Trung Quốc biết rằng giới cầm quyền Hà Nội rất sợ chiến tranh và chừng nào mà Trung Quốc không tấn công trực diện làm lung lay chiếc ghế của các nhà cầm quyền cộng sản thì chỉ cần đe dọa một cuộc xung đột vũ trang là đã đủ khiến giới cầm quyền ở Hà Nội nhượng bộ.
Tại sao giới cầm quyền Hà Nội sợ chiến tranh thì nhiều người đã hiểu. Đó là khi một cuộc xung đột vũ trang diễn ra, giới cầm quyền Hà Nội không chắc sẽ kiểm soát được tình hình trong nước, khi mà dưới sự phẫn nộ của người dân và các nhóm trong quân đội, không chắc gì họ để yên cho các cấp cầm quyền ở Hà Nội, đặc biệt là khi mà họ cảm thấy các cấp lãnh đạo không có khả năng. Những nhà cầm quyền ở Hà Nội khó khăn lắm mới có được những vị trí như vậy, và họ không muốn mất đi. Và khi mà nhân dân có thể áp lực họ ra đi thì nhân dân cũng có thể áp lực đưa Đảng Cộng sản ra khỏi vị trí cầm quyền. Trung Quốc hiểu điều đó nên họ chỉ cần đe dọa tấn công Trường Sa là đã đủ để giới cầm quyền Hà Nội nhượng bộ.
Ở vị trí bãi Tư Chính, còn gọi là lô 136-03 hay Dự án Cá Rồng Đỏ, Talisman-Việt Nam — công ty con của công ty Repsol của Tây Ban Nha — đã bỏ ra 300 triệu đô-la cho các chi phí hạ tầng. Số tiền này tuy lớn, nhưng vẫn không là bao so với sinh mạng chính trị của giới cầm quyền, đặc biệt là cả ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Ba trăm triệu đô-la nếu có đền thì có thể lấy từ ngân sách quốc gia, và nó tương đương mỗi người dân móc túi ra hơn 3 đô-la thôi. Trong một khả năng khác, Hà Nội có thể đền Repsol bằng một lô khai thác dầu gần bờ biển hơn, nhưng có lẽ với những kinh nghiệm xảy ra, Repsol có lẽ sẽ chọn kế «tẩu vi thượng sách».
Có một câu hỏi khác rằng liệu Việt Nam có đánh thắng được Trung Quốc không trong trường hợp này? Câu trả lời là có thể.
Nhiều người bi quan rằng lực lượng hải quân và vũ khí chúng ta yếu nên thua là cái chắc. Những người này không đọc binh thư, hoặc ít nhất là không đọc lịch sử các sự kiện Việt Nam chống sự xâm lược của phương Bắc. Chúng ta luôn luôn yếu và chúng ta đã thắng, có như vậy chúng ta mới tồn tại đến hôm nay.
Nếu như Trung Quốc thắng chỉ khi họ khuất phục được toàn bộ ý chí phản kháng của Việt Nam, thì Việt Nam thắng khi chỉ cần duy trì được tiềm lực phản kháng bằng cách kéo dài cuộc chiến.
Trong chiến tranh hiện đại, nếu một cuộc xung đột diễn ra ở Biển Đông và Việt Nam có thể duy trì chiến cuộc trong vòng vài tuần và sau đó đợi một bên thứ ba trung gian hòa đàm kết thúc cuộc chiến là đã đủ để thắng lợi.
Trong trường hợp như vậy, Trung Quốc sẽ bị thiệt nhiều hơn so với Việt Nam. Sự phong tỏa khu vực hàng hải của Biển Đông sẽ khiến đường hàng hải quan trọng nhất của Trung Quốc bị cắt; hàng hóa và dầu mỏ tiếp tế cho thị trường Trung Quốc sẽ bị chặn lại. Chiến tranh và rủi ro chiến tranh cũng khiến cho giới đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc nhanh chóng rút tài chính ra khỏi Trung Quốc. Xung đột càng lâu thì càng làm cho thị trường tài chính và kinh tế Trung Quốc đi sâu vào hỗn loạn.
Cho đến nay, tính chính danh duy nhất của giới cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc là khả năng duy trì ổn định xã hội và phát triển kinh tế. Khi mà xã hội trở nên bất ổn và kinh tế suy sụp, xã hội Trung Quốc tự động nổi loạn. Giới cầm quyền Trung Quốc bên ngoài phải lo chiến tranh, bên trong phải lo nội loạn. Vì vậy mà Việt Nam càng có khả năng cầm cự thì Trung Quốc tất sẽ phải rút quân với những tổn thất đáng kể.
Với những tổn thất to lớn, Trung Quốc sẽ phải cân nhắc nếu muốn xung đột với Việt Nam. Nhưng, như đã đề cập, Việt Nam chỉ có thể là một đối thủ đáng gờm khiến Trung Quốc phải cân nhắc chỉ khi Việt Nam thể hiện được trước Trung Quốc rằng Việt Nam sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ và quyền lợi với cái giá là chiến tranh. Điều này chỉ có thể khi Việt Nam là một nước dân chủ, chứ không phải dưới sự cầm quyền của các lãnh đạo cộng sản.
Nguyễn Huy Vũ
24.7.2017
Leave a Reply