Làm sao để dân chủ hoá Việt Nam?


Đứng trước một nhà nước cộng sản được trang bị đầy đủ và mạnh mẽ, những người dân muốn có một đất nước tự do bỗng thấy bé nhỏ. 


Quân đội cộng sản quá hùng mạnh. An ninh cộng sản quá nhiều. Bộ máy tuyên truyền quá đông. Tài chính cộng sản quá dồi dào. Tổ chức cộng sản quá chặt chẽ. 


Đứng trước một lực lượng đối địch quá mạnh như vậy, nhiều người chọn cách hợp tác hoặc im lặng để sống qua ngày là một điều dễ hiểu. 


Một số học giả, nhất là học giả tháp ngà, nghĩ rằng không thể nào thay đổi chế độ và cách tốt nhất là góp ý để chế độ thay đổi từ từ. Những góp ý gửi đi để rồi bị vất vào sọt rác, vì sự tiến bộ xã hội mà các học giả mong muốn đi ngược với các quyền lợi của những lãnh đạo cộng sản cầm quyền.


Những lãnh đạo đảng Cộng sản có thể ít học, dù đầy bằng cấp, nhưng họ không ngu. Đừng đánh giá thấp họ. Vì họ không ngu nên họ không bao giờ muốn học sinh sinh viên được giáo dục trong tinh thần của chủ nghĩa tự do để Việt Nam có một xã hội tự do. Vì vậy mà chừng nào đảng Cộng sản còn độc quyền lãnh đạo, sẽ không bao giờ có cải cách giáo dục theo hướng khai phóng, tự do, và sẽ không bao giờ có tự do báo chí hay tự do tư tưởng. Mọi tư tưởng và niềm tin của nhân dân sẽ nằm dưới sự chỉ đạo và dẫn dắt của Ban Tuyên giáo. 


Cho nên đừng mất công kêu gọi cải cách giáo dục dưới chế độ cộng sản. Vô ích. Không phải những người như Phùng Xuân Nhạ và các vị bộ trưởng giáo dục trước đó tất cả đều ngu dốt. Đơn giản là vì họ không muốn và không thể cải cách dưới sự chỉ đạo của các lãnh đạo đảng Cộng sản.


Nhiều người bi quan hơn cho rằng chế độ cộng sản sẽ tồn tại mãi mãi. Cảm giác này giống như cảm giác của những người Đông Âu sống dưới chế độ cộng sản trước khi Bức tường Bá Linh sụp đổ 30 năm trước. 


Không một chế độ độc tài nào có thể tồn tại lâu dài, nhất là trong thời kỳ hiện đại hôm nay. Hãy lạc quan lên các bạn. 


Trong khu vực Đông Nam Á, thực ra chỉ còn mỗi Miến Điện và Việt Nam là hai nước đông dân chưa dân chủ. Ở Miến Điện, tình trạng giằng co giữa hai phe quân sự và dân sự rồi sẽ kết thúc. Kỷ nguyên hiện đại không ai có thể chấp thuận một chế độ quân sự tiếp tục tồn tại. 


Singapore đã từng là một người bạn rất thân với các tướng lãnh Miến Điện trong suốt một thời gian dài nhưng giờ đây họ cũng không thể chấp nhận việc tiếm quyền của các tướng lãnh này,  và họ đã lên tiếng. Singapore đã đi một bước dài trong cách họ thể hiện và thay đổi để chuyển sang thành một nước dần tôn trọng các giá trị dân chủ. 


Ở Thái Lan, việc tiếm quyền của phe quân sự cuối cùng rồi cũng sẽ kết thúc vì các nền tảng dân chủ ở Thái Lan đã bén rễ, các lực lượng đối lập đã hình thành, vấn đề chỉ còn là thời gian khi mà phe quân đội và giới bảo hoàng cuối cùng rồi cũng phải thừa nhận rằng quyền lực sẽ phải thuộc về nhân dân và hoàng gia đã dần mất đi uy tín, thực sự không còn chỗ đứng trong lòng dân chúng như xưa. 


Khi mà tất cả các nước khác trong khu vực Đông Nam Á trở nên dân chủ, một điều sẽ sớm xảy ra, thì dưới áp lực của khu vực và Hoa Kỳ, Việt Nam (và Lào) sẽ phải dân chủ hoá. Đơn giản là vì một nước Việt Nam dân chủ sẽ nghiễm nhiên trở thành một đồng minh chính thức của Hoa Kỳ. Việt Nam có một vị thế địa chiến lược quan trọng trong chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, và việc có thêm một đồng minh Việt Nam là một lợi thế của Hoa Kỳ trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung vốn đang tiến đến hồi vô cùng gay gắt. Việc Việt Nam trở nên dân chủ do đó chỉ là vấn đề thời gian. 


Câu hỏi là chúng ta có thể thúc đẩy quá trình dân chủ hoá ở Việt Nam bằng cách nào? 


Có nhiều cách, nhưng cách hiệu quả nhất là tấn công vào điểm yếu nhất của chế độ cộng sản: đó là tính chính danh.


Người dân có thể không đọ được về sức mạnh quân sự, an ninh, tuyên truyền hay tiềm lực tài chính, truyền thông, nhưng họ, những người dân, có sự chính danh, và rằng những người dân mới chính là người bầu chọn nên chính phủ và chính quyền. Không một chính quyền nào được tự ý tiếm quyền nếu không qua bầu chọn của người dân.


Chúng ta không cần phải kêu gọi lật đổ chế độ chi cả, mà chỉ cần đòi hỏi một quyền tự do cơ bản của con người được thực thi: đó là quyền được có một cuộc bầu cử tự do và công bằng. 


Và khi một cuộc bầu cử như vậy diễn ra thì đó là lúc chế độ dân chủ thành hình. 


Muốn thắng bất kỳ một cuộc chiến nào, chúng ta cũng cần những đồng minh. Đồng minh của những người đấu tranh cho tự do Việt Nam trước hết là những người anh em Việt Nam. Có thể họ ở trong hay ngoài chính quyền, làm việc cho đảng Cộng sản hay không, không quan trọng. Cái quan trọng nhất là để cho họ thấy rằng việc đòi hỏi một cuộc bầu cử tự do nó không làm hại ai cả, không xử bắn hay bỏ tù bất cứ ai. Nó chỉ đơn giản là chúng ta cùng ngồi xuống, cùng tìm cho mình những người lãnh đạo giỏi nhất, xứng đáng nhất của quốc gia để đưa dân tộc này sánh vai cùng với các quốc gia tiến bộ trên thế giới. 


Vũ khí duy nhất của những người tiến bộ, yêu tự do, do đó chỉ là tiếng nói, nhưng ẩn sâu trong đó là tấm lòng của họ đối với quê hương. Sức mạnh của họ nằm ở chính nghĩa và những đòi hỏi về tính chính danh của chế độ rằng những quyền căn bản của con người cần được tôn trọng, trong đó có quyền được ứng cử và bầu cử tự do.


Hãy nói lên những điều này theo cách riêng của bạn. Bởi vì, trong khu rừng, bạn chỉ nghe tiếng rít của loài dế nếu không có tiếng hót của loài chim. 


Nguyễn Huy Vũ

21.5.2021  


Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *