Nếu hỏi những người lao động bình dị, những người đã sống đủ lâu để có những trải nghiệm về xã hội, hẳn bạn sẽ nghe được những vất vả và những khát khao mong muốn một sự đổi thay của đất nước. Sự đổi thay đó trước hết cho mình và gia đình mình: một ước mơ giản dị rằng ở đó có một cuộc sống đỡ cơ cực hơn và một tương lai tốt đẹp hơn cho những đứa con, đứa cháu.
Đứng trước những khó khăn to lớn của đất nước vốn vượt quá khả năng giải quyết của một cá nhân, dường như nhiều người Việt tất cả đã buông xuôi và cầu mong một phép lạ. Chính vì cầu mong một phép lạ mà nhiều người mong muốn sự xuất hiện một nhà độc tài mới, được gán cho cái tên mỹ miều: minh chủ hay tổng thống, đứng ra giải quyết những khó khăn to lớn vượt quá khả năng của một người.
Nhưng một nhà độc tài hiếm khi trở thành một minh chủ trừ khi ông ta bị kiểm soát bởi những thế lực mong muốn một điều tiến bộ.
Tâm lý của người Việt hiện nay không phải là một điều khác thường, mà đúng hơn đó là tâm lý bình thường của một xã hội khi mà đám đông, dù với một trình độ hiểu biết và tổ chức khá cao, cảm thấy bất lực trước thực tại. Tâm lý người Việt hôm nay không khác mấy tâm lý của người Đức sau Thế chiến Thế giới lần thứ nhất, khi mà sự thất vọng với hiện trạng xã hội đã đẩy đưa một thể chế dân chủ non trẻ thành một chế độ toàn trị được lãnh đạo bởi một nhà độc tài với những hứa hẹn mang lại những vinh quang cho đất nước Đức để rồi cuối cùng chỉ còn lại là thất vọng và đắng cay.
NƯỚC ĐỨC
Cuối thế kỷ 19 Đức là một trong những nước có trình độ văn hóa rất cao với hệ thống giáo dục đứng hàng đầu thế giới. Những trường đại học định hướng nghiên cứu của Đức đã sản sinh ra hàng loạt các nhà khoa học lừng danh thế giới. Những tên tuổi quan trọng phải kể đến là Karl Benz, người phát minh ra động cơ chạy xăng; Wilhelm Conrad Rontgen, người phát minh ra tia X; Heinrich Hertz, phát minh ra sự tồn tại của sóng từ; Rudolf Diesel, phát minh ra động cơ đốt trong; Paul Ehrlich, chế xuất ra thuốc chữa giang mai; và nhà vật lý nổi tiếng Albert Einstein. Đó là lý do mà nhiều học giả Mỹ đã sang Đức để học hỏi trong suốt thời gian này.
Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 1, lượng sinh viên nhập học vào các trường đại học ở Đức tăng vọt. Chính phủ cung cấp các gói học bổng cho phép các sinh viên nghèo học giỏi các học bổng hậu hĩnh để theo đuổi các chương trình học. Học bổng thường bao gồm miễn học phí, sách vở, và các chi phí tiêu dùng cá nhân.
Nhưng một xã hội có văn hóa cao như Đức vẫn phải chịu đựng một tâm lý vô vọng trước các diễn biến của khủng hoảng kinh tế và chính trị sau Thế chiến Thế giới lần thứ nhất để cuối cùng đẩy nền dân chủ thành một chế độ độc tài.
Thất bại trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, tin ở người Mỹ, người Đức bước vào thương lượng các điều khoản cho một hòa ước. Nhưng khác người Mỹ, các đồng minh Anh và Pháp sau đó áp đặt các khoản bồi thường chiến phí mang tính trừng phạt vượt quá khả năng chi trả của nước Đức. Nhục nhã và cảm thấy phản bội, các tướng lãnh hàng đầu của Đức không ký và từ chức. Cuối cùng một nhân viên dân sự ký và sau đó bị ám sát. Vì lẽ đó mà chính quyền dân chủ Weimar hứng chịu những sự phản đối làm yếu đi tính chính danh sau đó.
Dưới những điều khoản bồi thường chiến phí ngặt nghèo cùng các chính sách kinh tế sai lầm, nước Đức sau chiến tranh bước vào một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Khoảng 90% ngân sách của chính phủ Đức được dành để trang trải cho các chương trình xã hội, hệ thống hành chính rườm rà, và các doanh nghiệp quốc doanh chỉ làm ăn thua lỗ.
Để bù đắp ngân sách, Ngân hàng Trung ương Đức in tiền để chi trả, dẫn đến lạm phát tăng vọt. Tại thời điểm khủng hoảng 1923, chỉ 1.3% ngân sách của chính phủ Đức là từ tiền thuế. Kết quả là lạm phát tăng 100 tỉ lần chỉ trong 5 năm.
Lạm phát tăng quá nhanh khiến các hoạt động sản xuất đều ngưng trệ. Ngân hàng phá sản. Nông dân không bán nông sản. Các chủ đất đưa ra các điều kiện để bù đắp lạm phát làm nản lòng các nhà đầu tư xây dựng địa ốc. Các thành phố chịu lỗ, mượn tiền nước ngoài để xây nhà bán cho dân.
Cùng với đó là mức thuế xuất nhập khẩu của châu Âu tăng gấp 8 lần so với lúc trước chiến tranh khiến các công ty Đức trở nên khó xuất khẩu.
Khủng hoảng cũng khiến các hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu khoa học, duy trì các bảo tàng và thư viện ngừng lại.
Cuối cùng Đức tuyên bố không có khả năng trả nợ.
Tháng 1/1923 Pháp gửi quân đội vào Ruhr nơi có nhiều xưởng công nghiệp với mục tiêu thu hồi chiến phí. Chính phủ Đức âm thầm tài trợ cho các hoạt động chống Pháp khiến ngân sách càng thêm thâm hụt.
Khủng hoảng ở Đức là chất xúc tác cho sự lớn mạnh của đảng Quốc xã Đức (Nazi) mà Adolf Hitler là một thành viên. Đảng Quốc xã Đức theo khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc, xã hội chủ nghĩa, bài Do Thái và bài chế độ tư bản. Bằng khả năng diễn thuyết của mình, Hitler đã thu hút được gần 50 ngàn thành viên mới trong khoảng thời gian này. Tháng 11, 1923 Hitler thực hiện cuộc đảo chính nhưng thất bại; ở tù, ông viết tác phẩm Mein Kampf, sau trở thành tài liệu tuyên truyền của đảng Quốc Xã Đức.
Cuối những năm 1920s, kinh tế Đức dần hồi phục kéo theo sự suy giảm ủng hộ dành cho Đảng Quốc xã. Trong cuộc bầu cử quốc hội Đức (Reichstag) đảng Quốc xã chỉ chiếm 2.6%.
Bức tranh chính trị của nước Đức sẽ diễn ra yên bình và đảng Quốc xã sẽ mãi chỉ là một đảng không đáng kể nếu tiếp sau đó không diễn ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn.
Cuộc khủng hoảng kinh tế này có nguyên nhân từ những chính sách sai lầm, và dưới ảnh hưởng của cuộc Đại Suy Thoái 1929-1939 đang diễn ra trên toàn thế giới khiến nền kinh tế Đức lâm vào cảnh bi đát hơn. Đối diện với thiểu phát khi giá cả hàng hóa giảm, chính quyền thực hiện những chính sách khiến ảnh hưởng càng thêm trầm trọng. Bằng việc cố định giá hàng hóa và lương bổng của công nhân, người tiêu dùng không dám chi tiêu vì giá hàng hóa trở nên quá đắt so với mức giá thực ở thị trường; bên cạnh đó, lương quá cao khiến công ty không dám thu dụng thêm nhân công. Đối diện với thâm hụt ngân sách chính phủ Đức tăng thuế. Tăng thuế ngược lại khiến mức tiêu dùng của dân chúng giảm xuống. Các công ty Đức khi xuất khẩu cũng bị hạn chế do tiền thanh toán bị kiểm soát chặt bởi hệ thống kiểm soát hối đoái. Các ngân hàng Đức cũng đã khánh kiệt và chưa kịp phục hồi sau cuộc khủng hoảng trước đây.
Khủng hoảng là một cơ hội vàng cho Hitler. Ông liên tục diễn thuyết và tuyên truyền khắp nước Đức. Số thành viên nhanh chóng tăng lên cùng với sự ủng hộ. Bên cạnh đó, để đàn áp đối lập Hitler cho thành lập hai đội bán quân sự S.A. và S.S. chuyên đi tấn công các đối thủ chính trị của đảng Quốc xã. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, đảng Quốc xã nhanh chóng trở thành đảng chính trị lớn nhất Đức và đến 30/1/1933 Hitler trở thành thủ tướng nước Đức.
Để củng cố quyền lực, ngày 23/3/1933 khi Quốc hội Đức nhóm họp ở nhà hát Kroll Opera House, chính quyền Hitler đề xuất luật Thông qua (Enabling Act) nhằm cho phép nội các chính phủ trong vòng 4 năm được thông qua các luật mà không phải nhận sự chuẩn thuận của quốc hội – một luật được coi là vi phạm Hiến Pháp và cần 2/3 số phiếu bầu, trong khi đảng Quốc xã chỉ chiếm 43.9% số ghế của Quốc hội. Luật sau đó được thông qua cho phép Hitler và đồng minh toàn quyền kiểm soát hành pháp và lập pháp. Việc nắm giữ toàn bộ quyền lực cho phép chính quyền Hitler sau đó trở thành một chính quyền độc tài hợp pháp.
Sự lớn mạnh và tiếm quyền của đảng Quốc xã Đức diễn ra nhanh chóng đến nỗi khi nhiều người kịp nhận ra thì đã quá muộn.
HÀN QUỐC
Sẽ có những hi vọng về sự xuất hiện của những nhà độc tài sáng suốt. Nhưng trước khi đặt một hi vọng, hãy tìm hiểu nguyên nhân nào tạo ra những nhà độc tài được gọi là sáng suốt. Hãy thử tìm hiểu trường hợp của Phác Chính Hy của Hàn Quốc và Lý Quang Diệu của Singapore, những người đã đặt nền móng cho sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc và Singapore.
Ngày 25/4/1960 tổng thống Hàn Quốc Syngman Rhee, dưới áp lực của phong trào sinh viên 19/4, bị buộc phải rời khỏi văn phòng và đi tị nạn. Chính phủ dân chủ mới của Hàn Quốc hình thành ngày 13/8/1960 với tổng thống Yun Bo-seon chỉ đóng vai trò tượng trưng, quyền hành nằm ở thủ tướng Chang Myon. Sau đó xuất hiện bất đồng giữa tổng thống và thủ tướng khi không ai nhận được sự ủng hộ đa số từ đảng Dân Chủ khiến nội các chính phủ thay đổi liên tục.
Hàn Quốc lúc này lâm vào khủng hoảng do một thập kỷ nằm dưới sự cai trị tồi dở và tham nhũng của triều đại tổng thổng Rhee. Luật pháp và trật tự xã hội không còn được duy trì do hệ thống cảnh sát đã bị tha hóa và mất niềm tin từ xã hội.
Đối diện với hiện thực bất ổn và chia rẽ xã hội, tướng Phác Chính Hy lập ra Ủy Ban Cách Mạng Quân Đội (Military Revolutionary Committee) và thực hiện cuộc đảo chính ngày 16/5/1961 với danh nghĩa được dẫn đầu bởi tướng Chang Do-yong, tổng tham mưu trưởng vừa đào tẩu. Ủy Ban Tối Cao Tái Thiết Quốc Gia (Supreme Council for National Reconstruction) sau đó được lập ra để quản lý đất nước về danh nghĩa đứng đầu bởi tướng Chang. Nhưng khi tướng Chang bị bắt vào tháng 7/1961 thì tất cả quyền hành thuộc về Phác Chính Hy.
Đáng chú ý là cuộc đảo chính nhận được đa số sự ủng hộ của người dân vốn chán ngán với bất ổn chính trị. Mặc dù ban đầu thủ tướng Chang và tổng tư lệnh quân đội Mỹ ở Hàn Quốc Carter Magruder phản đối cuộc đảo chính, nhưng tình hình sau đó được dàn xếp khi tổng thống Yun đứng về phe đảo chính nhằm thuyết phục giới chức quân đội và các tướng lãnh trong quân lực Hàn Quốc cho sự hợp thức của cuộc đảo chính. Để đổi lại, tổng thống Yun tiếp tục tại vị ở vị trí tổng thống và tạo cho phe quân đội một sự chính danh. Ngày 19/6/1961 quân đội sau đó dưới quyền Phác Chính Hy cho thành lập Ủy Ban Tình Báo Hàn Quốc (Korea Central Intelligence Agency) nhằm chống đảo chính và đàn áp các lực lượng đối lập. Đến ngày 24/3/1962 khi tổng thống Yun từ chức thì tướng Phác Chính Hy trở thành quyền tổng thống bên cạnh là chủ tịch Ủy Ban Tối Cao Kiến Thiến Quốc Gia và duy trì chế độ quân quản cho đến khi dưới áp lực của chính quyền Kennedy Phác Chính Hy mới cho lập lại một chế độ dân sự.
SINGAPORE
Ở Singapore, đảng Nhân dân Hành động (People Action Party, gọi tắt là PAP) được thành lập năm 1954 là một kết hợp giữa các lãnh đạo công đoàn cánh tả và nhóm chuyên gia được đào tạo từ Anh. Cả hai đều đứng chung dưới một ngọn cờ là chống thực dân Anh và đòi độc lập cho thuộc địa. Nếu như động lực chống thực dân Anh của các lãnh đạo cánh tả là rõ ràng thì động cơ đó có vẻ ngược lại với nhóm chuyên gia, những người đang được hưởng lợi từ những đặc quyền mà chính quyền thuộc địa Anh dành cho giai cấp trí thức bản xứ. Tuy vậy, việc từ bỏ những đặc quyền và chọn lựa đứng về phía nhân dân giúp nhóm chuyên gia nhận được tính chính danh và sự ủng hộ của quần chúng. Vấn đề còn lại là cách tổ chức quần chúng. Việc liên kết với các lãnh đạo nghiệp đoàn cánh tả giúp nhóm chuyên gia nhanh chóng thiết lập được một kênh tương tác và vận động với giới bình dân.
Đối với các lãnh đạo nghiệp đoàn, đối mặt với tình trạng bị đàn áp và sắp bị chính quyền thuộc địa Anh đặt ra ngoài vòng pháp luật vì các hoạt động cổ vũ cho chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, việc liên minh với nhóm trí thức Anh học được kì vọng như là tấm bình phong đứng đắn, ôn hòa cho các hoạt động chính trị của họ cũng như thu hút được các tầng lớp trí thức khác. Đây là một cuộc hôn phối mà mỗi bên có những mục tiêu riêng.
Năm 1959, trong cuộc tổng tuyển cử nhằm bầu ra một chính quyền bản xứ có quyền tự trị (với nhiều quyền, dù ngoại giao và quốc phòng vẫn nằm trong tay người Anh), PAP đã tranh cử tất cả các ghế và dành 43 trên 51 ghế. Lý Quang Diệu, một luật sư, người đứng đầu nhóm chuyên gia và là sáng lập đảng PAP, được đề cử làm thủ tướng sau khi các thành viên cánh tả vốn bị bắt từ trước đó được thả ra.
Tuy vậy, các bất đồng giữa hai nhóm nhanh chóng nổ ra khi tình trạng đàn áp các hoạt động của các phong trào cánh tả liên tục tiếp diễn. Dưới luật Nội an của Hội đồng Nội an (Internal Security Council) chính phủ được quyền bắt giữ không xét xử các nhà hoạt động được cho là làm mất ổn định Singapore. Luật này được thực hiện chủ yếu nhằm bắt giữ các nhân vật chính trị đối lập cánh tả. Bất đồng giữa hai nhóm cuối cùng dẫn đến các lãnh đạo nghiệp đoàn cánh tả ly khai và lập nên một đảng cánh tả mới Barisan Sosialis. Lý Quang Diệu vẫn tiếp tục nắm quyền đảng PAP.
Cuộc trưng cầu dân ý để sát nhập Singapore vào liên bang Malaysia năm 1962 giúp PAP tăng cường vị trí thống lĩnh chính trị của mình. Tiếp đó, tháng 2/1963 Singapore thực hiện một chiến dịch có tên Operation Cold Store bắt giữ hơn 100 nhân vật hoạt động cánh tả nổi tiếng. Chiến dịch được thực hiện bởi Hội đồng Nội an có 7 phiếu trong đó gồm 3 phiếu từ Singapore, 3 phiếu từ các đại diện người Anh, và 1 phiếu quyết định từ chính quyền Malaysia, do đó Lý Quang Diệu đã tránh được các trách nhiệm của mình.
Ngay sau vụ bắt giữ, PAP tổ chức một cuộc bầu cử đột xuất và nhận được 46.9% số phiếu, tương đương 37 ghế, còn Barisan Sosialis nhận được 33.3% số phiếu, tương đương 13 ghế. Tuy nhiên khi nhậm chức, các dân biểu Barisan Sosialis phần bỏ trốn, phần bị bắt, và phần còn lại từ chức, cuối cùng chính trường Singapore thống lĩnh bởi PAP.
Quân đội Anh hiện diện ở Singapore đóng vai trò như một bảo đảm an ninh cho tới cuối năm 1971.
****
Các ví dụ trên cho thấy một điểm chung rằng giữa các thời khắc tao loạn của đất nước khi mà dân chúng mất niềm tin các lãnh tụ sẽ xuất hiện. Điểm khác biệt đó là trừ khi các lãnh tụ bị kềm chế, còn không cuối cùng sẽ có xu hướng diễn ra một bi kịch cho đất nước. Khi không còn ai có thể kềm chế được mình, Hitler và các đồng minh đã đưa nước Đức vào họa diệt chủng và Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Ngược lại, ở Hàn Quốc và Singapore, các lãnh tụ chịu sự kềm chế của Mỹ và Anh. Vị trí của Phác Chính Hy hẳn đã nhận được một sự đồng ý của người Mỹ, và chừng nào sự cai trị của Phác Chính Hy còn nhận được sự ủng hộ của dân chúng và Hàn Quốc tiếp tục là một đồng mình chống Cộng thì vai trò của Phác Chính Hy tiếp tục nhận được sự ủng hộ. Ngược lại, số phận của Phác Chính Hy sẽ không khác xa số phận của anh em tổng thống Ngô Đình Diệm.
Ở Singapore, vị trí của Lý Quang Diệu được bảo hộ ngầm bởi người Anh. Sự hiện diện của quân đội Anh ở Singapore được duy trì cho tới cuối năm 1971, và ra đi chỉ vì người Anh thấy không cần phải hiện diện ở Singapore nữa. Cả hai, Lý Quang Diệu và người Anh, đều có chung một mục tiêu là ngăn ngừa sự lớn mạnh của cộng sản. Nhưng Singapore còn cần người Anh hơn, vì sự hiện diện của quân đội Anh là một bảo vệ cho Singapore trước các đe dọa từ Malaysia, đồng thời cung cấp các công ăn việc làm cho người địa phương vốn đóng góp tới 20% tổng sản lượng quốc gia lúc bấy giờ. Do đó, các hành động của Lý Quang Diệu một cách không chính thức chịu sự ảnh hưởng của người Anh.
Tuy vậy, trong cả hai trường hợp trên, Phác Chính Hy và Lý Quang Diệu vẫn để lại một di sản ít nhiều gây tranh cãi khi các hồ sơ về đàn áp đối lập vẫn còn đó.
Ở Việt Nam, khi thiếu các kềm chế cần thiết, sự xuất hiện của những nhà độc tài kiểu mới do đó sẽ có khuynh hướng trở thành những nhà lãnh đạo độc đoán và làm lụn bại đất nước nhiều hơn là trở thành một minh chủ dẫn đất nước ra khỏi đường hầm của bóng tối.
Có một điều khó hơn nhưng chắc chắn những người Việt muốn có một tương lai mới phải làm đó là nghĩ nhiều hơn về việc hình thành các đảng phái chính trị bao dung và có trí tuệ, thay vì chờ đợi một minh quân. Một việc làm khó, nhưng không phải là không thể, vì nếu các nước láng giềng đã làm được thì tại sao Việt Nam lại không?
Nguyễn Huy Vũ
Ngày cuối năm 2015.
Tham khảo chính:
(1) Jim Powell. How dictators come to power in a democracy. Forbes, 5/2/2013. http://www.forbes.com/sites/jimpowe…
(2) Nguyễn Huy Vũ & Nguyễn Minh Thọ. Đảng PAP và Chính trị Singapore. Thời Đại Mới, số 14, 7/2008. http://www.tapchithoidai.org/ThoiDa…
———————–
Tham khảo chính:
(1) Jim Powell. How dictators come to power in a democracy. Forbes, 5/2/2013. http://www.forbes.com/sites/jimpowe…
(2) Nguyễn Huy Vũ & Nguyễn Minh Thọ. Đảng PAP và Chính trị Singapore. Thời Đại Mới, số 14, 7/2008. http://www.tapchithoidai.org/ThoiDa…
Leave a Reply