Chuyện bầu cử xứ Singapore

Hôm nay đọc báo thấy Bộ trưởng Giáo dục Singapore Ong Ye Kung, người được cho sẽ là thế hệ lãnh đạo thứ 4 của Singapore, sau Lý Quang Diệu, Ngô Tác Đống, và Lý Hiển Long, cho rằng hệ thống đa đảng có thể phá hủy Singapore, nên tôi xin chia sẻ với các bạn đôi dòng về chuyện bầu cử xứ Singapore rằng tại sao đảng Nhân dân Hành động (PAP) dễ dàng cầm quyền Singapore lâu như vậy và đối lập Singapore thì không lớn nổi. 

                                   
       

Cũng như nói công khai về chính trị ở Việt Nam, tham gia chính trị đối lập ở Singapore là một việc làm khá can đảm của một số người dân Singapore, họ phải chấp nhận các rủi ro cho việc tham gia đối lập. Một số những cá nhân đối lập chính trị trong quá khứ đã bị dính các án tù, phá sản và vài người phải bỏ xứ ly hương.

Hệ thống bầu cử của Singapore dành ưu thế rất rõ cho đảng lớn, ở đây là Đảng Nhân Dân Hành Động, khiến các đảng nhỏ rất khó phát triển.

Các khu vực tranh cử của Singapore chia ra làm hai loại: một là khu vực tranh cử chỉ có một ghế mà họ gọi là Singapore Member Constituency (SMC) và hai là khu vực tranh cử nhiều ghế mà họ gọi là Group Representation Constituency (GRC). Nếu như SMC chỉ có một ghế thì mỗi GRC sẽ có từ 4 đến 6 ghế. Họ tranh cử theo nguyên tắc ngựa chạy về nhất cho cả SMC và GRC. Điều đó có nghĩa là đối với mỗi SMC hay GRC, mỗi đảng sẽ cử ra một hay một nhóm ứng cử viên cho khu vực bầu cử, và đảng nào có nhiều phiếu nhất sẽ lấy hết ghế khu vực đó.

Trong tổng số 89 ghế thì chỉ có 13 ghế dành cho SMC, còn tất cả là dành cho GRC. GRC là một cách thiết kế bầu cử độc nhất trên thế giới, chỉ có ở Singapore.

Khi ra tranh cử PAP thường cho một bộ trưởng nội các chính phủ dẫn đầu nhóm ứng cử viên PAP ở mỗi GRC, và nhờ đó hút phiếu về hết cho đảng mình.

Đảng PAP của Singapore lý giải rằng với cách thiết kế GRC thì bầu cử sẽ mang tính đại diện hơn ví dụ như một nhóm ứng cử viên đủ các tộc Malay, Hoa, Ấn Độ của một đảng đứng chung ra tranh cử thì sẽ đại diện cho các tộc người ở khu vực đó. Nhưng cho dù lập luận thế nào thì về mặt lý thuyết chính trị và thực tế thì phương cách này vô cùng bất lợi cho các đảng nhỏ.

Một cách khác làm thui chột ý chí những ai muốn làm đối lập đứng ra tranh cử đó là chi phí tranh cử rất đắt. Một ứng cử viên muốn đứng tranh cử phải đóng ký quỹ một số tiền tương đương 8% mức lương của một nghị sỹ trong năm rồi, và số tiền làm tròn tới 500 đô la Singapore. Trong kỳ bầu cử năm 2011, số tiền ký quỹ mỗi ứng viên tranh cử phải đóng tới 16 ngàn đô la Singapore. Và nếu ứng viên thất cử, nhận ít hơn 1/8 số phiếu của khu vực bầu cử, thì số tiền đóng đó sẽ bị mất, chuyển vào quỹ của chính phủ.

Một cách làm khác của PAP được cho là khiến đối lập khó cạnh tranh là trong quá khứ ở các khu vực nào có dấu hiệu ủng hộ cho đảng đối lập thì chính phủ cầm quyền của PAP giải tán khu vực bầu cử đó. Ví dụ như khu vực Cheng Sang GRC trước đây. Trong cuộc bầu cử năm 1997 ở Cheng Sang GRC, đảng PAP dành chiến thắng với 53.553 phiếu, đảng Công Nhân (Workers’Party) dành 44.132 phiếu. Sau đó, trong cuộc bầu cử năm 2011, khu vực Cheng San GRC bị giải tán.

Với một hệ thống bầu cử như vậy và cùng với việc PAP khá thành công trong dẫn dắt nền kinh tế, viễn tượng PAP sẽ tiếp tục cầm quyền thêm vài nhiệm kỳ tới là điều thấy được.

Nguyễn Huy Vũ

24.1.2017


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *