Điều 22. Những nguyên tắc hiến định, nghĩa vụ bảo vệ trật tự dân chủ tự do của hiến pháp
(1) Cộng hòa Liên bang Việt Nam là một nhà nước cộng hoà, không chia tách, được tổ chức hành chính theo thể chế liên bang nhằm tối ưu hoá việc quản lý hành chính, bảo đảm dân chủ và phát triển đất nước.
(2) Mọi quyền lực của các cơ quan nhà nước có nguồn gốc từ nhân dân. Quyền lực đó được thực hiện bởi nhân dân thông qua bầu cử, việc bỏ phiếu và thông qua các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cụ thể.
(3) Lập pháp sẽ bị ràng buộc bởi trật tự hiến pháp. Hành pháp và tư pháp sẽ bị ràng buộc bởi pháp luật và công lý.
(4) Tất cả người Việt Nam có quyền chống lại bất kỳ kẻ nào tìm cách xóa bỏ trật tự hiến pháp này, nếu không còn biện pháp khắc phục khác.
Điều 23. Đảng phái chính trị
(1) Các đảng chính trị tham gia vào sự hình thành nguyện ước chính trị của nhân dân. Chúng có thể được tự do thành lập. Tổ chức nội bộ của các đảng phải phù hợp với nguyên tắc dân chủ. Các đảng chính trị phải chịu trách nhiệm công khai về tài sản, các nguồn lực và việc sử dụng các quỹ của mình.
(2) Đảng chính trị hoặc các thành viên liên quan có mục tiêu hoặc hành động làm suy yếu hoặc xóa bỏ trật tự tự do dân chủ hoặc gây nguy hiểm cho sự tồn tại của Cộng hòa Liên bang Việt Nam sẽ bị cho là không hợp hiến.
(3) Đảng chính trị hoặc các thành viên liên quan có khuynh hướng làm suy yếu hoặc xoá bỏ trật tự tự do dân chủ hoặc gây nguy hiểm cho sự tồn tại của Cộng hòa Liên bang Việt Nam sẽ bị cấm nhận tài trợ về vật chất.
(4) Tòa án Hiến pháp Liên bang sẽ phán quyết rằng hoạt động của một đảng chính trị có hợp hiến hay không theo đoạn (2) ở trên và liệu rằng đảng chính trị đó có bị cấm nhận tài trợ về vật chất theo đoạn (3) ở trên.
(5) Các chi tiết được quy định bởi luật liên bang.
Điều 24. Ưu thế của luật quốc tế
Các quy tắc chung của luật quốc tế mà Việt Nam đã ký kết sẽ là một phần không thể tách rời của luật liên bang. Chúng sẽ được ưu tiên hơn các luật liên bang và trực tiếp tạo ra các quyền và nghĩa vụ cho dân cư trên lãnh thổ liên bang.
Điều 25. Hiến pháp Bang – Tự quản địa phương
(1) Trật tự hiến pháp tại các Bang phải phù hợp với các nguyên tắc của nhà nước cộng hòa dân chủ và tự do, theo nguyên tắc pháp quyền, và trong phạm vi nội dung của Luật Hiến pháp này. Tại mỗi Bang, quận, huyện và thành phố, người dân được đại diện bởi một cơ quan gồm các đại biểu được lựa chọn ra từ một cuộc bầu cử phổ thông, trực tiếp, tự do, bình đẳng và bỏ phiếu kín.
(2) Các thành phố được trao quyền để điều hành các công việc địa phương theo trách nhiệm của mình và trong giới hạn quy định của pháp luật. Trong phạm vi chức năng của mình theo luật định, thành phố sẽ có quyền tự quản theo quy định của pháp luật. Quyền tự quản này sẽ bao gồm cả những quyền về tự chủ tài chính mà trong đó thành phố có quyền thu thuế đối với các hoạt động kinh tế và đề ra mức thuế phù hợp.
(3) Liên bang có trách nhiệm đảm bảo rằng trật tự hiến pháp của các Bang phù hợp với các quyền cơ bản và các quy định của các đoạn (1) và (2) của Điều này.
Điều 26. Phân định lại lãnh thổ liên bang
(1) Việc phân chia lãnh thổ liên bang thành các Bang có thể được điều chỉnh lại để đảm bảo rằng mỗi Bang có kích thước và khả năng để thực hiện các chức năng của mình một cách hiệu quả. Việc phân chia lại sẽ xem xét đến các yếu tố thuộc về khu vực, lịch sử, văn hóa, hiệu quả kinh tế, và các yêu cầu về quy hoạch địa phương và vùng.
(2) Việc điều chỉnh hiện trạng lãnh thổ của các Bang phải được thông qua bởi một đạo luật liên bang và được xác nhận bằng cách trưng cầu dân ý. Các Bang bị ảnh hưởng có quyền trình bày quan điểm của mình.
(3) Trưng cầu dân ý được tổ chức tại các Bang bị ảnh hưởng bởi việc phân chia lại lãnh thổ. Câu hỏi được đem ra bỏ phiếu sẽ là giữ nguyên hiện trạng của Bang, thành lập một Bang mới hay phân định lại lãnh thổ của Bang. Đề xuất sẽ có hiệu lực nếu việc điều chỉnh được chấp thuận bởi đa số cư dân ở từng vùng lãnh thổ tương lai sau khi phân định. Đề xuất sẽ không có hiệu lực nếu đa số cư dân ở một bang bị ảnh hưởng từ chối việc thay đổi; trừ khi nó bị từ chối bởi một đa số hai phần ba trong toàn bang, việc từ chối này sẽ không có hiệu lực nếu có một đa số hai phần ba tại một vùng trong bang này, vùng mà việc điều chỉnh sẽ dẫn đến việc nó phải tách khỏi bang, đồng ý với quyết định chia tách.
Điều 27. Quyền chủ quyền của các Bang
Trừ khi có quy định khác bởi Luật Hiến pháp này, việc thực hiện quyền lực và các chức năng nhà nước trong nội bộ Bang là một vấn đề thuộc về các Bang.
Điều 28. Tính tối cao của luật liên bang
Luật liên bang sẽ được ưu tiên hơn luật các Bang.
Điều 29. Quan hệ đối ngoại
(1) Mối quan hệ với các quốc gia nước ngoài được thực hiện bởi Liên bang.
(2) Trước khi thỏa thuận một hiệp ước ảnh hưởng đến các điều kiện cụ thể của một Bang, Bang đó sẽ được tham vấn kịp thời.
(3) Trong phạm vi lĩnh vực mà các Bang có quyền lập pháp, họ có thể ký kết các điều ước quốc tế với nước ngoài khi có sự đồng ý từ Chính phủ Liên bang.
Điều 30. Bình đẳng công dân – công vụ
(1) Người Việt Nam tại tất cả các Bang có các quyền và nghĩa vụ chính trị như nhau.
(2) Mọi người Việt Nam đều có đủ tư cách như nhau để đảm nhiệm bất kỳ chức vụ công nào tùy theo năng khiếu, trình độ và thành tích chuyên môn của mình.
(3) Việc được hưởng các quyền dân sự và chính trị cũng như khả năng hội đủ điều kiện cho một chức vụ công hay các quyền đạt được trong dịch vụ công sẽ không phụ thuộc vào quan điểm tôn giáo hay triết học. Không ai có thể bị thiệt thòi vì lý do tuân thủ hoặc không tuân thủ một giáo phái tôn giáo hay một niềm tin triết học cụ thể nào.
(4) Việc thực thi quyền chủ quyền một cách thường xuyên được trao cho các thành viên cơ quan nhà nước — những người đảm nhiệm sứ mệnh phục vụ và giữ lòng trung thành với quốc gia như luật định.
(5) Luật quản lý dịch vụ công sẽ được điều chỉnh và xây dựng trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc truyền thống của dịch vụ công chuyên nghiệp.
Điều 31. Trách nhiệm do vi phạm công vụ
Nếu bất kỳ người nào, khi thực thi công quyền, vi phạm công vụ đối với một bên thứ ba, trách nhiệm sẽ chủ yếu thuộc về nhà nước hoặc các cơ quan nhà nước quản lý ông hay bà ta. Trong trường hợp hành vi là sai trái một cách cố ý hoặc cẩu thả, quyền truy cứu đối với cá nhân viên chức đó được bảo lưu. Các tòa án phổ thông không được từ chối các yêu cầu đòi bồi thường.
Điều 32. Trợ giúp pháp lý và hành chính, trợ giúp trong thảm họa
(1) Tất cả các cơ quan Liên bang và Bang có trách nhiệm hỗ trợ pháp lý và hành chính với nhau.
(2) Để duy trì hoặc khôi phục lại an ninh hay trật tự công cộng, một Bang trong những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể yêu cầu sự trợ giúp của Cảnh sát Liên bang khi mà nếu không có sự trợ giúp đó, cảnh sát của Bang không thể hoặc rất khó mà hoàn thành trách nhiệm của mình. Để ứng phó với một tai nạn nghiêm trọng hoặc thiên tai, một Bang có thể kêu gọi sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát của các Bang khác hoặc nhân sự và cơ sở vật chất của các cơ quan hành chính khác, của Lực lượng Vũ trang hoặc Cảnh sát Liên bang.
(3) Nếu thiên tai hoặc tai nạn đe dọa lãnh thổ của nhiều Bang, Chính phủ Liên bang, trong chừng mực cần thiết nhằm chống lại các nguy hiểm, có thể hướng dẫn các chính quyền Bang cho phép lực lượng cảnh sát thuộc quyền được sử dụng bởi các Bang khác, và có thể triển khai các đơn vị Cảnh sát Liên bang hoặc các lực lượng vũ trang đến để hỗ trợ cảnh sát. Các biện pháp được thực hiện bởi Chính phủ Liên bang theo câu đầu tiên của đoạn này sẽ được huỷ bỏ bất cứ lúc nào theo yêu cầu của Thượng viện và ngay khi sự nguy hiểm không còn tồn tại.
Điều 33. Nhân sự của chính quyền liên bang
(1) Công chức làm việc cho chính quyền liên bang ở cấp cao nhất được tuyển từ tất cả các Bang theo tỷ lệ thích hợp. Những người làm việc tại các cơ quan khác của liên bang, như một quy luật, được tuyển từ Bang mà họ phục vụ.
(2) Luật pháp liên quan đến nghĩa vụ quân sự cũng sẽ xem xét đến việc phân chia Liên bang thành các Bang và lòng trung thành của người dân với địa phương của mình.
Điều 34. Hành chính liên bang
(1) Nếu một Bang không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật Hiến pháp này hoặc các luật liên bang khác, Chính phủ Liên bang, với sự đồng ý của Thượng viện, có thể thực hiện các bước cần thiết nhằm buộc Bang phải thực hiện đúng theo nghĩa vụ của mình.
(2) Với mục đích thực hiện các biện pháp cưỡng chế đó, Chính phủ Liên bang hoặc đại diện của nó có quyền ban hành các hướng dẫn đến tất cả các Bang và các cơ quan của nó.
(hết Chương 2 của Hiến pháp Cộng hoà Liên bang Việt Nam)
Leave a Reply