Đây cũng không phải là lần đầu tiên những người dân miền Trung gánh chịu những cơn lụt, mà cùng với phá rừng và làm thủy điện, những cơn lũ ngày càng đột ngột hơn và lớn hơn.
Nói một cách giản đơn hơn thì nếu như người Nhật xây được những căn nhà chống động đất, sống yên bình và thịnh vượng, thì hẳn người Việt ở miền Trung cũng sẽ tìm được một phương cách để chống lại những cơn lũ lụt hàng năm, hay nói chi đâu xa, hãy nhìn cách những đồng bào miền Tây Nam Bộ sống bên cạnh những con nước lớn.
Vậy thì tại sao người Việt ở miền Trung lại khác?
Câu hỏi đó làm tôi nhớ đến cuộc trò chuyện với một người bạn làm ở Bộ Tài chính mà để trả lời câu hỏi đó thì nội dung chỉ quanh quẩn ở bốn từ: miếng bánh ngân sách.
Các tỉnh ở khúc ruột hẹp nhất miền Trung kinh tế èo uột, không có nhiều nguồn thu ngân sách, thu không đủ chi nên hàng năm phải nhờ trung ương chi viện. Khi không có nhiều nguồn thu ngân sách thì thu nhập của các quan cũng ít đi vì đã thu không đủ chi thì đâu dám bớt xén gì nhiều. Cái khó trong thu nhập của các quan đến lượt nó gây bao tai họa cho người dân của xứ này và cả nước.
Trước hết vì khó khăn trong thu ngân sách của địa phương ảnh hưởng trực tiếp đến phần trăm chia vào túi của các quan nên các quan ở khu vực này bằng mọi giá thu hút các doanh nghiệp đầu tư về tỉnh mình. Dự án càng lớn thì càng tốt, vì thường phần chi tỉ lệ phần trăm với dự án, bất chấp các tác động đến môi trường. Vì vậy mà biết bao dự án tai hại đã xuất hiện ở đây, từ Formosa cho đến các dự án thủy điện.
Những ai có chút hiểu biết đều thấy rằng ở khu vực này, nơi mà đồng bằng hẹp nằm sát bên cạnh núi rừng thì chỉ cần những cơn lũ bất chợt của núi rừng cũng đã đủ khiến cho dải đồng bằng hẹp nhanh chóng bị ngập lụt huống chi có sự tiếp tay xả lũ của thủy điện.
Một cách thứ hai để làm đầy túi các quan đó là vẽ các dự án và xin ngân sách trung ương. Không khó để nhận ra một điều rằng các tỉnh miền Trung này thi nhau xây dựng dự án, tượng đài trăm, nghìn tỉ. Những người có hiểu biết đều biết rằng đây chỉ là những dự án để rút ruột, mà thường các tỉnh nghèo mới trơ trẽn xin để xây và chia. Những tỉnh giàu hơn nơi mà các quan có nguồn thu kha khá, người ta đủ liêm sỹ để không ăn một cách lộ liễu như vậy. Đếm sơ sơ sẽ thấy: Ở Quảng Nam có tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng kinh phí lên tới 411 tỷ đồng nhưng nhanh chóng xuống cấp sau khi khánh thành. Ở Quảng Bình có dự án xây đường tránh lũ với 30 cây số trị giá 1000 tỷ đồng. Ở Hà Tĩnh xây quảng trường và tượng đài Mai Hắc Đế với mức kinh phí lên 106 tỉ đồng. Ở Bình Định xây tượng đài Nguyễn Sinh Sắc-Nguyễn Tất Thành với kinh phí lên đến 118 tỉ đồng…Đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm mà hầu như các tỉnh miền Trung nghèo khó đều có.
Bên cạnh vẽ dự án để kiếm chác, còn có một nguồn thu đều đặn hàng năm nữa đó là tiền hỗ trợ lũ lụt từ trung ương. Lũ lụt thì năm nào mà chẳng có và khi có lũ lụt thì trung ương phải rót tiền cứu trợ xuống địa phương. Tiền trước tiên vào ngân sách tỉnh, chi bao nhiêu, mua cái gì, hỗ trợ bao nhiêu cho dân các quan đầu tỉnh quyết định, phần còn lại thì chia phần trăm với nhau rồi hợp thức hóa giấy tờ. Oái ăm ở chổ là lũ lụt càng lớn, thiệt hại càng nhiều thì tiền ngân sách rót về địa phương càng lớn, và theo tỉ lệ thì tiền vào túi quan cũng nhiều thêm. Khi lũ lụt các phóng viên được rót vào tai các con số về thiệt hại, phóng đại gấp nhiều lần, để gây áp lực xin tiền ngân sách trung ương. Các cấp ở trung ương biết điều này không? Chắc chắn là biết, nhưng đều có phong bì cả, có qua có lại, anh rót tiền xuống tỉnh tôi thì tôi gửi lại phong bì cho anh. Cả hai đều có lợi chỉ mỗi thằng dân đen là khổ. Lấy ví dụ trong đợt lũ lụt vừa rồi, riêng tỉnh Bình Định đưa ra con số thiệt hại là 2000 tỷ đồng, và xin chính phủ xem xét hỗ trợ khắc phục hậu quả với kinh phí 500 tỷ đồng. Thủ tướng chính phủ đồng ý hỗ trợ bổ sung vỏn vẹn … 80 tỉ và 2000 tấn gạo. Trong khi đó thì Bình Định vừa mới duyệt xây tượng đài 118 tỉ đồng.
Đến đây thì độc giả đã hiểu được rằng tại sao mấy chục năm qua, lũ lụt ngày càng lớn, đồng bào thiệt hại mỗi năm ngày càng nhiều mà quan thì cứ nhơn nhơn như không phải chuyện của mình. Xem tài sản và tính mạng nhân dân như rác. Bởi vì đơn giản một điều rằng có lũ lụt thì có ăn chia, và thiệt hại càng nhiều, ngân sách rót về càng lớn, thì túi nhà quan càng đầy.
Vì vậy mà chỉ khi nào những ông quan này được nhân dân bầu chọn lên cai quản xứ mình bằng chính lá phiếu của nhân dân trong các cuộc bầu cử tự do thì mới hi vọng họ hết lòng chăm lo cho sự an vui và thịnh vượng của xứ mình. Khi nào thì dân được cầm lá phiếu bầu chọn lên những «ông đầy tớ» của mình? Tất cả đều nằm ở ý chí của mỗi công dân vì quan là thuyền, dân là nước. Nước đẩy thuyển trôi mà cũng nước sôi thuyền lật.
Nguyễn Huy Vũ
OL, 30.12.2016
Xem thêm:
“Quảng Bình: Thêm 1 dự án đường BOT ngàn tỉ khiến người đi đường ‘sốt vó’”. Báo Điện Tử Gia Đình Việt Nam. Ngày 30/6/2016. Nguồn: https://goo.gl/r2BLiW
“Hà Tĩnh: Gần 106 tỉ đồng xây dựng đền thờ, tượng đài và quảng trường Mai Hắc Đế”. Báo Bình Định. Ngày: 19/2/2016. Nguồn: https://goo.gl/iYN5xM
“Chính phủ hỗ trợ 260 tỷ đồng khắc phục thiệt hại bão lũ”. VNExpress. Ngày: 21/10/2016. Nguồn. https://goo.gl/qIbpgk
“Thủ tướng quyết định hỗ trợ Bình Định 80 tỉ đồng và 2.000 tấn gạo” Dân Trí. Ngày: 21/12/2016. Nguồn: https://goo.gl/MeQLg2
“Bình Định: 80 tỷ đồng chống lũ, 118 tỷ đồng xây tượng đài” VOA Tiếng Việt. Ngày: 22/12/2016. Nguồn: https://goo.gl/m9MocZ
“Tượng đài mẹ Việt Nam 411 tỷ đồng ở Quảng Nam”. VNExpress. Ngày 14/3/2015. Nguồn: https://goo.gl/uzcv77
Leave a Reply