Thứ nhất, đó là Việt Nam phải đền bù cho những chi phí bỏ ra của Talisman-Việt Nam, công ty con của tập đoàn Repsol, Tây Ban Nha. Repsol đã bỏ ra khoảng 300 triệu đô-la Mỹ cho chi phí hạ tầng, và để đền bù, Việt Nam phải trả ít nhất là con số này cộng thêm các khoản phí liên quan khác.
Thứ hai, việc rút quân tạo ra một tiền lệ rằng Việt Nam không thể bảo vệ những đặc quyền kinh tế trong vùng lãnh hải của mình, và khó mà Việt Nam có thể thuyết phục các nhà khai thác tài nguyên khác đến khai thác trong vùng lãnh hải của Việt Nam trong tương lai. Việc không thể khai thác tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình khiến Việt Nam bỏ đi những nguồn lợi vô cùng to lớn ở đây.
Thứ ba, đứng trước hoàn cảnh ngân sách quốc gia gần như cạn kiệt và các mỏ dầu khí gần bờ đã đến tuổi và bão hòa, Việt Nam có nhu cầu kiếm thêm các nguồn tài nguyên mới. Dầu khí là một nguồn thu quan trọng đóng góp tới 20% ngân sách quốc gia, nhưng trong một trường hợp phong tỏa như vậy, cơ hội để cứu vãn ngân sách quốc gia nhờ dầu khí dường như đã đóng lại.
Thứ tư, việc Trung Quốc đe dọa lãnh hải và Việt Nam buộc phải rút lui đã gửi một thông điệp cho những công dân Việt Nam rằng đất nước luôn trong tình trạng bị đe dọa bởi Trung Quốc và nhà nước khó có thể đảm bảo được an ninh quốc gia. Thông điệp ngầm này có một ảnh hưởng cực kỳ to lớn. Nó, trước hết, không chỉ làm tăng cường niềm tin ở một số người rằng các lãnh đạo cộng sản đã cam kết «bán nước» cho Trung Quốc với cột mốc là năm 2020. Với những người không tin thông điệp «bán nước» này, bằng chứng rõ rệt nhất mà họ thấy là an ninh quốc phòng ở Việt Nam không đảm bảo. Dù với niềm tin nào, những cư dân ưu tú của đất nước, cùng với tài sản và chất xám của họ, sẽ ngày càng nhiều di cư ra khỏi Việt Nam. Việc di cư thành phần ưu tú sẽ làm tình trạng kinh tế của Việt Nam ngày càng thêm bi đát.
Thứ năm, việc rút quân và không thể bảo vệ quyền lợi trong vùng đặc quyền kinh tế của mình đó là một thất bại trong chính sách ngoại giao của Việt Nam, cả ở trong khu vực và trên trường thế giới, và nó sẽ có ảnh hưởng lâu dài. Bất cứ một chính sách ngoại giao nào cũng gồm hai phần là làm bạn với tất cả các nước không thù địch và kết đồng minh với các nước có chung quyền lợi. Cho đến nay, ngoại giao Việt Nam chỉ tập trung vào vế đầu tiên là làm bạn với tất cả các nước, nhưng cuối cùng thì không có một người bạn thật sự nào cả; và khi người bạn «môi hở răng lạnh» đem quân đội xuống đe dọa thì các người bạn khác đều im re. Việc âm thầm thỏa thuận với Trung Quốc của Việt Nam càng gửi đi một thông điệp cho các nước trong khu vực và trên thế giới rằng việc xung đột lãnh hải là việc nội bộ của hai nước «anh em» Việt Nam và Trung Quốc, và không nên can thiệp. Trong mắt của các nước trên thế giới, Việt Nam là một cách bóng của Trung Quốc. Muốn biết Việt Nam sẽ làm gì thì hãy nhìn điều Trung Quốc đã thực hiện. Sự phụ thuộc vào Trung Quốc khiến cho Việt Nam càng trở nên cô độc hơn trong các vấn đề xử lý tranh chấp với Trung Quốc.
Thứ sáu, để chống lại sự khống chế biển Đông Nam Á của Trung Quốc, cần có sự phối hợp của các nước liên quan trong vùng lãnh hải. Trong nhóm các nước Đông Nam Á có thể làm nòng cốt để kết hợp làm một liên minh như vậy có thể có Việt Nam, Philippines và Malaysia, vì đây là những nước có quyền lợi bị ảnh hưởng trực tiếp nhất. Việc nhượng bộ Trung Quốc sẽ khiến cho Việt Nam khó có thể thuyết phục các nước còn lại kết hợp thành một liên minh chống lại những đòi hỏi chủ quyền về lãnh hải của Trung Quốc.
Thứ bảy, chiến lược «viễn giao cận công» của Trung Quốc bắt đầu được thực hiện. Kế này hàm ý rằng Trung Quốc sẽ giao hảo với các nước xa và song song đó dùng vũ lực để đe dọa và lấn chiếm lãnh thổ các nước gần. Kế này đã được Tần Thủy Hoàng của nhà Tần áp dụng trong việc gồm thâu 6 nước chư hầu của Trung Quốc vào năm 221 trước Công nguyên. Ngày nay, «viễn giao cận công» lại một lần nữa được Trung Quốc thực hiện. Ở xa, Trung Quốc giao hảo với các nước châu Âu, mềm dẻo với Hoa Kỳ, kết đồng minh với Pakistan, nắn gân Nhật Bản. Ở gần Trung Quốc dùng vũ lực đe dọa để xâm chiếm biển Đông Nam Á và tranh chấp đất đai với Ấn Độ. Tương tự như kế sách của nhà Tần, để khống chế các nước Đông Nam Á, Trung Quốc tìm cách phá vỡ các liên kết trong liên minh các nước Đông Nam Á bằng ngoại giao, mua chuộc giới chức bằng quyền lợi và cả đe dọa. Tiếp sau đó là khống chế từng nước một. Chính vì vậy mà Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chưa bao giờ là một khối thống nhất trong việc đưa ra ý kiến đối với các vấn đề chủ quyền và tranh chấp lãnh hải ở khu vực.
Nguyễn Huy Vũ
25.7.2017
* Bài được viết vào tháng 7. 2017 và đăng lần đầu trên Facebook khi, dưới áp lực của Trung Quốc, Việt Nam buộc phải rút giàn khoan. Bài đăng lại trên blog này ngày 25.3.2018 khi Việt Nam phải rút giàn khoan một lần nữa dưới áp lực của Trung Quốc.
Leave a Reply