Nauy, một quốc gia may mắn

Nhìn số phận bi thương của những người Hồi giáo Rohingya từ Miến Điện trôi dạt trên biển Đông Nam Á không nước nào nhận, kể cả Malaysia, Indonesia, hay Thái Lan, làm tôi nhớ đến một câu chuyện cách đây không lâu ở Oslo, Nauy.
Một buổi chiều tôi ghé một siêu thị nhỏ của người Việt để mua đồ. Đứng trước cửa hàng là một anh quần áo xộc xệch, thấy tôi ra ảnh nói lảm nhảm một câu gì đó. Chưa kịp định thần thì bác phụ quán bảo, “tội nó, nó đi vượt biên, ở trong trại bị khùng, không nước nào nhận, cuối cùng Nauy nó nhân đạo nên nhận nó về nuôi”. Thật may mắn cho anh.
Alesund, Nauy. Nguồn: Internet.
Nauy là một quốc gia may mắn, và họ chia sẻ sự may mắn của họ cho anh.
Sự may mắn của Nauy không phải chỉ duy nhất đến từ nguồn dầu mỏ vì có nhiều nước giàu tài nguyên nhưng không thịnh vượng, người dân không hạnh phúc. Hãy xem trường hợp của Venezuela ở châu Mỹ La-tinh, của các nước Trung Đông, hay châu Phi giàu tài nguyên.
Sự may mắn của Nauy đến từ việc họ có được những lãnh đạo sáng suốt, vì quyền lợi của đất nước, xưa và nay. Và sự thịnh vượng của một nước nhỏ như Nauy phụ thuộc phần lớn vào sự sáng suốt của một nhóm nhỏ người này.

Xây dựng một đất nước tự do dân chủ 


Ở Nauy, ngày 17/5 hàng năm là ngày quốc khánh. Họ gọi ngày quốc khánh là “Ngày Hiến Pháp”. Đúng 201 năm trước, hiến pháp dân chủ của Nauy ra đời thiết lập nên một nhà nước Nauy dân chủ tự do, và bản hiến pháp được duy trì đến ngày hôm nay.
Trong hiến pháp dân chủ này, quyền lực của vua bị giới hạn. Các trí thức cách mạng của Nauy lấy ảnh hưởng từ tinh thần dân chủ của cách mạng Mỹ và Pháp, tuy vậy, họ không theo tư tưởng cộng hòa theo nghĩa dẹp bỏ luôn hoàng gia, mà vẫn giữ lại biểu tượng hoàng gia, một phần cũng vì để giữ liên kết chính trị với Đan Mạch. 

Sự dấn thân sáng suốt của trí thức


Nauy chính thức ra khỏi chế độ phong kiến cách đây 200 năm, và trí thức của họ đã ý thức để bước ra khỏi tư tưởng phong kiến từ rất lâu trước đó rằng vị trí của nhà vua là do ước vọng của nhân dân, chứ không phải là do bất kỳ thế lực nào khác định đoạt. Nhân dân quyết định sự tại vị của nhà vua. Đó là một quyết định lịch sử đánh dấu sự chấm hết của chế độ phong kiến nơi ông vua có quyền lực vô song và đứng trên luật pháp. 
Trong tiến trình lịch sử của Nauy, giới trí thức luôn đứng đầu và dẫn dắt xã hội. Giữa những lúc quốc gia nguy cấp, trí thức đứng ra chọn nhà vua và định hướng tương lai cho đất nước mình.
Khi có ý định lập liên minh với Đan Mạch, quốc hội Nauy, đứng đầu bởi các trí thức, chọn người của Hoàng gia Đan Mạch làm vua của mình. Sau khi lập liên minh với Thụy Điển thì họ chọn người của Hoàng gia Thụy Điển làm vua của mình. Sau đó, họ lại chọn vua cho xứ mình từ hoàng gia Đan Mạch. Vua của Nauy từ rất lâu chỉ đóng vai trò biểu tượng và công cụ chính trị. Chẳng hạn như khi chọn Hoàng tử Carl của Đan Mạch làm vua Haakon VII của mình, trí thức Nauy tính rằng vì Hoàng tử Carl có vợ là con gái của vua Anh. Khi Hoàng tử Carl về làm vua của xứ Nauy thì xứ Nauy hi vọng có được sự che chở của nước Anh.
Làng đánh cá, Nauy. Nguồn: Internet.

Chính sách thân Hoa Kỳ 


Người Nauy thạo tiếng Anh, từ người già cho tới trẻ con. Sự thành thạo tiếng Anh đến từ việc mỗi ngày, từ bé cho đến lớn, họ phải xem các chương trình giải trí trên ti-vi do Hoa Kỳ sản xuất, chỉ có phụ đề. Chính sách này có hai mối lợi. Thứ nhất, về mặt kinh tế, việc dùng các chương trình có phụ đề giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất, và dễ dàng đa dạng hóa các chương trình. Thứ hai, các chương trình này giúp người Nauy thạo tiếng Anh, cập nhật các trào lưu văn hóa trên thế giới và một cách trực tiếp ảnh hưởng văn hóa Mỹ lên người xem. Vì lẽ đó mà Hoa Kỳ có một vị trí rất đặc biệt với người Nauy: là một người bạn để học hỏi, và một đồng minh quân sự. Các sinh viên ưu tú nhất của Nauy được gửi sang Hoa Kỳ để học. Nauy cũng là thành viên sáng lập Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Vun đắp các giá trị nhân văn 


Nauy là một trong ít nước bền bỉ luôn mở rộng vòng tay với những người tị nạn. Đó cũng là lý do của sự xuất hiện cộng đồng Việt Nam ở Nauy. Giờ đây, mỗi năm Nauy nhận khoảng 40 ngàn người; người tị nạn chủ yếu đến từ các nước Trung Đông. 
Cái cho quý nhất là cái cho lúc người ta đói. Tình cảm lớn nhất nhận được là lúc ngặt nghèo. Bằng cách giang rộng vòng tay đón nhận những người tị nạn, Nauy đã tạo nên một hàm ơn lớn lao trong cộng đồng những người tị nạn. Tình cảm đó đổi lại là một đất nước Nauy ngày càng đa sắc tộc, năng động, và giàu văn hóa hơn, đó là chưa kể các cộng đồng tị nạn sẽ giúp Nauy gắn kết nhiều hơn với nhiều vùng địa lý, thúc đẩy các lợi ích về an ninh và thương mại. Sự đa văn hóa ngược lại giúp cho sự thông hiểu lẫn nhau giữa các sắc tộc và giúp thúc đẩy hòa hợp và hòa bình ở Nauy.
Nhiều người biết đến Nauy như là nơi cổ vũ cho hòa bình với giải Nobel Hòa Bình hàng năm. Nauy không chỉ cổ vũ cho hòa bình. Nauy còn cổ vũ cho tự do và dân chủ. Đó là những giá trị cốt lõi dựng xây nên một Nauy hiền hòa và thịnh vượng. Hàng năm Nauy đăng cai tổ chức Diễn Đàn Tự Do Oslo (Oslo Freedom Forum), nơi vinh danh các nhà hoạt động đang bị đàn áp khắp thế giới vì các hoạt động thúc đẩy các quyền tự do của con người. Bằng việc gieo những mầm tự do và dân chủ khắp thế giới, Nauy nuôi dưỡng và duy trì được những giá trị tự do và nhân văn ở chính nước mình. Các giá trị này từ đó thúc đẩy thêm sự thịnh vượng của quốc gia.

Để lại cho đời sau 


Dịp kỉ niệm 1000 năm Oslo, chính quyền cho làm một hòm nhỏ có sức chịu đựng được tới 1000 năm sau, trong chứa các lá thư và các kỉ vật của Oslo, nhằm gửi những lời nhắn và món quà đến cho các thế hệ của 1000 năm tới. Hòm chỉ được mở đúng 1000 năm sau. Một hành động nghĩ đến những thế hệ tương lai.
Một hành động thiết thực có ý nghĩa khác là lưu giữ các giá trị tài nguyên quốc gia cho các thế hệ kế tiếp. Khoảng 50% xuất khẩu của Nauy đến từ dầu mỏ, khí đốt và các dịch vụ liên quan. Dầu mỏ và các ngành công nghiệp đi kèm chiếm 23% GDP và 30% tổng thu nhập của chính phủ. Biết rằng nguồn tài nguyên này là hữu hạn, các nguồn thu nhập từ dầu mỏ được chính phủ Nauy bỏ vào một quỹ riêng đem đầu tư, lấy lãi để đầu tư vào an sinh xã hội, phần còn lại lưu giữ cho các thế hệ kế tiếp. Hiện quỹ dầu mỏ trị giá 6.622 tỉ Krone Nauy, tương đương 900 tỉ đô la Mỹ, cho lãi mỗi năm ở mức trung bình 5,8%. Với dân số khoảng 5 triệu người, số tiền này tương đương việc mỗi người Nauy để tiết kiệm khoảng 181 ngàn đô la Mỹ, và cho mức lãi hàng năm khoảng 10 ngàn đô la Mỹ. Số tiền lãi đủ để chi tiêu cho các vấn đề về phúc lợi xã hội.

Xây dựng nguồn vốn con người 


Khoản tiền từ quỹ dầu mỏ ở trên để lại cho thế hệ sau nên được xem như một món quà, mà tài sản lớn nhất là một nguồn nhân lực đa dạng về văn hóa, năng động, và có trình độ. Có được như vậy nhờ Nauy đầu tư một cách mạnh mẽ cho hệ thống giáo dục và an sinh xã hội, một chế độ nhập cư có chọn lọc và tích hợp thành công các cộng đồng tị nạn vào xã hội dòng chính của mình, cũng như là một đất nước luôn trân trọng và đón nhận những tài năng.
Chính sách bình đẳng xã hội với mức lương hào phóng cho những người có thu nhập thấp cùng với hệ thống an sinh xã hội và hệ thống giáo dục miễn phí cho mọi cấp giúp trang bị cho những người ở vị trí thấp nhất của xã hội cơ hội được tiếp cận hệ thống giáo dục và vươn lên. Điều này giúp hình thành nên một tầng lớp trung lưu mạnh làm nền tảng cho sự phát triển.
Những chính sách đó đã giúp Nauy, một nước nhỏ về dân số và phân tán rời rạc, trở thành một xã hội năng động và sáng tạo. Trong bảng xếp hạng các quốc gia sáng tạo nhất thế giới theo Global Creativity Index (bởi Martin Prosperity Institute), Nauy xếp thứ 7, theo Global Innovation Index (xuất bản bởi Đại Học Cornell, Hoa Kỳ, Viện Kinh Doanh INSEAD, và Liên Hiệp Quốc), Nauy xếp thứ 14. Theo chỉ số phát triển doanh nghiệp GEDI index, Nauy xếp thứ 16. Và quan trọng nhất là trong bảng xếp hạng các quốc gia hạnh phúc nhất, xuất bản bởi Liên Hiệp Quốc (World Happiness Report), Nauy xếp thứ 2, chỉ sau Đan Mạch.
Hạnh phúc của một quốc gia trước tiên đến từ hạnh phúc của mỗi cá nhân, và đó là điều may mắn cho những người dân Nauy, họ thuộc những người hạnh phúc nhất của thế giới.
Nguyễn Huy Vũ
Quốc Khánh Nauy, Oslo, 17/5/2015.

Posted

in

,

by

Tags:

Comments

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *