Tiếng Anh của Singapore và Bài học cho Việt Nam

Sinh thời, trong một lần được phỏng vấn, khi được hỏi ông đã mang lại điều gì cho những người dân Singapore, cựu thủ tướng Lý Quang Diệu không nghĩ mà đáp rằng «tôi cho họ được học hành». Và nếu có dịp phỏng vấn những người đứng dưới mưa, xếp thành hàng dài tiễn ông đi ngày ông mất, chắc hẳn sẽ nhận được câu trả lời tương tự, thậm chí còn hơn.

Một góc trường Đại học Kỹ thuật Nanyang

Singapore là một ví dụ để cho thấy rằng sự chọn lựa trong chính sách của người lãnh đạo không những làm thay đổi văn hóa và suy nghĩ của một lớp người mà còn ảnh hưởng đến vận mệnh và tương lai của một quốc gia, dân tộc.


Khi bị đẩy ra khỏi liên bang Malaysia và buộc trở thành một quốc gia độc lập, Singapore đứng giữa những ngổn ngang của chọn lựa các chính sách, mà một trong các số đó là chọn cho mình một ngôn ngữ chính thức. Cho đến lúc này, Singapore là vùng đất của những người nhập cư, với đủ các tộc người, người Hoa, người Ấn, người Malay, người Anh,…, mà trong đó người Hoa là thành phần chiếm đa số. Đứng giữa hai lựa chọn tiếng Hoa và tiếng Anh, chính phủ đầu tiên của Singapore đã chọn tiếng Anh vì lý do đơn giản rằng đó là ngôn ngữ của giao thương và tri thức. Chỉ bằng cách duy trì tiếng Anh và một hệ thống luật lệ, hệ thống chính trị kiểu Anh – mà sự thành công đã được kiểm nghiệm – Singapore đã có thể đặt những nền móng vững chắc cho sự tồn tại của một quốc gia non trẻ. Những chính sách sau đó từ giáo dục, quốc phòng, ngoại giao, thương mại đều là những tham khảo và áp dụng từ các nước Anh, Hoa Kỳ, Israel, Thụy Sỹ, và Hà Lan. Và Singapore thành công như ngày hôm nay là nhờ ở sự liên tục cải tiến và học hỏi, mà có được điều đó phần lớn là nhờ ở người Singapore thạo tiếng Anh. Nhờ có thạo tiếng Anh và chăm chỉ mà họ cập nhật được những tri thức mới một cách dễ dàng và buôn bán một cách tự tin với phần còn lại của thế giới.

Không phải là không có chống đối khi chính phủ chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức và bắt buộc làm ngôn ngữ giảng dạy chính thức ở các cấp học. Phản ứng đầu tiên dĩ nhiên đến từ cộng đồng người Hoa với các trí thức. Ngay khi Singapore độc lập, những đại diện của Phòng Thương Mại Hoa Kiều ở Singapore đến văn phòng của Lý Quang Diệu đề nghị ông chọn tiếng Hoa làm ngôn ngữ quốc gia và ngôn ngữ hành chính. Đáp lại là một cái lắc đầu và trừng mắt cùng lời đe dọa sẽ đập tan những kế hoạch như vậy.

Giới trí thức người Hoa, mà nhiều trong số họ thiên tả, chịu sự ảnh hưởng của Trung Cộng, mang trong mình mầm mống chống lại sự cai trị của chính phủ Lý Quang Diệu – một chính phủ thân phương Tây và chống cộng sản kịch liệt. Họ tập trung chủ yếu ở trường Đại học Nam Dương (Nanyang University), một trường đại học được dựng lên bởi các nghiệp đoàn người Hoa. Đại học Nam Dương ban đầu, do đó, dạy chủ yếu bằng tiếng Hoa.

Ngay khi Singapore độc lập, những gia đình người Hoa nghĩ rằng, giờ đây, sau khi độc lập khỏi liên bang Malaysia, đã đến lúc cho con em mình học bằng tiếng Hoa. Số lượng sinh viên vào đại học học bằng tiếng Hoa tăng nhanh chóng, phải hơn một nửa lượng sinh viên.

Chính phủ Lý Quang Diệu, vốn phải chiều lòng cộng đồng người Hoa để lấy phiếu trong các kỳ bầu cử, buộc phải ngó lơ, cho phép duy trì trường đại học dạy bằng tiếng Hoa. Song song đó là củng cố và hỗ trợ các cơ sở dạy bằng tiếng Anh khác. Những sinh viên ra trường, chỉ nói tiếng Hoa, không thạo tiếng Anh trở nên khó xin được việc. Điều đó dẫn đến một hiện tượng là các học sinh giỏi bắt đầu chuyển sang đầu quân vào các trường dạy tiếng Anh vốn được chính phủ hỗ trợ nhiều hơn để ra trường dễ xin được việc làm. Đến năm 1978 thì trường Đại học Nam Dương đứng trên bờ vực của sự phá sản khi các sinh viên ra trường hầu như không thể kiếm được việc làm, vì nó không còn là nơi đào tạo những sinh viên xuất sắc và họ cũng chỉ thạo được tiếng Hoa trong một môi trường đòi hỏi phải dùng tiếng Anh.

Thị trường cuối cùng bắt trường Đại học Nam Dương chuyển sang dạy bằng tiếng Anh. Tuy vậy, các giáo sư đại học, vốn xưa lấy bằng chủ yếu từ Hoa Kỳ, sau một quãng thời gian không dùng tiếng Anh, giờ khả năng tiếng Anh không còn lưu loát nữa. Cuối cùng, chính phủ quyết định nhập trường đại học Nam Dương vào hệ thống trường Đại học Quốc gia Singapore (National University of Singapore).

Cho đến nay, hệ thống giáo dục của Singapore là một sự sao chép lại từ Anh cho hệ thống giáo dục của bậc phổ thông và từ Mỹ cho bậc giáo dục đại học. Sự sao chép đó không chỉ dừng lại ở các giáo trình được dạy và cách thức nghiên cứu mà ngay cả ở các tổ chức sinh viên và các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên. Ở bậc phổ thông trung học, kỳ thi trước khi vào đại học ở Singapore được gọi là kỳ thi Singapore-Cambridge GCE Advanced Level. Đây là một kỳ thi được tổ chức bởi sự hợp tác của Bộ Giáo Dục Singapore và Ủy ban Thi cử Đại học Cambridge (the University of Cambridge Local Examinations Syndicate — UCLES). Chính nhờ một sự hợp tác như vậy mà kết quả của kỳ thi được công nhận trên toàn thế giới và giúp các sinh viên Singapore dễ dàng theo đuổi các chương trình đại học ở các trường đại học khắp nơi trên thế giới.

Cũng không chỉ có kỳ thi GCE A-level với sự hỗ trợ và giúp sức của Đại học Cambridge, sự thành công của hệ thống giáo dục Singapore và sự thành công của các trường đại học Singapore là sự thành công có được mà ở đó có sự đóng góp vô cùng to lớn bởi sự hợp tác với các trường đại học danh tiếng thế giới. Trong đó phải kể đến viện y khoa DUKE-NUS, trường chính sách công Lý Quang Diệu hợp tác với Đại học Harvard, Liên minh Singapore-MIT cung cấp các chương trình nghiên cứu giảng dạy chung bậc sau đại học giữa đại học MIT của Hoa Kỳ với hai trường đại học hàng đầu của Singapore là Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Công nghệ Nam Dương (NTU), sự hợp tác giữa trường đại học Johns Hopkins của Hoa Kỳ và National Heathcare Group của Singapore, ngoài ra còn có nhiều các chương trình hợp tác khác giữa các khoa, viện giáo dục giữa Singapore và hai nước Anh, Hoa Kỳ.

Những sự thành công đó, khi nhìn lại, có được nhờ ở việc chính phủ Singapore chấp thuận việc sử dụng một hệ thống giáo dục theo mô hình Anh-Mỹ và dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy.

Nhìn lại Việt Nam, khi những lãnh đạo Bộ Giáo Dục đề xướng dạy tiếng Hoa vào cấp tiểu học, có vài điều cần nói.

Thứ nhất, lẽ dĩ nhiên biết thêm một ngôn ngữ sẽ giúp một người hiểu hơn về một nền văn hóa. Trung Quốc có một nền văn hóa giàu có, vừa là một láng giếng và một cường quốc về kinh tế thế giới, việc thạo tiếng Hoa sẽ có nhiều ích lợi.

Tuy vậy, với những học sinh cấp tiểu học vốn đã học nhiều thứ quá tải, việc nhồi nhét thêm một môn học về ngôn ngữ sẽ chẳng giúp gì nhiều cho các học sinh trong việc tiếp thu kiến thức mới.

Thứ hai, bất cứ một học sinh nào cũng chỉ có một lượng thời gian cố định để học tập. Khi bắt học sinh học thêm tiếng Hoa, đồng nghĩa với việc học sinh sẽ bị lấy mất thời gian học ở môn khác. Có thể rằng trong một tương lai trước mặt, mối quan hệ kinh tế của Việt Nam với Trung Quốc ngày một tăng lên. Tuy vậy, trong một tương lai thấy được, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ của tri thức và thương mại. Hầu như tất cả các nghiên cứu học thuật danh giá và các viện nghiên cứu hàng đầu đều dùng tiếng Anh làm phương tiện. Ngay cả ở châu Âu, các cấp học từ sau đại học trở lên giờ đây đều bắt đầu chuyển sang dùng tiếng Anh. Việc sở hữu một khả năng tiếng Anh lưu loát cho phép học sinh tiếp cận được một kho kiến thức khổng lồ của nhân loại, điều mà tiếng Hoa hay bất cứ thứ tiếng nào khác đều không thể có được.

Thứ ba, khi một đất nước mà người dân ai cũng sử dụng thạo tiếng Anh, việc tiếp cận với văn minh thế giới không chỉ làm giàu văn hóa và sự hiểu biết của mỗi người dân, mà nó còn trở thành một văn hóa của đất nước. Đất nước đó sẽ cởi mở và hiểu biết hơn trong mắt các du khách và người dân thế giới. Và tiếp theo, nó sẽ là điểm đến của các công ty và tập đoàn trong việc tìm kiếm một cơ hội đầu tư.

Thứ tư, ngân sách chính phủ là một nguồn lực có hạn. Khoản tiền đầu tư cho việc đào tạo các giáo viên và các chi phí trong việc duy trì các chương trình tiếng Hoa có thể dùng vào các chương trình khác có hiệu quả hơn. Sẽ có ích hơn khi dành số tiền này vào việc cải tạo các chương trình tiếng Anh nhằm làm cho những học sinh Việt Nam đạt được một khả năng lưu loát, thay vì tình trạng học sinh học hết phổ thông không thể dùng được tiếng Anh như hiện nay.

Và cuối cùng, dưới đây là những đề xuất về chính sách liên quan đến ngôn ngữ:

Một, hãy đưa ra một sách lược lấy tiếng Anh dùng làm ngôn ngữ thứ hai (second language), chứ không phải ngôn ngữ nước ngoài (foreign language) như hiện nay. Vì những ích lợi của nó khi giúp người dùng nhanh chóng nắm bắt được kiến thức khoa học thế giới và mở ra các cơ hội đầu tư giao thương.

Hai, hãy sửa đổi lại cách dạy tiếng Anh. Có rất nhiều ví dụ để tham khảo, gần nhất là Singapore, và xa hơn là các nước Bắc Âu.

Ba, hãy khuyến khích và ủng hộ các đài truyền hình dùng nhiều các chương trình hoạt hình và giải trí bằng tiếng Anh kèm phụ đề tiếng Việt, nhất là các chương trình dành cho trẻ em. Hãy để trẻ em làm quen với tiếng Anh. Cách làm này vừa tiết kiệm được cho các đài truyền hình trong việc biên dịch mà còn giúp trẻ em nhanh chóng làm quen với một ngôn ngữ mới. Nhờ xem truyền hình tiếng Anh mỗi ngày như vậy từ bé mà người dân Bắc Âu ai cũng dùng sõi tiếng Anh.

Bốn, Việt Nam may mắn có một cộng đồng người Việt hải ngoại rộng lớn ở các nước nói tiếng Anh như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Anh. Hãy tạo điều kiện để các bạn trẻ ở các cộng đồng này về Việt Nam tham gia các chương trình dạy tiếng Anh ở các trường phổ thông, mỗi bạn sẽ dạy vài tháng trong một năm chẳng hạn, bù lại là chính phủ có thể trả các khoản hỗ trợ tượng trưng cho các bạn.

Năm, nên có một lộ trình để bắt buộc các trường đại học dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ để giảng dạy. Một lộ trình như vậy có thể được thực hiện trong 5 năm chẳng hạn. Những trường nào thực hiện trước sẽ có được những hỗ trợ về tài chính nhằm khuyến khích việc chuyển đổi nhanh chóng. Song song đó là những chi phí hỗ trợ kiếm việc làm mới cho các giảng viên không thể giảng dạy bằng tiếng Anh, và việc nâng mức lương cho các giảng viên mới. Những sinh viên thi tuyển đầu vào bắt buộc trải qua một vòng thi tiếng Anh. Nếu trình độ tiếng Anh kém, sinh viên buộc phải học một chương trình dự bị khoảng 6 tháng đến 1 năm trước khi bắt đầu vào chương trình chính thức. Đây không hẳn là một đề xuất mới, mà nó đã được thực hiện khá thành công bởi các trường đại học tư như Đại học FPT. Chính vì vậy nên nó cần được nhân rộng để tất cả các sinh viên khác đều có cơ hội được hưởng.

Sáu, biết tiếng Hoa là một lợi thế. Nó sẽ giúp người Việt biết thêm về văn hóa Trung Quốc, văn hóa cổ Việt Nam và hỗ trợ trong các giao dịch thương mại với người Hoa. Chính vì vậy, ở các cấp đại học chính phủ nên đưa tiếng Hoa thành một môn học mà sinh viên được lựa chọn, bên cạnh các môn khác như chính trị, triết học, hay kinh tế.

***

Sự thành công của một đất nước trước hết bắt nguồn từ sự thành công của một nền giáo dục. Chính vì vậy, trách nhiệm của những người làm giáo dục không chỉ gói gọn trong việc cải sửa những chương trình học, mà đó là đào tạo những tinh hoa để kiến tạo tương lai.

OL, 25.9.2016


Posted

in

, ,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *