Khi nào đất nước đổi thay?

Khi những người độc lập, ngoài Đảng Cộng sản đứng ra tranh cử các vị trí Đại biểu Quốc hội, những người có hiểu biết về chính trị đều thấy cơ hội gần như là một con số không. Nhưng việc ra ứng cử của các ứng cử viên độc lập không phải là công việc vô nghĩa, vì ít nhất nó có ba tác dụng. Ở khía cạnh thứ nhất, nó kiểm nghiệm độ mở về mặt chính trị của chính quyền rằng đứng trước một Miến Điện đã cải cách trong hòa bình thì liệu rằng những người cầm quyền có theo dõi và học hỏi để cởi mở không. Ở khía cạnh thứ hai, đó là dịp để những người hoạt động chính trị không thuộc Đảng Cộng sản đứng ra giới thiệu mình như là những ứng cử viên thách thức vị thế độc tôn về chính trị của Đảng Cộng sản. Và nếu như có hàng trăm những trí thức cùng sát cánh bên nhau đứng ra tranh cử thì trước hết đó sẽ là một tiếng nói phản kháng rất lớn và là một điểm tựa của mặt trận những người muốn thay đổi về dân chủ. Ở khía cạnh thứ ba, đó là một hoạt động tập dượt dân chủ cho người dân, rằng bầu cử và vận động bầu cử là những hành động hợp pháp, và việc gạt bỏ đi tất cả những ứng cử viên độc lập một cách đầy dàn dựng chứng tỏ rằng đây là một màn trình diễn, và đó là điều cần phải vứt bỏ nếu chúng ta muốn có một cuộc bầu cử tự do.

Có hai điều đáng tiếc. Điều đáng tiếc thứ nhất là những người đối lập đã không hiểu rõ cơ hội này để kết hợp một cách đông đảo và giới thiệu mình một cách chuyên nghiệp đến người dân. Đó là một cơ hội hiếm hoi để người dân biết thêm rằng những người «phản động» họ là ai và đã làm gì. Nhưng điều đáng tiếc thứ hai phải dành cho những nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản. Họ đã để vụt mất cơ hội để tự cứu chính mình và tính chính danh của mình. Tôi có những người quen, và cả những người tôi biết, rất nhiều lần góp những ý kiến để Đảng Cộng sản thay đổi, nhưng kể từ sau cuộc bầu cử, tất cả dường như im lặng.

Cuộc bầu cử quốc hội là một phép thử và Đảng Cộng sản, sau phép thử đó, đã đưa ra một tín hiệu rằng còn lâu họ mới cải cách. Chính vì vậy mà sau đó là những cuộc xét xử và bỏ tù những người bất đồng chính kiến (Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự, Nguyễn Đình Ngọc), và thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình vì môi trường và Formosa.

Cuộc biểu tình chống Formosa ở Hà Tĩnh rồi cũng không ngoại lệ. Để ngăn cản các cuộc biểu tình trong tương lai, họ sẽ cho cách li những người cầm đầu, dàn quân theo dõi các động tĩnh, sẵn sàng bắt giữ những người hỗ trợ cốt cán nhất, cắt đứt các chi viện về tài chính cho các hoạt động biểu tình, cho người phong tỏa các nút giao thông … Có đủ mọi cách để một nhà cầm quyền muốn ngăn chặn các cuộc biểu tình diễn ra và họ sẽ làm như vậy.

Kiện Formosa ra tòa là một việc nên làm và phải làm. Tuy vậy, trong điều kiện hiện nay khi mà người xét xử và người ra mọi quyết định chính là chính quyền, với các dấu hiệu bao che cho Formosa, thì có lẽ rồi nó sẽ chẳng có một kết thúc khả quan lắm. Nhưng cho dù không có nhiều kết quả, kiện Formosa ra tòa nó thể hiện một thái độ phản kháng của người dân trước những bất công. Đó là một hành động đòi công bằng, và như bất cứ hành động đòi công bằng nào khác nó cần được ủng hộ.

Có một câu hỏi lớn hơn rằng liệu Đảng Cộng sản sẽ về đâu trong những ngày tới, nhất là khi ông Tổng Bí thư đang ở cái tuổi thất thập cổ lai hy?

Nhiều lần tôi gặp những người bạn, họ than nếu như người ở Việt Nam mỗi người đều lên tiếng nói thì sự thay đổi sẽ đến trong một thời gian rất gần. Có thể rằng trong sự nôn nóng và mong muốn đất nước đổi thay nhanh chóng mà họ nghĩ như vậy, nhưng nếu tìm hiểu kỹ hơn sự vận hành của một hệ thống chính trị hay sự vận động của một đất nước thì đó là một công việc đầy khó khăn và tốn rất nhiều thời gian.

Với một hệ thống đảng viên lên tới 3 triệu người, thêm thành phần gia đình nữa, vị chi khoảng 10 triệu người gắn bó với Đảng Cộng sản và hưởng lợi từ hệ thống này. Đó còn là chưa kể một hệ thống thứ cấp những người hưởng lợi từ các hoạt động của 10 triệu người này. 10 triệu người này là những người nắm giữ quyền lực và đa số tài sản của quốc gia, và các hoạt động kinh doanh của họ kéo theo một hệ thống thứ cấp các cá nhân hưởng lợi từ hệ thống này. Mà nếu tính cứ 1 người trong hệ thống 10 triệu người tạo ra lợi ích cho khoảng 4 người ở hệ thống thứ cấp thì mạng lưới trực tiếp và gián tiếp hưởng lợi từ hệ thống hiện tại với Đảng Cộng sản chi phối có thể lên tới con số 50 triệu người, hay một nữa dân số. Hệ thống lợi ích này nắm giữ từ bệnh viện, trường học, các dự án cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp, hệ thống báo chí, hệ thống thi đua khen thưởng, hệ thống hành chính các cấp ….

Nếu hỏi những người có hiểu biết trong hệ thống lợi ích này rằng họ có muốn một mô hình tự do dân chủ như các nước phương Tây không, đa phần họ sẽ nói có, và bằng chứng rõ rệt nhất là họ chỉ gửi những đứa con yêu quý của mình sang các nước phương Tây du học nếu có cơ hội chứ không gửi sang các nước cộng sản như Cu Ba, Bắc Triều Tiên. Nhưng họ đa phần không dấn thân cho dân chủ, không phải vì không biết đó là một công việc hữu ích, mà vì nó có quá nhiều rủi ro khi phải đánh đổi một lợi ích vốn có trước mắt. Và đó là lý do mà các hệ thống độc tài tồn tại được lâu như vậy. Chừng nào mà các thành viên đều có phần lợi ích từ hệ thống thì hệ thống sẽ tiếp tục tồn tại.

Cuộc Đổi Mới 1986 diễn ra khi Đảng Cộng sản hầu như không có một đối lập nào cả. Tất cả dường như im bặt, chỉ có những tiếng nói và chỉ thị của các chóp bu Đảng Cộng sản. Họ cải cách đơn giản vì đó là con đường sống của họ khi tất cả dường như đã kiệt quệ.

Nhưng ở thời điểm năm 2016 trở đi câu chuyện đã khác. Những người giàu nhất là những người cộng sản và thân tín. Họ đã lột xác từ giai cấp vô sản thành những người tư sản, giữ một lượng lớn tài sản và muốn tiếp tục được làm giàu ở Việt Nam. Và chừng nào mà những người cầm quyền còn giúp họ kiếm tiền, chế độ sẽ còn tiếp tục.

OL, 8.10.2016


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *