Tự do biểu đạt trong giới hạn của văn hoá

Institute for International Economic Studies (IIES) là một viện nghiên cứu kinh tế có thể nói là uy tín nhất Thuỵ Điển và Bắc Âu. Ở châu Âu, IIES cùng với London School of Economics (LSE) ở Luân Đôn và Universitat Pompeu Fabra (UPF) ở Barcelona có thể nói là ba trung tâm đào tạo và nghiên cứu kinh tế hàng đầu. Một nửa số thành viên của uỷ ban trao giải Nobel về kinh tế để tưởng nhớ Nobel làm việc ở IIES.

Nơi đây, trong căn phòng rộng chừng 20 mét vuông, hàng tuần, vào mỗi thứ 3 và 5, những cuộc tranh luận nảy lửa diễn ra giữa một bên là người trình bày và một bên là khán giả. Mọi người được tự do phát biểu và thách thức lập luận cũng như phản bác đối phương. Sau những tranh luận gay gắt đó, tưởng chừng như sẽ không còn muốn gặp nhau nữa thì cuối mỗi buổi seminar, mọi người lại bắt tay nhau, cùng góp ý và trao đổi, coi như ta chưa hề có cuộc cãi nhau (gọi là cãi nhau thì đúng hơn là một cuộc tranh luận, bởi vì không khí đôi khi quá gay gắt).

Ở Stockholm, tuần nào mình cũng ghé để nghe mấy ổng rồi thỉnh thoảng cũng tự do hỏi han, góp ý. Riết rồi quen văn hoá đó.

Ngày sang làm nghiên cứu ở Oslo, trong các cuộc seminar, mình cũng hỏi và tranh luận với diễn giả. Không đến nỗi gay gắt, nhưng là phản bác lập luận của tác giả cũng như tranh cãi một cách tự do, như kiểu những ngày còn ở Stockholm. Một hôm, ông giáo sư người Nauy kêu lại nói chuyện, ổng nhắc, bên này mày không nên phát biểu tranh luận như thế. Mày có thể tranh luận kiểu như vậy ở Stockholm hay Barcelona, nhưng không nên phát biểu như vậy ở Nauy. Ở đây, không khí tranh luận là phải “be nice”, tức là hỏi những câu nhẹ nhàng, không truy gắt vấn đề, và giữ không khí vui vẻ, nhẹ nhàng. Đó là văn hoá Nauy, một nước dân chủ có truyền thống 200 năm, và là một nơi mà mức độ dân chủ và minh bạch có thể nói hàng đầu thế giới, thậm chí cao hơn cả ở Hoa Kỳ. Không có gì sai khi bạn phát biểu, vì đó là tự do ngôn luận. Trong hoàn cảnh của văn hoá Nauy, sự tự do phát biểu nên thể hiện ở sự nhẹ nhàng vừa phải. Không ai bắt bạn phải làm như thế và chính quyền cũng không phạt bạn nếu bạn thể hiện không “nice”, vì đó là sự tự do thể hiện của bạn. Tuy vậy, “be nice” là một cách để tôn trọng những người xung quanh và giữ cho họ có được một không khí thoải mái.

Nauy cũng không phải là nơi duy nhất mà sự tự do ngôn luận và thể hiện được giới hạn trong văn hoá đặc trưng của mỗi nước và mỗi trường đại học. Ở Đức hay cũng như ở Mỹ, nơi mà mình từng có thời gian làm việc, mỗi nơi họ cũng có một văn hoá thể hiện riêng. Và nếu bạn để ý kỹ hơn, quan sát cách các nền dân chủ vận hành, bạn sẽ thấy rằng sự tự do thể hiện ở mỗi nơi là riêng biệt, và nó chịu ảnh hưởng nhiều trong giới hạn của văn hoá. Sự tự do biểu đạt ở chỗ bạn có quyền thể hiện và nhà nước không cấm, nhưng công ty hay nơi công tác của bạn họ có thể đuổi bạn nếu họ cảm thấy không thoải mái với cách thể hiện của bạn. Có vô số ví dụ về việc nhân viên bị các công ty đuổi việc chỉ vì những phát biểu mà họ cho rằng không thích hợp ở Mỹ và cả châu Âu. Lẽ dĩ nhiên, trong nhiều trường hợp, các công ty không nêu đích danh lý do họ chấm dứt hợp đồng lao động với bạn chỉ bởi vì họ không thích hành vi của bạn, mà thay vào đó là một lý do khác, trông có vẻ hợp lý hơn.

Tóm lại, dĩ nhiên là bạn có quyền thể hiện những điều bạn nghĩ, nhưng những điều bạn thể hiện, dù đúng theo luật pháp, không hẳn là được những người xung quanh đồng tình. Họ có thể bảo vệ quyền bạn thể hiện, nhưng không nhất thiết là họ đồng tình với cách bạn thể hiện, thậm chí đôi khi bạn có thể gặp rắc rối với các thể hiện này, bởi những người xung quanh chứ không phải là từ các chính quyền dân chủ tôn trọng tự do ngôn luận.

Nguyễn Huy Vũ
15.11.2017


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *