Phía sau cuộc biểu tình

Cuối cùng thì cuộc biểu tình ngày 5/3/2017 cũng diễn ra, bất chấp lời kêu gọi mù mờ của người khởi phát.

Đó là một dấu hiệu của sự tiến bộ mà đúng ra những người quan tâm đến thời cuộc nên mừng. Tại sao? Đó là bởi vì người dân đã dần hết sợ. Họ xuống đường một cách can đảm để cất lên tiếng nói của mình vì chính quyền lợi của mình, chứ không ai khác, và cuộc xuống đường của họ đã không chịu một sự dẫn dắt của bất cứ một cá nhân nào, đặc biệt là các cá nhân hay «hô hào dân chủ» trên mạng.

Khi dân khí đã dần được tăng lên, người dân đã tự ý thức được trách nhiệm của mình đối với chính mình và quốc gia dân tộc thì chẳng phải là một điều đáng mừng sao?

                           

Nhiều người cho rằng người khởi xướng cuộc xuống đường không rõ ràng nên họ không ủng hộ. Đó là một thái độ trước hết là hẹp hòi nếu họ là người vận động dân chủ chính hiệu; và thứ hai đó chỉ là một lý cớ để phân tán dư luận, làm giảm áp lực lên nhà cầm quyền của nhóm dân chủ cuội, tay chân của chính quyền.

Tại sao lại là hẹp hòi? Bởi vì trong hoàn cảnh hiện nay, khi bất cứ một cá nhân nào ở trong nước mà đưa ra lời kêu gọi thì tất họ sẽ dễ bị gán vào tội kích động nhân dân, lật đổ chính quyền, hay rất nhiều tội liên quan khác. Đó là vấn đề an nguy cá nhân. Nhưng điều đáng nói là chuyện ai kêu gọi không quan trọng, bởi vì mục tiêu cuối cùng của mọi người đó là đóng cửa Formosa, đền bù các thiệt hại, và kêu gọi làm sạch môi trường. Đó là những nhiệm vụ yêu nước mà bất cứ một cá nhân yêu nước nào cũng cần phải đặt lên trên tất cả. Một người dân chủ thật lòng, yêu nước, thương dân tộc, do đó phải bằng cách nào đó ủng hộ việc người dân cất lên tiếng nói của mình đòi quyền lợi cho mình và cho đất nước, hoặc ít ra nếu không ủng hộ cũng nên im lặng động viên họ.

VAI TRÒ CỦA TỔ CHỨC

Những người khác ngầm chỉ trích rằng những người xuống đường không có tổ chức và không có mục tiêu cụ thể, nên họ không tham gia. Đúng là những người xuống đường không có tổ chức. Nhưng mục tiêu cụ thể thì họ có, đó là lên tiếng vì môi trường, cụ thể là đòi đóng cửa Formosa, đền bù thiệt hại, và làm sạch môi trường, vì ích lợi của mình và đất nước mình.

Một số người khác cho rằng vì mục tiêu không đạt được nên họ không ủng hộ. Đó là một sự sai lầm. Một con đường cần bắt đầu bởi bước chân đầu tiên. Muốn có được những sức ép đòi chính phủ giải quyết vấn nạn môi trường của Formosa cần ở đó sự lên tiếng nói của một người, sau đó hai người, từ từ lan ra trăm người, và sau đó là hàng ngàn người khác. Nếu không có hàng trăm người xuống đường hôm nay, sẽ không thể nào có hàng ngàn người ngày sau lên tiếng cho các vấn đề khác. Vì vậy mà chúng ta nên trân trọng và biết ơn những người xuống đường hôm nay.

Có ý kiến cho rằng biểu tình hiệu quả cần tổ chức. Đúng. Không những biểu tình mà tất cả các hoạt động khác từ kinh tế, xã hội, cho đến chính trị cần được tổ chức để đạt được hiệu quả. Chính trị và công cuộc vận động nhân dân cần được tổ chức chặt chẽ, chu đáo và có kế hoạch hơn. Sự tổ chức và phối hợp đó đòi hỏi rất nhiều khâu từ truyền thông, bố trí nhân sự, cho đến hậu cần.

Một cuộc biểu tình mang tính tổ chức, có hiệu quả, và muốn đạt được một mục tiêu nhất định cần ở đó một tổ chức chính trị chuyên nghiệp. Đó là điều mà những ai quan sát hay tìm hiểu về chính trị nghiêm túc đều biết.

Nhưng, một tổ chức được hình thành không phải bởi những cá nhân ngồi một chỗ rồi kêu gọi. Tổ chức chỉ được hình thành từ những cá nhân hoạt động, phối hợp hành động, và cần để thực hiện một mục tiêu. Có thể nói mục tiêu hành động và lý tưởng hành động là hai chất keo sơn gắn bó các cá nhân hoạt động chính trị với nhau trong một tổ chức.

Đâu là mục tiêu? Những tổ chức chính trị ở các xứ họ đứng bên nhau vì mục tiêu của họ là giành chính quyền. Họ hành động mỗi ngày chỉ vì mục tiêu này, và sự phối hợp hành động giữa các cá nhân mỗi ngày cũng là chất keo kết nối họ với nhau. Nếu không có mục tiêu cũng không hành động mỗi ngày tổ chức sẽ dần rụng vỡ.

Nó giống như đại dương được hình thành từ những con sông, và những con sông được bắt nguồn từ những dòng suối. Những con suối không chảy sẽ chỉ là những vũng nước tù. Một tổ chức phải được hình thành từ những cá nhân hoạt động, và chỉ những cá nhân liên tục hoạt động thì mới có thể hình thành nên một tổ chức sống động.

Chính vì vậy mà trước khi nghĩ đến một tổ chức thì những người muốn hoạt động có tổ chức cần bắt đầu từ cá nhân mình, sau đó kết hợp với một vài cá nhân khác để theo đuổi những dự án nhỏ, từ đó, những nhóm nhỏ kết hợp nhau để thành nên một tổ chức lớn.

ẢNH HƯỞNG CỦA CUỘC BIỂU TÌNH

Liệu đâu là ảnh hưởng của cuộc biểu tình? Nhiều người cho rằng những cuộc biểu tình vài trăm người như vậy nó không thể thay đổi gì và vì vậy mà họ có lý do từ chối tham gia.

Thực ra thì những cuộc biểu tình vài trăm người như vậy nếu cứ liên tục được diễn ra một cách đều đặn tự nó sẽ tạo ra một ảnh hưởng to lớn trên đất nước.

Thứ nhất, một khi các cuộc biểu tình liên tục diễn ra như vậy nó sẽ khiến cho kinh tế Việt Nam nhanh chóng sụp đổ và kéo theo nó là sự sụp đổ của hệ thống chính trị. Tại sao? Vì khi mà môi trường chính trị ngày càng xấu đi thì giới đầu tư trong và ngoài nước sẽ không đầu tư ở Việt Nam nữa. Ngân sách vốn đã khánh kiệt càng giảm đi nhanh chóng. Sự hỗn loạn càng khiến người dân rút tiền tích trữ ngoại tệ, đẩy Việt Nam nhanh chóng đi vào khủng hoảng nợ công và khủng hoảng tài chính. Áp lực trả nợ ngoại tệ và áp lực tích trữ ngoại tệ sẽ khiến cho nhu cầu mua ngoại tệ tăng, gây áp lực phá giá tiền Đồng, tạo ra bất ổn vĩ mô và đẩy Việt Nam đi sâu vào khủng hoảng.

Chẳng phải là những thay đổi chính trị ở các chế độ độc tài thường bắt đầu bởi sự khủng hoảng kinh tế sao?

Bởi vì bảo đảm một sự phát triển kinh tế là tính chính danh duy nhất của một chế độ độc tài.

Thứ hai, những cuộc biểu tình liên tục khiến cho dân khí Việt Nam tăng thêm. Dần dần, những cuộc biểu tình như vậy sẽ thường xuyên hơn và đông hơn. Đó là một mối nguy cho chính phủ, bởi vì khoảng cách từ yêu cầu đóng cửa Formosa đến yêu cầu có một cuộc bầu cử tự do nó sẽ không xa lắm khi dân khí đã tăng lên.

Chẳng phải là các cuộc cách mạng đường phố diễn ra khi khoảng chừng 3-4% dân số xuống đường sao? 3-4% dân số của 90 triệu dân Việt tương đương trung bình 3 triệu người, nó chỉ khoảng 1/3 dân số Hà Nội hay Sài Gòn.

Nói lên điều đó để thấy rằng chỉ 1/3 dân số của một trong hai thành phố lớn nhất Việt Nam xuống đường thì sự đổi thay sẽ bắt đầu.

Thứ ba, khi dân khí ngày được tăng lên, các cuộc biểu tình là môi trường để rèn luyện và hình thành nên các cá nhân yêu nước đóng góp vào sự hình thành các tổ chức. Chẳng phải là các cuộc xuống đường liên tục của người dân Miến Điện, bất chấp đàn áp, giết chóc và bỏ tù hàng ngàn người của chính quyền quân phiệt Miến Điện cuối cùng hun đúc nên những cá nhân đóng góp vào Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ (NLD) của Miến Điện vào năm 1988 đó sao?

Thứ tư, việc tiếp tục đàn áp của chính quyền nó sẽ khiến cho tính chính danh của chính quyền ngày càng giảm sút. Một khi uy tín và tính chính dánh của chính quyền ngày càng giảm sút, thì sự suy yếu của chính quyền càng thêm tăng tốc. Bên cạnh đó, việc phải chi tiêu tăng cường cho các hoạt động đàn áp biểu tình sẽ khiến ngân sách càng thêm cạn kiệt.

***

Nói như vậy để thấy rằng việc kêu gọi xuống đường bước đầu là đóng cửa Formosa, đòi bồi thường thiệt hại, và bước sau là đòi hỏi một cuộc bầu cử tự do và công bằng sẽ là bước đi then chốt của phong trào dân chủ Việt Nam trong những ngày sắp tới. Càng tiếp tục xuống đường thì sự thay đổi càng diễn ra nhanh chóng hơn. Đảng Cộng sản nếu không thay đổi thì sắp tới có lẽ sẽ là những ngày cuối cùng của mình, bởi lẽ người dân Việt Nam giờ đây chỉ còn hai lựa chọn: hoặc là họ kêu gọi đóng cửa Formosa để được sống an lành; hoặc là họ chịu chết dần vì cá và hải sản bị ô nhiễm, biển đang chết.

Nguyễn Huy Vũ

5.3.2017


Posted

in

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *