Đường lên núi. Nguồn: Internet. |
Thảm họa biển ô nhiễm, cá chết và người cũng đã chết vì ăn phải cá nhiễm độc, đã kéo dài hơn hai tháng. Phản ứng lại với nó là một chính quyền ngậm im, dối trá, và vô lương tâm. Họ ngậm im với những nguyên nhân và hệ quả của biển ô nhiễm. Họ nói dối rằng biển an toàn và người dân nên tắm biển, ăn cá khi mà cá bị phát hiện nhiễm kim loại nặng, gà và ngan ăn phải cá đều đã chết. Họ vô lương tâm khi nhìn những ngư dân đói nghèo quanh năm sống nhờ những con thuyền bé nhỏ ven bờ, giờ phải tự lo cho cái đói. Nhưng có lẽ tội lỗi lớn nhất của những người cầm quyền đó là hủy hoại tài sản lớn nhất của quốc gia: đó là biển và hải sản. Nếu cách đây vài năm, nhập khẩu hải sản để ăn là một điều xa xỉ thì rồi đây điều đó sẽ trở thành một thực tế. Biển không còn là sẽ chết nữa, mà là đã chết, và tôm cá chết ở Phú Yên là hiện tượng mới nhất. Những tội lỗi khó thể nào bào chữa.
Những diễn biến trong nước những ngày qua cho thấy hai điều. Về phía những người cầm quyền, những khó khăn quá lớn vượt quá khả năng giải quyết của họ. Biển chết, kinh tế đang sụp đổ, và nạn sứ quân. Những người đang nắm quyền đều biết rằng họ không còn tin vào khả năng dẫn dắt đất nước của những người cầm quyền ở cấp cao nhất nữa, và giải pháp của họ là càng vơ vét càng nhanh, càng nhiều, càng tốt. Ở phía người dân, sau hai cuộc xuống đường biểu tình qui mô, mọi thứ dường như lắng lại. Không phải rằng người dân muốn quên đi thảm họa môi trường và cá chết, vì chừng nào họ không cảm thấy an toàn khi ăn cá thì ngày đó họ vẫn còn ghi trong lòng tội lỗi của những người tạo ra thảm họa. Họ, những người dân, lắng lại chỉ vì họ chưa thấy được một giải pháp nào thực sự có thể đẩy yêu cầu của họ đi xa hơn. Đó là những nỗi niềm ấm ức và lan tỏa, như ngọn lửa âm ỉ chỉ đợi chờ những cơn gió.
Có một câu hỏi lớn hơn rằng liệu rồi phong trào dân chủ sẽ đi về đâu, và từ thảm họa cá chết này chúng ta có thể làm gì để đối phó hay đẩy phong trào tiến lên? Hay nói một cách khác là chúng ta sẽ làm gì tiếp theo?
Một cách ví von, nếu như viễn cảnh về một đất nước dân chủ tự do như một người đang ở trên đỉnh một ngọn núi thì một người đi đường từ chân núi sẽ phải vượt qua nhiều chặng khác nhau, và ở mỗi chặng, đối diện với một khó khăn, người đi đường sẽ phải dùng đến những chiến thuật nhất định để vượt qua nó.
Một cách cơ bản, một hệ thống dân chủ tự do sẽ phải bao gồm những quyền như sau: đó là quyền tự do thể hiện, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do đi lại, quyền tự do về kinh tế, xã hội, và văn hóa, quyền tự do về dân sự và chính trị, quyền được tiếp cận về giáo dục, quyền liên quan đến bắt giữ và tra tấn… Và để có được mỗi một trong các quyền như vậy, duy trì và phát triển những quyền đó, chúng ta cần những cách tiếp cận nhất định. Và mỗi khi mà một quyền được thực hiện một cách nghiêm túc hơn, chúng ta càng tiến đến gần hơn với một thể chế dân chủ tự do. Vì vậy, dân chủ tự do là một hành trình, hành trình để đất nước ngày càng văn minh và tiến bộ hơn cho tất cả mọi người.
Có nhiều người quan niệm rằng những hệ quả của một xã hội hiện nay là do Đảng Cộng sản và việc cần làm để thay đổi là lật đổ. Có vài điều cần nói. Thứ nhất, về mặt lực lượng, cho đến nay vẫn chưa có một lực lượng nào đủ lớn và có tổ chức đủ để đứng ra thách thức Đảng Cộng sản, và vì vậy kêu gọi lật đổ hay kêu gọi một hành động tương tự là một hành động quá lớn, vượt khả năng của bất cứ những nhóm bất đồng chính kiến nào. Thứ hai, giả sử rằng có một sự ra đi của chế độ cộng sản, dù muốn dù không, chính quyền mới vẫn sẽ phải dùng lại những lực lượng công an, quân đội, và hành chính trong một khoảng thời gian chuyển tiếp nếu muốn cuộc chuyển tiếp diễn ra trong hòa bình và trật tự. Thứ ba, với một hệ thống đảng viên khoảng hơn ba triệu người, cùng với gia đình và họ hàng, tổng cộng khoảng 9 triệu người hay mười phần trăm dân số liên quan đến chính quyền, một chính quyền mới sau khi chuyển sang chế độ mới hẳn sẽ phải đưa ra các giải pháp hòa giải và chung sống với những đồng bào mình, những con người có liên quan đến chế độ cộng sản, nếu chúng ta muốn có một đất nước đoàn kết, hòa bình, và ổn định. Cuối cùng, và quan trọng nhất, là sự ra đi của chế độ cộng sản không phải tự nhiên đưa chúng ta đến với một chế độ dân chủ và tự do. Có nhiều những chế độ dân chủ tự do đã biến thái để trở thành những nước độc tài hay thậm chí trở thành một nước cộng sản trá hình và rồi lụn bại, mà Venezuela là một ví dụ mới nhất. Vì vậy mà cuộc chiến nhằm duy trì và phát huy các quyền dân sự và chính trị phải luôn luôn được thực hiện nếu chúng ta muốn có được một thể chế dân chủ tự do.
Đạt được mỗi một quyền cho người dân là hoàn thành một chặng đường tiến gần hơn đến đích tự do, và vượt qua mỗi một chặng đường đó cần phải có những chiến lược và chiến thuật. Có những lúc may mắn hay vô tình, một dân tộc tiến qua những chặng đường như vậy mà không tốn nhiều công sức, nhưng như Tôn Tử đã nói: «Chiến lược mà không có chiến thuật là con đường chậm nhất dẫn đến chiến thắng. Chiến thuật mà không có chiến lược chỉ là những âm vang trước khi bị đánh bại.» Chính vì vậy chúng ta cần nghĩ đến những chiến lược và chiến thuật nhất định để vượt qua mỗi một chặng đường để giành một quyền nhất định.
Sẽ không bao giờ có một giải pháp duy nhất và cũng không thể nào, sau một đêm ngủ dậy, chúng ta được sống trong một đất nước tự do. Mỗi một quyền là một điều chúng ta cần giành lấy, và để giành lấy, chúng ta cần đến những chiến lược và chiến thuật để đến đích nhanh hơn. Đó là những chiến thuật để lôi kéo các đồng minh, những chiến thuật đe dọa trả đũa đối thủ, những chiến thuật vận động và tuyên truyền, hay những chiến thuật để bảo vệ đồng đội, mà cuối cùng cũng chỉ để giành thêm một quyền và tiến một bước gần hơn về đích tự do.
Xây dựng một chiến lược và chọn lựa những chiến thuật như thế nào sẽ là nội dung của những bài sắp tới, tuy vậy, có vài điều quan trọng cần nói về cách xây dựng một chiến lược. Thông thường, khi đưa ra một chiến lược và chọn những chiến thuật, những người dẫn dắt thường tập trung tấn công vào tổ chức cầm quyền, cụ thể là Đảng Cộng sản. Đó là một cách tiếp cận sai. Có vài ý. Thứ nhất, lực lượng của phe dân chủ còn yếu để có thể là một tổ chức đối lập trực diện với đảng cầm quyền. Thứ hai, và quan trọng hơn, việc tấn công vào một tổ chức chung chung giống như đánh vào một cái hư danh, mà quên rằng tổ chức bao gồm những con người khác nhau, trong đó họ nắm giữ các vị trí khác nhau, có phản ứng và cảm tình khác nhau với các sự kiện khác nhau và với phong trào dân chủ. Chính vì vậy, một chiến thuật hợp lý hơn là tấn công chọn lọc vào những cá nhân đóng vai trò mắc xích quan trọng ở mỗi chiến dịch. Ngắn gọn, ở mỗi chiến dịch, hãy tập trung vào một vấn đề cụ thể nhất, chọn một mục tiêu cá nhân để tiếp cận, và chọn một chiến thuật để thi hành. Một vấn đề được chọn sẽ là một vấn đề mà giải quyết nó sẽ khiến cho phong trào tiến xa hơn trong việc giành lấy một quyền hoặc để nhận thêm những đồng minh mới. Một ví dụ mới đây nhất là để giải quyết hệ thống chính trị độc tài ở Venezuela, những người đối lập chỉ tập trung kêu gọi sự ra đi của Nicolas Maduro; hay trước đây ở Ai Cập là áp lực cho sự ra đi của Hosni Mubarak. Và điểm cuối cùng, hãy cố gắng xây dựng những kết nối với những cá nhân trong chính quyền làm đồng minh. Như đã nói, trong một tổ chức sẽ gồm những con người khác nhau, nhiệm vụ của những người dân chủ sẽ là lôi kéo sự ủng hộ của những người có cảm tình trong chính quyền; riêng đối với những người là đối thủ tiềm năng, nhiệm vụ của phong trào dân chủ sẽ là đe dọa có những trả đũa mạnh mẽ nếu những cá nhân này tấn công vào phong trào dân chủ. Hãy chọn mục tiêu là những cá nhân thay vì là một tổ chức chung chung.
Một câu hỏi cuối cùng rằng chúng ta đang ở đâu trong hành trình dân chủ hóa đất nước? Những bước cơ bản nhất của một hành trình dân chủ sẽ là giành được quyền tự do ngôn luận, giành được các quyền liên quan đến chính trị như lập đảng chính trị và hoạt động chính trị, giành được quyền tự do bầu cử ứng cử, và bảo đảm một cuộc bầu cử công bằng. Trong những bước đó, chúng ta đã đi được hơn một nửa ở bước một – giành quyền tự do ngôn luận – thông qua các phát ngôn và bài viết trên facebook. Chúng ta đang nghĩ tới bước hai là xuất hiện các tổ chức chính trị và hoạt động chính trị công khai. Chúng ta đang bắt đầu giành lại quyền bầu cử ứng cử bằng cách đứng ra tranh cử đại biểu Quốc hội. Và có lẽ khó khăn nhất là chúng ta cần nhận thức và nỗ lực để vận động sửa luật Bầu cử nhằm đảm bảo một cuộc bầu cử công bằng.
Đó là những bước cần thiết và tối thiếu nhất để chúng ta tiến tới một thế chế dân chủ tự do. Nhiệm vụ của những người còn quan tâm đến đất nước là nghĩ suy và kết hợp để vượt qua những bước này.
MN, 13.6.2016
Leave a Reply