Giác thư Budapest và Ukraine

GIÁC THƯ BUDAPEST VÀ CON ĐƯỜNG CỦA UKRAINE

Sau Thế chiến Thế giới thứ hai, nhận thấy rằng cả hai cuộc thế chiến đem lại quá nhiều chết chóc và đau thương, Mỹ, Anh, và Liên Xô đã ngồi lại với nhau tại Hội nghị Yalta để thống nhất thành lập Liên Hiệp Quốc với mục tiêu ban đầu là nhằm ngăn chặn các cuộc chiến tranh có quy mô toàn cầu — một cuộc chiến tranh có nguy cơ huỷ diệt tất cả vì các bên đều có vũ khí hạt nhân. Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc theo nguyên tắc không thành văn chỉ gồm các nước có vũ khí hạt nhân. 

Sau khi Liên Xô tan rã, các nước thuộc Liên Xô trước đây mà có trung tâm lưu trữ vũ khí hạt nhân bỗng nhiên trở thành các nước có vũ khí hạt nhân. Việc có quá nhiều nước mới tham gia câu lạc bộ sở hữu vũ khí hạt nhân không phải là mong muốn của các nước đang sở hữu vũ khí hạt nhân như Nga, Mỹ, Pháp, Anh, hay Trung Quốc. 

Các nước này đe doạ các nước mới gia nhập câu lạc bộ sở hữu vũ khí hạt nhân (nếu đe doạ được) rằng họ sẽ bị cấm vận hoặc thậm chí bị tấn công nếu sở hữu vũ khí hạt nhân, và rằng con đường duy nhất của họ để đi đến an toàn và thịnh vượng là gia nhập câu lạc bộ các nước không phổ biến vũ khí hạt nhân. 

Những nước cứng đầu bất chấp tất cả để phát triển vũ khí hạt nhân sẽ chịu cảnh bị cấm vận và cô lập như Bắc Triều Tiên, Iran, hoặc bị xoá sổ ban lãnh đạo như Iraq. Những nước muốn phát triển vũ khí hạt nhân buộc phải âm thầm làm và không công bố như Ấn Độ hay Pakistan. 

Đứng trước sự đe doạ đó, Ucraine, cùng với Belarus và Kazakhstan, đã phải chấp nhận gia nhập câu lạc bộ các nước không phổ biến vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự không cấm vận và không bị tấn công. 

Giác thư Budapest có 5 ý chính ràng buộc Nga, Anh và Mỹ. Một, tôn trọng chủ quyền Ukraine. Hai, không dùng vũ lực tấn công Ukraine. Ba, không cấm vận kinh tế Ukraine. Bốn, khi Ukraine bị tấn công thì liên hệ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để nhờ giúp đỡ. Năm, không dùng vũ khí hạt nhân tấn công Ukraine. 

Giác thư không hề có một câu nào nói rằng Mỹ hay Anh hay Nga phải bảo vệ Ukraine khi bị một trong ba nước tấn công. Nó chỉ nói rằng nếu bị tấn công thì kêu gọi sự hỗ trợ của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. 

Với các lãnh đạo Ukraine thân Nga thời bấy giờ, có lẽ họ sợ Mỹ hay Anh tấn công và cô lập họ về kinh tế hơn là họ sợ Nga. 

Lưu ý là Giác thư Budapest không ràng buộc Mỹ hay Anh hay Nga phải đảm bảo an ninh cho Ukraine. Thập niên 1990s, khi ký Giác thư Budapest, Ukraine nằm trong vòng tay của Nga thì có lý do gì để giới lãnh đạo phải nghĩ tới ngày nhờ Mỹ bảo đảm an ninh? 

Mối quan hệ của Ukraine chỉ phát triển nghiêng về phía phương Tây sau cuộc Cách mạng Da cam vào năm 2004, tức 10 năm khi ký Giác thư Budapest khi mà những người Ukraine cảm thấy muốn rời khỏi ảnh hưởng của Nga để tiến về với văn minh châu Âu. 

Khi Nga tấn công Ukraine, theo các điều khoản trong Giác thư Budapest, Ukraine đã kêu gọi sự giúp đỡ của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và Mỹ, Anh cùng các nước trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (trừ Nga) đã giúp đỡ theo khả năng của mình.

Như vậy, về mặt công bằng mà nói, với việc đóng góp hơn trăm tỉ đô la bên cạnh vũ khí và những hỗ trợ khác, Mỹ đã cung cấp rất nhiều sự hỗ trợ cho Ukraine. 

Khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine diễn ra, chính quyền Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Joe Biden đã dùng chiến thuật đánh chậm để tiêu hao sinh lực quân Nga bằng vũ khí Mỹ nhưng bằng sinh mạng của người Ukraine. Cả hai phía gần hai triệu người chết cho tới nay. Đúng như chiến thuật của Hoa Kỳ, Nga đã kiệt quệ. Nếu Mỹ cung cấp vũ khí mạnh hơn ngay từ đầu có thể chiến cuộc đã thay đổi. Nhưng như vậy thì cuộc chiến có khi kết thúc sớm quá và Nga chưa kiệt quệ đủ vì chiến tranh. 

Giờ đây Donald Trump không muốn tiếp tục cuộc chiến đó nữa. Có thể ông đã nhận thấy rằng Nga đã đủ suy yếu và không thể gây hại nữa. Hãy để châu Âu giải quyết là đủ và ông đang tìm cách chấm dứt và rút ra khỏi cuộc chiến này, để tập trung vào cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Nhưng muốn chấm dứt cuộc chiến này, Donald Trump cần nói chuyện với cả Nga và Ukraine. 

Cái khó ở đây là Donald Trump muốn đóng vai là trung gian, không nghiêng về bên nào. Còn phía thế giới tự do thì lại muốn Donald Trump phải đứng về phía của họ vì dù gì Mỹ là nước cầm ngọn cờ dân chủ.

Nếu Donald Trump chọn đứng hẳn về phía thế giới tự do như Joe Biden tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine thì chiến sự sẽ tiếp tục và cuộc chiến sẽ không chấm dứt. 

Donald Trump đã chọn đóng vai trung gian để kéo Nga và Ukraine vào bàn đàm phán vì vậy mà ông chọn cách không muốn mắc lòng Nga. Đó là lý do mà Mỹ đã không bỏ phiếu ủng hộ việc lên án Nga trong nghị quyết về chiến tranh Nga – Ukraine ở Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Cách làm của ông đã khiến cho nhiều người lên án nhưng họ đâu có nhìn xa để thấy rằng ông ta đang cố gắng nói chuyện với các phe để ngừng chiến trước rồi sau đó đi đến các thoả thuận. 

Lưu ý là nghị quyết thứ hai do Mỹ khởi xướng trong cùng ngày nhằm kêu gọi chấm dứt chiến tranh, nhưng không lên án Nga, đã được thông qua ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Đó là lần đầu tiên sau 3 năm chiến tranh, các nước trong Hội đồng Bảo an đồng ý với nhau chuyện cần chấm dứt chiến tranh. 

Muốn có hoà bình lâu dài bên cạnh một cường quốc, Ukraine phải tự mình trở thành một cường quốc và có khả năng răn đe. Để xây dựng một quốc gia hùng mạnh như vậy từ vị thế là một nước bị chiến tranh tàn phá, Ukraine cần sự viện trợ và giúp đỡ rất nhiều. Nhưng thế giới này ai cũng khó khăn, ai cũng lao động, người ta chỉ giúp một ít là quý rồi, muốn nhận nhiều hơn thì mình phải có gì để trao đổi. 

Thoả thuận về tài nguyên nếu biết cách thương thảo đó là một con đường rất tốt cho Ukraine. Bán tài nguyên, và dùng tài nguyên đó để xây dựng lại quốc gia, trang bị quốc phòng để làm mình mạnh lên hầu có thể bảo vệ quốc gia. Một quốc gia mạnh, thân với phương Tây, có thể giữ mối quan hệ hữu hảo với Nga để Nga không cảm thấy bị đe doạ và cũng cho Nga thấy rằng họ sẽ bị tiêu hao đáng kể nếu gây chiến đó sẽ là con đường cho hoà bình và tự do của Ukraine. 

Ukraine muốn vào NATO để mượn cái dù NATO bảo đảm an ninh cho mình. Nhưng, điều gì sẽ diễn ra nếu Nga tấn công Ukraine? Nếu Hoa Kỳ và các thành viên khác của NATO tấn công lại Nga, Thế chiến thứ 3 sẽ diễn ra, và đó là điều Hoa Kỳ không muốn. Ngược lại, nếu Hoa Kỳ và các thành viên của NATO không dám tấn công lại thì NATO bỗng chốc trở thành con ngáo ộp và nó sẽ tự động tan rã. Vì bản chất của NATO là chống lại Liên Xô (và Nga). Nếu NATO không có khả năng bảo vệ thành viên chống lại sự xâm lược của Nga thì các thành viên nhỏ có đường biên giới với Nga sẽ gia nhập NATO để làm gì? 

Đó là lý do mà Donald Trump đã nói thẳng với tổng thống Zelenskii trong cuộc gặp là anh đang đánh cược với Chiến tranh Thế giới thứ 3. Đó không phải là một lời cường điệu. 

Đứng trước thời điểm mà các trụ cột lớn của châu Âu như Anh, Đức, Pháp đang gặp khó khăn về kinh tế, Ukraine không thể có hi vọng gì nhiều vào sự giúp đỡ của các nước châu Âu. Các nước châu Âu ai nấy cũng muốn phòng thủ trước cho mình thay vì tin vào liên minh NATO, bởi điều gì xảy ra nếu liên minh NATO không hoạt động đúng như mong đợi? Vì vậy, mà con đường duy nhất để Ukraine có thể ngừng chiến, tìm kiếm hoà bình, và thậm chí có thể tồn tại được là dựa vào Hoa Kỳ, thông qua những hợp đồng mà cả hai phía cùng có lợi. 

Nguyễn Huy Vũ

2/3/2025

LIỆU UKRAINE ĐÃ SAI LẦM KHI KÝ GIÁC THƯ BUDAPEST? 

Có một ý kiến rằng Ukraine đã sai lầm khi chấp nhận giải giáp vũ khí hạt nhân để đổi lấy hoà bình như được cam kết trong Giác thư Budapest. Giờ đây, Nga đã phá vỡ cam kết bảo đảm an ninh cho Ukraine, tấn công và chiếm đất Ukraine, và Mỹ và Anh phải có trách nhiệm bảo đảm an ninh cho Ukraine. 

Đây có lẽ là ý kiến của nhiều người. Trước khi chúng ta bắt đầu thảo luận các chiến lược, cần nhắc lại Giác thư Budapest. 

Giác thư Budapest có 5 năm ý chính nhưng tựu chung là các nước ký giác thư cam kết không tấn công Ukraine, không cô lập kinh tế Ukraine, và hỗ trợ Ukraine thông qua Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để giúp Ukraine khi bị xâm chiếm. 

Giác thư Budapest (Budapest Memorandums) vì vậy thực ra là một cam kết mang tính ghi nhớ có tính ràng buộc lỏng lẻo. Nó thực chất không có ý nghĩa gì nhiều hơn là một tờ giấy mang tính hỗ trợ về tinh thần với các cam kết mang tính đạo đức khi các cường quốc ép buộc Ukraine phải giải trừ vũ khí hạt nhân, vào khi mà Ukraine không có một đòn bẩy nào để bảo đảm cái Giác thư này được thực hiện.

Để các bạn dễ hiểu về đòn bẩy, khi các bạn đi đặt tiệc ở nhà hàng, nhà hàng buộc bạn phải đóng trước 30-50% giá trị bữa tiệc, để nếu bạn không đến, bạn xù, thì nhà hàng còn có thể giữ số tiền này. Số tiền này dĩ nhiên không đủ để bao gồm hết chi phí cho bữa tiệc, vì nếu bạn trả 100% giá trị bữa tiệc thì nhà hàng càng có ít lý do để làm một bữa tiệc như cam kết. Việc chỉ trả một phần là động lực để nhà hàng buộc phải làm bữa tiệc thịnh soạn chất lượng như cam kết và bạn sẽ trả nhà hàng số tiền còn lại và nhà hàng có lời. Nếu nhà hàng làm bữa tiệc chất lượng kém, không như cam kết thì bạn sẽ quyết định không ăn, không trả tiền, và nhà hàng sẽ lỗ. Còn nếu nhà hàng không làm tiệc thì họ buộc phải trả lại tiền, và họ không có lời. Ngược lại, về phần bạn, sau khi đã trả một phần số tiền, bạn sẽ phải đến bữa tiệc nếu không muốn mất tiền vô lý. Trong trò chơi này, cả hai bên đều có lợi khi tuân thủ hợp đồng; khi cả hai không tuân thủ hợp đồng, cả hai đều bị thiệt hại. Như vậy, thông qua việc chỉ trả một phần tiền, cả hai bên đều tạo nên một đòn bẩy để phía bên kia chấp nhận tham gia vào cam kết. 

Trong trường hợp mà hợp đồng không có một đòn bẩy, việc cả hai bên thực hiện những cam kết trong hợp đồng nó chỉ tuỳ thuộc vào đạo đức của cả hai bên. Mà đạo đức thì khó mà đong đếm. Làm sao bạn biết được một người có đạo đức hay không? Đối với những hợp đồng giá trị thấp, người ta có thể dựa vào đạo đức còn đối với những hợp đồng lớn họ phải dùng tới đòn bẩy. 

Những điều này được trình bày trong các lý thuyết kinh tế nhất là lý thuyết trò chơi (game theory) và lý thuyết thiết kế cơ chế (mechanism design).

Nhiều người sẽ mong chờ những đối tác đạo đức sẽ thực hiện các cam kết như trong hợp đồng, nhưng nếu bạn là một người làm việc chuyên nghiệp, bạn phải luôn nghĩ tới tình huống xấu nhất khi mà đối tác không thực hiện hợp đồng như cam kết thì hậu quả là gì và đâu là phương án khắc phục. 

Trở lại câu chuyện của Ukraine. Nếu Ukraine nhất quyết không giải giáp kho vũ khí hạt nhân thì điều gì sẽ xảy ra. Để dễ thấy nhất, chúng ta có thể nhìn gương của Bắc Triều Tiên, Iran, Iraq, và nhìn lại các điều khoản trong Giác thư Budapest và đọc hàm ý của chúng. 

Mỹ, Anh, và Nga đều không muốn Ukraine có vũ khí hạt nhân. Nếu Ukraine không giải giáp vũ khí hạt nhân, Mỹ và Anh sẽ cấm vận và tấn công kinh tế Ukraine cho đến khi nào Ukraine chấp nhận giải giáp vũ khí hạt nhân. Nga chắc chắn sẽ tấn công lập tức Ukraine để chiếm lấy kho vũ khí hạt nhân và chiếm luôn đất nước Ukraine mà Anh và Mỹ cũng sẽ không muốn và không có trách nhiệm can thiệp. Đối với Nga, việc một nước láng giếng có vũ khí hạt nhân là điều quá nguy hiểm với mình. 

Như vậy, nếu Ukraine không chịu giải giáp vũ khí hạt nhân vào năm 1994, họ có lẽ chẳng còn trên bản đồ ngày nay. 

Ukraine là một dân tộc thông minh và những người lãnh đạo Ukraine vào thập niên 1990s cũng không phải là những người thiếu hiểu biết. Không một lãnh đạo nào có thể cai trị một dân tộc thông minh nếu họ không có sự hiểu biết. Họ suy xét đến các trường hợp và chọn trường hợp tối ưu nhất cho mình. Họ không thể chống lại Nga khi mà không có một đồng minh nào. Trong trường hợp này, họ đã chấp nhận ký vào Giác thư với các cam kết lỏng lẻo hòng để mua hoà bình tạm thời cho đất nước và cho mình. 

Một cách thực tế, họ đã có hoà bình 20 năm sau đó cho đến khi cuộc xâm lược đầu tiên của Nga diễn ra vào năm 2014. Mối quan hệ giữa Ukraine và Nga êm thắm cho đến khi cuộc Cách mạng Da cam diễn ra vào năm 2004 khi mà Ukraine quyết định rời khỏi quỹ đạo của Nga để trở thành một phần của cộng đồng chung châu Âu, và thậm chí đi xa hơn là muốn trở thành một thành viên của NATO. 

Nếu Ukraine quyết định giữ một mối quan hệ tốt đẹp với Nga, chấp nhận nằm trong vòng ảnh hưởng của Nga mà không cần gia nhập cộng đồng châu Âu — Ukraine thực hiện chính sách ngoại giao như Belarus hay các nước Trung Á Liên Xô cũ — thì liệu cuộc chiến tranh có diễn ra hay không? Tôi nghĩ chắc là không. Vì Nga sẽ được lợi gì khi phải tốn quân và tốn vũ khí để đánh với Ukraine khi mà sau khi đánh có thể mất đi một đồng minh. 

Và như vậy, lá bài mà Ukraine có thể đưa ra với Nga ngay từ đầu đó là chúng tôi sẽ chấp nhận giữ một mối quan hệ tốt với Nga trên tinh thần vì lợi ích địa chính trị của Nga với điều kiện Nga bảo đảm không xâm phạm lãnh thổ của chúng tôi, chúng ta sẽ cùng hợp tác để cả hai bên có lợi, còn nếu Nga xâm phạm lãnh thổ của chúng tôi thì chúng tôi sẽ quyết chống lại và sẽ đi theo Mỹ và châu Âu. Lá bài đó dĩ nhiên phải đi cùng với những đòn bẩy đó là phải phát triển năng lực quốc phòng và đóng vai trò là cầu nối kinh tế giữa Nga và châu Âu. Ukraine đã có hai mươi năm để xây dựng tiềm lực quốc gia kể từ Giác thư, và nếu họ khéo léo ngoại giao, họ sẽ có thêm 10 hoặc 20 năm nữa để xây dựng đất nước của họ.

Phân tích bước đi của các nước trên bàn cờ địa chính trị không phải để chúng ta yêu, ghét hay bày tỏ tình cảm đối với một hay vài lãnh đạo nước ngoài. Đối với tôi điều đó không có nhiều ý nghĩa. Việc phân tích nên dựa trên sự khách quan, cả về đánh giá sự kiện, nhân vật, và ngôn ngữ, nhằm đem lại hiểu biết chung về chiến lược của các nước lớn. Có được sự hiểu biết đó sẽ giúp ích rất nhiều trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam, một nước cũng bên cạnh một nước lớn. Một ý kiến có thể đúng có thể sai, nhưng hàng trăm ý kiến khách quan khác nhau cùng mổ xẻ vấn đề nó sẽ cho bạn đọc có nhiều góc nhìn khác nhau, hiểu rõ hơn và làm giàu hơn vốn hiểu biết của dân tộc. Tôi nghĩ những người mà xã hội xem mình là trí thức, tức bậc có hiểu biết hơn bình dân xã hội, nên kềm chế cảm xúc của mình và dành năng lượng cho những phân tích nghiêm túc. 

Nguyễn Huy Vũ

2/3/2025 


Posted

in

, ,

by

Tags: