Họ đang bán mất quê hương?

Trong suốt một thời gian dài, những đồn đoán về nội dung của Hội nghị Thành Đô 1990 — nơi mà những cấp lãnh đạo cao nhất của Việt Nam thời bấy giờ, gồm tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, thủ tướng Đỗ Mười và cố vấn Phạm Văn Đồng, đã thoả thuận với phía Trung Quốc về mối quan hệ giữa hai đảng và hai nhà nước — vẫn chỉ là những đồn đoán và xầm xì đó đây. Ngoại trừ những cấp lãnh đạo cộng sản cao nhất, không ai biết một cách chính xác điều gì diễn ra và thoả thuận nào đã được ký. Người nói đó là hiệp định bán nước trong đó Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý sát nhập Việt Nam vào Trung Quốc như là một tỉnh tự trị, tương tự như Nội Mông, Tân Cương, Quảng Tây hay Tây Tạng. Kẻ hoài nghi rằng đó là những đồn đoán thiếu cơ sở.

Hoài nghi là phải. Hoài nghi vì chưa thấy bằng chứng là lý cớ đầu tiên. Nhưng bằng chứng không hẳn là điều trước tiên để hoài nghi, vì thậm chí ngay cả khi người ta nhìn thấy một văn bản thật thì họ cũng vẫn có thể nghi ngờ rằng đó chỉ là một văn bản giả mạo hoặc ít nhất là một kiểu luỵ đò qua sông, ký đại nhằm nhận được chổ dựa từ Trung Quốc khi mà Liên Xô — người anh em xã hội chủ nghĩa — đang tan rã và sụp đổ. Người ta hoài nghi chủ yếu bởi vì họ không tin rằng những lãnh đạo cộng sản Việt Nam, dù cho tham tàn và ngu dốt cỡ nào, thì họ cũng không thể nào cam tâm và nỡ lòng làm phương hại đến quyền lợi của đất nước, huống chi đem đất nước thuần phục và dâng hiến cho ngoại bang.

Có những câu hỏi và lập luận liên quan đến lịch sử mà đôi khi cần có thời gian, sự đối chứng và phân tích bạn mới hiểu hết trọn vẹn vấn đề. Nhiều câu hỏi đó liên quan đến sự nhượng bộ đất đai và biển đảo của Việt Nam. Đó là những câu hỏi như, các cấp lãnh đạo Việt Nam nghĩ gì khi ra lệnh cho lính không được nổ súng khi Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma năm 1988? Liệu rằng có phải họ muốn nhượng bộ chỉ vì quân lực quá yếu hay từ những năm 1988 đã có sẵn những mầm mống của sự thuần phục từ tim óc của giới lãnh đạo cộng sản? Liệu rằng việc ký kết hiệp định biên giới trên bộ và trên biển mà Việt Nam bị thiệt về biên giới khi so với Công ước Pháp-Thanh 1887 đó là bởi vì một sức ép về quân sự và chính trị hay đã có sẵn một tâm lý chư hầu từ trước đó và việc nhượng bộ được xem như một món quà cho sự hữu hảo giao tình giữa hai đảng cộng sản? Và đâu là những thoả thuận của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam với các cấp lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc giữa những lần thăm viếng thường xuyên từ đó đến nay?

Cũng như nội dung của các thoả thuận trong Hội nghị Thành Đô, ngoại trừ giới lãnh đạo cộng sản, không một ai trong nhân dân biết đất nước đã được mặc cả như thế nào và tương lai sẽ ra sao. Và khi mà toàn bộ quyền lực và quyền lợi của một quốc gia hơn 90 triệu dân tập trung về tay một nhóm nhỏ vài con người ở Ba Đình, số phận của hơn 90 triệu con người kia đủ nhỏ để giống như một món hàng nơi vài tay chơi ngồi đánh cược. Đó thật sự là một nỗi tủi nhục, nỗi tủi nhục rằng số phận những công dân của Việt Nam trong Thế kỷ 21 hôm nay không khác bao xa số phận của các nô lệ vài trăm năm về trước. Nổi tủi nhục này phải nhân lên gấp bội lần so với mối quan hệ giữa ông chủ và nô lệ năm xưa khi mà “ông chủ” ngày nay có một trình độ và sự hiểu biết thấp hơn nhiều trình độ trung bình của các “nô lệ”.

Đất nước sẽ được dẫn về đâu và tương lai sẽ thế nào? Không một ai trong đám nô lệ kia biết. Điều mà họ thấy được là người “nước lạ” ngày càng hiện diện nhiều hơn ở nước mình. Quyền lực của nước lạ ảnh hưởng ngày càng nhiều hơn trên nước mình. Sức mạnh quân sự của nước lạ ngày càng hùng mạnh hơn nước mình. Biển của nước lạ ăn mất biển nước mình. Và sắp tới đây, với luật cho phép người nước ngoài được thuê đất tới 99 năm, thì đất nước lạ dần ăn hết đất nước mình.

Để rồi một ngày nô lệ nước mình trở thành nô lệ của nước lạ?

Thật đau!

Nguyễn Huy Vũ
30.5.2018 


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *