Afghanistan: Bài học từ việc dựng xây một nền dân chủ

Mỗi tổng thống Mỹ luôn có cho mình một học thuyết và George W. Bush cũng vậy. Ông Bush cho rằng Mỹ là một quốc gia không những có trách nhiệm giữ gìn an ninh cho nước Mỹ mà còn có trách nhiệm lan toả tự do trên khắp thế giới. Ông tin rằng khi tự do lan toả thì thù hận và khủng bố sẽ mất đi. Để bảo vệ an ninh cho nước Mỹ, ông chủ trương tấn công phủ đầu các quốc gia thù địch trước khi các quốc gia này có cơ hội tấn công nước Mỹ. Vì vậy mà ông bị gán cho cái nhãn là diều hâu, hiếu chiến.

Khi đưa quân vào tấn công Taliban, quân Mỹ dưới viễn kiến của ông có hai mục tiêu. Đầu tiên là tiêu diệt và truy lùng Taliban và mạng lưới khủng bố al-Qaeda; và thứ hai là dựng xây nên một nước Afghanistan dân chủ và tự do. 


Xây dựng quốc gia (nation-building), tức dựng xây những cột trụ để từ đó một quốc gia tự hoạt động ổn định, là một công việc khó. Khó là vì nó đòi hỏi một sự hợp tác của những người dân và các thế lực khác nhau trong cùng một quốc gia. Người dân và các thế lực khác nhau chỉ hợp tác khi họ có phần chia sẻ trong chiếc bánh quyền lực và quyền lợi của quốc gia.


Chuyện kéo những nhóm sắc tộc và cả các lãnh đạo chính trị ngồi cùng nhau để tìm ra một giải pháp chung cho quốc gia không phải là chuyện dễ nhưng cũng không phải là không làm được. Về mặt hệ thống chính trị, có hai cách tiếp cận giúp thoả hiệp và chia sẻ quyền lực giữa các nhóm khác nhau. 


Cách đầu tiên là thiết lập chính quyền theo hình thức cộng hoà nghị viện và thực hiện bầu cử theo tỉ lệ. Chính phủ được thành lập là một sự thoả hiệp về quyền lực giữa các đảng hiện diện trong quốc hội. Nhiều người lo lắng rằng lối làm này dễ hình thành nên các chính quyền dễ đổ vỡ vì có nhiều đảng. Để hạn chế chính quyền dễ đổ vỡ, chỉ cần đưa ra quy định hạn chế các đảng quá nhỏ xuất hiện, chẳng hạn quy định chỉ những đảng nắm ít nhất 5% phiếu bầu mới  được quyền xuất hiện ở Quốc hội. Và để ổn vững hơn, có thể yêu cầu rằng quốc hội chỉ có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm bằng cách chọn trước một thủ tướng mới theo đa số phiếu và thủ tướng không có quyền giải tán quốc hội nếu đối lập tìm ra một thủ tướng mới nhận được quá bán phiếu ủng hộ. Làm như vậy sẽ giúp hạn chế sự phá hoại của đối lập làm bất ổn hệ thống chính trị. Sự thành công của nền chính trị Israel và các nước Bắc Âu cho thấy giải pháp này không phải là tồi. 


Cách thứ hai là thiết lập mô hình liên bang; mỗi tỉnh, vùng là một bang. Với 35 triệu dân, Afghanistan  dư sức hình thành nên một hệ thống liên bang. Các thế lực khác nhau sẽ chia nhau nắm quyền ở các bang, chung tay xây dựng đất nước. 


Như vậy, có nhiều mô hình có thể áp dụng cho Afghanistan nhằm chia sẻ quyền lực giữa các nhóm khác nhau. Mô hình đầu tiên đó là mô hình nghị viện dùng phương thức bầu cử theo tỉ lệ và có giới hạn 5% số phiếu để gạt bỏ những đảng nhỏ. Mô hình thứ hai đó là một mô hình kết hợp cả hai cách tiếp cận trên, tức là mô hình đầu tiên kèm theo hệ thống liên bang nhằm chia sẻ quyền lực giữa chính quyền trung ương và chính quyền các tỉnh bang. Và mô hình thứ ba đó là một mô hình bất kỳ kết hợp với liên bang; đó có thể là mô hình tổng thống – liên bang kiểu Mỹ hoặc mô hình nghị viện với lối bầu cử theo đa số kiểu Anh và hình thức liên bang, tức giống mô hình của Úc và Canada; hoặc cũng có thể là mô hình nghị viện với lối bầu cử kết hợp cả theo tỉ lệ và theo đa số, vốn phức tạp hơn, và hệ thống liên bang như kiểu Đức. 


Người Mỹ đã không chọn bất cứ một mô hình nào ở trên vốn đã chứng tỏ một sự thành công ở thực tế. Thay vào đó họ chọn mô hình tổng thống tập quyền, tức tất cả quyền lực tập trung vào tay tổng thống. Mô hình này có một lợi thế là nó dễ dàng thực hiện các thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ từ trên xuống dưới. Nhưng nhược điểm của nó là nó thường không hề đếm xỉa gì tới các ý kiến khác biệt bên dưới; và khi tất cả quyền lực tập trung vào tay tổng thống thì điều đó đồng nghĩa là các thế lực khác nghiễm nhiên bị tước bỏ tất cả các đặc quyền. 


Cách thay đổi từ trên xuống dưới này không phải lúc nào cũng luôn luôn sai, nhưng để thực hiện nó thành công đòi hỏi một bàn tay sắt, điều mà thế giới hiện đại lại không cho phép.


Trong quá khứ, chiến lược thay đổi từ trên xuống dưới ít ra nó đã thành công ở Trung Quốc dưới thời Tần Thuỷ Hoàng. Sau khi gồm thâu sáu nước, Tần Thuỷ Hoàng đã tập trung mọi quyền hành vào tay và thực hiện việc thống nhất chữ viết, tiền tệ, hệ thống đo lường, hệ thống luật pháp, đi lại, tổ chức xã hội và chính quyền, để từ đó đặt nền móng biến Trung Quốc từ chỗ là những vùng đất với các tiểu vương cạnh tranh với nhau, thành một đất nước đồng nhất đúng nghĩa. 


Trong suy nghĩ của giới hoạch định chính sách cho Afghanistan, có lẽ người ta nghĩ rằng một khi quyền lực tập trung vào tay một tổng thống thì họ có thể dễ dàng thực hiện các thay đổi từ trên xuống dưới nhằm thống nhất các bộ lạc và phe phái vào trong cùng một quốc gia.


Chính vì tin vào điều đó mà người Mỹ và phương Tây đã nỗ lực giúp đỡ xây dựng nên một lực lượng an ninh, thiết lập hệ thống toà án, và đào tạo ra một hệ thống công chức có hiểu biết. Họ tin rằng nhà nước do mình dựng nên với quân lực gấp nhiều lần kẻ thù sẽ dễ dàng tự bảo vệ và tồn tại. 


Nhưng thực tế đã chứng minh rằng họ sai lầm. Trong một quốc gia, khi các thế lực ở địa phương không có sự chia sẻ quyền lực với chính quyền trung ương Kabul, thì khó có thể thuyết phục họ cùng chung sức với chính quyền Kabul trong chuyện bảo vệ đất nước. Tại sao họ lại bỏ sức ra chiến đấu để duy trì một thực trạng mà ở đó, họ không có nhiều quyền lực và quyền lợi, trong khi một số giới tinh hoa nhờ dựa vào Mỹ mà tham nhũng trên đầu trên cổ dân tộc? Và khi mà họ không thể tự tay xoá bỏ đi trật tự này hoặc tự tay kết án những quan chức này, thì việc kêu gọi binh lính buông súng là một cách nhờ Taliban làm những gì họ muốn làm. Đó là lý do mà các tỉnh đã lần lượt buông súng sau khi Taliban chọn cách đàm phán riêng rẽ với từng tỉnh một. 


Nếu có một bài học dành cho Việt Nam trong việc dựng xây nên một nền dân chủ từ kinh nghiệm của Afghanistan đó là dân chủ phải đi đôi với nó là thoả hiệp và chia sẻ quyền lực, mà trong đó, các nhóm khác nhau phải có tiếng nói của mình trong quá trình dựng xây đất nước. 


Nguyễn Huy Vũ

21.8.2021


Posted

in

, , ,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *