gồm có Janet Yellen, Bộ trưởng Bộ Tài chính, và Brian Deese, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Quốc gia. Jane Yellen đã đánh giá thấp sự tác động đến lạm phát của các gói kích thích kinh tế và mấy tháng trước đã có nhiều đồn đoán rằng bà có thể sẽ phải từ chức. Brian Deese, cố vấn kinh tế chính của ông Biden đã từ chức và được thay bằng Lael Brainard. 


Trong hai năm tiếp theo, trách nhiệm còn lại của nội các ông Biden chỉ còn là củng cố và ổn định kịnh tế trong nước, ngăn nó đừng bước vào một cuộc khủng hoảng. Đó là một nhiệm vụ khó, nhất là khi mà lãi suất tiếp tục tăng. 


Lãi suất cơ bản của Mỹ tăng kéo theo lãi suất của các ngân hàng trung ương trên thế giới buộc tăng theo nếu họ muốn tỉ giá đồng tiền của họ được neo giữ giá trị với đồng đô la Mỹ. Bởi trong một nền kinh tế toàn cầu hoá hiện nay, khi mà mọi thứ đều được định giá tham chiếu theo đồng đô la Mỹ, việc đồng nội tệ giảm giá sẽ kéo theo hàng nhập khẩu tăng giá. Việc hàng nhập khẩu tăng giá sẽ kéo theo hàng loạt các mặt hàng khác tăng giá theo, nhất là khi các mặt hàng nhập khẩu đóng vai trò là hàng sơ cấp, dùng để sản xuất ra hàng hoá thứ cấp. Lấy ví dụ chẳng hạn như khi nhập khẩu đậu nành để nuôi gà. Nếu giá nội tệ trong nước giảm so với đồng đô la Mỹ, giá đậu nành tính theo đồng nội tệ sẽ tăng, kéo theo giá thịt gà cũng sẽ tăng theo. Hàng hoá tăng giá khi đồng nội tệ mất giá nó sẽ khiến lạm phát trở nên phi mã và việc kềm chế giá cả để ổn định kinh tế vĩ mô trở nên phức tạp hơn rất nhiều. 


Khi mà các nước thi nhau tăng lãi suất theo lãi suất cơ bản của Hoa Kỳ, nền kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại, nhiều nước sẽ đi vào khủng hoảng. Sự khó khăn của kinh tế toàn cầu tới lượt nó sẽ kéo theo kinh tế Mỹ trở nên khó khăn vì Mỹ buôn bán hàng hoá với phần còn lại của thế giới. 


Vì vậy mà ông Biden càng phải quyết tâm tạo ra thắng lợi quyết định nhằm hạ gục Nga để tạo ra một di sản cho mình trong trường hợp ông không còn làm tổng thống trong nhiệm kỳ tiếp theo. 


Việc Mỹ từ từ kéo Nga vào cuộc chiến ở Ukraine cũng giống như hai tay chơi bài poker. Đầu tiên là Mỹ chỉ đưa những vũ khí hạng nhẹ. Rồi từ từ đưa thêm pháo tầm xa. Rồi tiếp theo là xe tăng tiên tiến. Rồi sắp tới có thể là máy bay hiện đại. Lúc đó sẽ là “all in” — có nhiêu chơi hết. Lúc này vì Nga đã lún quá sâu vào cuộc chơi, khó mà rút ra được, chỉ còn một nước là chơi tất. Nhưng lúc này Nga còn gì mà chơi tất được. Sau một năm “trao đổi vũ khí” với liên minh NATO thông qua người Ukraine, kho vũ khí Nga dường như đã cạn kiệt. Nếu cuộc chiến cứ tiếp tục như thế này nữa một thời gian, Nga chỉ có thể dùng tới vũ khí hạt nhân để ngăn chặn đà tấn công của Ukraine. Nhưng việc dùng tới vũ khí hạt nhân nó sẽ tạo cớ khiến NATO cung cấp thêm những vũ khí hạng nặng cho Ukraine và sẽ đánh dấu chấm hết cho nước Nga. 


Đứng trước tình cảnh đó, Trung Quốc trước sau gì cũng sẽ can thiệp để hỗ trợ Nga. Cuộc chiến của Nga đã giúp thế giới giờ đây phân chia thành hai phe rõ ràng: phe độc tài gồm Nga và Trung Quốc, và phe dân chủ gồm Âu-Mỹ và các đồng minh. Một khi Nga trở nên suy yếu, thậm chí tan rã, ngay sau cuộc chiến này, Trung Quốc sẽ trở nên dễ dàng bị Âu Mỹ cô lập và kềm chế. Mục đích của Âu Mỹ cuối cùng là nhằm duy trì một trật tự thế giới vốn đã được duy trì sau Thế chiến thứ Hai. 


Việc Hoa Kỳ, thông qua Ngoại trưởng Antony Blinken, cảnh báo Trung Quốc chớ có tiếp tay Nga trong cuộc chiến này chỉ là một đòn đe doạ mà cuối cùng, vì lợi ích chiến lược của mình, Trung Quốc trước sau gì cũng can thiệp vào cuộc chiến nhằm làm Nga không bị sụp đổ hay tan rã. 


Chiến lược của chính quyền Biden đối với Trung Quốc thực chất là những chiến lược của Donald Trump mà không cần có Donald Trump lãnh đạo. Chính quyền Biden tiếp tục những chính sách cô lập Trung Quốc về kinh tế và công nghệ, đồng thời đầu tư mạnh thêm vào những lãnh vực then chốt giúp Mỹ vượt trội lên hẳn so với Trung Quốc và phần còn lại của thế giới như công nghệ chip và trí tuệ nhân tạo. 


Thời tiết Châu Âu đã bắt đầu bước vào cuối mùa đông. Chỉ còn chừng 2 tháng nữa, khi tuyết đã tan và mặt đất bắt đầu khô lại, cuộc chiến ở Ukraine sẽ trở lại thời khắc quyết liệt. Lúc này, Ukraine sẽ được trang bị bởi những xe tăng hiện đại của Đức và có thể của Mỹ, lợi thế sẽ bắt đầu nghiêng về phía Ukraine. 



Nguyễn Huy Vũ

23.2.2023


Posted

in

, , ,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *