Ngăn ngừa sự hình thành một chế độ độc tài mới

Để giúp ngăn ngừa sự hình thành một chế độ độc tài mới cũng như ngăn ngừa sự khuynh loát hệ thống chính trị của một đảng cầm quyền cần thiết phải có tản quyền. Có hai dạng tản quyền: tản quyền của trung ương về các chính quyền địa phương và tản quyền ngay chính trong cơ cấu chính quyền trung ương.

Cơ chế tản quyền của trung ương về chính quyền địa phương được thực hiện thông qua hệ thống chính quyền liên bang. Một số nước tiêu biểu có hệ thống chính quyền liên bang gồm Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đức, Thụy Sỹ, Bỉ, Ấn Độ, và Malaysia. Tùy mỗi nước mà sự phân chia quyền lực và trách nhiệm giữa chính quyền liên bang và chính quyền tiểu bang là khác nhau. Khi chính quyền tiểu bang càng có nhiều quyền lực, chế độ càng có xu hướng tản quyền; ngược lại, khi tất cả các quyền lực tập trung về chính quyền liên bang, nó không còn là mô hình liên bang nữa mà trở thành một chế độ nhất thể tập quyền. Mô hình liên bang chỉ tồn tại khi chính quyền tiểu bang được phép duy trì một số quyền nhất định, ít nhất là quyền trong các lĩnh vực an ninh, kinh tế, giáo dục, văn hóa, và các vấn đề đặc trưng khác của địa phương. Một chế độ độc tài chỉ tồn tại được khi chính quyền trung ương kiểm soát được tất cả các chính sách của chính quyền địa phương. Một khi các quyết định của chính quyền trung ương không thể ép buộc được các mong muốn của chính quyền địa phương chế độ độc tài trung ương sẽ bị kềm chế.

Cơ chế tản quyền ngay chính trong cơ cấu chính quyền trung ương thể hiện ở cách phân bổ quyền lực và kiểm soát quyền lực ở chính quyền trung ương. Cơ chế tản quyền này được thực hiện thông qua hai cách. Với các chế độ nghị viện, đó là thiết kế các cách bầu cử nhằm làm cho không một đảng nào chiếm đa số ghế để có thể một mình lập nên chính phủ; các chính phủ do đó là các chính phủ liên minh. Mối lo ngại duy nhất là sự ổn định của các chính phủ liên minh. Để giải quyết điều này cần thiết phải thiết kế một hệ thống bầu cử nhằm loại bỏ đi các đảng quá nhỏ. Chẳng hạn như trường hợp của Đức, chỉ có những đảng chiếm ít nhất 5% tổng số phiếu theo lối bầu theo tỉ lệ hoặc giành được 3 ghế từ lối bầu trực tiếp mới được có mặt ở quốc hội. Với các chế độ tổng thống như Hoa Kỳ, cơ chế tản quyền trung ương được thực hiện thông qua nâng cao quyền lực của hai viện trong quốc hội và bầu chọn riêng lẽ các thành viên trong hai viện của quốc hội.

Nhưng tản quyền mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là cần phải có một cơ chế nhằm kềm chế quyền lực của người lãnh đạo cầm quyền. Những kinh nghiệm của hệ chống chính quyền liên bang Malaysia cho thấy cho dù hệ thống chính trị của Malaysia có tản quyền giữa trung ương – địa phương nhưng liên minh cầm quyền UMNO vẫn có thể tiếp tục khuynh loát hệ thống chính trị và đàn áp đối lập kể từ ngày giành độc lập cho tới nay. Đảng đối lập cho đến gần đây dù đạt đến hơn 50% tổng số phiếu toàn quốc nhưng vẫn chỉ đứng ở vị trí đối lập. Nguyên nhân sâu xa là lối bầu cử theo đa số tương đối (first pass the post) kiểu Anh. Đất nước chia thành các khu vực tranh cử, ở mỗi khu vực riêng rẽ có một ghế đại diện trong Hạ nghị viện và ứng cử viên nào dành nhiều phiếu nhất thì giành được ghế đại diện. Ở những nước đang phát triển, mới có dân chủ, khi các tổ chức đối lập chưa lớn mạnh, cách bầu cử này khiến cho một đảng lớn dễ dàng giành đa số ghế và một mình thiết lập chính quyền. Chính quyền được điều hành bởi một đảng quá mạnh sẽ theo đó chèn ép đối lập và phong trào dân sự của quốc gia, biến đất nước thành một thể chế dân chủ nửa vời thiếu tự do.

Có hai cách để kềm chế quyền lực của lãnh đạo cầm quyền: hoặc là cố định số nhiệm kỳ đảm nhận vai trò lãnh đạo như trong hệ thống chính trị của Hoa Kỳ khi tổng thống chỉ có thể tại vị tối đa 2 nhiệm kỳ; hoặc là thiết lập một hệ thống bầu cử sao cho không có một đảng nào dễ dàng giành được đủ đa số ghế trong Hạ nghị viện để nắm quyền và một chính quyền trung ương thường là một liên minh giữa các đảng lớn như trường hợp của Đức.

Trong trường hợp của mô hình đại nghị – tản quyền kiểu Đức, hệ thống có đầy đủ ba đặc điểm giúp ngăn ngừa sự hình thành một chế độ độc tài mới, đó là: (i) cơ chế tản quyền giữa chính quyền trung ương và chính quyền tiểu bang; (ii) không một đảng nào có thể dễ dàng giành được đa số ghế trong Hạ nghị viện để tự mình lập chính phủ, các chính phủ do đó là các chính phủ liên minh; và (iii) sự tương đối độc lập và có thực quyền của hai viện trong quốc hội giúp kềm chế quyền lực của chính phủ.

Nguyễn Huy Vũ
14.6.2017

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *