Con Đường đi đến Tự Do

Nguồn: Internet.
Cuộc xuống đường ngày 1/5/2016 đánh dấu một bước phát triển mới của phong trào phản kháng trong nhân dân. Với gần 5000 người xuống đường ở mỗi thành phố, Sài Gòn và Hà Nội, ấn tượng nhất ở phong trào xuống đường không chỉ ở qui mô mà còn ở sự trật tự và trách nhiệm. Một điều đáng để ý đến đó là sự tham gia của một đa số những người trẻ. Họ xuống đường để lên tiếng vì một đất nước cho chính tương lai của họ. Một quốc gia biển nhưng biển đang chết và hải sản không ai dám ăn. Sự đông đảo của cuộc xuống đường đánh dấu một sự phản tỉnh mạnh mẽ trong nhân dân.
Và nếu ngày Chủ nhật 22/5/2016 tới đây, ngày Bầu cử Quốc hội cho nhiệm kỳ 5 năm 2016-2021, những người xuống đường hôm nay lại xuống đường phản đối cuộc bầu cử quốc hội phi dân chủ và rằng những người được bầu không đại diện cho quốc gia, bên cạnh những yêu sách về môi trường, thì đó có lẽ là những ngày cuối cùng trước khi đất nước sang trang. 
KỊCH BẢN DÂN CHỦ HÓA VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA ĐỐI LẬP 
Bất cứ một cuộc xuống đường nào cũng cần có ít nhất một yêu sách. Cho đến nay, yêu sách của cuộc xuống đường vì môi trường là những đòi hỏi về chính sách nhằm khắc phục và ngừng làm ô nhiễm môi trường. Những người kêu gọi một cuộc xuống đường vì môi trường có lý do của họ. Đối với một đa số những người dân chưa từng xuống đường và e sợ những hành động bị qui chụp là chính trị hóa, xuống đường vì môi trường là một khẩu hiệu ôn hòa. 
Nhưng theo thời gian, nhiều người sẽ nhận ra rằng nguồn gốc của vấn đề ô nhiễm môi trường là sự vô trách nhiệm của các lãnh đạo trung ương và địa phương cùng sự thông đồng với doanh nghiệp. Sự vô trách nhiệm và bất tài ở các cấp lãnh đạo có nguồn gốc từ một lý do duy nhất: Việt Nam đang có một thể chế phi dân chủ. Vì phi dân chủ nên những người lãnh đạo không phải là những cá nhân xuất sắc được bầu chọn cạnh tranh và họ cũng không chịu trách nhiệm trước nhân dân. Nếu những lãnh đạo là những người được bầu chọn tự do, họ đã phải từ chức và sau đó bị truy tố vì tắc trách. 
Nếu những người dẫn dắt dư luận thuyết phục người dân tiếp tục xuống đường và đưa ra yêu sách đòi hỏi một cuộc bầu cử tự do, đó sẽ là một bước ngoặc của phong trào dân chủ hóa. 
Vậy đâu là một kịch bản có thể diễn ra của quá trình dân chủ hóa?
Những kinh nghiệm có được từ các cuộc xuống đường dẫn đến thay đổi chế độ một cách ôn hòa thường đi theo ba bước dưới đây:
Đầu tiên, đó là cuộc xuống đường liên tục của nhân dân phản đối cuộc bầu cử phi dân chủ, không công nhận kết quả bầu cử Quốc hội, và đòi hỏi một cuộc bầu cử tự do. 
Bước thứ hai, khi số lượng người xuống đường đủ lớn và liên tục, đám đông sẽ gây áp lực lên nhà cầm quyền và đưa ra yêu sách. 
Bước thứ ba, nếu những người xuống đường thuyết phục được an ninh hoặc quân đội đứng về phía người dân thì đó là lúc những lãnh đạo chính phủ phải ra đi và tiến trình dân chủ hóa sẽ bắt đầu với việc chuẩn bị bầu ra một quốc hội dân chủ. Trong trường hợp an ninh hoặc quân đội không đứng về phía người dân, những xung đột diễn ra sẽ phải nhờ đến sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc. Sự can thiệp của Liên Hiệp Quốc đòi hỏi phải thực thi một cuộc bầu cử tự do. Khi đó, những nhà hoạt động xã hội sẽ ra vận động tranh cử. Đó sẽ là thời khắc bắt đầu của tiến trình dân chủ hóa.
Ở bước thứ ba, trong bất cứ trường hợp nào, một liên minh đối lập sẽ xuất hiện. Đó sẽ là những nhà hoạt động xã hội đại diện và thể hiện quan điểm của đám đông. Họ sẽ đứng trong một liên minh, có trách nhiệm liên lạc với Liên Hiệp Quốc và nói chuyện với phần còn lại của chính quyền trong giai đoạn chuyển giao. Và sau đó, họ sẽ là những người đứng ra tranh cử dân chủ và vận động sự hỗ trợ của người dân cho một chính quyền mới. 
THUYẾT PHỤC BIỂU TÌNH VIÊN
Một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của những người dẫn dắt biểu tình đó là thuyết phục được nhân dân. Dẫn dắt người dân là một nghệ thuật – nghệ thuật chính trị. Và muốn dẫn dắt được nhân dân, những người lên kế hoạch phải truyền đạt đến các biểu tình viên đâu là những mục tiêu cần đạt được và đâu là những hướng đi sắp tới. 
Khác với các chiến lược bạo động, những vận động bất bạo động cần một sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân và do đó, muốn duy trì được tinh thần và nhiệt huyết của nhân dân, những nhà dẫn dắt cần để nhân dân biết họ sẽ đi đâu và cần đạt những gì. 
Sẽ có người trông chờ vào sự lãnh đạo của phong trào. Điều đó đúng. Ở giai đoạn đầu, những cuộc xuống đường là tự phát. Nhưng về sau, khi cuộc xuống đường ngày càng đông và gây sức ép lên chính quyền, sẽ đến lúc chính quyền cần đối thoại với đám đông. Đó là lúc những đại diện của đám đông xuất hiện. 
BAO NHIÊU LÀ ĐỦ ĐỂ GÂY SỨC ÉP?
Có một câu hỏi rằng bao nhiêu người xuống đường là đủ để gây sức ép đối với chính quyền? Những nghiên cứu về các thành công của những cuộc chuyển đổi dân chủ đưa ra con số rằng chỉ cần 3.5% dân số xuống đường là có thể thay đổi được một chế độ. 
Tuy vậy, con số thực tế về người xuống đường để làm thay đổi một chế độ có thể thấp hơn nhiều. Lấy ví dụ cho trường hợp của Ai Cập, một nước có dân số hơn 80 triệu dân, gần tương đương với Việt Nam. Trong cuộc xuống đường đầu tiên ở Quảng trường Tahrir trong cuộc Cách mạng Mùa Xuân Ai Cập, con số người chiếm quảng trường là 50 ngàn người. Và trong suốt 17 ngày, kể từ ngày chiếm quảng trường cho tới ngày tổng thống Hosni Mubarak ra đi, theo những phân tích chính trị, con số người tham gia trên thực tế chưa bao giờ vượt quá 300.000. So với một dân số hơn 80 triệu dân, đó là một tỉ lệ chưa tới 4/1000. Và nếu đem so với con số 50.000 người xuống đường lần đầu tiên, đó chỉ là một tỉ lệ 6/10.000, tức chỉ cần 6 người xuống đường trên mỗi 10 ngàn người.
Với nhiều người, thuyết phục được 50 ngàn người xuống đường như ở Ai Cập là một điều khó khăn. Tuy vậy, không có nghĩa rằng đó là một điều không thể. Nếu như chúng ta chứng kiến cuộc xuống đường khoảng 5000 người ở mỗi thành phố Sài Gòn và Hà Nội trong ngày 1/5, thì con số 50.000 chỉ là gấp mười lần đoàn biểu tình. Nói nôm na là chỉ cần một người biểu tình kéo thêm bà con và họ hàng thì sức ép sẽ đủ để gây áp lực cho các yêu sách.
Trong tự nhiên có một tham số, gọi là tham số ngưỡng. Khi nước vượt quá một ngưỡng nhiệt độ sẽ đổi trạng thái. Khi nhiệt độ ấm dần lên đến một ngưỡng đông sẽ chuyển sang xuân, cây cối sẽ đâm chồi kết hoa. Các vận động xã hội cũng tuân theo qui luật tương tự vậy. Khi số người quyết tâm đã tăng đến một ngưỡng thì phong trào không còn dừng lại được. Những gì chúng ta chứng kiến số người xuống đường vào ngày 1/5 cho thấy rằng cái ngưỡng của xã hội đã bắt đầu bước qua. 
SỰ SUY TÀN CỦA CHẾ ĐỘ
Bất kỳ một chế độ nào cũng dựa trên hai trụ cột chính để duy trì sự cầm quyền của mình, đó là trí thức và an ninh. 
Nếu như trí thức giúp dẫn dắt dư luận và sự phục tùng của trí thức giúp kiến tạo nên tính chính danh của chế độ, thì lực lượng an ninh giúp duy trì trật tự của chế độ. Khi cột trụ trí thức sụp đổ hoặc không còn khả năng dẫn dắt dư luận, sự bất phục tùng của nhân dân sớm muộn rồi cũng phá vỡ đi những trật tự mà lực lượng an ninh cố gắng duy trì. Và khi mà những trật tự này ra đi cũng là lúc chế độ sụp đổ.
Những nhà cầm quyền Việt Nam hiểu rất rõ vai trò của trí thức và vì thế họ rất tốn công để quy dụ. Quy dụ, chữ của tôi dùng, hàm ý dụ dỗ để quy hàng. Cách phổ biến nhất để khuất phục và quy dụ trí thức là ban cho các giải thưởng và tôn vinh. Một khi các trí thức đã nhận các giải thưởng rồi sẽ trở thành những con cá bị mắc quai, dù biết có những điều sai trái cũng không dám nói, vì khi nói sẽ bị mất đi những bổng lộc đang được hưởng. 
Một cách khác để kiểm soát trí thức là kiểm soát hệ thống phong học hàm. Học hàm do đó sẽ trở thành một ân huệ mà nhà cầm quyền ban phát cho trí thức. Cái ơn nhận được ân huệ do đó sẽ khiến trí thức tiếp tục tận tụy phục vụ hệ thống và cúi đầu trước những điều trái sai. 
Trong một chế độ còn nặng tính tôn vinh bằng cấp, những học hàm ân huệ này vừa có lợi cho người ban phát, vừa có lợi cho người được nhận. Thông qua việc ban phát học hàm, nhà cầm quyền giúp tô lên lớp son cho những người thân tín của mình, đó là những cái loa giúp duy trì định hướng và trật tự xã hội. Ngược lại, những người nhận ân huệ tiếp tục dùng học hàm để vinh danh thăng tiến, cúc cung phục vụ và duy trì hệ thống, và nhà cầm quyền không thể nào vui hơn. 
Tuy vậy, những trụ cột làm nên chế độ giờ đây đang rạn vỡ. Trước hết hãy nhìn vào trụ cột trí thức để thấy rằng hiếm có người trí thức nào giờ đây còn công khai cỗ vũ cho chế độ. Tất cả đều lắc đầu. Khác biệt duy nhất giữa những người còn lý trí là một bên phản đối công khai, và bên còn lại chọn im lặng vì cuộc sống gia đình. Lực lượng trí thức dần chuyển sang thế đối lập. Và đó cũng là lý do mà lẽ phải giờ đây đang chuyển về phía nhân dân. Nhà cầm quyền đang dần trở nên cô độc với lực lượng an ninh của chính mình. 
BẾ TẮC CỦA NHÀ CẦM QUYỀN
Việt Nam đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế với những khó khăn to lớn vượt quá khả năng giải quyết của những nhà cầm quyền. Một trong các tham số dễ thấy nhất đó là sức mua của nhân dân giờ đây không còn nữa. Tất cả dường như đã kiệt quệ. Chỉ số lạm phát trong năm 2015 chỉ ở mức 0.6% là một minh chứng. Thông thường, ở các nước phát triển, mức lạm phát dao động trong khoảng 2% với biên độ 1% là chỉ số lý tưởng cho một nền kinh tế khỏe mạnh. Ở những nước đang phát triển như Indonesia, Thái Lan, mức lạm phát được kiểm soát trong khoảng 3-4% với biên độ dao động 1% là chỉ số vừa phải cho một nền kinh tế phát triển bình thường. Lạm phát dưới con số này chứng tỏ sức mua yếu đi, và nền kinh tế đã đi vào khó khăn. 
Khi thảm họa diễn ra, đã có những lời kêu gọi chính quyền trợ cấp tiền bạc và lương thực, trái lại cho đến nay người dân chỉ nhận được vài kí gạo. Quá thê thảm. Không phải là chính quyền trung ương không biết rằng nên trợ cấp tiền bạc cho ngư dân, nhưng đằng sau câu chuyện đó là một ngân sách đã hết tiền mà những người cầm quyền không dám nói vì sẽ gây nên hỗn loạn trong nhân dân. Cho đến tháng 10 năm 2015, ngân sách chính phủ chỉ còn tròm trèm 45 ngàn tỉ đồng. Nếu đem chia cho 90 triệu người, con số đó chỉ tương đương mỗi người được 500 ngàn đồng. Và nếu đem chia cho dân số của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quãng Bình, Quãng Trị, Thừa Thiên Huế, tổng cộng khoảng 3 triệu người, thì tổng số tiền đó tương đương mỗi người được 15 triệu, chỉ bằng số tiền một ngư dân tiêu trong 2-3 tháng. 
Hậu quả của một ngân sách cạn kiệt do hai nguyên nhân chính: khủng hoảng kinh tế khiến cho doanh nghiệp làm ăn không được và tiền thu thuế ít đi; và nguyên nhân thứ hai là nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ đã giảm đi đáng kể khi giá dầu từ mức 120 đô la Mỹ/thùng vào năm ngoài giờ chỉ còn ở mức giá 45 đô la Mỹ/thùng. Giá dầu còn rất lâu mới có thể quay lại mức 120 đô la Mỹ/thùng, đặc biệt là khi các mỏ dầu đá phiến Mỹ chỉ khai thác nửa chừng và chờ giá dầu lên là các công ty dầu Mỹ sẽ lập tức bơm, cộng thêm sự tham gia thị trường dầu của Iran và Syria khi tình hình chiến sự trở nên ổn định khiến nguồn cung dầu ngày càng nhiều trong khi nhu cầu dầu mỏ đã dần bão hòa khi nền kinh tế Trung Quốc đang khựng lại. 
Một bế tắc lớn lao hơn đó là việc trả nợ vay quốc tế. Trong năm 2016 chính phủ sẽ phải trả một lượng tiền tương đương 8 tỉ đô la Mỹ và năm sau cũng sẽ trả một lượng nợ như vậy. Với một ngân sách cạn kiệt, số tiền này có lẽ phải lấy từ dự trữ ngoại tệ hoặc vay mượn nợ mới để trả nợ cũ. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam dao động ở mức 30 tỉ đô la Mỹ. Số tiền này chỉ tương đương với 4 năm trả nợ. Tuy vậy, trong trường hợp phải lấy tiền từ quĩ dự trữ ngoại hối, chỉ cần mức dự trữ ngoại hối xuống ở mức 15 tỉ đô la Mỹ thì Việt Nam sẽ phải đối diện với khủng hoảng thanh khoản. Trong trường hợp còn lại, chính phủ sẽ đi vay. Nhưng thị trường tài chính hiện tại không dễ dàng gì để huy động cho một khoản vay lớn đến 8 tỉ đô la Mỹ. Và nếu giả sử chính phủ có thể vay được thì với mức lãi suất chính phủ đã vay giúp Vinashin năm 2007 khoảng 7%, việc trả nợ sẽ là một việc vô cùng khó khăn cho những ngày sắp tới.
Một chọn lựa khác đó là tăng thuế và cách dễ nhất là tăng thuế xăng dầu. Nhưng cái hại to lớn là việc tăng thuế xăng dầu sẽ đi kèm với nó là tăng lạm phát. Lạm phát tăng lên khiến đời sống của quân nhân và công nhân viên chức, những người lãnh lương theo ngạch, bỗng trở nên nghèo khó hơn. Chính phủ cũng có thể chọn tăng thuế xăng dầu kèm theo nó là tăng lãi suất để kềm chế lạm phát. Tuy vậy, khi mà nền kinh tế quá khó khăn, việc tăng lãi suất chỉ càng bóp chết doanh nghiệp.
Rồi đây, cuối cùng, nhà cầm quyền sẽ nhận ra rằng con đường duy nhất đó là giải tán bớt cơ quan Đảng, tinh giản đi bộ máy công quyền, và chống tham nhũng mới may ra có thể cứu vớt nền kinh tế. Vì những khoản tham nhũng đó, thay vì chạy vào ngân sách nhà nước, thì chảy vào túi các quan. Tham nhũng cũng làm cho doanh nghiệp phải tốn chi phí để bôi trơn và cuối cùng buộc doanh nghiệp phải tăng phí để lấy lại từ nhân dân. Nhưng làm như vậy thì khác gì chặt đi cánh tay của chính mình?
CHỌN LỰA CUỐI CÙNG CỦA NGƯỜI DÂN
Có một điều quan sát được trong các cuộc biểu tình dẫn đến thay đổi chế độ của Mùa xuân Ả Rập đó là các cuộc xuống đường sẽ ngày càng đông. Một trong các lý do của nó là sự độc ác của nhà cầm quyền. Nếu cuộc xuống đường không khiến cho nhà cầm quyền ra đi thì sau đó sẽ là những án tù và án tử cho những người xuống đường. Vì những tai họa có thể nhận được nếu nhà cầm quyền vẫn còn đó, họ, những người xuống đường, bằng mọi giá áp lực để chính phủ ra đi. 
Những kinh nghiệm của các nước Trung Đông giờ đây đang dần diễn ra ở Việt Nam. Hoặc là những người xuống đường và những người vận động sẽ nỗ lực để thay đổi chế độ hoặc họ sẽ lần lượt bị bỏ tù như những tù nhân dự khuyết. Những án tù nặng cho Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Đình Ngọc, những bắt bớ, đánh đập vô cớ với Trương Minh Tam, Lầu Nhật Phong, Mạc Vĩ Lực là những bằng chứng rõ ràng và sống động nhất. 
NGHĨ VỀ MỘT HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TỐI ƯU 
Những người quan tâm đến tương lai của đất nước sẽ tự hỏi rằng liệu đâu là một thể chế dân chủ tối ưu mà Việt Nam nên tham khảo để xây dựng khi đất nước sang trang, chuyển hướng về dân chủ. Những nghiên cứu chính trị học so sánh chỉ ra rằng một mô hình dân chủ tối ưu cần thõa mãn 5 đặc tính sau:
1) Giúp ngăn ngừa sự hình thành một chế độ độc tài mới. 
2) Giúp ngăn ngừa đảo chính. 
3) Bảo đảm một chính quyền ổn định và làm được việc. 
4) Ngăn ngừa sự thực thi các chính sách tồi dở. 
5) Kéo dài sự cầm quyền của một chính phủ thành công.
Và như vậy một câu hỏi là liệu rằng đã có một thể chế chính trị nào hội tụ đủ 5 tiêu chuẩn trên và thành công chưa? Câu trả lời là có. Đó là mô hình chính trị nghị viện – liên bang kiểu Đức. Những đặc tính của mô hình này, đặc biệt là nguyên tắc bỏ phiếu bất tín nhiệm mang tính xây dựng, không những đã thành công ở nước Đức mà còn được các nước dân chủ khác như Tây Ban Nha, Hungary, Lesotho, Israel, Ba Lan, Slovenia, Albania, Bỉ, tham khảo và áp dụng cho nước mình.
Điểm khác biệt lớn nhất giữa mô hình nghị viện liên bang kiểu Đức so với mô hình nghị viện liên bang kiểu Canada hay Úc đó là cách bầu cử và luật quốc hội. Nếu như ở mô hình Canada hay Úc, một đảng có thể dễ dàng giành đa số trong quốc hội để thành lập chính phủ nhờ cách bỏ phiếu đơn danh một vòng thì trong mô hình của Đức, chính phủ luôn là một liên minh giữa các đảng lớn nhờ cách bỏ phiếu mà ở đó mỗi cử tri sẽ có hai phiếu bầu: một phiếu bầu cho một liên danh đại diện đảng theo tỉ lệ và phiếu còn lại bầu cho cá nhân đại diện theo nguyên tắc đơn danh một vòng; một nửa số ghế trong Quốc hội Đức dành cho bầu đơn danh một vòng và một nửa còn lại cho bầu tỉ lệ liên danh đại diện các đảng. Vì là một liên minh nên rất khó xảy ra hiện tượng một đảng lớn chiếm đa số chèn ép các đảng còn lại và lũng đoạn chính trường — điều đã từng diễn ra ở những nước như Malaysia và Ấn Độ, nơi áp dụng mô hình tương tự kiểu Canada và Úc. Thêm vào đó, chính quyền Đức còn đưa thêm nguyên tắc bỏ phiếu bất tín nhiệm mang tính xây dựng nhằm làm cho chính phủ liên minh bền vững. Trong nguyên tắc này, thủ tướng chỉ được đưa ra bỏ phiếu bất tín nhiệm nhằm bãi nhiễm chỉ khi quốc hội về mặt đa số đã chọn được người kế tục vị trí thủ tướng. Và ngược lại, thủ tướng cũng không thể giải tán được quốc hội nếu mà một đa số thành viên trong quốc hội chọn được một thủ tướng khác thay thế. 
Vì giới hạn của bài viết, độc giả muốn hiểu một cách tường tận về các hệ thống chính trị cũng như các ưu nhược điểm có thể tìm đọc ở tài liệu: «So Sánh Các Mô Hình Dân Chủ Dựa Trên Cơ Chế Đồng Thuận và Theo Đa Số» đã đăng trên tạp chí Thời Đại Mới, số 33, tháng 7/2015, của cùng tác giả. 
Một ưu điểm nữa mà những nhà lập pháp sau này nên tham khảo mô hình chính trị của Đức đó là sự dễ dàng trong chuyển đổi giữa mô hình chính trị hiện nay của Việt Nam sang mô hình nghị viện – liên bang kiểu Đức. Chỉ bằng cách sửa lại luật bầu cử, tổ chức quốc hội, và gộp vài tỉnh lân cận lại thành một đơn vị hành chính bang là có thể giúp mô hình hiện tại của Việt Nam tiến gần đến mô hình chính trị của Đức. 
LỜI KẾT
Những người hiểu biết và theo dõi những diễn biến ở Việt Nam cuối cùng rồi sẽ đồng thuận với nhau một điều rằng đất nước này rồi sẽ sang trang. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian. Những chuyển đổi sớm sẽ giúp hình thành nên một chính phủ có trách nhiệm và đỡ đi những thiệt hại có thể có. Khi không có dân chủ và người dân không có quyền với các quyết định về chính sách, sẽ không chỉ có một mà ngày càng nhiều công ty chia nhau hủy hoại môi trường và đục khoét quốc gia. 
Đã đến lúc những người hiểu biết cất lên tiếng nói của mình. Vì khi những người có hiểu biết im lặng, thế giới sẽ chỉ nghe được lời của các thằng ngu. 

Nguyễn Huy Vũ

MN, 6/5/2016

Tham khảo thêm:

[1] Nguyễn Huy Vũ. 2015. “So Sánh Các Mô Hình Dân Chủ Dựa Trên Cơ Chế Đồng Thuận và Theo Đa Số”. Tạp chí Thời Đại Mới, số 33.
Nguồn: http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai33/201533_NguyenHuyVu.pdf

[2] Nguyễn Huy Vũ. 2016. “Thách thức kinh tế của Việt Nam”. Nguồn: http://nguyenhuyvu.blogspot.com/2016/04/thach-thuc-kinh-te-cua-viet-nam.html

[3] Nguyễn Huy Vũ. 2015. Kinh tế Việt Nam : Vài con số ». Nguồn : http://nguyenhuyvu.blogspot.com/2016/03/kinh-te-viet-nam-vai-con-so.html


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *