Tổng thống Nga Boris Yeltsin trên xe tăng trước Quốc hội trong cuộc đảo chính. |
Tháng 8 năm 1991, Liên Xô đang ở trong cuộc khủng hoảng kinh tế chính trị sâu sắc. Hàng hoá thiếu thốn. Những hàng người xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng thực phẩm mà bên trong chẳng có nhiều thứ để mua. Những cải cách chính trị theo hướng dân chủ hoá bên cạnh các cải cách kinh tế đã đưa tình cảnh xã hội ở các nước trong liên bang Xô-viết thay đổi sâu sắc. Chủ nghĩa quốc gia ở các nước khác nhau trong Liên bang Xô-viết xuất hiện và tinh thần ly khai dần trỗi dậy. Để duy trì các nước này trong một liên bang, tổng thống Mikhail Gorbachev đề xuất một hiệp ước mới trong đó cho phép các nước có nhiều quyền lực hơn. Ngược lại, những người thủ cựu trong đảng Cộng sản Xô-viết mong trở về những tháng ngày cũ của Liên bang Xô Viết với nước Nga dẫn đầu, mọi quyền hành tập trung ở Moscow, và họ lo lắng rằng một hiệp ước mới của Liên Bang Xô-viết trong đó cho phép các nước nhỏ có nhiều quyền hơn cuối cùng có thể dẫn đến sự tan rã của Liên bang Xô-viết.
Giới cải cách mà đứng đầu là Mikhail Gorbachev, tổng thống đầu tiên của Liên bang Xô-viết, và tổng thống Nga Boris Yeltsin quyết đẩy mạnh chương trình cải cách. Mối quan tâm của giới cải cách đó là họ muốn nhanh chóng vượt qua những khó khăn về kinh tế bất chấp việc phải đối mặt với sự tan vỡ của liên bang.
Ngày 19/8/1991, một ngày trước khi Gorbachev và một nhóm các nhà lãnh đạo của các nước cộng hoà dự định ký hiệp ước liên bang mới, nhóm thủ cựu tự nhận mình là Uỷ ban Khẩn cấp Nhà nước cho cô lập Gorbachev, lúc này đang nghỉ dưỡng ở một ngôi làng ở Crimea, và điều quân đội xuống khống chế tình hình ở Moscow. Trong tám thành viên của nhóm lãnh đạo có Chủ tịch Uỷ ban Tình báo KGB Vladimir Kryuchkov, Bộ trưởng Nội vụ Boris Pugo, Bộ trưởng Quốc phòng Dmitriy Yazov, và thủ tướng Valentin Pavlov.
Phe thủ cựu không ngờ được rằng nhờ có các cải cách dân chủ và việc thực hiện các cuộc bầu cử dân chủ mà tình cảm của người dân đã hướng đến các lãnh đạo chủ trương cải cách của chính quyền. Nhận thấy rằng cuộc đảo chính có nguy cơ làm lật ngược tiến trình dân chủ hoá đất nước và để bảo vệ chính quyền do mình bầu ra, người dân đã ngay lập tức xuống đường bao vây Nhà Trắng nơi mà tổng thống Nga Boris Yeltsin đang hiện diện để bảo vệ vị tổng thống của mình. Với sự ủng hộ của người dân, tổng thống Nga Boris Yeltsin đã dễ dàng thuyết phục các binh lính, đánh bại cuộc đảo chính và lập lại trật tự chính quyền cũ.
Tổng thống Mikhail Gorbachev sau đó trở về và nhận thấy rằng mọi quyền hành đã rơi vào tay Boris Yeltsin. Boris Yeltsin sau đó cho giải tán đảng Cộng sản vì lo ngại rằng nó có thể trở thành một thế lực chính trị kềm hãm những cải cách và đe doạ quyền lực chính trị của mình. Liên bang Xô-viết tan rã sau đó.
***
Đảo chính là chuyện của muôn đời. Và chừng nào người ta còn tranh giành quyền lực và quyền lợi thì đảo chính luôn được nghĩ đến. Đảo chính diễn ra khi quyền lực tập trung. Quyền lực càng tập trung càng dễ đảo chính. Vì vậy mà ở những nước tập quyền, đảo chính sẽ luôn diễn ra ở thủ đô.
Nhìn lại chuyện Liên Xô năm xưa để nhớ chuyện Việt Nam hôm nay. Việt Nam hôm nay cũng đang đối mặt với một sự khủng hoảng sâu sắc cả về kinh tế và chính trị.
Sau hai năm của đại dịch, các doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như đã chết hết. Các doanh nghiệp nước ngoài một số đã đóng cửa, một số hoạt động cầm chừng. Việc mở cửa quá sớm trong khi chưa tiêm đủ vắc-xin cho người dân sẽ chỉ khiến tình hình dịch bệnh lan nhanh hơn, hệ thống y tế lập tức quá tải trở lại, và cuộc khủng hoảng sẽ trở nên nặng nề hơn nữa. Việc thắt chặt phong toả vì vậy mà sẽ tiếp tục trong một khoảng thời gian nữa, có thể kéo dài đến năm sau.
Cái cách mà nhà cầm quyền hạn chế bớt sự chống đối của người dân đó là sẽ không thông báo chính xác chừng nào việc phong toả sẽ chấm dứt hoàn toàn, vì nói lâu quá sẽ dẫn đến sự chống đối của người dân vì họ không thể kiên nhẫn đợi và sống trong mòn mỏi, còn nói sắp mở sớm để lừa người dân thì có thể sau một vài lần người dân sẽ không còn tin nữa mà cũng trở nên nổi loạn.
Vì lo sợ nội loạn, không thể kiểm soát được tình hình, cho nên chính quyền trung ương mới điều quân đội vào Sài Gòn.
Giới lãnh đạo Sài Gòn trên đe dưới búa. Trên là trung ương bắt vừa dập dịch vừa bảo đảm kinh tế. Dưới là dân bắt phải đảm bảo cuộc sống và sức khoẻ của họ không bị tác động. Họ không muốn phong toả chặt vì phong toả chặt quá thì kinh tế sẽ chết. Mà kinh tế chết thì về mặt thành tích họ sẽ bị kỷ luật hoặc khiển trách bởi trung ương, giới lãnh đạo Sài Gòn kỳ sau khó mà vươn lên giữ vị trí nào ở trung ương. Phong toả chặt thì người dân cũng khó sống, mà nếu không có sự can thiệp của quân đội thì bạo luận dễ xảy ra; mà bảo loạn xảy ra thì cái ghế của những lãnh đạo thành phố cũng khó giữ. Cho nên vì vậy mà giới lãnh đạo ở Sài Gòn chần chừ không muốn phong toả cho đến khi các quan chức ở trung ương vào tự ra lệnh việc phong toả chống dịch. Khi này thì trách nhiệm chống dịch của thành phố thuộc về trung ương.
Trong những ngày gần đây, giới cầm quyền bắt đầu nói đến chuyện sống chung với dịch. Lưu ý là họ nói đến chuyện sống chung với dịch, chứ không phải sống chung với con virus Covid-19. Hai chuyện này khác nhau. Nhân loại không thể diệt hoàn toàn con virus và vì vậy mà việc sống chung với con virus là một chuyện bất đắc dĩ nhưng phải chấp nhận với điều kiện là sức khoẻ cộng đồng được bảo đảm và sự hiện diện của con virus không tạo ra một sự xáo trộn lớn về kinh tế và xã hội, hay nói ngắn gọn là khi đó con virus còn tồn tại nhưng đại dịch đã được kiểm soát, chính quyền đã thành công với các chính sách y tế công cộng.
Còn nói rằng sống chung với dịch nghĩa là việc lây lan vì con virus này vẫn mạnh, vẫn chưa khống chế được nó, và xã hội vẫn đang chịu nhiều thiệt hại về nó, nhưng vì không thể phong toả cộng đồng mãi đành phải chấp nhận sự lây lan và thiệt hại do nó gây ra, hay nói một cách ngắn gọn là đại dịch vẫn tiếp diễn, các chính sách của chính quyền đưa ra đã thất bại, và buộc phải chấp nhận thực tế thất bại này.
Đây là cách chính quyền trung ương đang thăm dò phản ứng của người dân, để trong trường hợp chính quyền trở nên bất lực với con virus này thì việc họ mở cửa sẽ không gặp phải sự chống đối quyết liệt hay nổi loạn dù hệ thống y tế sẽ trở nên quá tải sau đó.
Sau khi kiểm soát đại dịch, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế. Thất nghiệp lan tràn, các doanh nghiệp phá sản hàng loạt, nợ xấu ngập các ngân hàng, và đất nước có thể phải đối diện với việc không thể trả được nợ nước ngoài.
Việc in tiền để trả các khoản nợ trong nước và trang trải chi tiêu chính phủ sẽ khiến lượng cung tiền Đồng trở nên nhiều hơn. Chính quyền lúc này buộc phải phá giá tiền Đồng nếu không muốn chứng kiến đồng đô la tăng giá trên thị trường chợ đen và các ngân hàng không thể mua vào ngoại tệ. Nhưng việc mất giá đồng nội tệ sẽ khiến lạm phát trong nước tăng mạnh nhất là khi mà nền kinh tế Việt Nam đã trở nên là một nền kinh tế mở. Một sự lạm phát mạnh đến lượt nó làm yếu đi sức mua của nền kinh tế và khiến các doanh nghiệp nội địa vốn sống dựa trên sự tiêu dùng nội địa trở nên khó khăn. Một chu trình bất ổn vĩ mô mới sẽ xuất hiện.
Nội bộ chính trị Việt Nam cũng đang có những chia rẽ sâu sắc. Chia rẽ trong cách tiếp cận với Mỹ. Chia rẽ về tương lai của đảng Cộng sản. Chia rẽ về định hướng đất nước. Chia rẽ về những cải cách thể chế và hệ thống chính trị. Chia rẽ trong các chính sách. Chia rẽ trong việc phân bổ quyền lực và lợi ích cho các vùng miền. Và chia rẽ trong chuyện phân chia ghế.
Sự chia rẽ đang trở nên trầm trọng khi mà người đứng đầu đảng Cộng sản có thể ra đi bất cứ lúc nào và ai sẽ là người đứng đầu dẫn dắt đảng Cộng sản và định hướng cho đất nước trong những năm tháng tới? Đó phải là người có khả năng dàn xếp các bất đồng giữa các nhóm trong đảng Cộng sản; có đủ quyền lực để sẵn sàng răn đe; và có đủ uy tín để đại diện cho đảng Cộng sản nhằm thuyết phục các tầng lớp nhân dân. Chẳng có một ai cả. Và chính vì chẳng có một gương mặt sáng giá nào nên sự bùng nổ và sẵn sàng ra tay trấn áp nhau trong đảng Cộng sản để giành thế thượng phong luôn chực chờ và có thể diễn ra bất cứ lúc nào.
Trong những ngày gần đây thủ tướng Phạm Minh Chính đang bắt đầu những nỗ lực quan trọng nhằm thâu tóm quyền lực. Ông đưa ông Vũ Đức Đam ra khỏi chiếc ghế trưởng ban phòng chống dịch để tự mình đứng vào đó quản lý. Ông vi hành. Ông cho nhà báo chụp hình chiếc áo đẫm mồ hôi và viết bài ngợi khen vì lo cho dân. Ông thăm các chuyên gia. Ông mời các nhà khoa học đến nói chuyện và tặng hũ. Ông thực hiện tất cả những hành động đó nhằm biến mình thành một nhà lãnh đạo gần gũi, hết lòng vì nhân dân.
Có điều, có lẽ nhóm tham mưu của ông tính sai, hay bọn tham mưu cố tình chơi xỏ ông. Việc để ông với cái bụng to tướng mặc đi mặc lại một cái áo xanh rêu, mồ hôi ướt đẫm, đi chỗ này, chỉ chỗ kia, rồi chụp hình, chỉ cho thấy ở ông một sự thiếu chuyên nghiệp. Việc tặng các nhà khoa học những hủ đựng hài cốt một lần nữa lại cho thấy ông chẳng có ý thức gì cả về mặt văn hoá. Những hành động nho nhỏ như vậy, cộng với các phát ngôn như kiểu khen đội tuyển bóng đá Việt Nam thắng một trận là nhờ ở “văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc” nó chẳng giúp gì cho ông, mà ngược lại, nó biến ông từ chỗ là một người được ngợi khen và mong đợi vì có công ở Quảng Ninh khi mới tiếp nhận chức thủ tướng thì giờ uy tín và hào quang quanh hình ảnh của ông dần biến mất.
Rõ ràng, trên bề mặt có vẻ ổn định của hệ thống, bên dưới nó là một lỗ hổng quyền lực có hệ thống mà một nhóm người nào đó sẽ tranh nhau nắm giữ trong những tháng năm tới. Đó có thể là một cuộc đảo chính mềm, mà cũng có thể là một cuộc đảo chính cứng.
Xã hội Việt Nam trong hai mươi năm mở cửa cũng đã khác hơn nhiều so với trước kia. Những mong muốn và tiếng nói đòi hỏi dân chủ ngày càng nhiều hơn trước; nó không chỉ diễn ra ở bên ngoài tầng lớp nhân dân, mà nó còn âm thầm và liên tục trong các giới chức khác nhau, những người tin rằng chỉ bằng cách dân chủ hoá đất nước mới có thể tạo được một động lực giúp giải phóng tiềm lực quốc gia và đưa Việt Nam thoát khỏi vị trí bế tắc trong hiện tại.
Những kinh nghiệm rút ra từ cuộc đảo chính ở Liên Xô vào tháng 8 năm 1991 chỉ ra rằng, chỉ bằng cách đứng về phía nhân dân, trao lại cho họ những quyền tự do, mà trong đó có những quyền bầu cử và ứng cử, người lãnh đạo sẽ nhận lại sự ủng hộ hết lòng của dân chúng. Và sức mạnh có được từ sự ủng hộ đó sẽ lớn mạnh gấp nhiều lần những súng đạn hay xe tăng.
Nguyễn Huy Vũ
6.9.2021
Leave a Reply