Điều 71. Phân định thẩm quyền lập pháp giữa Liên bang và Bang
(1) Bang sẽ có quyền lập pháp đối với những vấn đề mà Luật Hiến pháp này không xác định là thuộc thẩm quyền lập pháp của Liên bang.
(2) Việc phân định thẩm quyền lập pháp giữa Liên bang và các Bang, vốn bao gồm các quyền lập pháp độc quyền bởi Liên bang và các quyền lập pháp song trùng mà trong đó quyền lập pháp được chia sẻ giữa Liên bang và Bang, sẽ được điều chỉnh bởi các điều luật trong bản luật Hiến pháp này.
Điều 72. Thẩm quyền lập pháp độc quyền của Liên bang
Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền lập pháp độc quyền của Liên bang, Bang sẽ có quyền lập pháp chỉ khi và trong phạm vi được sự uỷ quyền rõ ràng bởi một đạo luật liên bang.
Điều 73. Các vấn đề thuộc thẩm quyền lập pháp độc quyền của Liên bang
(1) Liên bang sẽ có thẩm quyền lập pháp độc quyền ở các lĩnh vực sau:
1. Ngoại giao và quốc phòng, bao gồm việc bảo vệ thường dân;
2. Quy chế công dân;
3. Sự tự do di chuyển, hộ chiếu, đăng ký cư trú và thẻ căn cước, nhập cư, di cư, dẫn độ;
4. Tiền tệ và các hệ thống đo lường;
5. Sự thống nhất của khu vực thuế quan và mậu dịch, các hiệp định liên quan đến thương mại và hàng hải, sự tự do di chuyển của hàng hoá, việc trao đổi hàng hoá và thanh toán với các nước, thuế quan và bảo vệ biên giới;
6. Bảo vệ các tài sản văn hóa không bị đem đi khỏi đất nước;
7. Vận tải hàng không;
8. Hệ thống đường sắt liên bang;
9. Hệ thống bưu chính viễn thông;
10. Quan hệ pháp lý của công chức liên bang;
11. Quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và xuất bản;
12. Sự hợp tác giữa Liên bang và các Bang nhằm chống lại tội phạm, bảo vệ trật tự dân chủ tự do, sự tồn tại và an ninh của Liên bang và của các Bang, việc thành lập lực lượng Cảnh sát Hình sự Liên bang và các hành động quốc tế để chống tội phạm;
13. Hoạt động của lực lượng Cảnh sát Hình sự Liên bang nhằm chống lại khủng bố quốc tế khi mà mối đe doạ vượt quá biên giới của một Bang, khi mà trách nhiệm không được chỉ địch rõ rệt cho những đơn vị cảnh sát của các Bang, hoặc khi mà nhà chức trách có thẩm quyền cao nhất của một Bang yêu cầu Liên bang lãnh nhận trách nhiệm;
14. Số liệu thống kê cho mục đích của liên bang;
15. Luật về chất nổ và vũ khí;
16. Sản xuất và sử dụng năng lượng hạt nhân và chất phóng xạ;
17. Phúc lợi cho cựu chiến binh và nạn nhân của chiến tranh;
(2) Luật được ban hành theo mục 13 của đoạn (1) phải có sự chuẩn thuận của Thượng nghị viện.
Điều 74. Thẩm quyền lập pháp song trùng
(1) Đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền lập pháp song trùng, các Bang có thẩm quyền lập pháp miễn là trong phạm vi mà Liên bang chưa thực hiện thẩm quyền lập pháp của mình bằng cách ban hành luật.
(2) Liên bang sẽ có quyền lập pháp đối với các vấn đề thuộc cácmục 4, 6, 9, 11, 13, 18, 19, 21, 24, 25 và 33 của đoạn (1) của Điều 75 trong trường hợp mà việc lập pháp của liên bang là cần thiết vì lợi ích quốc gia khi phải thiết lập các điều kiện sống tương đương trên toàn bộ lãnh thổ liên bang hoặc nhằm để duy trì sự thống nhất về pháp lý hoặc kinh tế.
(3) Nếu Liên bang đã sử dụng thẩm quyền lập pháp của mình để ban hành luật, các Bang có thể ban hành luật khác với những thay đổi đối với luật đã được ban hành bởi Liên bang trong các lĩnh vực sau:
1. săn bắn (trừ luật về giấy phép săn bắn);
2. bảo vệ thiên nhiên và quản lý cảnh quan (trừ các nguyên tắc chung chi phối việc bảo vệ thiên nhiên, luật bảo vệ các loài thực vật và động vật hoặc luật bảo vệ sinh vật biển);
3. phân phối đất đai;
4. quy hoạch vùng;
5. quản lý tài nguyên nước (trừ các quy định liên quan đến vật liệu hoặc cơ sở vật chất);
6. tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục đại học và các yêu cầu để tốt nghiệp tại các
cơ sở đó;
7. thuế bất động sản.
Luật liên bang về những vấn đề này sẽ có hiệu lực không sớm hơn sáu tháng sau khi ban hành trừ khi có quy định khác với sự chuẩn thuận của Thượng nghị viện. Trong mối quan hệ giữa luật liên bang và luật của các Bang, luật ban hành mới nhất sẽ có hiệu lực ưu tiên đối với các vấn đề được đề cập đến trong câu đầu tiên của đoạn này.
(4) Một luật liên bang có thể quy định rằng việc lập pháp liên bang không còn cần thiết cho đoạn (2) của Điều này và nó có thể được thay thế bằng luật của Bang.
Điều 75. Các vấn đề thuộc thẩm quyền lập pháp song trùng
Quyền lập pháp song trùng sẽ áp dụng đối với các vấn đề sau:
1. luật dân sự, luật hình sự, tổ chức và thủ tục tố tụng của tòa án (trừ luật quản lý việc tạm giam trước khi xét xử), nghề luật sư, công chứng viên và việc cung cấp tư vấn pháp lý;
2. đăng ký khai sinh, khai tử và kết hôn;
3. luật về hội đoàn;
4. luật liên quan đến cư trú và định cư của người nước ngoài;
5. các vấn đề liên quan đến người tị nạn và người bị trục xuất;
6. phúc lợi xã hội (trừ luật về nhà ở xã hội);
7. thiệt hại chiến tranh và bồi thường;
8. mộ chiến sĩ và mộ của các nạn nhân chiến tranh hoặc chế độ chuyên chế khác;
9. luật liên quan đến các vấn đề kinh tế (khai thác mỏ, công nghiệp, năng lượng, thủ công, thương mại, ngân hàng, sàn giao dịch chứng khoán và bảo hiểm tư nhân), ngoại trừ luật về giờ đóng cửa cửa hàng, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, hội chợ thương mại, triển lãm và chợ;
10. luật lao động, bao gồm sự tổ chức của doanh nghiệp, cơ quan an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và cơ quan về việc làm, an sinh xã hội và bảo hiểm thất nghiệp;
11. việc điều chỉnh các khoản tài trợ giáo dục và đào tạo và thúc đẩy nghiên cứu;
12. luật về việc tịch thu, trong phạm vi liên quan đến các vấn đề được liệt kê trong Điều 73 và 75;
13. việc chuyển giao đất đai, tài nguyên thiên nhiên và phương tiện sản xuất sang sở hữu công hoặc các hình thức doanh nghiệp công khác;
14. ngăn ngừa việc lạm dụng quyền lực kinh tế;
15. thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và lâm nghiệp (trừ luật về hợp nhất đất đai), đảm bảo đủ nguồn cung cấp lương thực, nhập khẩu và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp, đánh bắt cá biển sâu và ven biển và bảo tồn bờ biển;
16. giao dịch bất động sản đô thị, luật đất đai (trừ luật về các phí phát triển dự án bất động sản), luật về trợ cấp tiền thuê nhà, trợ cấp cho các khoản nợ cũ, phí bảo hiểm cho vay xây dựng nhà ở;
17. các biện pháp phòng chống các bệnh ở người và động vật vốn gây nguy hiểm cho công chúng hoặc dễ lây truyền, sự chấp nhận vào nghề y và các nghề phụ trợ, luật về hiệu thuốc, thuốc, sản phẩm y tế, chất gây nghiện và chất độc;
18. khả năng kinh tế của bệnh viện và quy định về chi phí bệnh viện;
19. luật về các sản phẩm thực phẩm, luật về rượu và thuốc lá, hàng hóa thiết yếu, thức ăn chăn nuôi, hạt giống và cây giống nông nghiệp và lâm nghiệp, bảo vệ thực vật và động vật khỏi bệnh tật và sâu bệnh;
20. vận tải biển và ven biển, cùng các phương tiện hỗ trợ hàng hải, hàng hải nội địa, dịch vụ khí tượng, tuyến đường biển và đường thủy nội địa được sử dụng cho giao thông nói chung;
21. giao thông đường bộ, vận tải cơ giới, xây dựng và bảo trì đường cao tốc đường dài, thu phí sử dụng đường cao tốc công cộng và phân bổ doanh thu;
22. đường sắt không thuộc liên bang;
23. xử lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm không khí và giảm tiếng ồn (trừ việc bảo vệ khỏi tiếng ồn liên quan đến hoạt động của con người);
24. nợ của bang;
25. việc tạo ra sự sống con người nhờ sự hỗ trợ y tế, phân tích và sửa đổi thông tin di truyền, quy định về cấy ghép nội tạng, mô và tế bào;
26. các quyền và nghĩa vụ theo luật định của công chức các bang, các thành phố, và các công ty được thành lập theo luật công, cũng như là với các thẩm phán tại các bang, ngoại trừ các quy định về nghề nghiệp, tiền lương và lương hưu của họ;
27. săn bắn;
28. bảo vệ thiên nhiên và quản lý cảnh quan;
29. phân phối đất đai;
30. quy hoạch vùng;
31. quản lý tài nguyên nước;
32. tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục đại học và các yêu cầu để tốt nghiệp tại các cơ sở đó;
33. thu thập, lưu trữ, xử lý, và sử dụng thông tin và dữ liệu cho mục đích khoa học và thương mại.
(2) Các luật được ban hành theo các mục 24 và 26 của đoạn (1) phải có sự chuẩn thuận của Thượng nghị viện.
Điều 76. Dự luật
(1) Dự luật có thể được khởi xướng bởi Chính phủ Liên bang, bởi Thượng nghị viện, hoặc bởi Hạ nghị viện.
(2) Dự luật khởi xướng bởi Chính phủ Liên bang sẽ được gửi trước hết đến Thượng nghị viện. Thượng nghị viện sẽ có tối đa chín tuần để góp ý dự luật. Trong khi chờ đợi, Chính phủ Liên bang có thể gửi dự luật đến Hạ nghị viện để xem xét. Sau khi nhận những góp ý về dự luật từ Thượng nghị viện, Chính phủ Liên bang lập tức gửi nó đến Hạ nghị viện.
(3) Dự luật khởi xướng bởi Thượng nghị viện sẽ được gửi trước hết đến Chính phủ Liên bang. Chính phủ Liên bang sẽ có tối đa chín tuần để góp ý dự luật và chuyển nó cùng những góp ý của mình cho Hạ nghị viện. Trong khi chờ đợi, Thượng nghị viện cũng có thể gửi dự luật đến Hạ nghị viện để xem xét.
(4) Hạ nghị viện sau khi nhận dự luật và những góp ý từ chính phủ liên bang và Thượng nghị viện sẽ xem xét và bỏ phiếu về dự luật.
Điều 77. Trình tự lập pháp – Uỷ ban thương thảo
(1) Tất cả các luật liên bang phải được chuẩn thuận bởi Hạ nghị viện. Sau khi chuẩn thuận dự luật, chủ tịch Hạ nghị viện phải ngay lập tức gửi dự luật đến Thượng nghị viện.
(2) Trong vòng ba tuần sau khi nhận được dự luật đã được chuẩn thuận bởi Hạ nghị viện, Thượng nghị viện có thể yêu cầu tổ chức một uỷ ban thương thảo gồm các thành viên của Hạ nghị viện và Thượng nghị viện để cùng xem xét dự luật. Thành phần và nghi thức của uỷ ban này sẽ được quy định bởi những nguyên tắc đưa ra bởi Hạ nghị viện và cần sự chuẩn thuận bởi Thượng nghị viện. Các thành viên của Thượng nghị viện trong uỷ ban này sẽ không bị ràng buộc bởi các chỉ thị. Trong trường hợp mà một dự luật cần tới sự chuẩn thuận của Thượng nghị viện, Hạ nghị viện và Chính phủ Liên bang cũng có thể yêu cầu triệu tập một uỷ ban như vậy. Nếu uỷ ban này đề xuất bất kỳ sự chỉnh sửa nào đối với dự luật, Hạ nghị viện sẽ bỏ phiếu lần thứ hai đối với dự luật.
(3) Đối với một dự luật cần tới sự chuẩn thuận của Thượng nghị viện để trở thành luật, nếu Thượng nghị viện không yêu cầu khai mở một uỷ ban thương thảo để cùng xem xét dự luật, hoặc quá trình thương thảo về dự luật đã hoàn thành mà không có bất cứ đề nghị chỉnh sửa nào, Thượng nghị viện sẽ bỏ phiếu trong một khoản thời gian hợp lý.
(4) Đối với một dự luật không cần tới sự chuẩn thuận của Thượng nghị viện để trở thành luật, sau khi các thủ tục trong đoạn (2) đã hoàn thành, Thượng nghị viện có hai tuần để chống đối dự luật được thông qua bởi Hạ nghị viện. Thời điểm sẽ tính từ lúc Thượng nghị viện nhận dự luật đã được chuẩn thuận lại bởi Hạ nghị viện sau khi có những đề xuất sửa đổi bởi uỷ ban thương thảo như được trình bày trong câu cuối của đoạn (2); trong những trường hợp khác, thời điểm sẽ tính từ lúc chủ tịch uỷ ban thương thảo, như được trình bày trong đoạn (2), thông báo tới Thượng nghị viện rằng các thủ tục đã kết thúc.
(5) Trong trường hợp dự luật bị chống đối bởi đa số từ Thượng nghị viện, quyết định này của Thượng nghị viện có thể bị phủ quyết bởi một quyết định đa số của Hạ nghị viện. Nếu Thượng nghị viện chống đối với một đa số ít nhất là hai phần ba số phiếu, Hạ nghị viện sẽ cần tới một đa số hai phần ba để có thể phủ quyết sự chống đối của Thượng nghị viện, trong đó bao gồm ít nhất là một đa số các thành viên của Hạ nghị viện.
Điều 78. Thông qua luật quốc gia
Một dự luật được chuẩn thuận bởi Hạ nghị viện sẽ trở thành luật nếu một trong các trường hợp sau diễn ra: hoặc Thượng nghị viện chuẩn thuận nó, hoặc Thượng nghị viện không triệu tập một uỷ ban thương thảo để có bất kỳ đề xuất gì về dự luật như được trình bày trong đoạn (2) của Điều 77, hoặc Thượng nghị viện không đưa ra bất kỳ chống đối nào trong khoảng thời gian cho phép như được trình bày trong đoạn (4) của Điều 77, hoặc Thượng nghị viện rút lại quyết định chống đối, hoặc một sự chống đối về dự luật của Thượng nghị viện bị phủ quyết bởi Hạ nghị viện.
Điều 79. Sửa đổi Luật Hiến pháp
(1) Luật Hiến pháp này chỉ có thể được sửa đổi bởi một đạo luật có nội dung trình bày rõ ràng về việc sửa đổi hay bổ sung nội dung văn bản của Luật Hiến pháp.
(2) Bất kỳ một đạo luật nào nhằm sửa đổi Luật Hiến pháp này cũng cần phải có sự chuẩn thuận của hai phần ba thành viên Hạ nghị viện và hai phần ba số phiếu của Thượng nghị viện.
(3) Các sửa đổi đối với Luật Hiến pháp này mà ảnh hưởng đến sự phân chia Quốc gia thành các Bang, sự tham gia của các Bang trên nguyên tắc vào quá trình lập pháp, hoặc những nguyên tắc được đưa ra trong các Điều 1 và 22 là không thể chấp nhận.
Điều 80. Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật
(1) Chính quyền Liên bang, một Bộ trưởng Liên bang, hoặc chính quyền các Bang có thể được uỷ quyền dựa theo một luật để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung, mục đích và phạm vi của thẩm quyền cho phép sẽ được trình bày chi tiết trong đạo luật này. Mỗi văn bản quy phạm pháp luật sẽ có một tuyên bố về cơ sở pháp lý của nó. Nếu luật quy định rằng thẩm quyền này có thể được uỷ quyền tiếp, một sự uỷ quyền tiếp sẽ được thực hiện theo văn bản pháp luật.
(2) Trong trường hợp chính quyền Bang được ủy quyền hoặc căn cứ theo các luật liên bang để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các Bang cũng có quyền quy định vấn đề này bằng một luật.
Điều 81. Tình trạng khẩn cấp về mặt lập pháp
(1) Nếu, trong trường hợp được mô tả trong Điều 69, Hạ nghị viện không bị giải tán, Chủ tịch nước, theo yêu cầu của Chính phủ Liên bang và với sự đồng ý của Thượng nghị viện, có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp về mặt lập pháp đối với một dự luật nếu Hạ nghị viện bác bỏ dự luật đó mặc dù Chính phủ Liên bang đã tuyên bố rằng dự luật đó là khẩn cấp. Điều tương tự cũng áp dụng nếu một dự luật đã bị bác bỏ mặc dù Thủ tướng đã kết hợp nó với một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm theo Điều 69.
(2) Nếu, sau khi tình trạng khẩn cấp về mặt lập pháp đã được tuyên bố, Hạ nghị viện lại bác bỏ dự luật hoặc thông qua dự luật theo phiên bản mà Chính phủ Liên bang tuyên bố là không thể chấp nhận được, thì dự luật sẽ được coi là đã trở thành luật khi nó nhận được sự chuẩn thuận của Thượng nghị viện. Điều tương tự cũng áp dụng nếu Hạ nghị viện không thông qua dự luật trong vòng bốn tuần sau khi dự luật được giới thiệu trở lại.
(3) Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng, bất kỳ dự luật nào khác bị Hạ nghị viện bác bỏ có thể trở thành luật theo các đoạn (1) và (2) của Điều này trong thời hạn sáu tháng sau lần đầu tiên tuyên bố tình trạng khẩn cấp về mặt lập pháp. Sau khi thời hạn này kết thúc, không được tuyên bố thêm bất kỳ tình trạng khẩn cấp về mặt lập pháp nào trong nhiệm kỳ của cùng thủ tướng đó.
(4) Luật Hiến pháp này không thể được sửa đổi, bãi bỏ hoặc đình chỉ toàn bộ hoặc một phần bởi luật được ban hành theo đoạn (2) của Điều này.
Điều 82. Ký ban hành – Xuất bản – Bắt đầu có hiệu lực
(1) Luật được ban hành dựa theo các quy định của Luật Hiến pháp này, sau khi được ký phó thự bởi Thủ tướng và bộ trưởng có thẩm quyền, sẽ được ký xác nhận bởi Chủ tịch nước và công bố trên Công báo Luật Liên bang. Các văn bản quy phạm pháp luật sẽ được xác nhận bởi cơ quan phát hành chúng. Chi tiết về việc ban hành, hình thức ký phó thự và xác nhận đối với luật và các văn bản quy phạm pháp luật sẽ được điều chỉnh bởi một luật liên bang.
(2) Mỗi luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật sẽ ghi cụ thể ngày mà nó có hiệu lực. Trong trường hợp không ghi ngày có hiệu lực, ngày có hiệu lực sẽ là ngày thứ mười bốn sau ngày mà trang Công báo Luật Liên bang công bố nó.
(Hết Chương 7 của Hiến pháp Cộng hoà Liên bang Việt Nam)
Leave a Reply